LGT (emviet): Anh Phan Văn Hưng và chị Nam Dao vừa hoàn thành cuốn CD mới nhất do hai anh chị sáng tác. CD này sẽ có mặt ở khắp nơi vào giữa tháng 10 năm 2002 và được nhóm EM Viet (www.emviet.com) phát hành. Anh Phan Văn Hưng là người nhạc sĩ được biết đến qua các ca khúc bất hủ "Ai Về Xứ Việt", "Thằng Bé Tát Dầu", "Hai Mươi Năm", "Bạn Bè Của Tôi" và khoảng 100 bài hát khác được sáng tác trong 3 thập niên qua. Phan Văn Hưng và Nam Dao vẫn tiếp tục vẽ lên bức tranh hiện thực và sâu sắc của đời sống người dân nước Việt qua nét âm họa có một không hai của anh chị. Cuốn CD mới này gồm có tổng cộng 12 ca khúc, và mỗi ca khúc một sắc thái riêng biệt. Nhưng góp chung lại là một bức tranh rõ nét của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Xin kính mời quý vị tìm hiểu thêm về cuốn CD này qua cuộc tiếp chuyện của Bích Hằng với nhạc sĩ Phan Văn Hưng.
BH: Sau CD Khát phát hành vào năm 2001, chủ đề cho CD này là gì và tại sao anh chọn tên đó"
PVH: CD này là sự góp nhặt những sáng tác của Nam Dao và tôi trong 2 năm qua, nên nếu chị hỏi là chúng tôi đã có chủ đề ngay từ ban đầu không, thì câu trả lời có lẽ là không. Rất khác với CD trước phải không chị, khi mục đích của tôi lúc đó là phổ nhạc một số bài thơ của những nhà thơ trong nước"
Nhưng nói như thế không có nghĩa là CD này không có một cốt chuyện. Tôi xin kể như thế này. Khi đặt tựa cho CD này, tôi đã do dự mãi, vì thường người ta hay lấy tên một ca khúc để đặt tựa cho CD, nhưng trong trường hợp của tôi, không có tên ca khúc nào là bộc lộ được tất cả những gì tôi muốn nói cả. Chẳng hạn bài "Tôi Vẫn Đợi" thơ của Tuệ Sỹ, tuy bài thơ thật hay đấy, nhưng đặt tên CD như thế thì nghe hơi yếm thế. Do dự mãi thì đùng một cái, tôi nhận được email của một bạn trẻ từ VN vào thăm trang web của chúng tôi. Trong bức thư này và nhiều lá thư kế tiếp, anh bạn trẻ này tỏ nỗi tuyệt vọng của mình khi phải sống dưới một chế độ quá bất công và tàn nhẫn. Tôi đọc thư của anh mà tôi vừa thương vừa giận, chỉ trong một buổi tôi viết xong ca khúc "Sinh Ra Làm Người VN". Viết xong, tôi mới nhận thấy tựa bài hát thật là thích hợp với những điều tôi đang muốn nói, nên tôi lấy luôn tên CD là "Sinh Ra Làm Người VN". Bài hát này là bài mới nhất mà cũng là bài tiêu biểu cho CD. Hóa ra, tuy không khởi đầu với một chủ đề nhất định nào hết, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng trở về với câu hỏi muôn thuở: kiếp làm người VN là như thế nào"
BH: Khi anh nói đến những bài hát về kiếp làm người VN, có lẽ anh muốn nói đến những bài như "Chúng Đi Buôn" và "Những Đứa Bé" phải không ạ"
PVH: Thưa vâng, tôi hát về sự kiện ở nước ta thứ gì người ta cũng có thể buôn được, từ mảnh bằng, máu và nước mắt cho đến lương tâm và sự thật. "Chúng đi buôn", chúng người ấy, mọi người VN đều biết cả. Và tôi cũng hát về những đứa bé ở đầu đường xó chợ, phải bán thân hay lượm rác để nuôi gia đình. Tôi hát về tất cả những câu chuyện trào ra nước mắt đó, những câu chuyện thật "bình thường" mà mọi người VN đều biết cả nhưng chẳng có bài hát nào chịu nói đến. Nhạc "nhắm mắt mộng mơ" thì nhiều, tôi nghĩ chúng ta cũng cần có loại nhạc "mở mắt mà nhìn", nhìn thấy để mà còn có tấm lòng với nhau, chứ không lẽ chỉ còn biết "đi buôn" thôi sao"
BH: Vâng, nhạc của anh và Nam Dao có khuynh hướng rất hiện thực, nghĩa là mô tả rất chính xác, như một bức tranh, một tấm ảnh, những hiện tượng xã hội của nước mình, nhưng song song, anh chị cũng lại đem vào bức tranh đó rất nhiều cảm xúc riêng của mình. Thế còn bài "Vọng Nam Quan", anh có coi bản đó nằm trong cái bức tranh mà anh chị đang vẽ về nước mình không"
PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc" Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.
