Hôm nay,  

Phỏng Vấn Phan Văn Hưng

22/10/200200:00:00(Xem: 7150)
Về CD Mới Nhất của Anh & Nam Dao: Quyển Nhật Ký Của Một Dân Tộc

LGT (emviet): Anh Phan Văn Hưng và chị Nam Dao vừa hoàn thành cuốn CD mới nhất do hai anh chị sáng tác. CD này sẽ có mặt ở khắp nơi vào giữa tháng 10 năm 2002 và được nhóm EM Viet (www.emviet.com) phát hành. Anh Phan Văn Hưng là người nhạc sĩ được biết đến qua các ca khúc bất hủ "Ai Về Xứ Việt", "Thằng Bé Tát Dầu", "Hai Mươi Năm", "Bạn Bè Của Tôi" và khoảng 100 bài hát khác được sáng tác trong 3 thập niên qua. Phan Văn Hưng và Nam Dao vẫn tiếp tục vẽ lên bức tranh hiện thực và sâu sắc của đời sống người dân nước Việt qua nét âm họa có một không hai của anh chị. Cuốn CD mới này gồm có tổng cộng 12 ca khúc, và mỗi ca khúc một sắc thái riêng biệt. Nhưng góp chung lại là một bức tranh rõ nét của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Xin kính mời quý vị tìm hiểu thêm về cuốn CD này qua cuộc tiếp chuyện của Bích Hằng với nhạc sĩ Phan Văn Hưng.

BH: Sau CD Khát phát hành vào năm 2001, chủ đề cho CD này là gì và tại sao anh chọn tên đó"
PVH: CD này là sự góp nhặt những sáng tác của Nam Dao và tôi trong 2 năm qua, nên nếu chị hỏi là chúng tôi đã có chủ đề ngay từ ban đầu không, thì câu trả lời có lẽ là không. Rất khác với CD trước phải không chị, khi mục đích của tôi lúc đó là phổ nhạc một số bài thơ của những nhà thơ trong nước"
Nhưng nói như thế không có nghĩa là CD này không có một cốt chuyện. Tôi xin kể như thế này. Khi đặt tựa cho CD này, tôi đã do dự mãi, vì thường người ta hay lấy tên một ca khúc để đặt tựa cho CD, nhưng trong trường hợp của tôi, không có tên ca khúc nào là bộc lộ được tất cả những gì tôi muốn nói cả. Chẳng hạn bài "Tôi Vẫn Đợi" thơ của Tuệ Sỹ, tuy bài thơ thật hay đấy, nhưng đặt tên CD như thế thì nghe hơi yếm thế. Do dự mãi thì đùng một cái, tôi nhận được email của một bạn trẻ từ VN vào thăm trang web của chúng tôi. Trong bức thư này và nhiều lá thư kế tiếp, anh bạn trẻ này tỏ nỗi tuyệt vọng của mình khi phải sống dưới một chế độ quá bất công và tàn nhẫn. Tôi đọc thư của anh mà tôi vừa thương vừa giận, chỉ trong một buổi tôi viết xong ca khúc "Sinh Ra Làm Người VN". Viết xong, tôi mới nhận thấy tựa bài hát thật là thích hợp với những điều tôi đang muốn nói, nên tôi lấy luôn tên CD là "Sinh Ra Làm Người VN". Bài hát này là bài mới nhất mà cũng là bài tiêu biểu cho CD. Hóa ra, tuy không khởi đầu với một chủ đề nhất định nào hết, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng trở về với câu hỏi muôn thuở: kiếp làm người VN là như thế nào"
BH: Khi anh nói đến những bài hát về kiếp làm người VN, có lẽ anh muốn nói đến những bài như "Chúng Đi Buôn" và "Những Đứa Bé" phải không ạ"
PVH: Thưa vâng, tôi hát về sự kiện ở nước ta thứ gì người ta cũng có thể buôn được, từ mảnh bằng, máu và nước mắt cho đến lương tâm và sự thật. "Chúng đi buôn", chúng người ấy, mọi người VN đều biết cả. Và tôi cũng hát về những đứa bé ở đầu đường xó chợ, phải bán thân hay lượm rác để nuôi gia đình. Tôi hát về tất cả những câu chuyện trào ra nước mắt đó, những câu chuyện thật "bình thường" mà mọi người VN đều biết cả nhưng chẳng có bài hát nào chịu nói đến. Nhạc "nhắm mắt mộng mơ" thì nhiều, tôi nghĩ chúng ta cũng cần có loại nhạc "mở mắt mà nhìn", nhìn thấy để mà còn có tấm lòng với nhau, chứ không lẽ chỉ còn biết "đi buôn" thôi sao"
BH: Vâng, nhạc của anh và Nam Dao có khuynh hướng rất hiện thực, nghĩa là mô tả rất chính xác, như một bức tranh, một tấm ảnh, những hiện tượng xã hội của nước mình, nhưng song song, anh chị cũng lại đem vào bức tranh đó rất nhiều cảm xúc riêng của mình. Thế còn bài "Vọng Nam Quan", anh có coi bản đó nằm trong cái bức tranh mà anh chị đang vẽ về nước mình không"
PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc" Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.
