Hôm nay,  

Việt Nam: Iraq Và Đảng Cộng Sản Việt Nam

21/03/200300:00:00(Xem: 4724)
Nói người hiếu chiến mà quên mình còn hiếu chiến hơn.
Hoa Thịnh Đốn.- Không có cuộc chiến nào trong sạch cả nhưng có những cuộc chiến có chính nghĩa và vô chính nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam ở vào trường hợp sau khi đem quân đánh chiếm Việt Nam Cộng hòa của người Việt chống Cộng 28 năm trước đây và xâm lăng Cao Miên năm 1978.
Bây giờ Hà Nội lại đóng vai những người yêu chuộng hòa bình để lên án Hoa Kỳ, Anh và Tây Ban Nha đang dẫn đầu chiến dịch dùng võ lực để loại trừ chính quyền độc tài quân phiệt Saddam Hussein ở Iraq.
NHÌN LẠI LỊCH SỬ
Saddam đã bị cáo buộc không phá hủy các loại vũ khí hơi độc và kế hoạch chế tạo bom nguyên tử, theo như thỏa hiệp đình chiến mà Iraq đã ký với Liên hiệp Quốc năm 1991, sau khi cuộc xâm lăng Kuwait của Saddam Hussein bị liên quân quốc tế do Hoa Kỳ cầm đầu đánh bại.
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh (Persian Gulf) lần thứ nhất chỉ dài có 43 ngày, bắt đầu từ 3 giờ sáng địa phương ngày 17-1-1991 (7 giờ tối ngày 16-1 giờ Đông bộ Hoa Kỳ) và kết thúc ngày 28-2-1991, nhưng thiệt hại về nhân mạng và tài sản mà Saddam đã gây ra cho nhân dân Kuwait không thể tính bằng tiền.
Chủ quyền của vương quốc bé nhỏ (chưa đầy 3 triệu dân) Kuwait đã bị Saddam xâm lăng ngày 2-8-1990 với tuyên bố Kuwait là một tỉnh xa xưa của Iraq. Saddam đã tàn sát hàng ngàn người dân Kuwait và bắt sang Iraq lối 4 ngàn binh lính, nhân viên chính phủ và thanh niên Kuwait đến bây giờ vẫn chưa biết số phận họ ra sao. Saddam cũng phóng hỏa đốt một số giếng dầu của Kuwait, đổ dầu ra biển nhằm ngăn chận cuộc tiến quân giải phóng của liên quân thế giới nhưng thất bại trước hỏa lực hùng mạnh.
Ngày 2-3-1991, Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết buộc Iraq phải phá hủy tất cả các loại vũ khí có khả năng tàn sát hàng loạt và phải bồi thường thiệt hại cho Kuwait để đổi lấy bãi bỏ cấm vận. Iraq không làm theo mà còn toan tính xâm lăng Kuwait lần nữa vào ngày 7-10-1994.
Ngày 7-10-1997, nhân viên kiểm tra vũ khí của Liên hiệp Quốc báo cáo Saddam đã từ chối tiết lộ chi tiết kế hoạch chế tạo vũ khí bị cấm. Đến ngày 31-10-1998, Saddam đuổi nhân viên kiểm tra ra khỏi Iraq, nhưng Hội đồng Bảo an cũng chỉ biết lên án (ngày 5-11-1998) Iraq đã "vi phạm nghiêm trọng" (flagrant violation) Quyết nghị của Hội đồng.
Sau khi Liên hiệp Quốc bổ nhiệm ông Hans Blix (1-3-2000), một chuyên viên ngoại giao kỳ cựu, kiên nhẫn và ôn hòa của Thụy Điển cầm đầu Ủy ban Liệng Hiệp Quốc về Theo dõi,Kiểm chứng và Điều tra (U-N Monitoring, Verification and Inspection Commission -UNMOVIC thì Saddam ngỏ ý muốn hợp tác để đổi lại bãi bỏ toàn diện lệnh cấm vận.
Vì từng là Tổng Giám đốc Cơ quan Quốc tế Nguyên tử Năng từ 1981 đến 1997 (International Atomic Energy Agency (IAEA) , ông Blix tưởng mình đã có đủ kinh nghiệm để đương đầu với những mánh lới cất giấu vũ khí của Saddam. Nhưng ông đã lầm.
Ông Blix, một cựu Luật sư đã gia nhập ngành ngoại giao của Thụy Điển năm 1963 và là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước này vào năm 1978, được giới ngoại giao coi là một người khôn ngoan không làm mất lòng ai, nhưng Hoa Thịnh Đốn và Luân Đôn không nhiệt tình với Blix và cho rằng Blix quá mềm mỏng và dễ bị Saddam đánh lừa.
