Hôm nay,  

Katrina Vừa Qua, Rita Đã Tới. Họa Nào Nguy Hơn?

22/09/200500:00:00(Xem: 5472)
- Nếu dự đoán khí tượng mà chính xác - may là chưa chắc - thì sáng Thứ Bảy 24 này, trận bão Rita sẽ đập vào Texas. Đến chiều 21, người ta đã nâng cấp Rita lên số năm, khi gió thổi quá 165 dậm một giờ (hơn 265 cây số giờ). Trong hai ngày tới đây, người ta sẽ biết rõ hơn cường độ của Rita, tuy nhiên, kinh nghiệm về bão lụt tại Hoa Kỳ cho biết là mỗi khi bão tăng một cấp thì mức hủy hoại tăng gấp trăm. Như vậy, sau khi Katrina tàn phá New Orleans, liệu bão Rita - mạnh hơn một cấp - sẽ hoành hành thế nào tại Houston, hải cảng Galveston và vùng duyên hải Texas"
Trên đại thể thì tình hình Texas có thể sẽ không tệ như Louisiana và số phận Houston lẫn nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bị nhẹ hơn. Sau đây là vài chi tiết thực tế khiến người ta có thể lạc quan được đôi chút, cho đến khi biết rõ hơn về trận bão Rita.
Thứ nhất, Rita xuất hiện khi Katrina vừa gieo họa nhân mạng (con số mới nhất là hơn 1.000 người chết), kinh tế và chính trị cho toàn nước Mỹ. Lãnh đạo các cấp thành phố, tiểu bang và quốc gia đã học bài học Katrina nên có sửa soạn trước. New Orleans chỉ có 36 tiếng nghênh chiến với Katrina, Texas biết trước vụ đổ bộ của Rita ít ra là bốn ngày rưỡi, dân chúng Galveston và các vùng thấp của Houston bắt đầu có lệnh di tản trong trật tự.
Thứ hai, Thống đốc Texas Rick Perry thuộc đảng Cộng hòa, từng là Phó Thống đốc cho Tổng thống Bush. Ông Bush vừa bị phê bình vì vụ Katrina, nay trận bão Rita lại đánh vào quê hương ông, nơi hai vị thân sinh đang sống, và Thống đốc lại là chiến hữu đồng đảng, đồng liêu và bạn thân, nên ông Perry chẳng cần giữ kẽ lẩn thẩn như Thống đốc Blanco của Louisiana. Nếu như tiểu bang bị hụt hơi, Thống đốc Texas có thể nửa đêm gọi cho Tổng thống và tin là sáng hôm sau, bộ máy chính quyền liên bang sẽ khởi động, và gỡ điểm xấu!
Thứ ba, tương tự như tiểu bang Florida do bào đệ Tổng thống là Jeb Bush làm Thống đốc, tiểu bang Texas tương đối được cai quản chặt chẽ và sạch sẽ, không bị tai tiếng về nạn mờ ám chính trị và tài chánh như Louisiana, xưa nay vẫn là hậu cứ của đảng Dân chủ và không chói sáng về khả năng quản trị. Texas còn là tiểu bang đầu tiên đã xả thân cứu trợ nạn nhân Katrina và từ hai ngày qua đã rút Vệ binh Quốc gia về chuẩn bị nghênh đón Rita.
Nói về sức người thì yếu tố bất ngờ và vụng dại lần này sẽ không có.
Thứ tư, nói về sức của, trong khi Louisiana là loại tiểu bang nghèo nhất nước, Texas lại tranh đua với California để là tiểu bang giàu nhất. Công quỹ tại thủ phủ Austin và tài sản của Texas cho phép tiểu bang rộng tay ứng phó mà khỏi lo trước là lấy tiền ở đâu, khiến cho cái khó nó bó cái khôn.

Thứ năm, từ New Orleans vào đến đất liền hay qua tới Baton Rouge, người ta phải đi qua đầm lầy và rừng rậm không người, chứ từ Vịnh Mexico vào tới đất liền qua ngả Houston, người ta không gặp loại trở ngại ấy. Dù Houston và vùng phụ cận có dân số gấp đôi Louisiana (hơn ba triệu so với một triệu tư) nhưng không có vùng nào bị úng thủy như New Orleans. Ngoại trừ Galveston là một hải cảng xây trên đảo, hậu cứ của Houston vào sâu đến bên trong là khu vực khô ráo khác hẳn New Orleans.
Vì những yếu tố kể trên, Texas và Houston sẽ ứng chiến dũng mãnh hơn Louisiana và New Orleans, việc di tản hay vận chuyển hàng hóa cứu trợ cũng sẽ gọn gàng sạch sẽ hơn. Đấy là những lý do lạc quan.
Nhưng sự đời vốn không đơn giản, nên chúng ta chưa vội mừng.
Nhìn trên toàn cảnh, vùng duyên hải Texas quanh Houston cũng có sức nặng kinh tế như New Orleans.
Nếu New Orleans là hải cảng và cửa khẩu cho sông Mississippi thì Houston cũng là bến cảng đứng hạng nhì toản quốc về lực trọng tải sau cảng Port of South Louisiana (POSL) ở kế cận New Orleans, và là trạm chuyển hàng về hỏa xa và lộ vận từ Texas tỏa khắp miền Nam Hoa Kỳ. Houston và Galveston còn đang là trạm trung chuyển, tạm thay thế cho các giảng hải cảng quanh New Orleans vừa bị nạn. Tai hại về kinh tế cho toàn quốc- vận chuyển và phân phối - vì vậy không thể là nhỏ.
Về kỹ nghệ lọc dầu, nếu vùng tàn phá của Katrina vừa phủ lên 10% sản lượng xăng dầu chế biến của Mