Hôm nay,  

Trung Đồn 56bb, Trận Chiến Cuối Cùng Ơû Căn Cứ Carroll

10/08/199900:00:00(Xem: 8132)
* Lược ghi về tình hình trận chiến tại căn cứ Carroll cuối tháng 3/1972:
Trong bài viết về cuộc triệt thoái khỏi căn cứ Mai Lộc của lữ đoàn 147 Thủy quân Lục chiến tại cụm phòng tuyến Tây Bắc Đông Hà trong những ngày đầu của tháng 4/1972, chúng tôi đã lược trình về sự thất thủ của căn cứ Carroll-một căn cứ hỏa lực trọng điểm do Trung đoàn 56 Bộ binh và 1 đơn vị Pháo binh đảm trách. Như đã trình bày, sáng ngày 30 tháng 4/1972, 45 ngàn Cộng quân đã vượt sông Bến Hải đồng loạt tấn công vào nhiều căn cứ và tiền đồn do Sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn 147 và 258 TQLC phòng ngự. Đây là một cuộc tổng tấn công mà đối phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng, các cứ điểm bị pháo nằm trong tầm tác xạ 130 ly của Cộng quân.
Khởi đầu cuộc tổng tấn công, Cộng quân đã mở trận địa pháo ở mức độ hỏa tập cao nhất vào căn cứ Carroll, Mai Lộc, Sarge, Holcomb, A2, A4, C1, C2 và căn cứ Hành quân Đông Hà. Các trận pháo kích này được tiếp nối với các cuộc tấn công hiệp đồng của bộ binh và chiến xa của CQ từ hướng Bắc ngang qua khu vực phi quân sự Bến Hải và từ hướng Tây vùng Khe Sanh. Riêng tại hướng Bắc, Cộng quân mở 4 mũi dùi tấn công vào chung quanh căn cứ hỏa lực Fuller và căn cứ A 1, A 2, A 4 đúng vào thời gian có cuộc hoán đổi vùng trách nhiệm giữa các đơn vị trung đoàn 2 và trung đoàn 56 Bộ binh tại các căn cứ nói trên. Theo kế hoạch tái phối trí mới, trung đoàn 56 BB chịu trách nhiệm phòng thủ căn cứ Fuller, Khe Gió và Carroll (Tân Lâm). Một tiểu đoàn đóng chung với bộ chỉ huy trung đoàn tại căn cứ Carroll.

Trên lộ trình chuyển quân để nhận khu vực trách nhiệm mới, tiểu đoàn 2/56 vừa từ căn cứ C 2 di chuyển về Cam Lộ, rẽ về phía Tây theo Quốc lộ 9 đã đến căn cứ Khe Gió bình an, tiểu đoàn 1/56 bị pháo kích dữ dội trên đường đến căn cứ Fuller. Tiểu đoàn 3/56 cùng bộ chỉ huy trung đoàn vừa đến ngay căn cứ Carroll thì pháo Cộng quân chụp ngay xuống đoàn quân xa, trong loạt đạn đầu có khoảng 200 trái pháo 130 ly. Vài quân xa trúng đạn phát hỏa, máy phát điện của đài chỉ huy bị tê liệt, giây điện thoại, giây điện, ăng ten truyền tin bị hư hại, trung tâm hành quân của bộ chỉ huy trung đoàn phải làm việc dưới ánh sáng yếu ớt của các ngọn nến.

Đến sáng ngày 31 tháng 3/199, hệ thống liên lạc truyền tin mới trở lại bình thường.
Trong ngày 1 tháng 4/1972, Cộng quân tiếp tục pháo kích dữ dội vào căn cứ Carroll, làm tê liệt mọi hoạt động. Sau đó, bộ binh và chiến xa mở các trận tấn công liên tục. Chiến binh trung đoàn 56 BB đã dũng cảm chịu đựng nhiều cuộc pháo kích dữ dội và đã đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch quân. Chiến đấu dưới những trận mưa pháo và áp lực quá nặng của đối phương, trung đoàn 56 BB không nhận được sự yểm trợ mạnh của phi pháo và hỏa pháo nên đã lâm vào tình thế rất nguy kịch. Và cuối cùng căn cứ Tân Lâm thất thủ trong ngày 2 tháng 4/1972.