BH: Trong CD này tôi nhận thấy có một bài hát, nhạc của anh viết, nhưng lời thì có tới ba mươi mấy tác giả lận. Xin anh cho biết tại sao có sự kiện lạ đời này"
PVH: À, đó là bài "Tôi Thương" phải không chị" Vâng ba mươi mấy tác giả đó là những bạn đọc trang web của tôi đã gửi lời ca về đóng góp cho một bài hát mà tôi đã đặt nhạc mà chưa có lời. Tôi để bản nhạc không lời của tôi lên trang web, đối với những bạn biết đọc nốt nhạc thì tôi để bản ký âm, còn đối với những bạn thích nghe nhạc trực tiếp thì tôi để âm thanh dưới dạng mp3. Xong tôi mời bà con bốn phương gửi lời ca về, chỉ với một điều kiện thôi, là mỗi câu hát phải bắt đầu bằng hai chữ "tôi thương". Thương điều gì hay thương ai, thì cứ viết ra. Từ đó tôi mới thu xếp lời ca lại thành một bản nhạc mà tôi nghĩ nó thể hiện tình thương yêu của tập thể người Việt chúng ta.
Mới đầu tôi cũng hơi lo sợ là với nhiều người đóng góp như thế, nhất là những người chưa từng quen biết nhau và chưa từng bàn bạc với nhau, bố cục bài hát có thể sẽ rời rạc lắm. Nhưng không, bài hát nghe chẳng khác gì một người viết từ đầu đến đuôi! Vì vậy tôi mới có ý nghĩ, người Việt chúng ta rất đồng tình đồng ý chí với nhau, và cuối cùng tôi đã phải thêm một câu kết cho bài hát để thể hiện điều này. Câu kết đó là: "suốt đời tôi thương mãi Việt Nam". Tình yêu của chúng ta có thể gói ghém trong câu này.
BH: Vâng, hay quá hả thưa anh" Chắc đó là bài sáng tác tập thể đầu tiên của người Việt qua internet, phải không anh" Lại có một bài nữa cũng lạ không kém với nhan đề "Những Tình Khúc Dở Dang", nhạc của anh, còn lời thì ghi là của Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết làm sao lại có sự cộng tác kỳ dị giữa anh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ạ"
PVH: Thưa không, tôi chưa bao giờ được gặp hay được quen biết Trịnh Công Sơn cả. Câu chuyện như thế này. Hồi tôi là sinh viên, tôi rất mê nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc của ông rất mới đối với thời đó, về cả lời lẫn nhạc. Là người trẻ, tôi mơ ước hòa bình cho đất nước, nên không mê sao được" Nhưng với biến cố tháng tư 75, tôi như người bị phụ tình, đã càng yêu bao nhiêu thì lúc đó tôi càng ghét bấy nhiêu. Tôi không thể hát nhạc Trịnh Công Sơn được nữa và tôi đã vứt mười mấy tập nhạc của ông vào thùng bỏ trong kho. Năm ngoái khi nghe tin ông qua đời, tôi mới giở lại chồng nhạc cũ đã vàng úa, hát lại những bài hát năm xưa, hát đến đâu thì bao nhiêu tình cảm lại sống lại trong tôi.


