Hôm nay,  

Mậu Dịch Toàn Cầu Hóa

03/08/200400:00:00(Xem: 4648)
Tất nhiên là không thể hài lòng hết tất cả mọi người. Khi người nuôi tôm Miền Tây Việt Nam bất lợi, thì người lưới tôm Miền Nam Hoa Kỳ nhẹ thở chút đỉnh. Những đợt sóng lúc nào cũng lan tận qua bờ đại dương: Thời toàn cầu hóa, khi một bên này có lợi, thì có thể bên kia sẽ bất lợi. Cái chuyện win-win mà người Mỹ ưa nói, diễn giải theo kiểu Hà Nội là “hai bên cùng có lợi” là chuyện cực kỳ hy hữu, khó kinh khủng.
Đó cũng là chuyện mà hôm cuối tuần, 147 quốc gia cùng thở phào, khi tạm bàn xong các nhượng bộ căn bản tại hội nghị WTO về gỡ rào mậu dịch toàn cầu. Nhưng qua các sóng gió về mậu dịch như thế, các nhà soạn chính sách kinh tế cho VN cần phải nghiên cứu một giải pháp lâu dài hơn, ổn định hơn, đào tạo nhân sự bền chắc hơn, để kinh tế VN sẽ có những sản phẩm và dịch vụ độc đáo mà tất cả những sóng gió rồi không thể gây tác hại ở mức độ lớn. Một trong những yếu tố có thể nghiên cứu khi hội nhập kinh tế tòàn cầu, chính là bước đi vào dòng chính của WTO, nơi mà những quyết định với một vài chữ ký có thể biến đổi cuộc sinh tồn của nhiều triệu người trên thế giới.
Trước khi kết thúc cuộc thương thuyết WTO hồi cuối tuần, bản nghiên cứu của Tổ Chức Phát Triển và Hợp Tác Kinh Tế (OECD), bản doanh ở Paris, đã cung cấp các dữ kiện để các nhà thương thuyết cân nhắc:
-- Nếu cắt giảm 50% rào thuế quan toàn cầu, sẽ có thể thúc đẩy kinh tế toàn cầu 117 tỉ đô/năm, trong khi xóa bỏ toàn bộ sẽ bơm 173 tỉ đô/năm.
-- Nếu vừa xóa toàn bộ thuế quan và vừa giảm chi phí mậu dịch, thì sẽ đem tới tương đương 1.37% tổng sản lượng kinh tế hàng năm ở các nước đang phát triển và 0.37% ở các nước đã phát triển.
-- Ngân Hàng Thế Giới (WB) đã tính rằng nếu các nước giàu cắt thuế quan nông sản 10% và thuế quan trên hàng hóa kỹ nghệ 5%, trong khi các nước đang phát triển cắt 15% và 10%, theo thứ tự các khu vực trên, thì sẽ có 144% người có thể được nâng ra khỏi đói nghèo, và thu nhập toàn cầu sẽ tăng 520 tỉ đô, hầu hết là trong các nước nghèo, vào năm 2015.
Nhưng kết quả thương thuyết đã dẫn tới đâu" Có phần tin vui, rằng 147 nước cùng đạt một số thỏa thuận căn bản để Vòng Đàm Phán Mậu Dịch Doha không bị sụp đổ. Có phần tin buồn, rằng các hội từ thiện phi chính phủ cho rằng đó là “những hứa hẹn trống rỗng,” vì thời điểm cắt bao cấp nông sản của các nước giàu lại bỏ trống, không ghi cụ thể.
Và nông nghiệp lại là xương sống của kinh tế các nước nghèo, mà không phải là chủ lực của các nước giàu. Bản nghiên cứu của Oxfam, một hội từ thiện toàn cầu, ghi rằng hiện có tới 96% nông dân toàn cầu, tức là 1.3 tỉ người, đang sống ở các nước đang phát triển. Và có khoảng 900 triệu dân ở các vùng nông thôn nghèo khó đang sống với chưa tới 1 đô la/ngày. Cũng bản nghiên cứu này ghi rằng khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 2% tổng sản lượng kinh tế của Liên Âu và Hoa Kỳ, và chiếm 5% tổng nhân dụng của hai khối đó. Nhưng cũng chính thuế quan và bao cấp nông sản lại là một trong những điều tranh cãi chính tại WTO.