Điều này dường như đã xẩy ra khi ông Blix thừa nhận rằng cơ quan IAEA đã bị người Iraq đánh lừa (It's correct to say that the IAEA was fooled by the Iraqis) bởi vì việc Iraq có vũ khí hơi độc tàn sát khủng khiếp hàng loạt chỉ bị phát giác và nhìn nhận sau cuộc chiến năm 1991.
Nhưng trước đó vào năm 1988, trong cuộc chiến giữa Iraq và Iran, Saddam Hussein đã sử dụng đạn có chứa hơi độc tấn công tàn sát nhiều ngàn người Kurd, trong số này có trên 5,000 người riêng tại làng Halabja.
Kurd là sắc dân không phải là người Hồi giáo (Muslim) sống ở vùng lãnh thồ phía bắc của Iraq. Saddam nghi người Kurd, vốn không tuân phục Saddam đã cấu kết với Iran để biến vùng đất họ ở thành một quốc gia độc lập.
Dân làng Halabja và 200 làng khác của dân Kurd, trong số dân cư 3.5 triệu người, đã bị chết cháy đen hay bị ngạt hơi chết trong khoảnh khắc. Những người sống sót đã mang nhiều chứng bệnh khác nhau rồi cũng tiều tụy đi.
Vì không thuần phục Saddam, người Kurd đã tổ chức đạo quân kháng chiến bảo vệ vùng lãnh thổ của tổ tiên họ nhưng không đủ sức mạnh để lật đổ Saddam, người đang cai trị trên 20 triệu người còn lại, hầu hết là Muslim.
Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã tìm cách đoàn kết các tổ chức kháng chiến Kurd nhưng vì có những liên hệ dòng tộc và chính trị khác nhau với Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư (Iran) các nhóm này chưa thống nhất thành một đạo quân hùng hậu.
Tuy vậy, trong cuộc chiến bắt đầu từ rạng sáng ngày Thứ Năm 19-3-2003 (giờ địa phương), số người Kurd làm thông ngôn và hướng dẫn địa hình đã được Mỹ huấn luyện sẽ được sử dụng.
Sở dĩ người Kurd chưa bị Saddam tấn công lần nữa vì họ được liên quân Anh và Mỹ bảo vệ theo thỏa hiệp đình chiến giữa Iraq và Liên hiệp Quốc năm 1991, trong đó có khoản cấm Iraq đem quân và máy bay quân sự đến lãnh thổ Kurd. Tuy nhiên dân Kurd, vì đã có kinh nghiệm máu xương với Saddam Hussein năm 1988, không tin Saddam sẽ không sử dụng vũ khí hơi ngạt trong cuộc chiến lần này nên cả chục ngàn dân Kurd đã tấp nập thu vén tài sản có thể mang theo để chạy sâu vào núi đá tiếp giáp với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ để có thể chạy qua hai nước này lánh nạn.
VIỆT NAM NÓI GÌ "

Trước tình hình này, đảng CSVN đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối ba nước Hoa Kỳ, Anh và Tây Ban Nha dùng quân sự để loại trừ Saddam Hussein. Cường độ các cuộc biểu tình với cờ xí, biểu ngữ phản chiến càng rầm rộ từ Sài Gòn ra Hà Nội sau khi Tổng Thống George W. Bush ra tối hậu thư cho Saddam và hai con trai Uday (có bản viết Odai) và Qusai (có bản viết Qusay) phải đi ra khỏi nước trong vòng 48 tiếng (từ 8 giờ 01 tối Thứ Hai, 17-3 đến 8:01 tối Thứ Tư 19-3-2003), nếu không lực lượng Mỹ và đồng minh sẽ tấn công Iraq.
Nhưng tại sao lại chỉ có ba cha con Saddam " Bởi vì con cả Uday, 39 tuổi, là người chỉ huy lực lượng 30,000 lính trong số quân tinh nhuệ nhất của Iraq có tên là The Republic Army và lực lượng phòng thủ thủ đô Baghdad có nhiệm vụ bảo vệ chính chủ Saddam. Uday nổi tiếng là một tay ác độc, chỉ huy các cuộc đàn áp đối lập và tra tấn kẻ thù của cha và của chế độ. Ngoài Saddam chỉ có Uday được quyền ra lệnh dùng vũ khí hơi ngạt.
Trong khi con thứ, Qusay 37 tuổi được coi như người được Saddam tin cậy giao cho điều hành công việc hành chính, đại diện Saddam giao thiệp ngoại giao và chỉ huy lực lượng làm tan rã hàng ngũ đối lập, nhất là Kurd. Qusay còn chỉ huy lực lượng bảo vệ an ninh cá nhân cho Saddam và gia đình.
Việt Nam coi đòi hỏi của ông Bush là vô lý, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Những cuộc biểu tình do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức đã tung ra những khẩu hiệu như là "Kiên quyết bảo vệ hòa bình" và "Cực lực phản đối chiến tranh xâm lược Iraq".
