Hôm nay,  

Ông Tướng Quảng Lạc?

18/09/200300:00:00(Xem: 5421)
Khi quyết định ra tranh cử tổng thống, tướng Wes Clark đóng góp gì cho lập trường bên đảng Dân Chủ hay chỉ dựng lên một sân khấu Quảng Lạc, với mình là số một và chín số không theo sau"
Sau rất nhiều đắn đo cân nhắc, rốt cuộc Tướng hồi hưu Wes Clark, 58 tuổi, đã chính thức thông báo mình sẽ ra tranh cử để trở thành ứng cử viên tổng thống bên phía đảng Dân Chủ. Quyết định của ông tất nhiên là gây nhiều biến động trong đảng vì một số lý do.
Thứ nhất, làm ứng viên John Kerry vốn đã bị lu mờ trước Howard Dean phản chiến càng thêm lu mờ: là người duy nhất có kinh nghiệm quân ngũ khi tham chiến tại Việt Nam Nghị sĩ Kerry tự coi là tiếng nói có thẩm quyền về quân sự và đối ngoại, nay ưu thế đó bị tiêu tan. Thứ hai, ứng viên Wes Clark giúp đảng Dân Chủ có một chút ánh thép giữa xu hướng phản chiến đang lan rộng trong đảng. Thứ ba, là nhân vật gốc miền Nam, ông có thể hốt phiếu của các ứng viên miền Nam như Graham hay Edward. Việc John Edward chính thức loan báo tranh cử ngày hôm kia đã bị lãng quên khi dư luận bàn tán về việc Wes Clark sẽ tuyên bố nhập cuộc.
Nhưng, trong số tổng cộng là mười chuẩn ứng viên của đảng Dân Chủ, Wes Clark đóng góp được gì cho chương trình hành động của đảng, nếu như trong những tháng tới, ông được đảng chọn lựa làm ứng viên chính thức" Câu hỏi được nêu lên trong viễn ảnh một cuộc tranh cử Bush-Clark, là điều thực ra có xác suất rất thấp.
Wes Clark là một ông tướng bốn sao và như thành phần tướng lãnh lên đến cấp đó, ông không thể không quan tâm đến kích thước hay sự nghiệp chính trị của mình. Cho đến nay, ông là người tiến xa nhất trên hướng đó, với ý thức đấu tranh chính trị rất mạnh được thể hiện từ nhiều năm nay. Trong khi chưa rõ ông có chủ trương gì về kinh tế hay đối nội, người ta chú ý nhất đến lập trường đối ngoại: ông chống việc Mỹ tham chiến tại Iraq. Cho đến nay, khuynh hướng chung của đảng Dân Chủ là chống chiến tranh, ông là người cho khuynh hướng này một chút trọng lượng nhờ bốn ngôi sao trên vai: ông chống chiến tranh vì có lý luận chính đáng.
Nếu được đảng Dân Chủ đề cử, “Clark chống Bush” sẽ là cuộc tranh cử giữa phản chiến và chủ chiến, và trong trường hợp đó, đảng Dân Chủ sẽ thua vì đa số dân Mỹ không đồng ý với quan điểm đó. Vụ khủng bố 9-11 và al Qaeda không là sản phẩm của đảng Cộng Hòa. Năm xưa, dù Hoa Kỳ đã bị thất bại về chính trị sau vụ Mậu Thân 68 tại Việt Nam, đảng Dân chủ vẫn thua trong cuộc tranh cử cuối năm đó và còn thua nặng hơn với ứng viên phản chiến McGovern năm 1972. Lần này, nếu điều đó tái diễn, sự thất bại sẽ còn thê thảm hơn vì tại Việt Nam, Hoa Kỳ còn có thể quyết định đi hay ở, chứ bây giờ quyết định đó nằm trong tay al-Qaeda. Tổ chức khủng bố này đã thực tế bỏ phiếu chống lại mọi xu hướng chủ hòa tại Hoa Kỳ. Đi theo con đường đó, Wes Clark sẽ huy hoàng được một mùa và sau đó sẽ mờ nhạt như sao buổi sáng.
Ông có thể và nên chọn một con đường khác, với khẩu hiệu tranh cử là “Tôi có giải pháp tốt đẹp hơn”. Nhưng giải pháp đó là gì, có khi ông chưa nghĩ ra, và dù có tìm ra, chưa chắc đã được cử tri tin tưởng. Là một ông tướng bốn sao, ông rất chịu khó tu sửa sắc đẹp chính trị của mình và không lỡ cơ hội chứng tỏ mình là một ông tướng có ý thức chính trị, với hàm ý là có khả năng chíng trị. Thành tích chính trị cấp quốc gia của ông như thế nào thì chưa ai rõ, nhưng thành tích tự rao bán khi làm bình luận gia về quân sự trên các đài truyền hình thì ông có thừa, với vẻ bảnh trai và mái tóc bạc lấp lánh. Nhưng, từ ấn tượng tốt đẹp ấy tới một “giải pháp quyết thắng”, ông ta còn phải đi khá xa, với hành trang khá mỏng.