Bản tin Reuters hôm chủ nhật ghi rằng, “Ba nước kinh tế lớn châu Aâu là Anh, Pháp, Đức nồng nhiệt hoan hô kết quả thương lượng cứu vãn các đàm phán mậu dịch toàn cầu trong khi Trung Quốc nói rằng cac nước đang phát triển không bằng lòng, và tổ chức "Bạn Địa Cầu" bình phẩm là "những hứa hẹn trống rỗng".
Bộ Trưởng kinh tế Wolfgang Clement của Đức tuyên bố "147 quốc gia đã chụp lấy cơ hội và đạt được 1 bước tiến tới đáng kể" còn Bộ trưởng nông nghiệp Herve Gaymard nói với đài phát thành France Info rằng thỏa thuận tại hội nghị WTO là tốt và cân bằng, củng cố chính sách chung về nông nghiệp của Aâu Châu và không xét lại các cải tổ bắt đầu từ 10 năm...
Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời của ĐS Sun Zhenyu tại WTO, rằng "Khung thỏa ước không dở tuy rằng các nước đang phát triển không vừa lòng" - tuyên bố hôm Thứ 7 tại hội nghị Geneva, ĐS Sun không tuyên bố chi tiết hơn, nhưng nói Trung Quốc đã đóng 1 vai trò tich cực.
Thỏa thuận đạt được hôm Thứ 7 phác họa các biện pháp giảm thuế nông nghiệp và công nghiệp, bỏ chế độ tài trợ nông nghiệp ở các nước giàu, và tạo điều kiện dễ hàng hơn cho các doanh nghiệp kỹ nghệ và tài chánh hoạt động vượt biên giới.
Sau cuộc thương thuyết lâu suốt đêm, các thành viên chính WTO, có cả Mỹ, Liên Âu và Ba Tây và Nhật Bản đồng ý xóa bỏ bao cấp xuất cảng vào một thời điểm chưa định -- từ lâu là điểm mà các nước nghèo đòi hỏi -- để xiết bớt các bao cấp khác và hạ thấp hàng rào thuế quan.”
Vấn đề là, hầu hết các tổ chức phi chính phủ đều không hài lòng, vì cho rằng kết quả đàm phán hồi cuối tuần, loan báo kết quả thương lượng lúc 2:00 giờ sáng chủ nhật, thật sự chỉ là “bán đứng các nước nghèo và môi sinh.”

Celine Charveriat, trưởng văn phòng Geneva của hội Oxfam International, nhận xét, “Sau nhiều ngày thương thuyết kín cửa, các nước giàu đã đưa ra bản văn cực kỳ bất quân bình, như thể kiểu không chịu thế này là bỏ luôn... Điều này đẩy các nước nghèo vào vị trí bất công vì hoặc là chấp nhận một thương lượng dở hay là phải bác bỏ rồi bị Mỹ và Liên Âu đổ lỗi là không chịu...”
Kết quả tốt nhất, đúng ra, là thương lượng rạng sáng chủ nhật đã giúp chuẩn bị cho thương thuyết về mậu dịch ở Vòng Doha, nhằm mở rộng mậu dịch ở nhiều khu vực kinh tế, nguyên đã bị bế tắc trong hội nghị cấp bộ trưởng ở Cancun hồi tháng 9 qua, khi một nhóm các nước nghèo dẫn đầu bởi Ba Tây và Ấn Độ đòi hỏi Mỹ, Liên Âu phải giảm bao cấp nông sản mà họ nói là không thể nào làm nông dân nước nghèo cạnh tranh nổi.
Tổ chức hoạt động môi sinh Greenpeace lại phân tích cách khác, “[Kết quả] thương thuyết đó đã rất mực bất quân bình khi thiên vị các nước giàu, khi đưa các lời hứa mơ hồ để được các ưng thuận chủ yếu bởi các nước giàu... đặc biệt là khi [nước nghèo] mở cửa thị trường cho hàng kỹ nghệ, dịch vụ và nông sản xuất cảng từ chính các nước giàu.... lại buộc mở cửa thêm cho các khu vực nhạy cảm như ngư nghiệp và giao thương về lâm sản.... Tiến trình bí mật tại Geneva tuần này một lần nữa cho thấy WTO là một tổ chức phi dân chủ, nhằm đáp ứng quyền lợi các nước giàu...” Đó là lời của Daniel Mittler, Cố Vấn Chính Sách và Mậu Dịch của Greenpeace International.
