Hôm nay,  

Không Quên Quá Khứ

27/04/200200:00:00(Xem: 3686)
Không ai có thể quên được quá khứ, trừ những người mắc bệnh hoại não. Nhưng nếu không ai quên được, lại có những người chỉ muốn bám lấy quá khứ để sống. Quá khứ chỉ là những bài học cần để thích ứng với hiện tại. Nếu không đối phó được với hiện tại, làm sao có tương lai" Chỉ có những hoạt tử nhân mới không có tương lai. Quá khứ có nhiều kinh nghiệm phức tạp, vui buồn, vinh nhục. Những kẻ chỉ biết bám lấy vinh quang của quá khứ mà cố ý quên đi những nỗi nhục, những thất bại chỉ là những kẻ hèn yếu, sợ hãi trước thực tại. Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua, những người Cộng sản Việt Nam vẫn bám lấy vinh quang của quá khứ để duy trì quyền lực thống trị, vì ngoài cách đó họ không biết có cách nào khác.

Nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4, ngày Cộng sản dùng vũ lực thôn tính toàn thể đất nước Việt Nam, tôi nhớ lại một chuyện cũ. Năm 1995, vào dịp kỷ niệm ngày 30-4, một đoàn ký giả của đài Truyền hình số 2 Pháp quốc sang Mỹ đến quận Cam để làm một thiên phóng sự về cuộc sống của những người Việt tị nạn sau 20 năm định cư tại Mỹ. Họ yêu cầu tôi ra trước cửa tòa báo ở đường Moran, Westminster, để làm một cuộc phỏng vấn thu hình. Họ có vẻ đã biết qua về tôi nên đặt câu hỏi: "Ông đã bị Cộng sản bắt đi tù cải tạo, ông có căm thù Cộng sản không"". Tôi trả lời: "Tôi không căm thù". Anh phóng viên Pháp cười nhìn tôi trước ống thu hình. Tôi cũng cười cười nhìn anh ta, tôi biết anh ta nghĩ gì, có thể anh cho tôi nói dối. Nhìn anh phóng viên Pháp chỉ biết rất ít tiếng Anh, tôi chợt nhớ đến một câu của Văn hào Pháp Alexandre Dumas trong cuốn tiểu thuyết trứ danh "Les Trois Mousquetaires" tôi đã đọc trong lúc thiếu thời khi còn đi học, tôi cuời lớn và nói: "Tha thứ không phải là quên". Và anh ta cũng cười ngất.

Lát sau tắt máy quay phim, chúng tôi ngồi nói chuyện gẫu với nhau, anh phóng viên Pháp nói: "Ông nói không căm thù, vậy tại sao ông viết những bài chống Cộng sản"". Tôi muốn nói rõ tâm trạng của tôi bằng một hình ảnh dễ hiểu. Thí dụ tôi là một người khách bộ hành đi trên một con đường núi hẹp bên bờ vực thẳm, tôi vấp phải một hòn đá làm tôi đau điếng chảy máu chân, tôi dừng lại và căm thù nguyền rủa nó chăng" Tôi không làm thế vì căm thù tức giận có ích gì. Vả lại nó chỉ là hòn đá. Tôi chỉ lẳng lặng nâng nó lên rồi liệng nó xuống vực. Anh ta hỏi: "Để làm gì vậy"". Tôi đáp: "Để cho người đi sau khỏi vấp phải nó chớ còn làm gì nữa". Anh phóng viên Pháp gật gù thông cảm. Nếu hòn đá quá lớn một mình cá nhân tôi không làm nổi, tôi sẽ chờ những bộ hành khác và tập thể cùng làm.

Bẩy năm sau, cũng câu hỏi đó đã đến với tôi nhiều lần, nhưng dưới hình thức khác. Mấy ngày qua, trong một cuộc mạn đàm với một người muốn tìm hiểu về các nhà báo trước đây ở Saigon nay vẫn còn tiếp tục hành nghề ở Mỹ, người đó hỏi: "Bao giờ chế độ Cộng sản Việt Nam sụp đổ"". Tôi đáp: Chữ "bao giờ" không quan trọng bằng chữ "thế nào". Một chế độ chính trị chỉ có thể sụp đổ bằng bạo lực đẫm máu như đảo chính, nội chiến, hoặc ôn hòa bằng những biến đổi dần dần dưới áp lực của tình thế, kể cả những đòi hỏi của người dân trong nước. Tôi chỉ là một ký giả sống ở ngoài nước, những tin tức tôi nhận được về tình hình Việt Nam chỉ là những tin "chín", nghĩa là đã được phổ biến công khai qua các hệ thống báo chí quốc tế. Tôi không phải là người trong cuộc ở Việt Nam và cũng không phải là một chuyên gia để có những tin "sống" trực tiếp của những nguồn tin riêng. Dự đoán tình hình biến chuyển của một nước có một trạng thái "lỏng" như ngày nay là một việc hết sức khó khăn, cả đến những người trong cuộc cũng không thể làm nổi, nói chi đến những nguời ngoài cuộc.

Cộng đồng người Việt chúng ta sống ở hải ngoại, nhất là những nạn nhân đã đi tị nạn Cộng sản đều có tinh thần chống Cộng. Theo thiển ý, chúng ta chống Cộng không phải vì họ là những nguời Cộng sản mà vì chủ nghĩa của họ và phương thức mà họ áp dụng không thể nào làm đất nước phát triển một cách lành mạnh. Những người Việt sống ở ngoài nước đều mong muốn Việt Nam tiến đến một thể chế tự do, dân chủ trong đó mọi quyền con người phải được tôn trọng và tất nhiên bất cứ một chướng ngại nào cản trở đường tiến đó cũng phải bị dẹp bỏ. Nhưng bằng cách nào"

Bối cảnh của tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay đã cho thấy một ấn tượng khá rõ: bạo lực không giải quyết được gì hết. Cả những cuộc xung đột hận thù từ ngàn xưa cũng không thể giải quyết chỉ bằng võ lực mà còn cần phải có nhiều mặt trận khác cùng thi triển để rồi rút cuộc vẫn phải đi đến một giải pháp hòa bình. Trong việc dẹp bỏ chế độc đảng toàn trị ở Việt Nam, vai trò chính vẫn là những người ở trong nước chớ không phải những người ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại chỉ có thể tiếp tay cho những phong trào đòi hỏi dân chủ ở trong nước bằng cách vận động dư luận quốc tế tạo thêm áp lực đối với chế độ CSVN. Trong những tháng vừa qua, nhất là trong dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, các tổ chức đoàn thể tranh đấu của Cộng đồng nguời Việt hải ngoại đã nêu lên những vấn đề cụ thể để đòi hỏi một sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tình hình đó cho thấy tinh thần chống Cộng của người Việt hải ngoại không lúc nào phai mờ dù cho cả một thế hệ sắp qua đi. Chúng ta không quên quá khứ.

Cuộc tranh đấu ôn hòa có thể còn dài, nhưng đó là con đuờng duy nhất chúng ta có thể đi trong lúc này. Con đường bạo lực sẽ làm Cộng sản sớm sụp đổ, nhưng bạo lực là máu đổ thịt rơi cho đồng bào trong nước, những người đã từng chịu đựng quá nhiều đau khổ. Chúng tôi nghĩ ở bên ngoài, không ai chấp nhận trả một cái giá quá mắc như vậy cho những mục tiêu chính trị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.