Hôm nay,  

Những Giờ Tử Chiến Cuối Cùng Của T.đoàn 11 Dù Ơû Charlie

08/07/199900:00:00(Xem: 6761)
* Tổng lược về trận chiến tại Charlie:
Trong số trước, chúng tôi đã lược trình trận đánh giữa tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và các binh đoàn CQ thuộc sư đoàn 320 CSBV vào thượng tuần tháng 4/1972 tại các cụm đồi thuộc hệ thống phòng ngự của căn cứ hỏa lực Charlie, ở phía Tây Bắc Kontum. Đây là một trong những trận đánh lớn trên chiến trường Việt Nam đã được báo chí trong nước và các hãng thông tấn quốc tế đặc biệt theo dõi và tường trình trong các bản tin hàng ngày, một số sự kiện liên quan đến trận đánh đã trở thành đề tài cho nhiều phóng sự, ký sự chiến trường được phổ biến vào năm 1972 tại Sài Gòn.
Trở lại với cuộc diện trận chiến, như đã trình bày, căn cứ Charlie là một cụm tuyến gồm 3 đỉnh đồi: 960, 1020, 1050 nối liền nhau bằng sườn dốc thoai thoải như yên ngựa. Hướng Tây Bắc của Charlie là ngã ba biên giới 3 nước Đông Dương, phía đông là sông Pôkô và Quốc lộ 14. Ngày 11 và 12 tháng 4/1972, Cộng quân đã liên tục pháo hàng ngàn quả đạn: 130 ly, 122 ly và hỏa tiễn đủ loại vào các cứ điểm thuộc hệ thống phòng ngự của căn cứ này. Gần 9 giờ sáng ngày 12/4/1972, Cộng quân tiếp tục pháo loại đạn nổ chậm. Hầm chỉ huy của trung tá Nguyễn Đình Bảo-tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù bị trúng nguyên một trái đạn, hầm bị sập toàn bộ, và xác vị tiểu tiểu đoàn trưởng anh hùng này bị mảnh đạn cắt đứt nhiều chỗ. Khoảng 10 giờ sáng, Cộng quân từ chân đồi tràn lên đỉnh 960 của căn cứ Charlie. Đại đội 111 do trung úy Thinh chỉ huy đã bắn hạ hàng trăm địch quân. Khi chuẩn bị đánh cận chiến bằng lưỡi lê đánh cận chiến thì đại đội 111 được lệnh của thiếu tá Mễ-tiểu đoàn phó, xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng, rút về đỉnh 1020 của bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Để tiếp ứng cho đại đội 111, thiếu tá Mễ đã điều động đại đội 112 của đại úy Hùng “Móm” xuống đón đại đội này, đồng thời tổ chức phòng ngự từ xa để chận địch tràn lên tấn công vào khu vực trung tâm căn cứ. (Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù có hai đại đội trưởng cùng tên Hùng, cùng khóa 22 Võ Bị Đà Lạt. Để phân biệt, anh em trong tiểu đoàn đã đặt thêm tên cho 2 sĩ quan này: Hùng móm và Hùng mập.) Sau khi đại đội 111 rút khỏi, Pháo binh Nhảy Dù và Không quân đã hỏa tập vào đỉnh đồi 960. Bị thiệt hại nặng, Cộng quân buộc phải rút lui.