BH: Trong CD này tôi nhận thấy có một bài hát, nhạc của anh viết, nhưng lời thì có tới ba mươi mấy tác giả lận. Xin anh cho biết tại sao có sự kiện lạ đời này"
PVH: À, đó là bài "Tôi Thương" phải không chị" Vâng ba mươi mấy tác giả đó là những bạn đọc trang web của tôi đã gửi lời ca về đóng góp cho một bài hát mà tôi đã đặt nhạc mà chưa có lời. Tôi để bản nhạc không lời của tôi lên trang web, đối với những bạn biết đọc nốt nhạc thì tôi để bản ký âm, còn đối với những bạn thích nghe nhạc trực tiếp thì tôi để âm thanh dưới dạng mp3. Xong tôi mời bà con bốn phương gửi lời ca về, chỉ với một điều kiện thôi, là mỗi câu hát phải bắt đầu bằng hai chữ "tôi thương". Thương điều gì hay thương ai, thì cứ viết ra. Từ đó tôi mới thu xếp lời ca lại thành một bản nhạc mà tôi nghĩ nó thể hiện tình thương yêu của tập thể người Việt chúng ta.
Mới đầu tôi cũng hơi lo sợ là với nhiều người đóng góp như thế, nhất là những người chưa từng quen biết nhau và chưa từng bàn bạc với nhau, bố cục bài hát có thể sẽ rời rạc lắm. Nhưng không, bài hát nghe chẳng khác gì một người viết từ đầu đến đuôi! Vì vậy tôi mới có ý nghĩ, người Việt chúng ta rất đồng tình đồng ý chí với nhau, và cuối cùng tôi đã phải thêm một câu kết cho bài hát để thể hiện điều này. Câu kết đó là: "suốt đời tôi thương mãi Việt Nam". Tình yêu của chúng ta có thể gói ghém trong câu này.
BH: Vâng, hay quá hả thưa anh" Chắc đó là bài sáng tác tập thể đầu tiên của người Việt qua internet, phải không anh" Lại có một bài nữa cũng lạ không kém với nhan đề "Những Tình Khúc Dở Dang", nhạc của anh, còn lời thì ghi là của Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết làm sao lại có sự cộng tác kỳ dị giữa anh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ạ"
PVH: Thưa không, tôi chưa bao giờ được gặp hay được quen biết Trịnh Công Sơn cả. Câu chuyện như thế này. Hồi tôi là sinh viên, tôi rất mê nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc của ông rất mới đối với thời đó, về cả lời lẫn nhạc. Là người trẻ, tôi mơ ước hòa bình cho đất nước, nên không mê sao được" Nhưng với biến cố tháng tư 75, tôi như người bị phụ tình, đã càng yêu bao nhiêu thì lúc đó tôi càng ghét bấy nhiêu. Tôi không thể hát nhạc Trịnh Công Sơn được nữa và tôi đã vứt mười mấy tập nhạc của ông vào thùng bỏ trong kho. Năm ngoái khi nghe tin ông qua đời, tôi mới giở lại chồng nhạc cũ đã vàng úa, hát lại những bài hát năm xưa, hát đến đâu thì bao nhiêu tình cảm lại sống lại trong tôi.