Nhưng tôi cũng chợt để ý một điều, những lời lẽ của ông mô tả xã hội VN thời thập niên 70 vẫn còn đúng vô cùng cho thời hôm nay. Chẳng hạn như câu: "Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui", hay "Một ngục tù hai mươi năm nuôi da vàng", hay "Gia tài của mẹ để lại cho con, một nước Việt buồn và lũ con bội tình". Thật chẳng sai vào đâu cho tình trạng đất nước chúng ta ngày hôm nay.
Hoá ra, tôi nghĩ, những giấc mơ của người thanh niên Trịnh Công Sơn dành cho quê hương đất nước thời đó, ngày nay vẫn chưa thành tựu, vẫn chỉ là những giấc mơ dở dang mà thôi. Từ ý tưởng đó, tôi mới góp nhặt lời ca của Trịnh Công Sơn qua nhiều ca khúc, góp lại thành một bài như một lời tiễn đưa cuối cùng của tôi. Nghe bài này, thế nào quý vị cũng sẽ nhận ra bút ký quen thuộc của một người nhạc sĩ kỳ tài nhưng cũng vô cùng đáng thương, đáng thương chẳng khác gì tất cả những người trẻ tuổi VN vào thời buổi đó.
BH: Xin anh có thể cho biết thêm về hai ca khúc anh phổ thơ trong nước không ạ" Một là bài "Tôi Vẫn Đợi" của Thượng Tọa Tuệ Sỹ, còn bài kia là bài "Giết Một Ước Mơ" của Chế Lan Viên.
PVH: Bài thơ "Tôi Vẫn Đợi", thầy Tuệ Sỹ viết lúc ông bị CS bắt giam. Bài thơ này rõ ràng là của một người thấm tất cả những nỗi đau đớn của con người chung quanh, thế nhưng sao nó vẫn nhẹ nhàng thanh thoát như người đang ngồi thiền vậy. Tôi yêu thích bài thơ này ở chỗ đó, và khi phổ nhạc, tôi đã cố giữ cái bầu không khí vừa rất an tịnh, vừa rất động cảm này, không hiểu tôi có diễn tả bài thơ được đúng mức hay không"
Còn bài "Giết Một Ước Mơ" thơ Chế Lan Viên cũng là một bài đáng ghi nhớ. Sau nhiều năm Chế Lan Viên làm thơ phục vụ cho Đảng CS, đây là một trong những bài thơ cuối đời ông, khi ông viết: "Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ, có phải tôi viết đâu những giòng thơ, Những điều cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi. Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười, giết một ước mơ v.v.." Chẳng khác gì trước khi nhắm mắt, ông chối bỏ tất cả những bài thơ giả dối ông đã làm để tô bóng cho chế độ. Một cử chỉ muộn màng thật, nhưng người ta thường có câu "thà muộn còn hơn không", phải không thưa chị"
BH: Mỗi ca khúc của anh và Nam Dao chứa đựng những câu chuyện thật là sâu sắc. Khi lắng nghe những ca khúc này, tôi có cảm tưởng như cuốn CD của hai anh chị là một quyển nhật ký của những gì đã xảy ra cho dân tộc ta trong hai năm qua, nhưng là một quyển nhật ký nơi anh chị đã ghi lại những cảm xúc riêng tư của mình trước mỗi biến cố, mỗi cảnh tượng. Nói vậy có sai không thưa anh"
PVH: Người làm nhạc, hay người làm thơ, rung cảm với những gì xảy ra chung quanh mình và trong lòng mình. Nhiều khi tôi cũng không hiểu đây là quyển nhật ký của dân tộc hay là quyển nhật ký của cá nhân chúng tôi nữa.