* Đại đội 111 mở đường máu: đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng tử trận...
Ngày 13 tháng 4/1972, đại úy Hùng “móm” dẫn đại đội 112 tổ chức phản công chiếm lại đồi 960 để bảo vệ nguồn nước và bãi đáp dành cho trực thăng ở khu yên ngựa của cụm đồi. Binh sĩ đại đội này từ trên đỉnh cao của căn cứ tuột xuống thì bị Cộng quân sử dụng sơn pháo trực xạ vào đội hình của các trung đội. Để tránh tổn thất, bộ chỉ huy tiểu đoàn cho lệnh đại đội rút trở lại đỉnh đồi 1020. Lúc bấy giờ, đại đội 111 của trung úy Thinh ở gần đó được lệnh tung quân đi tìm nguồn nước và làm bãi đáp trực thăng để di tản thương binh và quân nhân tử trận. Trung úy Thinh cho tiến quân về hướng Tây Bắc nhưng gặp sự kháng cự mạnh của địch, vị đại đội trưởng rất trẻ này đã cho chuyển quân qua hướng Đông Nam. Lúc bấy giờ cả đại đội 111 chỉ còn hơn 50 chiến binh. Tất cả tuột đồi 1020 để xuống hướng Đông Nam. Di chuyển được 200 thước thì đại đội bị Cộng quân bố trí sẵn để phục kích. Địch quân khai hỏa từ bốn phía để cố triệt hạ đại đội Nhảy Dù.
Dù bị phục kích bất ngờ nhưng trung úy Thinh đã nhanh nhẹn điều động quân sĩ xung phong để phá vòng vây. Cộng quân đã dàn sẵn đội hình để phục kích đại đội 111. Trong lúc đang điều động quân sĩ, trung úy Thinh đã bị một tràng đạn AK bắn vào người. Anh ngã xuống cạnh người hiệu thính viên truyền tin. Xuất thân khóa 25 trường Bộ binh Thủ Đức vào đầu năm 1968, trung úy Thinh được đồng đội mô tả là một sĩ quan rất đẹp trai và đánh giặc rất gan lì. Anh đã lập nhiều chiến tích từ trận Damber ở Căm Bốt cho đến trận Hạ Lào (Lam Sơn 719). Trong những ngày bị Cộng quân bao vây quanh căn cứ Charlie, trung úy Thinh đã “tả xung hữu đột” để bảo vệ điểm tiếp tế và bãi đáp trực thăng. Cuối cùng anh đã vĩnh viễn ở lại Charlie với tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo (khóa 14 Đà Lạt) và nhiều đồng đội khác.


Đại đội trưởng tử trận, cấp sĩ quan chỉ huy trong đại đội chỉ còn lại chuẩn úy Ba, một trung đội trưởng. Anh đã nhào lên điều động quân sĩ bắn trả để vượt thoát vùng tử địa, nhưng chỉ một lát sau, người trung đội trưởng anh hùng này cũng bị trúng đạn tử trận như trung úy Thinh. Cả toán quân bây giờ chỉ còn 1 sĩ quan tăng phái: đó là thiếu úy Khánh, sĩ quan tiền sát viên tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù. Vị sĩ quan này ủy nhiệm trung sĩ Lung dẫn tổ khinh binh xung phong mở đường máu để có thể đưa anh em còn lại vượt thoát về bộ chỉ huy tiểu đoàn.

* Triệu Tử Long của tiểu đoàn 11 Nhảy Dù:
Trung sĩ Lung là một hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm trận mạc, bị thương nhiều lần. Từ một binh nhì khinh binh, anh đã bốn lần được đặc cách thăng cấp tại mặt trận lên đến trung sĩ nhờ chiến công. Trong trận đánh ngày 13 tháng 4/1972, khi chứng kiến cấp chỉ huy lần lượt ngã xuống trong tức tưởi, như một Triệu Tử Long trong truyện Tam Quốc, anh cầm đại liên xung trận như tên lửa. Anh bóp cò, quay đại liên theo hình cánh quạt, tác xạ liên tục về các ổ súng của đối phương để mở đường cho đồng đội rút đi. Anh ở lại cuối cùng để cản địch tràn ra. Đối phương nhiều lần cố xông lên để hạ hoặc bắt sống anh nhưng đã bị anh quạt ngã. Khi cả đại đội đã phá được vòng vây, trung sĩ Lung đã bị 1 quả B 40 bắn vào người. Cả người anh tung lên như một quả bóng rồi ngã xuống như một hiệp sĩ, một thiên thần gãy cánh...
Trung úy Thinh, chuẩn úy Ba, trung sĩ Thinh và nhiều chiến binh khác đã “ở lại” với núi rừng Tây Nguyên để cho anh em còn lại thoát hiểm. Vừa ra khỏi vòng vây địch, số còn lại gần phân nửa đã được đại đội trên núi xuống tiếp ứng. Cùng lúc đó, một số khu trục cơ của Không quân xuất trận oanh kích địch, nên các “đứa con” của đại đội 111 đã về được đỉnh 1020 (bộ chỉ huy tiểu đoàn).