* Chi tiết về sự tan rã của trung đoàn 56 Bộ binh.
Đã có nhiều tài liệu viết về sự thất thủ của trung đoàn 56 Bộ binh tại phòng tuyến Carroll, một tài liệu được đa số anh em cựu quân nhân Sư đoàn 3 BB đánh giá lá khá chính xác đó là loạt bài viết về cuộc chiến Mùa Hè 1972 tại Quảng Trị của cựu đại tá Gerald Turley-một trong những cố vấn cao cấp của Hoa Kỳ có mặt tại bộ tư lệnh Hành quân Sư đoàn 3 BB khi trận chiến vừa bùng nổ. Diễn biến về biến cố chiến trường này được cựu đại tá Turley ghi nhận như sau:

Tại căn cứ hỏa lực Carroll, dưới những trận mưa pháo dồn dập, trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng trung đoàn 56 Bộ binh đang âm thầm triệu tập một cuộc họp tại căn hầm riêng của ông với một số sĩ quan đơn vị trưởng và trung tá Vĩnh Phong, trung đoàn phó. Với bộ mặt hốc hác sau mấy ngày đêm thiếu ngủ, trung tá Đính- người hùng của đại đội Hắc Báo năm xưa, đã cho các sĩ quan hiện diện biết tình hình khó khăn của căn cứ Carroll với lệnh tử thủ của tướng Giai. Trong cuộc họp này nhiều sĩ quan đã đưa ra một số ý kiến:

- Phá vòng vây, may mắn đem được một ít tàn quân chạy về thì cũng thân bại danh liệt.
- Chỉ còn còn hai con đường quy hàng hay tử thủ.

Sau cuộc họp, trung tá Đính gặp cố vấn của trung đoàn, vị sĩ quan Mỹ chất vấn trung tá Đính: Tại sao ta không sử dụng mấy chiếc M-41 còn lại và vài xe bọc sắt, phá hàng rào phía Nam rút về phía căn cứ Mai Lộc nương tựa vào lực lượng Thủy quân Lục chiến ở đó mà tìm về Ái Tử.


Trung tá Đính trả lời:

- Muộn rồi, các sĩ quan đã đồng ý đầu hàng và đã liên lạc với cấp chỉ huy địch. Ông hãy cùng tôi tự tử để khỏi nhục.
- Không, sĩ quan Hoa Kỳ không làm như vậy, chúng tôi sẽ tự lo liệu lấy. Hai người bạn đồng minh bắt tay lần cuối. Lúc 15 giờ chiều, trung tâm hành quân của Sư đoàn 3 BB ở căn cứ Ái Tử nhận được công điện của sĩ quan cố vấn trung đoàn 56 Bộ binh gửi đi từ căn cứ Carroll:
- Chúng tôi yêu cầu được rời nhiệm sở. Có lý do: bộ chỉ huy trung đoàn 56 Bộ binh không cần chúng tôi ở đây nữa. Sẽ cắt nghĩa sau.

Nhận điện tín, do không hiểu chuyện gì đã xảy ra, đại tá Turley, cố vấn Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đang làm việc chung với toán cố vấn của sư đoàn 3 Bộ binh, đã ra lệnh:
- Không được, các ông hãy ở đó thi hành nhiệm vụ.

Hai mươi phút sau một công điện cuối cùng nhận được từ căn cứ Carroll: Chỉ huy trưởng căn cứ muốn hàng địch. Cờ trắng kéo lên trong vài phút nữa. Không còn thì giờ để nói, chúng tôi hành động gấp để vượt thoát.