BH: Được biết anh sắp đi lưu diễn tại Âu Châu và Hoa Kỳ, không hiểu anh có thể cho biết chi tiết chuyến đi của anh không ạ"
PVH: Vâng, chuyến lưu diễn này sẽ kéo dài suốt tháng 11 qua 7 nước khác nhau, Pháp, Bỉ, Na Uy, Đức, Tiệp Khắc, Đan Mạch và Hoa Kỳ. Ở mỗi nơi tôi sẽ có dịp gặp gỡ cũng như sinh hoạt với đồng hương của mình. Những buổi trình diễn thì tập trung vào những dịp cuối tuần và đại đa số là do những đoàn thể thanh niên sinh viên đứng ra đảm trách. Còn những buổi sinh hoạt thì dồn vào trong tuần.
Đi chỉ có 4 tuần thôi mà tới bấy nhiêu nước, bấy nhiêu buổi văn nghệ, tôi biết là mình hơi quá tham lam, nhưng tôi rất yêu mến tinh thần thương nước thương người của những anh em trẻ VN khắp nơi, và tôi phải thú thật là tôi đã rút được từ tinh thần trong sáng của tuổi trẻ VN thật nhiều cảm hứng trong công việc làm nhạc và trình diễn nhạc. Tôi nghĩ chuyến đi sẽ khá mệt, nhưng bù lại, tôi sẽ được hưởng nhiều món bồi dưỡng tinh thần từ các anh em đó.
BH: Anh Hưng trước kia ở Pháp, bây giờ trở về đó hát, anh cảm thấy ra sao"
PVH: Tôi đã rời Pháp 20 năm rồi đó, thời gian đã qua rất nhanh. Trở về Paris là nơi tôi đã trưởng thành và tập tành sinh hoạt, có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Tôi sẽ gặp lại nhiều bạn cũ, tuy xa nhau đã nhiều năm, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nhau mà cảm thấy như mới hôm qua. Chúng tôi sẽ tiếp nối câu chuyện cũ như không có gì ngắt đoạn, và dĩ nhiên, tôi cũng sẽ gặp gỡ những bạn trẻ của ngày hôm nay. Hai thế hệ nhưng vẫn một tấm lòng.
Tôi sẽ hát lại những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.
BH: Còn dự tính lâu dài hơn của anh, anh có thể chia sẻ cho đồng hương được không ạ"
PVH: Vâng, sau chuyến đi này, tôi còn nhiều dự án phải hoàn thành lắm, nghĩ tới mà đã thấy lo. Trước hết là tôi phải viết cho xong phương pháp tự tập đàn guitar và sáng tác ca khúc mà tôi đã khởi sự viết trên internet cho bà con bốn phương từ 6 tháng nay, đến bây giờ vẫn mới xong độ một nửa thôi. Hàng tuần tôi nhận được thư của đồng hương gửi về hối thúc tôi làm cho xong, tôi biết nhiều người nóng lòng lắm. Tôi đành tạ lỗi vậy vì tôi đã cố hết sức nhưng vẫn không xuể.
Điều thứ nhì tôi muốn làm là thâu lại một số ca khúc xưa của Nam Dao và tôi. Đây cũng lại do sự hối thúc của bạn đọc trang web của chúng tôi. Tôi mong sẽ thực hiện được điều này trong đầu năm tới, nếu Trời Phật cho phép.
BH: BH cám ơn anh Phan Văn Hưng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Được biết anh Phan Văn Hưng sẽ đi Âu Châu và Mỹ vào tháng 11 này và sẽ có những buổi trình diễn văn nghệ với cộng đồng Việt Nam ở các nơi đó. Xin kính chúc anh nhiều sức khoẻ và thành công trong các chuyến đi sắp tới. Nếu quý vị nào muốn biết thêm về chuyến đi của anh Phan Văn Hưng xin lên trang web của EM Viet, tức là www.emviet.com/pvh.
PVH: Xin cám ơn BH.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.