* Trận đánh cuối cùng ở phòng tuyến Charlie:
Ngày 14 tháng 4/1972, Cộng quân tiếp tục trận mưa pháo ghê hồn. Vừa dứt pháo, Cộng quân tràn lên tấn công vào bộ chỉ huy tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Cộng quân liên tục gọi tên thiếu tá Mễ-xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng, và thiếu tá Hải-trưởng ban 3 tạm quyền tiểu đoàn phó, ra đầu hàng. (CQ biết tên các sĩ quan này có lẽ do khai thác tù binh). Thiếu tá Lê Văn Mễ tức giận ôm khẩu M16 ra giao thông hào quạt tới tấp, một quả lựu đạn loại bộc phá của Cộng quân ném vào, anh bị sức ép của hơi làm ngã người ra. Thiếu tá Mễ tưởng mình bị thương nặng nhưng sau đó y sĩ trưởng tiểu đoàn là bác sĩ Tô Phạm Liệu khám người anh, cho biết do tinh thần bị căng thẳng mấy ngày nay nên yếu sức ngây ngất mà thôi.
Đang nằm để bác sĩ khám, thiếu tá Mễ được đại đội trưởng 114 Nguyễn Cảnh Cho báo là Cộng quân đã phá được một phần tuyến phòng thủ của đại đội này.
Đại đội trưởng Cho nói trong máy:
- Trình Mê Linh, tụi nó lấy của tôi một khúc ruột (Mê Linh: danh hiệu truyền tin của thiếu tá Mễ).
- Cố gắng lấy lại tôi sẽ cho C.V.T phủ đầu nó.

* Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù vĩnh biệt Charlie:
Vào lúc này thiếu tá Mễ biết rõ là đơn vị đã hết đạn và cạn lương thực, từ ngày 7/4/1972 đến nay, tiểu đoàn không nhận được tiếp tế đạn dược, lương thực. Trong 7 ngày qua, tất cả tiểu đoàn đã tiếp tục cầm cự với tất cả dũng khí trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Lúc bấy giờ, xác địch ngổn ngang khắp căn cứ, thi thể nhiều người lính Nhảy Dù vẫn còn trên chiến địa chưa kịp tải thương. Trước hoàn cảnh bi tráng đó, cuối cùng thiếu tá Mễ bàn với thiếu tá Hải là cần phải rút quân để cứu lấy những người còn sống. Để thực hiện kế hoạch này, thiếu tá Mễ đã xin bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù nửa giờ sau cho bắn đạn nổ chụp ngay trên đồi 1020, rồi sau đó, anh ra lệnh cho các đại đội “nhổ trại” theo hướng Đông Bắc, phương giác 800 để tìm đường rút về Tân Cảnh (bộ chỉ huy hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh) thay vì về Võ Định (căn cứ của bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù) vì vị trí này quá xa căn cứ Charlie.
5 giờ chiều ngày 14 tháng 5/1972, cả 5 đại đội và bộ chỉ huy tiểu đoàn đồng loạt rời cao điểm 1020. Cộng quân tràn lên chiếm Charlie thì bị hỏa pháo Nhảy Dù đồng loạt dội vào căn cứ này. Cùng lúc đó, 6 chiếc B 52 xuất hiện dội hàng ngàn tấn bom. Ba tiểu đoàn CSBV vừa tiến lên căn cứ chưa kịp báo cáo về bộ chỉ huy thì đã bị tan nát dưới trận mưa bom B 52. Khi được báo là B 52 đã xuất trận, nhiều sĩ quan của bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã ngậm ngùi nói: Giá như loại phi cơ chiến lược này xuất trận từ khi Cộng quân đang bao vây Charlie thì giờ này cả tiểu đoàn 11 Nhảy Dù không bị thiệt hại nặng và vẫn giữ vững phòng tuyến này!

Kỳ sau: Những người lính Nhảy Dù của tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải trở về từ vùng tử địa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.