Hôm nay,  

1 Nhạc Sĩ Vn Bị Tố Chép Nhạc Của 1 Nhạc Sĩ Nhật

07/04/200400:00:00(Xem: 4637)
SAIGON -- Một nữ nhạc sĩ nổi tiếng Nhật Bản đã tố cáo một nhạc sĩ nổi tiếng VN “trộm nhạc.”
Vụ này đang gây sôi nổi cho làng âm nhạc hai nước Nhật-Việt, và có thể sẽ liên hệ tới pháp lý về bản quyền. Đài VOA ghi nhận như sau.
Nhạc sĩ Keiko Matsui tố cáo Nhạc sĩ Bảo Chấn copy một bản nhạc của bà và nhận mình là tác giả.
Tin của hãng AFP đánh đi từ Hà Nội ghi nhận một trong các nhạc sĩ dương cầm và soạn nhạc jazz đương thời nổi tiếng nhất của Nhật Bản là bà Keiko Matsui đã tố cáo một nhạc sĩ Việt Nam là "cóp" một bản nhạc của bà và nhận mình là tác giả.
Trong một bức thư gửi cho các cơ quan truyền thông Việt Nam, chồng của bà Matsui là ông Kazu, đồng thời cũng là người sản xuất các tác phẩm của bà, bầy tỏ sự bất mãn đối với việc ca khúc "Frontier" của bà sáng tác vào năm 1991 đã bị ông Bảo Chấn "copy" và đặt tên lại là "Tình Thôi Xót Xa". Trong bức thư viết bằng tiếng Anh, ông Kazu cho rằng giai điệu hai bản nhạc hoàn toàn giống nhau từ đầu đến cuối.
Ca khúc "Frontier" được tung ra thị truờng trong album nhạc "Cherry Blossom" của Matsui vào năm 1992, còn ca khúc "Tình Thôi Xót Xa” đã đuợc Hồng Nhung, một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam hát sau đó.
Nhạc sĩ Bảo Chấn, 54 tuổi, nhấn mạnh rằng ông không ăn cắp tác phẩm của Matsui, và việc hai ca khúc có giai điệu giống nhau là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông cho biết ông đã sáng tác ca khúc "Tình Thôi Xót Xa" vào thập niên 1980, nhưng không nhớ đích xác năm nào vì ông không giữ lại bản thảo.
Nhưng ông Kazu nói rằng nếu sự việc xảy ra tại Hoa Kỳ thì công ty quản lý của ông sẽ đưa ông Chấn ra tòa và sẽ dễ dàng thắng kiện. Còn tại Việt Nam thì ông Kazu không biết phải làm như thế nào và ông đề nghị công chúng Việt Nam yêu cầu ông Chấn nói lên sự thực.
Một giới chức thuộc sở văn hóa thông tin thành phố Sài Gòn cho biết sở đang theo dõi vụ việc và chưa thể làm gì cho đến khi nhận đuợc khiếu tố chính thức của cả hai bên.
CD nhạc và DVD phim ảnh sao chép lậu được lưu hành lan tràn tại Việt Nam, nơi việc thực thi tác quyền trí thức rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, một nghệ sĩ nước ngoài lên tiếng tố cáo việc sao chép.
Bà Matsui không cho biết tuổi và hiện sinh sống cả ở Tokyo lẫn Los Angeles, đã phát hành 16 album nhạc tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu. Tất cả các nhạc phẩm đều do bà sáng tác.
Album mới nhất của bà có tựa là "Wildflower" đã được đưa vào danh sách các album ăn khách nhất vào tháng 2 năm nay, và nằm trong một dự án hỗ trợ cho các hoạt động tại Châu Phi của chương trình thực phẩm thế giới của Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt, hãng tin nhà nước Tin Nhanh VN đã phổ biến nội dung một lá thư như sau:
"Tên tôi là Kazu Matsui, nhà sản xuất đồng thời là chồng của Keiko Matsui, nhạc sĩ dòng jazz. Gần đây, tôi có nhận được một số thư từ những người yêu âm nhạc và phóng viên Việt Nam đề cập đến nhạc phẩm Frontier, được chúng tôi ghi âm năm 1991 và phát hành trong album Hoa anh đào nở năm 1992. Có gợi ý rằng ca khúc Tình thôi xót xa đã copy từ Frontier. Và khi nghe Tình thôi xót xa, chúng tôi thực sự bị shock. Có thể nói vụ này đã quá rõ ràng, bởi hai bản nhạc giống nhau y như đúc, không chỉ là một vài đoạn, hoặc một vài ý tưởng, mà là tất cả bản nhạc đã bị copy."

