Hôm nay,  

Câu Chuyện Chính Nghĩa

06/07/200000:00:00(Xem: 6138)
Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã họp để chuẩn bị cho Đại hội đảng kỳ 9 dự định họp vào tháng 3 năm 2001. Các nguồn tin đảng “cấp cao” đã cố ý xì ra cho bên ngoài biết 170 ủy viên trung ương thảo luận về 4 vấn đề chính: 1) đánh giá tình hình quốc tế và quốc nội: những cơ hội, thử thách và hiểm họa; 2) chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế; 3) đường lối phát triển kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; và 4) định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho việc xây dựng đảng.

Tôi nghĩ đó là những việc các ông nên làm, nhưng khi các ông vẫn định hướng lãnh đạo cả nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đó đúng là chuyện xẩm vào cuội ra, nghĩa là vẫn màn kịch cũ chớ không thay đổi được gì. Trước đây ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quả quyết đại hội đảng lần này vẫn quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã được toàn dân “lựa chọn”. Câu nói toàn dân lựa chọn là nói bừa, vì thử hỏi toàn dân Việt Nam đã lựa chọn lúc nào, trong hoàn cảnh nào và theo thể thức nào" Nhưng cũng nên chờ xem các ông lãnh đạo làm ăn ra sao với cái định hướng bảo thủ như trên trong khi cả thế giới đang tiến lên với những tư tưởng mới.

Có một đề tài khác không thấy nêu ra nhưng được các nhà phân tích bên ngoài coi là khá quan trọng. Đó là vấn đề nhân sự mà theo lệ từ đại hội đảng 1991 khi có đổi mới kinh tế, mỗi lần họp có 1/3 Trung ương đảng được cho về hưu. Có lẽ nó chỉ là “phụ đề” trong vấn đề thứ 4, nhưng liên quan đến chuyện ai ở ai đi, tạo cho đảng một bộ mặt mới trườn ra bên ngoài. Ngay trong lúc này ở Hà Nội đã có tin đồn ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch Nhà nước để tạo ra một thế lãnh đạo mạnh. Hiển nhiên người ta đã phải nhìn nhận cái quái thai “tam đầu chế” lạc hậu chỉ là một sự chắp vá tạm thời. Nếu nó tiện cho việc thoa dịu các tranh chấp trong nội bộ đảng, nó lại tỏ ra rất yếu khi phải đối phó với bên ngoài. Tôi đã có dịp phân tích vấn đề cấu trúc lãnh đạo đảng nhiều lần, nhất là trong dịp “Phiêu Du Tây Ký”. Nay bắt chước Trung Quốc, để cho ông Phiêu có cả hai chức vụ như Giang Trạch Dân cũng là điều hợp thời, ông sẽ có cái áo Tổng bí thư đầy quyền lực và cái quần Chủ tịch Nhà nước với nghi tiết Quốc trưởng.

Tôi thật không muốn châm biếm, nhưng câu hỏi đặt ra là làm như vậy nước Việt Nam Cộng sản đã có một lãnh đạo mạnh chưa" Tôi nghĩ đến một châm ngôn đầy vẻ mai mỉa của người Pháp là “cái áo không làm nên thầy tu”. Đúng vậy, nếu cho ông Phiêu mặc đủ bộ cân đai áo mão, nhưng không có quyền hành thực sự mà vẫn phải tuân theo lệnh của những thế lực nằm trong bóng tối, thà cho ông ấy mặc quần áo làm bằng giấy... bóng kính còn hơn. Xin đừng tưởng tôi mong cho đảng Cộng sản Việt Nam có một cá nhân độc tài cầm quyền nhất thống như Stalin thời xưa hay Kim Chánh Nhật thời nay. Có một điều cần phải nói cho rõ là cách tổ chức của các đảng Cộng sản chỉ đưa đến hai đường: hoặc tạo ra một cá nhân độc tài, hoặc thay đổi hẳn cương lĩnh và cấu trúc để biến thành một đảng khác, chớ không thể ỡm ờ nửa chừng xuân theo kiểu “ba anh phỗng sành”. Và trong thời đại hiện nay, ở những nước Cộng sản đã đổi mới để mở cửa tiếp xúc với bên ngoài, không có cách nào tạo được một độc tài cá nhân hay độc tài đảng trị. Khi giao tiếp giữa con người và con người đã bùng lên như một đám cháy rừng làm nở rộ những tư duy mới, mọi chế độ chính trị bắt buộc phải tiến. Ngay cả trong các chế độ dân chủ ngày nay, không còn ai nói đến mấy chữ “đảng cầm quyền”, dù sự cầm quyền đó được lựa chọn theo một thể thức hoàn toàn tự do dân chủ. Tại sao vậy" Tôi nghĩ sẽ bàn đến việc này khi có dịp nhìn đến tình hình chính trường Mỹ trong mùa tranh cử hiện nay.

Trở lại vấn đề của đảng Cộng sản Việt Nam, tạo một thế lãnh đạo mạnh không có nghĩa là mặc quần mặc áo cho một người rồi cho cầm cờ chạy rông. Thế lãnh đạo mạnh xuất phát từ sự đồng thuận trong cơ cấu lãnh đạo. Đồng thuận là thảo luận công khai để tìm ra một đa số đồng ý dù có thiểu số chống đối, đồng thuận cũng không phải là đồng ý nhất trí thông qua trong hăm dọa, cưỡng chế và sợ hãi. Vì không có đồng thuận nên mới có sự rạn nứt bên trong, khiến không có lãnh đạo mạnh. Các ông cộng sản bắt đầu nói đến dân chủ, nhưng tôi xin nói thật, chính trong nội bộ các ông đã không có dân chủ, làm sao nói cho ai tin. Không có dân chủ nên không có đồng thuận và không có đồng thuận nên chỉ có lãnh đạo yếu.

Bây giờ giả thử đảng Cộng sản có dân chủ trong nội bộ và tạo được đồng thuận để có lãnh đạo, họ đã có chính nghĩa để cai trị chưa" Các nhà quan sát Tây phương nói đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn chứng minh tính chất hợp pháp (legitimacy) để cầm quyền, nhưng tôi nghĩ từ ngữ nói cho gọn của dân Việt Nam chỉ là chính nghĩa mà người ta hay nói đến. Chữ “chính nghĩa” đã bị suy diễn và lạm dụng hơi nhiều, nên cũng nên nói cho rõ.

Khi một tập thể, một đảng phái tạo được sự đồng thuận trong tinh thần dân chủ để có một lãnh đạo mạnh, tập thể đó có chính nghĩa, nhưng chính nghĩa đó chỉ phục vụ quyền lợi cho một đảng một nhóm người chớ không phải phục vụ quyền lợi cả nước. Muốn có chính nghĩa cai trị một nước là phải có sự đồng thuận của toàn dân qua bầu cử tự do theo thể thức dân chủ. Đồng thuận và chính nghĩa lãnh đạo gắn liền với cấu trúc tổ chức đảng và tổ chức chính quyền. Đối với đảng Cộng sản Việt Nam và cách tổ chức đại hội của nó, nếu muốn có đồng thuận là phải thay đổi toàn bộ cấu trúc xây dựng đảng từ trên xuống dưới. Nhưng dù đảng Cộng sản có được đồng thuận để có lãnh đạo mạnh, nó vẫn không có sự đồng thuận của toàn dân để cai trị. Nó vẫn không có chính nghĩa cầm quyền, nó chỉ là một thứ độc tài đảng trị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.