Hôm nay,  

Chiến Tranh, Ngân Sách

15/02/200300:00:00(Xem: 4052)
Tuần này, ông Alan Greenspan, chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang, đã đưa ra những lời chỉ trích kế hoạch của Tổng Thống Bush nhằm cắt giảm tiền thuế đến 674 tỷ đô la trong dự chi ngân sách quốc gia 2,235 tỷ cho năm 2004 để thi hành từ tháng 10/03 nếu được Quốc hội thông qua. Ngân sách liên bang Mỹ đã bắt đầu thâm thủng từ năm 2001 sau khi đã sử dụng hết số thặng dư từ những năm trước. Ngân sách của TT Bush dự liệu năm nay sẽ thâm thủng 307 tỷ và sang năm thâm thủng 304 tỷ. Những số thâm thủng này còn vuợt trên cả số thâm thủng ngân sách kỷ lục 290 tỷ năm 1992 của TT Bush, phụ thân ông Bush ngày nay. Thâm thủng là thiếu hụt, chi nhiều hơn thâu, và tình trạng này có nghĩa là chính phủ phải vay nợ vào quỹ dự trữ quốc gia để có tiền xài. Hồi đầu tháng Hai, bộ Tài chính dự liệu số nợ quốc gia sẽ lên đến đỉnh là 6,400 tỷ vào ngày 20-2. Dự án ngân sách của TT Bush dự chi 380 tỷ về quốc phòng cho năm 2004, tăng 15 tỷ so với năm trước.
Quân bình ngân sách quốc gia là chủ trương của mọi chính phủ vì chỉ có vậy kinh tế mới có thể phát triển được một cách lành mạnh. Nhưng ngân sách của TT Bush lại nhằm vào một con đường tạo thiếu hụt: giảm thuế và tăng chi. Nước Mỹ ở vào một hoàn cảnh đặc biệt sau khi bị khủng bố tấn công năm 2001, vì thế tăng chi phí quốc phòng và an ninh nội bộ là đúng, nhưng trong khi đó tại sao ông Bush không tăng thuế mà còn tiếp tục giảm thuế" Sở dĩ kỷ luật ngân sách bị bỏ qua vì chiến lược của ông Bush nhằm tránh một vết xe đổ trong lịch sử: phụ thân của ông đã bị thất cử nhiệm kỳ II năm 1991 chỉ vì bị tố cáo không quan tâm đến sự yếu kém của kinh tế và nỗi đau khổ của số người thất nghiệp. Chiến lược của ông Bush dự tính những thâm thủng nhất thời vài ba năm sẽ không ảnh hưởng gì đến sức mạnh kinh tế Mỹ trị giá đến 10.5 ngàn tỷ đô la và chính phủ sẽ có khả năng làm giảm dần thâm thủng.
Chính ở điểm này, Greenspan đã nói khác. Ông cảnh cáo sự thâm thủng ngân sách sẽ có thể soáy như cơn lốc vuợt ra ngoài vòng kiểm soát. Trước Ủy ban Thượng viện Mỹ, ông nói mọi chính phủ đều thấy tăng chi và giảm thuế là dễ, nhưng cản bớt hay làm ngừng lại chiều hướng đó là rất khó. Greenspan là người có tầm vóc lớn để phát ngôn về những vấn đề kinh tế. Lời nói của ông khiến người ta nghĩ đến hình ảnh một chiếc xe hơi lạ: rồ ga cho nó chạy dọt lên thì dễ, nhưng làm nó chạy chậm hay thắng cho nó ngưng lại thì không dễ chút nào, nhất là khi nó đang đổ dốc... già. Tại sao lại có chuyện đổ dốc ở đây" Bởi vì điều mà người ta thích nhắc đến là "chu kỳ kinh tế". Kinh tế Mỹ đã trải qua một thời kỳ tăng vọt dưới thời TT Bill Clinton, đến nay nó theo chu kỳ đi xuống, TT George W. Bush không may hứng phải lúc này. Nhưng tại sao còn bảo là dốc già" Đó là vì hai chữ "chiến tranh".

