Hôm nay,  

Ngày Đầu Xuân Thăm Chùa Sơn Thủy - A Lưới

05/03/200400:00:00(Xem: 5526)
Trong những ngày đầu Xuân, những người con Phật thường hay đi hành hương đến chùa lễ Phật dâng hương để cầu nguyện cho những điều tốt lành trong năm mới và trong cuộc sống. Riêng chúng tôi, tuy ngày đầu năm đi chùa nhưng lại với một tâm tư khác, một tâm tư mang nặng niềm tin yêu Phật Pháp đến với những đồng bào nơi miền xa, miền cao. Mặc dù dưới cái se lạnh đầu năm của miền Trung với những cơn mưa phùn và gío bấc. Mặc dù cả đêm qua thành phố Huế ướt sũng trong mưa và sáng sớm nay, trước lúc khởi hành, một người bạn quen điện thoại cho biết đường đi rất khó khăn và hầu hết quãng đường từ Huế đến A Lưới đều là đường đèo quanh co, vào mùa mưa đất núi thường hay bị lở. Thế nhưng, vì là Phật sự, chúng tôi tin tưởng mọi việc sẽ được long thần hộ pháp phù trợ, do đó mọi người đều quyết tâm lên đường đi A Lưới thăm chùa Sơn Thủy như đã dự định.
Sau gần ba giờ lái xe, đúng 10 giờ ba mươi sáng ngày mồng ba Tết Giáp Thân năm 2004, chuyến xe "mùa Xuân" khởi hành từ thành phố Huế, gồm tám người trong đó có bảy người từ bên kia bờ đại dương; đã dừng bánh trước cổng chùa Sơn Thuỷ, thuộc xã Sơn Thủy, huyện A Lưới. Thời tiết ở đây không mưa và lạnh như xứ Huế, đó đây còn giăng giăng một vài làn sương mỏng.
A Lưới cùng với A Sao là tên của một địa danh hẻo lánh, khá nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam vì nơi đây là điểm tiếp liệu chiến lược, nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, nơi rất nhiều binh lính đã hy sinh trên chiến trường. A Lưới nằm giữa vùng núi non hùng vĩ của dãy Trường Sơn, là vùng núi biên thùy với Ai Lao, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú, cách thành phố Huế khoảng 70 km. Lúc trước muốn đi đến đây phải đi qua ngã Quảng Trị mất khoảng 6 giờ lái xe khó khăn. Ngày nay, qua công trình tái sửa sang quốc lộ 49 và công trình xây cất xa lộ Bắc Nam Trường Sơn, nên chúng tôi sử dụng quốc lộ 49 đi thẳng từ thành phố Huế qua Bình Điền, Mỏ Quạ và Bốt Đỏ.
Quả thật đường đi có khó khăn và nhiều hiểm trở. Đèo tiếp nối đèo với những đoạn chữ S, chữ Z, chữ U không ngừng gây cảm giác mạnh. Nhiều đoạn hẹp chênh vênh, một bên là núi đứng sừng sững và bên kia là vực sâu thăm thẳm còn vết tích của một chiếc xe nằm dưới hố sâu; nhưng với tâm thành muốn trợ giúp ngôi chùa miền sơn cước heo hút này thành một trung tâm văn hoá, giáo dục và tâm linh cho cộng đồng người Kinh-Thượng; nên chúng tôi không hề có cảm giác sợ hãi hay lo lắng điều gì. Tâm thành ở đây không phải chỉ có tám người chúng tôi mà còn có cả những người ở bên kia bờ đại dương đang dõi theo chuyến đi này; trong đó phải kể đến gia đình anh Phạm Tấn Phước ở bang Maryland và những thân hữu của anh - người phát tâm đầu tiên muốn trợ giúp chùa Sơn Thuỷ, sau khi đọc được bài viết "Hoa Đàm Lạc Khứ" của cố Ni sư Thích Nữ Trí Hải trên trang web Thư Viện Hoa Sen. Anh Phạm Tấn Phước đã viết trong một e-mail gửi chúng tôi: ".. chính vì nơi hẻo lánh của bà con ở A Sao A Lưới đã khiến chúng tôi phải quyết tâm giúp họ. Sinh sống tại một nơi heo hút như vậy, miếng khoai miếng sắn chẳng đủ no mà còn nghĩ đến Phật Pháp thật là một điều đáng kính phục". Tưởng cũng nên biết thêm, cố Ni sư Trí Hải trước đây đã có dịp đến thăm chùa Sơn Thủy, ở lại với đồng bào Phật tử một đêm và hướng dẫn họ tu tập pháp môn Niệm Phật. Do nhu cầu tâm linh và tu học của đồng bào ở đây, cố Ni sư đã hứa khả vận động quyên góp tiền giúp chùa để chùa mua thêm đất làm nơi sinh hoạt cho gia đình Phật tử. Nay ni sư không còn nữa, nhưng có những Phật tử từ phương trời xa đã cảm nhận được tấm lòng từ bi của Ni Sư, cảm nhận được những tấm lòng nhiệt tình vì đạo của đồng bào Phật tử A Lưới nên có chuyến đi này.