"Ông ấy (nhạc sĩ Bảo Chấn) trả lời phỏng vấn, không "dám" nghĩ Keiko đã ăn cắp giai điệu bài hát, nhưng khẳng định rằng tác phẩm của ông ta không hề bị ảnh hưởng từ Nhật Bản. Thế nhưng, giai điệu của hai bài giống nhau y hệt. Nếu là tác giả của giai điệu ấy, ông ta hẳn phải khẳng định Keiko đã ăn cắp. Điều gây sửng sốt là ông ấy đã lấy không chỉ giai điệu mà còn cả đoạn dạo đầu mà Keiko sáng tạo. Chúng tôi có thể nói rằng, Bảo Chấn đã copy giai điệu. Điều đó là hiển nhiên. Khi nói rằng, ông ấy không bị ảnh hưởng từ phía Nhật Bản thì cũng có lý do của nó. Bản nhạc đã được ghi âm với phần lời bằng tiếng Anh cho game điện tử Super Mario Brothers trước khi chúng tôi sử dụng trong album của Keiko. Cả hai đều do tôi sản xuất và Keiko biên soạn."
"Tôi không muốn dùng từ ăn cắp, nhưng trong trường hợp này, ông ta đã copy toàn bộ phần nhạc, và lại nói là chính mình sáng tác. Đó là việc làm sai trái. Nếu sự việc này xảy ra ở Mỹ, công ty quản lý của chúng tôi sẽ đưa ra toà và chúng tôi dễ dàng giành phần thắng. Nhưng đến giờ thì chúng tôi cũng chưa biết nên làm thế nào. Sự việc xảy ra tại VN và chúng tôi không rõ về người VN lắm. Hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi nên làm thế nào. Và nhạc sĩ Bảo Chấn, hãy cho chúng tôi biết sự thật.Những ai biết đến Keiko đều hiểu rằng, cô ấy không phải là người đi nhặt nhạnh giai điệu của người khác. Cô ấy đã phát hành 16 album ở Nhật, Mỹ, châu Âu và tất cả các bản nhạc đều do cô ấy sáng tác. Cô ấy thực sự có tài, vì thế, cô ấy không cần phải copy nhạc của ai. Tất cả bản nhạc đều được ra đời trong ngôi nhà của chúng tôi ở Tokyo và Mỹ. Bảo Chấn biết rõ, chúng tôi biết và ông trời cũng biết sự thật".
"Chúng tôi muốn đến Việt Nam, tổ chức đêm nhạc vào một ngày nào đó. Chúng tôi muốn được làm bạn với người Việt Nam và muốn mọi người biết đến người sáng tác chính thức của giai điệu này. Cảm ơn rất nhiều."
Trước sự báo chí quốc nội phổ biến bức thư nói trên, nhạc sĩ Bảo Chấn và Lam Trường, ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc thành công đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tin Nhanh VN với những ý kiến như sau.
* Nhạc sĩ Bảo Chấn: Tôi khẳng định không có chuyện mình mượn giai điệu từ phía Nhật Bản. Trong âm nhạc, sự trùng lặp là rất bình thường. Nếu nghe chương Công nhân thuốc lá của Carmen, bạn có thể liên tưởng đến ca khúc Người Hà Nội. Có sự tương đồng đơn giản là vì hai tác giả có tâm trạng giống nhau, bởi giai điệu được xác lập dựa trên cảm xúc.
Tôi sáng tác "Tình thôi xót xa" từ thập kỷ 80, dành cho bộ phim của cha con nhà Lý Huỳnh. Sau đó, tôi cũng có lồng một đoạn ca khúc vào phim "Nước mắt học trò". Nhưng buồn một nỗi là nhạc phẩm không được công chúng biết đến khi mới ra đời. Và tôi đã gửi bài hát này sang hải ngoại. Thế rồi, đến năm 1997, Lam Trường đã "khai quật" bài hát này cho tôi khi anh đưa hơi thở mới vào trong ca khúc với cách thể hiện hiện đại hơn, tiết tấu nhanh hơn. Tôi không cho rằng đây là sáng tác tiêu biểu của mình, chẳng qua ca khúc xuất hiện vào đúng thời điểm.
Tôi không dám nghĩ phía Nhật đã lấy lại giai điệu của tôi, nhưng tôi cũng khẳng định không hề có chuyện tôi bị ảnh hưởng từ phía họ. Bởi thập kỷ 80, Việt Nam không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền âm nhạc quốc tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.