Hôm nay,  

Một Đêm Tập Nhạc Thính Phòng Chương Trình “nhạc Tiền Chiến”

02/02/200100:00:00(Xem: 5279)

Cách đây gần một tháng, trong một buổi sinh hoạt của một hội đoàn Công Giáo, trong phần giải lao tôi được nghe một số các anh chị bạn rủ nhau đi nghe nhạc thính phòng Tiền Chiến…!!"" Tôi lấy làm ngạc nhiên vì mình được đọc nhiều báo Việt ngữ phát hành từ Quận Cam và San Jose mà có nghe thấy nhạc thính phòng Tiền Chiến hay Hậu Chiến gì đâu… mà các vị này lại rủ rê để đi nghe một chương trình nhạc có vẻ hấp dẫn quá vậy! Hấp dẫn vì các lí do sau đây: Một là nhạc thính phòng với dàn nhạc giao hưởng nhẹ, hai là nhạc Tiền Chiến…
Đối với tôi khi nghe và thưởng thức âm nhạc thì tôi cũng chỉ thưởng thức ở mức độ trung bình. Trình độ thẩm âm và hiểu biết về âm nhạc cũng chỉ ở mức trung trung đơn sơ của đa số quần chúng người Việt hải ngoại. Nhưng các từ "Nhạc Tiền Chiến" khiến tôi nhớ tới những nhạc sĩ tiên khởi của một thời lãng mạn đã qua của giai đoạn 1930 - 1945 như Vân Cao, Doãn Mẫn, Hoàng Quí, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Đoàn Chuẩn, Đỗ Nhuận… với các nhạc phẩm được coi như nhạc mới thuộc loại "cổ điển" Việt Nam được trân quí như Thiên Thai, Suối Mơ, Biệt Ly, Gọt Mưa Thu, Ngọc Lan, Bến Xuân, Lá Đổ Muôn Chiều…. Tuổi trẻ của chúng tôi lớn lên trong một giai đoạn lịch sử mà quê hương gặp nhiềutai ương, biến loạn nhưng lại được ôm ấp, nâng niu trong dòng nhạc trữ tình lãng mạn đó của thời "Tiền Chiến". Nghe nhạc, thưởng thức một bài ca như thể để sống lại một giai đoạn lịch sử, một dấu chứng của thời gian. Nghe nhạc phải có lời như nghe bản cải lương Miền Nam thì phải vỗ tay khi nghệ sĩ xuống bảy câu vọng cổ!
Tôi thêm tò mò tìm hiểu. Thì ra các bạn tôi nghe được các buổi phát thanh, hội thoại về một nhóm anh chị em trẻ của Hội Nghệ Thuật Âm Nhạc Việt Nam ở Cali sẽ tổ chức hai đêm nhạc thính phòng với chủ đề "Nhạc Tiền Chiến" trình diễn ở San Jose ngày 04/02/2001 và Quận Cam vào 17/02/01. Chúng tôi hẹn nhau mua vé sớm để không bị nhỡ tàu vì vé "sold out". Và một may mắn khác lại đến là tôi lại có một người bạn trẻ trong ban tổ chức mời tham dự một buổi tập dượt của chương trình Nhạc Tiền Chiến đêm 30/01/01 tại Westminster. Tôi cảm thấy sung sướng vì may mắn và có duyên vơi Nhạc Tiền Chiến Việt Nam.
Để được tham dự trọn vẹn buổi tổng dợt bắt đầu lúc 7:00 PM ở Quân Cam, tôi phải rời vùng San Fernando Valley từ 4:00 PM vì phải qua nhiều nút kẹt xe mới tới được Westminster. Đến được địa điểm là phòng nhạc của Trường Westminster Music School đúng bảy giờ, anh em tôi đã chứng kiến ban nhạc đang dợt cùng ca sĩ Thái Hiền với các bài Suối Mơ, Bến Xuân. Phòng tập dợt ở lầu một. Tôi đã gặp, thấy và nghe với nhiểu sự bất ngờ lý thú.
Tôi gặp người bạn trong ban tổ chức là chị Vũ Thị Thơ và anh Pham Duy Quang mà lâu nay chỉ biết nhau qua điện thoại hay emails trong một vài công việc liên hệ. Tôi gặp được họa sĩ Thái Tuấn, tuy đã 82 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe và cũng yêu nhạc "Tiền Chiến" nên được Chị Thơ và người con dâu của ông đưa đến tham dự buổi tập dợt. Tôi gặp ca sĩ Khánh Ly và phu quân là anh Nguyễn Hoàng Đoan ngồi yên lặng để nghe và chờ vợ tập dợt trong tư thế kiên nhẫn phó thác trên tay có cầm một chiếc máy ghi âm mini. Tôi thấy chị Thanh Lan đến rất sớm để dợt cùng ban nhạc. Sau đó là Đinh Ngọc, Tuấn Ngọc rồi Quỳnh Giao lần lượt xuất hiện.