Ngày chúng tôi đến chùa Sơn Thuỷ nhằm ngày lễ chung thất 49 ngày của cố Ni Sư. Trong lòng mọi người chúng tôi đều bồi hồi tưởng nhớ đến Ni Sư, người đã suốt đời phụng sự cho đạo Pháp. Xin dâng lên giác linh Ni Sư nén tâm hương và tất cả những việc làm ngày hôm nay của đoàn và của những Phật tử đã góp công sức làm nên chuyến đi này cùng là những ánh mắt nụ cười mang đầy niềm vui của các bác trong ban hộ tự lúc đón tiếp đoàn đến thăm. Ngày mai đây, họ sẽ còn vui hơn khi tiếp đón quý thầy lên thuyết pháp, mang giáo pháp giải thoát nhiệm mầu của đức Từ Phụ toả khắp muôn nơi để người người được an vui, để mọi người bớt khổ và người dân A Lưới từ nay sẽ được sống an vui trong chánh pháp.

A Lưới ngày xưa hoang tàn đổ nát vì chiến tranh, ngày nay A Lưới là một vùng đồi núi xanh tươi hiền hoà, bên cạnh những bản dân thiểu số là những người kinh định cư từ các nơi khác đến đây lập nghiệp. Họ phá đất trồng hoa mầu, nhưng nguồn sinh sống phần lớn là trồng cà phê, cao su, mía và nghề đan dệt.
Chùa Sơn Thuỷ do dân định cư được cấp đất để lập chùa. Toạ lạc trên một ngọn đồi thấp, mặt tiền là xa lộ Trường Sơn, phía sau là núi rừng trùng điệp, cách phố chính của thị trấn A Lưới ba cây số. Khung cảnh nơi đây khoáng đãng, đẹp đẽ và có thể sẽ trở thành một trung tâm văn hoá - giáo dục - tâm linh trong tương lai cho cộng đồng Kinh và Thượng, mang ý nghĩa gìn giữ và trao truyền những giá trị sống phi vật thể cho người dân nơi đây. Mặc dầu công việc xây dựng chùa đã bắt đầu từ 10 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất vì dân chúng quá nghèo. Hiện tại chùa đã xây cất xong chánh điện để thờ tôn tượng đức Bổn sư và tôn tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng.
Khi đoàn chúng tôi đến, chùa không có ai ngoài một em nhỏ thắp nhang quét chùa. Em đã đi bộ thông báo cho bác trưởng ban hộ tự biết có khách phương xa đến và khoảng mười lăm phút sau cả ban hộ tự [1] đã tề tựu đông đủ tại chùa. Nhìn những khuôn mặt xạm nắng già cỗi vì phong sương, thật khó mà biết được họ là những Phật tử trung kiên, hết lòng vì đạo Pháp. Họ là những người con Phật tha thiết cầu đạo và giữ đạo.