Ông được biết như người đã chỉ huy cuộc chiến tại Kosovo năm 1998. Đối với giới quân sự và người am hiểu, đây là một cuộc chiến “sạch” trong ý nghĩa chính trị nhưng rất tiêu cực về quân sự: tất cả chỉ là những vụ không tập nhiều khi mù quáng từ trên trời, và kết thúc không nhờ chiến công quân sự mà nhờ áp lực ngoại giao của Liên bang Nga khiến chế độ Sloboban Milosewic phải nhượng bộ. Trong giới quân sự với nhau, không phải thả quân đi vào trận địa chiến là chưa thể nên nói đến tác chiến hay chiến tranh. Các tướng lãnh còn coi rẻ thành tích quân sự của Wes Clark vì là ông ta người gần gũi với Bill Clinton, xưa nay chưa bao giờ được lòng quân đội vì tội trốn lính và ngụy trang việc đó thành chuyện phản chiến. Và dù là kẻ thân tín của Clinton, sự nghiệp võ biền của Clark cũng không tiến xa hơn, lên cao hơn...
Wes Clark không phải là một vị tướng ưu tú được lòng quân đội và càng không có kích thước của các danh tướng chính trị như McArthur, Eisenhower hay các tướng tiên phong cầm quân ngoài trận tiền như Patton hay Schwarkoft. Ông là một ông tướng của chính trường, của truyền hình, của sân khấu. Nhưng, vì những lúng túng của chính quyền Bush tại Iraq, ông vẫn có hy vọng đối với quần chúng, nếu ông tìm ra “giải pháp thần diệu”.
Hoặc là ông phải có những đề nghị tinh vi hơn những gì Hoa Kỳ đang làm tại Iraq để giải quyết hồ sơ này một cách tốt đẹp thay vì tháo chạy như đa số ứng viên Dân Chủ đang đề nghị dưới đòi hỏi phải có “exit strategy”, có lối ra. Hoặc ông phải tung ra một kế hoạch hoàn toàn mới nhằm giải quyết toàn bộ hồ sơ khủng bố, al-Qaeda, Hồi giáo, Do Thái, Trung Đông. Ngày xưa, dân Mỹ không muốn Hoa Kỳ tiếp tục can thiệp vào Việt Nam mà vẫn vứt McGovern vào thùng rác vì tháo chạy nhục nhã không là giải pháp. Ngược lại, Richard Nixon cho biết mình có giải pháp. Thực chất thì cũng chỉ là những vụ đi đêm ngớ ngẩn của Kissinger để kết thúc chiến tranh “trong danh dự” bằng một sự tháo chạy kéo dài, nhưng điều đó vẫn thuyết phục được cử tri trong năm 1972. Chuyện ngàn năm một thuở như vậy, Wes Clark không thể tái diễn nổi, và al-Qaeda cũng chả khoanh tay sau khi Mỹ rút khỏi Iraq như đã rút khỏi Saudi Arabia.
Ông ta có thể biểu diễn ý chí quyết thắng để trấn an dư luận và hù họa đối phương trong khi tìm cách thỏa hiệp, nhưng muốn dọa cho đối phương thấy sợ mà phải thỏa hiệp thì phải có khả năng thuyết phục. “Tôi mà cầm quyền thì khủng bố có chạy lên trời!” Vì quá quan tâm đến sự nghiệp chính trị, Wes Clark không có khả năng dọa nạt đó, ông không là Dwight Eisenhower trong trận chiến Cao Ly hay Norman Schwartzkoft trong trận Bão Sa Mạc năm 1991. Vả lại, có nằm mơ người Mỹ cũng không tin là al-Qaeda có thể bước vào bàn hội nghị để thương thảo với Wes Clark! Và dù có giải pháp thần diệu hay không, Clark cũng phải chứng tỏ mình là một lãnh tụ có viễn kiến trước cục diện mới của thế giới, có khả năng lãnh đạo, có chiến lược sáng suốt, chiến thuật tinh vi và dám lấy những quyết định trọng đại. Người ta chưa thấy ông chứng tỏ khả năng đó, trong quân ngũ, tại Kosovo hay tại Hoa Kỳ, ngoài sự kiện là ông rất gần gũi với Bill Clinton.
Thành thử, trong bốn tháng nữa, cho đến các vòng sơ bộ tại New Hampshire và Iowa, Wes Clark phải chứng minh khá nhiều điều có khi vượt quá khả năng. Quan trọng nhất, ông phải đi ngược trào lưu phản chiến trong đảng Dân chủ, thắng được Howard Dean, và ra tranh cử như người có gỉai pháp hay hơn chính quyền Bush, giải pháp tất thắng, không phải là giải pháp cuốn cờ.
Nếu thất bại, ông còn một “exit strategy” cho bản thân là ồn ào đánh trống thổi kèn để cuối cùng đứng chung liên danh với Dean, thành ông tướng đem bốn sao đánh bóng cho lập trường chủ hòa của nhân vật đang nổi lên từ quần chúng đảng viên Dân Chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.