Sự ngạc nhiên lớn của tôi là nhạc trưởng Thomas Ngô và các nhạc sĩ viết hòa âm như Khánh Hồng, Đặng Xuân Thìn, Nhật Trung rất trẻ. Tôi ngồi yên trong một góc phòng để nghe và quan sát lối làm việc, điều khiển, nói năng của các nhạc sĩ trẻ này. Tôi lấy làm cảm phục sự say mê nghệ thuật của họ. Người thu hút sự chú ý của tôi nhiều hơn hết là nhạc trưởng Thomas Ngô. Thomas còn rất trẻ trong tư thế một nhạc trưởng và trông anh rất hiền lành, khiêm tốn, dịäu dàng và nhẫn nại… luôn luôn nở nụ cười trong suốt buổi tập dợt điều khiển cũng như lúc nghỉ ngơi. Tôi lại được biết Thomas Ngô đã từng du học Aâu Châu, tốt nghiệp môn điều khiển dàn nhạc giao hưởng và French Horn, từng là giảng viên Trường Quốc Gia Aâm Nhạc Saigon… Đây là những nhạc sĩ trẻ muốn làm sống lại những bài nhạc trữ tình "Tiền Chiến" trong kiểu trình diễn thính phòng với lối viết hòa âm, phối khí mới lạ cho một ban nhạc giao hưởng nhẹ gồm 4 violins (theo poster quãng cáo là 8 violin, nhưng tối nay tôi chỉ thấy 4 mà thôi), 2 cello, 1 piano, 1 keyboard, 1 guitar, 1 base, 1 Flute, 1 Clarinette, 1 Saxophone và 1 trống. Các nhạc sĩ hoà tấu có 5 người Mỹ là Mike Alarcon (trống), Rory Mazzela (saxophone), Jim Foschia (clarinette), Bob Morgan (flute) và Fernando Hahnl (cello), họ đã hài hòa trong lối điều khiển nhã nhặn của Thomas Ngô và dĩ nhiên là sự điều hợp tổng quát của "Bầu Thơ" và “Bầu Quang”. Phải nói là họ thao dợt rất nghiêm túc. Trước đó ban nhạc đã có nhiều buổi hòa tấu rồi và sau đêm nay, họ còn phải thao dợt tối thứ Năm (2/2/01) cũng tại căn phòng này, rồi tổng dợt tối Thứ Bảy (03/2/01) tại San Jose với các MC. Kim Oanh và Bùi Bảo Trúc (đến từ D.C.) trước khi ra quân Chủ Nhật 4-2-2001.
Tôi đã nghe Thái Hiền hay Thanh Lan hay Khánh Ly hát nhiều rồi nhưng chưa bao giờ được nghe và nhìn các chị hát với một ban giao hưởng thính phòng như hôm nay. Phải nói là nghe lạ lắm và "đã" lắm, ở lối nhẹ nhàng êm ái trong phong cách tuyệt vời của một ban giao hưởng thính phòng này. Tôi đã từng nghe chị Khánh Ly hát "Ca Khúc Da Vàng" tủi hờn bên một người đệm guitar thùng trên một sân khấu lộ thiên ở một Văn Khoa hay bên đống lửa bập bùng của một trại công tác hay lâm ly với những bản tình ca của TCS, hay nghe Khánh Ly hát "Kinh Khổ" của Trầm Tử Thiêng một cách nức nở…và đây là lần đầu tiên nghe chị hát bên dàn nhạc giao hưởng. Cung cách và giọng hát của Khánh Ly lại càng thêm điêu luyện, thêm liêu trai và ma quái với "Biệt Ly" của Doãn Mẫn, "Trách Người Đi" của Đan Trường…! Người nghe phải "thổn thức", trách móc nhẹ nhàng diệu vợi theo Khánh Ky. Tuyệt vời! Nhưng đó chỉ mới thao dợt mà ban nhạc và Khánh Ly đã diễn tả hay như thế và trình diễn thật thì còn phải biết là hay đến chừng nào…!
Tuấn Ngọc đã cho chúng tôi thưởng thức "Lá Đổ Muôn Chiều", "Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa" qua giọng hát mạnh và điêu luyện của anh. Khó có ai diễn tả được bài "Lá Đổ Muôn Chiều" bên cạnh ban giao hưởng như Tuấn Ngọc. Nhưng có một cái lạ nữa của lối hoà tấu của ban nhạc và cách diễn tả của Tuấn Ngọc với bài hát quen thuộc trong các bài nhạc tiền chiến là bài "Cây Đàn Bỏ Quên". Cứ tưởng sẽ nghe bài hát như đã nghe các ca sĩ khác đã hát từ bao lâu. Không phải thế đâu. Lối hoà âm của Đặng Xuân Thìn và cách hòa tấu của ban nhạc nghe cũng lạ lắm. Tôi lại được nghe Thanh Lan trình bày bài nhạc giựt gân êm ái "Bánh Xe Lãng Tử" của Trọng Khương với cách viết hòa âm và phối khí rất đặc biệt của nhạc sĩ Nhật Trung. Hay thật!
Tôi nghĩ đến những vì sao lạ trong vòm trời âm nhạc Việt Nam hải ngoại. Cũng những ca sĩ quá quen thuộc, cũng những tên tuổi tưởng như nhàm chán nhưng đứng bên dàn nhạc giao hưởng này tiếng hát đổi khác, cung cách dáng điệu của người ca sĩ trở nên trang trọng lạ thường. Khán giả đi tham dự một buổi hát nhạc hay hoà nhạc thính phòng cũng cảm thấy có cái gì khác hơn bình thường. Đến với nhạc thính phòng thường cảm thấy yêu thương nhẹ nhàng và tâm hồn thoải mái hơn là đi coi một đêm đại nhạc hội thông thường. Xin hãy đến để thấy và nghe …rồi ra về với một niềm luyến nhớ…"Nhạc Tiền Chiến với Dàn Nhạc Giao Hưởng….!" (Đỗ Khanh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.