Sau những giây phút thăm hỏi, đoàn chúng tôi và toàn ban hộ tự đã cùng nhau ngồi vòng tròn trong chánh điện để bàn thảo Phật sự. Chúng tôi đã nghe tường trình các hoạt động của chùa và những dự tính tương lai. Bác Hoàng Công Thành, trưởng ban hộ tự cho biết: miếng đất bên cạnh chùa đã khai phá rộng 1500 mét vuông mà cố Ni sư Trí Hải muốn mua để làm chỗ sinh hoạt cho gia đình Phật tử địa phương đã không mua được vì lúc ấy chùa không có tiền. Chủ đất đã bán cho người khác. Tuy nhiên ban hộ tự chùa cũng xoay sở mua được mảnh đất nhỏ hơn bên cánh trái chùa và đã thiết trí được ngôi tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên và làm được một gian nhà nhỏ dùng làm nơi sinh hoạt cho gia đình Phật tử. Ngoài ra bác cũng cho biết thêm công tác dự trù kế tiếp là làm sân chùa trước mặt ngôi chánh điện và tam cấp bằng bê tông từ ngoài cổng tam quan vào với chi phí ước tính khoảng 12 triệu đồng Việt Nam. Sau khi thảo luận chung về những công tác ưu tiên và sau khi hội ý với qúy anh chị trong đoàn, chúng tôi đã nhất trí cúng dường hết số tiền quyên được là 1.000 Mỹ kim cho ban hộ tự để thực hiện dự án làm sân chùa và tam cấp. Cư sĩ Tâm Diệu thay mặt những người cúng dường tiền đã tận tay chuyển giao số tịnh tài là 1.000 USD [2] cho bác Hoàng Công Thành, trưởng ban hộ tự. Bác Thành chuyển giao lại cho bác phó ban kiêm thủ quỹ và sau đó các thành viên ban hộ tự đã ký vào bản Ghi Nhớ. [3] Một đạo hữu trong đoàn, chị Diệu Hương cũng phát tâm cúng dường 100 Mỹ kim cho gia đình Phật tử Sơn Thuỷ để may đồng phục cho 40 em Oanh Vũ.
Được biết chùa Sơn Thuỷ hiện nay trực thuộc giáo hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên nhưng không có sư trụ trì mà chỉ có thầy cố vấn là Thầy Thích Huệ Phước thường trú tại chùa Từ Lâm Huế. Vào những dịp lễ lớn Thầy về chùa chủ lễ và giảng dạy Phật Pháp cho Phật tử. Mỗi sáng Chủ Nhật đều có sinh hoạt gia đình Phật tử đông khoảng 200 em, dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng.
Mặc dầu chỉ là lần đầu gặp gỡ do nhân duyên với đạo pháp, khi chia tay các anh chị trong đoàn cùng những người ở lại không khỏi lưu luyến phút giây hội ngộ ngắn ngủi vừa qua, và ai cũng ước mong sẽ có duyên gặp nhau dưới mái chùa lần nữa để cùng sinh hoạt chung với nhau, sinh hoạt chung với các em, các cháu trong gia đình Phật tử, cùng nắm tay nhau ca bài "Giây Thân Ái", bài hát mà ngày xưa lúc còn là oanh vũ Gia Đình Phật Tử Từ Đàm, người viết đã ca và cho đến nay vẫn chưa phai mờ trong tâm tưởng.
Sau khi làm việc xong, chúng tôi chụp chung hình kỷ niệm và lên đường từ giã. Trời đã về chiều, vài vạt nắng vàng còn chiếu trên núi cao. Gío vẫn rì rào thổi qua các khe lá sân chùa. Con đường Trường Sơn trước mặt rộng thênh thang vắng bóng người và xe qua lại. Chiều mồng ba Tết lặng lẽ đi qua trên phố núi.
Tâm Linh
Viết từ Thành Phố Huế ngày đầu năm Giáp Thân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.