Hôm nay,  

Lùi Dần Từng Bước?

12/11/200200:00:00(Xem: 4205)
Liên đoàn Ả rập họp ở Cairo đã ra tuyên bố 8 điểm hoan nghênh bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Iraq, nhưng cảnh cáo mọi cuộc tấn công vào Iraq sẽ bị coi như một mối hăm dọa cho nền an ninh của tất cả các nước Ả Rập. Một ngày sau lời tuyên bố này, Quốc hội Iraq đã họp khẩn cấp. Bản nghị quyết của HĐBA đòi hỏi Saddam Hussein phải giải giới những vũ khí giết người hàng loạt nếu không, sẽ chịu những “hậu quả nghiêm trọng”. Từ ngữ này được Mỹ cho hiểu là sẽ có chiến tranh nếu Iraq chống đối, mặc dù trên văn bản không có chữ đó. Mỹ đã đạt được kết quả này sau khi sửa đổi nhiều bản dự thảo đầu tiên trong đó có sự hăm dọa rõ rệt là HĐBA sẽ cho phép Mỹ được dùng vũ lực nếu Saddam tìm cách cản trở thanh sát vũ khí.
Dù sao đây cũng là nghị quyết cứng rắn, có tính cách một tối hậu thư. Tiếng đồng hồ kêu tích-tắc ngay khi nghị quyết được thông qua, hẹn cho Iraq đến ngày 15-11 phải chấp nhận nghị quyết. HĐBA biểu quyết với số thăm 15-0, ngoài 5 nước thường trực cả Syria cũng đồng ý. Nhưng cuộc khủng hoảng không kết thúc ở chỗ này. Nghị quyết tạo ra một lịch trình rõ rệt từng giai đoạn. Sau khi Iraq chấp thuận nghị quyết, đến ngày 8-12 Iraq phải thông báo mọi khía cạnh các chương trình chế tạo vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Đến ngày 23-12, thanh sát quốc tế sẽ bắt đầu làm việc trở lại và đến ngày 21-2-03, phải báo cáo với HDBA. Trong khi làm việc các thanh sát viên phải báo cáo ngay những vụ Iraq gây trở ngại, không tuân hành việc giải giới. Đến ngày 21-2-03, sau khi nhận được báo cáo của đoàn thanh sát, HĐBA sẽ được triệu tập để cứu xét tình thế và nếu cần, sẽ quyết định phải làm gì để nghị quyết được tuân hành đầy đủ, tái lập hòa bình và an ninh quốc tế.
Đây là một nghị quyết rất chặt chẽ, nhưng quan trọng nhất vẫn là câu hỏi nếu có sự vi phạm, liệu Mỹ có chịu cho HĐBA quyền quyết định đánh hay không đánh Iraq" Theo nghị quyết, nếu có vi phạm, HĐBA sẽ họp để quyết định. Nhưng nếu HĐBA họp chỉ kéo dài trong sự tranh cãi mà không có hành động gì cụ thể thì sao" Tổng Thống Bush đã từng nói nếu HĐBA không làm được việc, hãy đứng sang một bên để Mỹ làm việc. Trong khi chờ đợi Iraq trả lời về nghị quyết, Tổng Thống Bush đã chấp thuận kế hoạch tấn công Iraq nếu việc thanh sát quốc tế thất bại. Kế hoạch này huy động đến 200,000 quân để tiến chiếm Iraq, tức là nhiều gấp đôi số quân dự liệu trước. Hôm chủ nhật, Chánh văn phòng Bạch Cung Andrew Card nói nếu Iraq vi phạm nghị quyết, Mỹ sẽ đơn phương hành động mà không cần phải xin phép HĐBA. Tất cả những áp lực và hăm dọa nẩy lửa đó nhằm dồn ép Saddam phải lùi dần từng bước.

Nhưng dù Saddam Hussein chịu lui bước đầu để chấp nhận nghị quyết, tình thế vẫn chưa hết căng thẳng ít nhất cho đến khi thanh sát quốc tế hoàn tất giai đoạn đầu vào ngày 21-2-03. Bởi vì nếu Mỹ giữ đúng lời hăm dọa, chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Trước khi HĐBA biểu quyết, Tổng Thống Bush đã vận động với Nga, Pháp và Trung Quốc để họ không phủ quyết. Sau cuộc biểu quyết, ba nước này đã đưa ra một tuyên ngôn chung diễn dịch ý nghĩa của nghị quyết, nói rằng nghị quyết loại trừ mọi “trường hợp tự động” dùng võ lực và HĐBA chỉ thảo luận những vi phạm của Iraq theo báo cáo của đoàn thanh sát. Còn lập trường của các nước Ả rập là cương quyết bác bỏ mọi trường hợp Mỹ sử dụng vũ lực với Iraq. Ngoại trưởng Saudi Arabia khuyến cáo Iraq nên chấp nhận thanh sát quốc tế trở lại vì có sự xác nhận Syria đã nhận được là “không có việc tự động dùng võ lực”. Syria là một trong 15 nước hội viên HĐBA, trước chống nghị quyết, nhưng đã đồng ý biểu quyết thuận sau khi được sự xác nhận nói trên.
Bản tuyên bố của Liên đoàn Ả rập kêu gọi các nước hội viên thường trực của HĐBA giữ đúng lời cam kết với Syria là nghị quyết của LHQ không được dùng để viện cớ đánh Iraq và cũng không có nghĩa là cho quyền tự động dùng võ lực. Ngoài ra khối Ả rập còn đòi hỏi đoàn thanh sát quốc tế phải gồm cả các chuyên gia Ả Râp và cho phép Iraq tự hủy bỏ các loại vũ khí giết người hàng loạt. Tại Bagdad Quốc hội 250 người của Iraq đã thảo luận nghị quyết theo tinh thần đó từ 7:00 giờ tối thứ hai - tức là 11:00 giờ sáng Miền Đông Hoa Kỳ. Dù dư luận cho rằng Iraq sẽ chấp thuận, cuộc họp của Quốc hội có lẽ mất một thời gian trước khi đến hạn chót.
Lập trường của ba nước Nga, Pháp, Trung Quốc cho thấy nếu Mỹ đánh Iraq, tất nhiên sẽ không thể nào có sự đồng ý của HĐBA vì ba nước đó có quyền phủ quyết mọi nghị quyết cho phép đánh. Dù với sự yểm trợ của Anh, cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq sẽ gập sự chống đối của ba nước đó và những nước Ả rập Trung Đông, kể cả những nước xưa nay vẫn là đồng minh của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thuộc khối NATO, và dư luận nhiều nước Âu châu. Chúng tôi hy vọng chiến tranh sẽ không xẩy ra vì Saddam thừa biết chế độ của ông ta không thể nào tồn tại một khi Mỹ dốc toàn bộ sức mạnh quân sự tấn công Iraq.
Tuy nhiên Saddam vẫn còn nhiều lá bài trong tay áo để gây khó khăn cho Mỹ. Nếu có gì trục trặc, Mỹ sẽ lâm vào thế kẹt. Nếu Mỹ không đánh, chẳng lẽ bao nhiêu lời hăm dọa quyết liệt trở thành dọa suông hay sao, và như vậy tiếng nói của siêu cường Mỹ còn có bao nhiêu sức nặng trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Nhưng nếu Mỹ đánh là gập nhiều khó khăn đối nội và đối ngoại, nhất là sự chống đối của các nước Ả rập. Mục tiêu tối hậu của Saddam là gây chia rẽ giữa Mỹ và HĐBA cũng như giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo Ả râp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.