Phạm Hữu Bổng, Thiếu tướng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu tại cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 18-3 rằng :"Cựu chiến binh Việt Nam là những người đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ độc lập của dân tộc mình, đã chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, kêu gọi những sĩ quan và binh sĩ trong quân đội các nước chủ chiến hãy suy nghĩ về những hành động của mình đối với một cuộc chiến tranh phi đạo lý, đem bom đạn giết hại người dân vô tội..."
Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Sài Gòn cũng nói tại cuộc biểu tình ở thành phố tối 18-3 rằng:"Nhân dân Việt Nam đã từng chịu nhiều hy sinh gian khổ trong các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc. Nhân dân Việt Nam cũng đã từng gặp muôn vàn khó khăn do bị bao vây cấm vận, cho nên hiểu rất rõ chiến tranh là chết chóc, là hủy diệt, là đau thương, bất hạnh. Do vậy, nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng rất cảm thông với nhân dân Iraq; đồng tình với nhân dân thế giới trong nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này..."
Trong khi đó, một người tên là Văn Lục đã biết bài "Ngăn chặn ngay mưu toan phát động chiến tranh chống nhân dân Iraq" trong báo Nhân Dân ngày 3-13-2003, lên án:" "Sau khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 kết thúc, các thế lực hiếu chiến Mỹ đã thi hành chính sách thù địch đối với Iraq. Lệnh cấm vận gần 12 năm qua đã gây biết bao nhiêu khó khăn cho nhân dân Iraq, làm cho nền kinh tế nước này kiệt quệ, hàng triệu trẻ em Iraq bị bệnh, trong đó nhiều trẻ em bị chết do thiếu lương thực, thuốc men chữa bệnh..."
Văn Lục viết tiếp:"Là một dân tộc từng đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực đế quốc để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ danh dự và phẩm giá của mình, nhân dân Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Iraq..."
Ô hay, cả ba người lên tiếng chống Mỹ và bệnh vực nhân dân Iraq đã ở đâu, làm gì khi Quân đội Cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam từ 1960" khi mở cuộc tấn cộng tàn sát dân lành khắp các thành phố và đô thị miền Nam, nhất là Thị xã Huế, trong cuộc tổng tiến công Mâu Thân năm 1968"
Những người này đã ở đâu và có nhìn thấy những xác đàn bà, trẻ em và người già vô tội, trong tay không tấc thép đã bị binh lính CS miền Bắc và bộ đội trong Nam đồng lõa bắn chết queo rải rác khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt dọc theo Quốc lộ số I nối liền Quảng Trị-Thừa Thiên trong mùa Hè 1972 "
Rồi sau đó là cuộc tổng tấn công chiếm miền Nam ngày 30-4-1975, bất chấp Hiệp định Đình chiến và vãn hồi Hòa bình Paris 1973 mà Hà Nội và tổ chức được gọi là Mặt Trận Giải phóng đã ký và cam kết tôn trọng.
Và nếu họ còn chút lương tâm thì hãy lên tiếng giải thích lý do nào mà Đảng của họ và bộ đội CSVN đã mở cuộc xâm lăng, đánh chiếm nước láng giềng Cao Miên tháng 12-1978 để bị Trung Hoa trừng phạt trong cuộc chiến biên giới năm 1979 "
Việt Nam đã dựng lên ở Miên chính phủ bù nhìn Heng Samrin, cựu Tự lệnh sư đoàn 7 Khmer đỏ đào thoát qua Việt Nam và cai trị nước này trên 10 năm. Nhưng Hà Nội đã thất bại trong chủ trương loại Khmer đỏ. Thay vì được nhân dân Cao Miên hoan hô, các lực lượng người Cao Miên, dưới quyền lãnh đạo của ông Hoàng Norodom Sihanouk được Trung Hoa ủng hộ đã quay ra hợp tác với Khmer đỏ đánh lại Việt Nam. Việt Nam phải rút hết quân về nước năm 1990, sau khi bị chết và bị thương khoảng 100 ngàn người. Mối thù hận giữa Cao Miên và Việt Nam càng sâu đậm hơn sau hành động xâm lăng của Bộ Chính trị đảng CSVN.
Vậy những hành động xâm lăng và xâm lược của đảng và bộ đội CSVN được gọi là gì " Và việc đảng CSVN đã nhân danh "kháng chiến giành độc lập" và "giải phóng dân tộc " để gây ra tang tóc, đổ vỡ cho dân cho nước trong suốt 30 năm chiến tranh và còn kéo dài cho đến ngày nay có bị lên án là "bất chính, phi đạo lý và phi nghĩa"" hay đối với Hà Nội thì hành động chiến tranh nào do đảng CSVN lãnh đạo cũng đều có chính nghĩa cả "
Phạm Trần (3-03)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.