Sau khi báo tin về trung tâm hành quân Ái Tử, hai sĩ quan cố vấn của trung đoàn 56 Bộ binh thu xếp hàng trang nhẹ vào túi đeo vai, thiêu hủy tài liệu kín rồi xách chiếc máy truyền tin đi về hàng rào phía Nam căn cứ. Hai người lính Việt Nam tình nguyện đi theo. Đang lúc len lỏi giữa hàng rào kẻm gai thì Cộng quân đã phát giác và nổ súng. Toán người định vượt thoát vừa bắn trả vừa lùi trở lại hàng rào. Một cố vấn dùng máy PRC 25 liên lạc về Ái Tử xin tiếp cứu thì thật tình cờ, họ liên lạc được với một chiếc trực thăng CH 45 đang tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc. Phi công đã liên lạc với toán cố vấn và đã đáp xuống căn cứ Carroll trong khi 2 trực thăng Cobra võ trang nhào xuống bắn phá phía ngoài vòng rào yểm trợ. Viên sĩ quan cố vấn phó trung đoàn 56 Bộ binh và hai người lính truyền tin leo lên trực thăng trước, viên cố vấn trưởng còn đứng lại ngăn cản một số lính pháo binh đang chạy lại gần với ý định đi theo. Kẻ nào không có súng là có ý định hàng giặc. Ông ta nghĩ vậy và chỉ cho phép khoảng 30 người lính có vũ khí lên trực thăng. Trong khi đó, lính Cộng sản lại gần và bắn vào đuôi trực thăng:
- Thôi trung tá, ông lên đi, người sĩ quan phụ tá hét lên.

Khi người cố vấn của trung đoàn 56 Bộ binh ngồi vào chiếc ghế ở cửa thì trực thăng bốc lên giữa những hàng súng nhỏ bắn theo. Nhìn lại căn cứ Carroll, ông ta đã thấy lá cờ trắng thật to được treo lên ở cổng chính của căn cứ. Chiếc CH 47 bị chảy dầu, nên khi bay về đến Quốc lộ 1 phải đáp xuống, thả toán người thoát về từ căn cứ Carroll giữa những tiếng nổ của hỏa tiễn 122 ly. Hai sĩ quan cố vấn được một chiếc trực thăng bốc về Quảng Trị. Khi nghe tường trình sự việc xảy ra tại căn cứ Carroll, tướng Giai không tin là chuyện có thật và giận dữ nói các cố vấn là hèn nhát bỏ nhiệm sở. Chẳng những tướng Giai mà hầu hết mọi người đều không tin rằng trung tá Phạm Văn Đính, người hùng Hắc Báo đã từng chiến thắng khắp nơi trên vùng giới tuyến mà lại dễ dàng đầu hàng quân địch sau 3 ngày chiến đấu. Nhưng đó là sự thật phủ phàng. Sau khi phối kiểm tin tức, các binh sĩ thoát về đều nói như vậy, tướng Giai buồn rầu xin lỗi 2 cố vấn và 2 người này được chỉ định đi theo trung đoàn 2 Bộ binh.

Tại trung tâm hành quân ở Ái Tử, khi nhận được tin căn cứ Carroll thất thủ, đại tá Turley điện thoại về Đà Nẵng. Không ai tin. Cố vấn quân đoàn 1 nói với ông:
- Đại tá Turley, ông có điên không, trung tướng Lãm tư lệnh Vùng 1 không biết có sự đầu hàng nào cả.
- Xin chờ hai cố vấn trung đoàn 56 BB vừa thoát về báo cáo tình hình rõ ràng hơn.
Đại tá Turley nói vậy và gác máy. Sau đó, ông được lệnh về Sài Gòn gấp để trình diện đại tướng Abrams-tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vừa buồn rầu vừa tức giận, ông ta nói với tất cả sĩ quan cố vấn tại trung tâm hành quân Ái Tử:
- Tôi không muốn rời chỗ này trong khi tình hình biến đổi rất nhanh. Tuy nhiên tôi phải về Sài Gòn ngày mai. Nhưng bây giờ thì các bạn tiếp tục nhiệm vụ như chưa có gì xảy ra cho tôi.

Kỳ sau: Trận chiến bi tráng của các trung đoàn 2 và 57 thuộc Sư đoàn 3 Bộ binh tại phòng tuyến Quảng Trị tháng 4/1972.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.