Hôm nay,  

Vấn Đề Là...

20/10/200300:00:00(Xem: 5414)
Liên tiếp trong những ngày gần đây, chính phủ của TT Bush đã đưa ra những lời phản bác để chống lại những sự chỉ trích của báo chí cũng như của các giới chính trị, đặc biệt là đảng Dân Chủ về vấn đề Iraq. Trong khi TT Bush cho biết rằng mặc dù có nhiều khó khăn, tình hình ở Iraq đang được cải thiện dần, thì Phó TT Dick Cheney, hôm thứ sáu tuần rồi đã gay gắt chỉ trích báo chí, các đảng viên Dân Chủ và các nhà lãnh đạo ngoại quốc như TT Pháp Jacques Chirac, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan về vấn đề chủ trương của Mỹ trong vụ đánh và chiếm đóng Iraq.
Phó TT Dick Cheney đặc biệt chỉ trích chủ trương của LHQ. Ông cho rằng việc 5 cường quốc Anh, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc trong Hội Đồng Bảo An LHQ có quyền phủ quyết là một tập tục lỗi thời, nó ngăn chận Hoa kỳ không được hành động khi nền an ninh của mình bị hăm dọa. Ông cũng cho rằng tất cả những biện pháp mà LHQ cho thi hành ở Iraq để đối phó với Saddam Hussein trong mười mấy năm qua đều thất bại.
Theo ý chúng tôi thì trong mọi chế độ dân chủ việc chỉ trích chánh quyền là một việc không thể thiếu được cũng như việc chánh quyền trả lời và giải thích chính sách của mình cho quần chúng hiểu rỏ. Trong vấn đề Iraq, một vấn đề bị chỉ trích từ trong nước cũng như ở ngoại quốc, vấn đề không phải là đã kích gay gắt những người chỉ trích mình, mà phải có những biện pháp để giải quyết các khó khăn và trở ngại của việc chiếm đóng Iraq lâu dài.

Rõ ràng là ai ai cũng thấy chính phủ Bush đang bối rối về vấn đề Iraq: LHQ không đồng ý về việc tiến đánh Iraq, các quốc gia đồng minh ở Âu châu không giúp tiền cũng như không giúp quân. Trong nước, báo chí và đảng Dân Chủ chỉ trích việc chiếm đóng lâu dài Iraq, khiến cho Hoa Kỳ phải tốn của, tốn người. Du kích chiến do người Iraq chủ trương được khối người Hồi giáo và Á Rập khuyến khích giúp đở, có thể phát triển như ở Việt Nam. Ngân sách thiếu hụt trong khi tình hình kinh tế trì trệ, số người thất nghiệp chưa bao giờ lớn như lúc này. Nhiều địa phương trong nước thiếu phương tiện để cải thiện đời sống cho người dân thì chính phủ lại bỏ ra những số tiền lớn để dân chủ hóa và tái thiết Iraq. Nội bộ chính quyền lũng cũng vì chính sách đối với Iraq: việc đề cử bà Condoleezza Rice làm trưởng Nhóm Ổn Định (Stabilization Group) ở Iraq mà không thông báo cho ông Donald Rumsfeld, bộ trưởng Quốc phòng và là người từ trước đến nay nắm toàn bộ vấn đề Iraq trong tay mình (tin nói có sự đồng ý của ông trước đây đã bị đính chánh). Việc gởi thêm một sư đoàn qua tăng cường sự chiếm đóng Iraq đòi hỏi việc gọi quân trừ bị, tạo ra một sự căng thẳng trong việc bố trí lực lượng quân sự Hoa kỳ để đối phó với các bất trắc trên thế giới..
Vấn đề của chính phủ Bush là phải giải quyết thành công các khó khăn trên chứ không phải là chỉ trích gay gắt những ai chỉ trích mình. Việc tiến đánh Iraq để loại trừ Saddam Hussein là một việc nên làm, nhưng còn việc dân chủ hóa và tái thiết Iraq là một công việc lâu dài và tốn kém cần phải có sự tiếp tay của LHQ như ở Afghanistan. Trong bất cứ chế độ dân chủ nào, sự chỉ trích dù gay gắt đến đâu, vẫn có tính cách xây dựng của nó. Vì không có chỉ trích, thì không có dân chủ đã đành rồi, nhưng không có chỉ trích thì chánh quyền cũng sẽ không thấy được các sơ hở hay lỗi lầm của mình mà sửa đổi. Chính sách hiện nay của TT Bush có quá nhiều nhược điểm - điều mà ai ai cũng thấy - nên cần có những sự chỉ trích để cho chính quyền thấy được những gì mình phải làm để cải thiện tình hình. Nếu không chấp nhận chỉ trích thì giống như chính quyền tự đào lổ chôn mình và các giới quan sát chính trị tại thủ đô Hoa thịnh đốn đều cho rằng nếu từ đây tới giữa năm 2 004, nếu tiønh hình kinh tế trong nước và tình hình Iraq không được cải thiện hay có một lối thoát hợp lý thì việc TT Bush phải nhường Tòa Bạch Ốc lại cho người khác là chuyện không thể tránh được.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.