Theo dự ước ngân sách của TT Bush, sự thâm thủng ngân sách trong hai năm 2003 và 2004 sẽ tiếp tục trong những năm tới, nhưng đến năm 2008, sự thâm thủng chỉ còn 190 tỷ một năm. Năm 2008 cũng là năm hết nhiệm kỳ II của TT Bush nếu ông được bầu lại năm 2004. Những con số đó chưa kể số chi phí về chiến tranh Iraq và bị các nhà phân tích độc lập coi là quá lạc quan. Về phần ông Greenspan, ông nói trở ngại lớn nhất cho sự tăng trưởng mau lẹ kinh tế là sự "bất định" trước vấn đề chiến tranh Iraq. Sau cuộc trình bày của Ngoại trưởng Colin Powell trước Hội đồng Bảo an LHQ, có đến 75% dân Mỹ tin chắc là chiến tranh Iraq sẽ xẩy ra, nhưng vậy còn có chuyện gì gọi là "bất định"" Sự thật, tin chắc không đồng nghĩa với hồ hởi. Người Mỹ biết nó sẽ xẩy ra không cách nào tránh khỏi, nhưng trong thâm tâm họ vẫn lo hậu quả của cuộc chiến. Bằng cớ là trước ngày 14-2 HĐBA họp, chỉ số chứng khoán đã xuống và nó càng xuống mạnh khi có những tin kèm theo về bọn khủng bố bin Laden có thể tấn công vào nước Mỹ mạnh hơn lần trước. Mỹ đã phải nâng cao cấp báo động và áp dụng những biện pháp phòng ngừa gắt gao. Xe lăn dốc già như vậy mà vẫn đạp lút ga khiến người ta lo ngại tổn phí chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến kinh tế.
Hồi đầu năm theo một chuyên gia Mỹ, chiến tranh Iraq sẽ tốn kém đến 200 tỷ đô la. Nhưng có lẽ số tổn phí cũng không đến nỗi cao như vậy nếu Mỹ chiến thắng và ổn định tình hình Trung Đông mau lẹ. Tuần này các giới quân sự Mỹ tỏ ý hy vọng trong vòng 48 tiếng đồng hồ hay vài ngày quân Mỹ có thể đổ bộ vào Baghdad để bắt hay giết được Saddam Hussein. Quân Mỹ có thể rút hết sau khi loại trừ các tay tướng lãnh trung thành với Saddam để chính người Iraq cai trị lấy đất nước này. Như vậy nhiều nhất quân đội Mỹ chỉ ở lại Iraq trong 6 tháng chớ không đóng lâu như ở Afghanistan.
Tuần này tạp chí Newsweek đưa ra chiến lược của Mỹ tấn công bằng đường bộ chủ yếu từ Kuwait và những vũ khí hiện đại nhất Mỹ sẽ sử dụng trong một cuộc chiến gọi là "tinh khôn". Bài báo viết về cuộc trình bày của Ngoại trưởng Powell trước HĐBA và kết luận: TT Bush không cần có thêm một nghị quyết để ra lệnh tấn công Iraq và các nước HĐBA biết như vậy. Đồng thời các giới chức Bạch Cung lại không muốn thảo luận về công tác rất tốn kém là xây dựng lại Iraq mà không có sự đóng góp của quốc tế. Các giới chức Âu châu - kể cả Anh - hết sức hoài nghi về thái độ lạc quan của chính phủ Mỹ tiên đoán việc lật đổ Saddam sẽ làm nẩy ra một làn sóng dân chủ lan rộng khắp thế giới Ả rập. Các giới chức Mỹ gạt bỏ cái lo âu của dân Âu lo như vậy, coi đó chỉ là nỗi âu lo thường tình trước chiến tranh. Nhưng còn một chuyện rắc rối hơn vẫn chưa thấy được giải quyết trong nội bộ chính phủ Mỹ. Đó là câu hỏi sau khi Mỹ chiến thắng, việc gì sẽ xẩy ra ở Iraq" Thắng một cuộc chiến có thể dễ. Nhưng thắng một cuộc hòa có khi còn khó hơn nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.