Nhiều bình phẩm tương tự từ các hội đoàn quốc tế. Tuy nhiên nơi đây, chúng ta lấy cụ thể một trường hợp về bông sợi. Chavreriat phân tích rằng, “Bản văn không chấp nhận được vì không đáp ứng nhu cầu các nước nghèo. Được trình ra như bước ngoặt lớn, nhưng bản văn về nông sản không làm gì bao nhiêu cho vấn đề bán phá giá hàng xuất cảng, thay vào đó lại đưa các lỗ hổng nguy hiểm để thêm bao cấp từ Mỹ... như vụ Mỹ bao cấp bông sợi mà vụ này mới đây bị WTO phán quyết là bất hợp pháp. Thay vaò đó, vấn đề bông sợi lại được khéo léo đưa vào các cuộc thương thuyết toàn bộ về nông sản mà không có cam kết cụ thể nào để xóa bỏ chúng.”
Vấn đề cụ thể có thể thấy toàn cảnh thế này. Lâu nay, sản phẩm từ kỹ nghệ bông sợi Hoa Kỳ, vốn được bao cấp rộng rãi, đã ghìm giá toàn cầu tới nổi đe dọa đời sống của nhiều triệu nông dân trồng bông sợi ở các nước nghèo, đặc biệt là ở Tây Phi Châu. Để đạt được thỏa thuận từ các nước Tây Phi đang trồng bông sợi là chính -- tức các nước Benin, Burkina Faso, Chad và Mali -- Hoa Kỳ đã đồng ý tăng tốc cắt giảm bao cấp và sẽ tăng thêm nhiều trợ giúp phát triển. Mặt khác, bốn nước này -- trong đó 3 nước cuối lại nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới -- đã đồng ý hạ thấp rào thuế quan đối với hàng nhập cảng nông sản, một sự ưng thuận phần chắc là sẽ tăng xuất cảng thực phẩm Hoa Kỳ vào các nước này.
Charveriat phân tích rằng thương lượng đó là bất công, vì WTO trước đó đã phán quyết rằng việc Mỹ bao cấp [bông sợi] là bất hợp pháp, thì đâu cần gì phải nhượng bộ để xin Mỹ bỏ bao cấp bông sợi. “Đây là một phản bội nghiêm trọng với các nước nghèo, và sẽ ảnh hưởng lớn đối với 10 triệu nông dân Tây Phi mà đời sống của họ hiện suy yếu vì hàng Mỹ vào phá giá...”
Thực tế, các nước nghèo cũng sẽ bất lợi, nếu các cuộc thương thuyết WTO bế tắc. Vì nếu không thương thuyết toàn cầu được, các cuộc thương thuyết xé lẻ, song phương vẫn đang diễn ra. Như mới đây, Mỹ đưa ra 4 hiệp ước tự do mậu dịch ra quốc hội năm ngoái -- với Singapore, Chile, Úc và Ma Rốc -- và Mỹ đang họp với hàng chục nước khác về hiệp ước tương tự.
Theo báo Wall Street Journal hôm thứ hai, các nước khổng lồø khác cũng có mưu tính riêng: Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và các nước xuất cảng lớn CHâu Á khác cũng đang có nghị trình họp về mậu dịch tự do khu vực hoặc song phương.
Trong khi đó, khối Liên Âu 25 nước đang họp riêng với Ba Tây, Uruguay, Argentina và Paraguay. Còn Mexico thì thập niên qua đã làm xong các hiệp ước tự do mậu dịch riêng rẽ với ít nhất một tá nước khác.
Cho nên, bài học chính là, thương thuyết WTO là chìa khóa phát triển cho nhiều nước nghèo. Chỉ vì không còn ai có thể đứng ngoài dòng chính của các ngôi chợ toàn cầu. Mà nếu mình không vào chợ toàn cầu, thì cũng phải vào chợ song phương hoặc khu vực. Không ai có thể đứng ngoài các chợ được nữa... trừ Bắc Hàn, tất nhiên.
Và khi nước nghèo bước vào các chợ, thì các nước lớn lại ép tới ép lui... rồi chỉ có những nước nghèo, nước yếu là thiệt thòi trước. Nhưng hãy cân nhắc thật kỹ, vì mỗi một chữ ký của các quan Hà Nội ngày hôm nay, cũng có thể làm vài chục ngàn, hay vài trăm ngàn nông dân VN khốn khổ thêm. Đã lỡ mất hơn nửa thế kỷ theo chủ nghĩa cộng sản, bây giờ là lúc đất nước cần bung mọi sức để thoát đói nghèo. Hãy bước tới, và đừng bao giờ trở về những thời u tối của đấu tố trí phú địa hào nữa làm chi... Thế giới không ai chờ mình cả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.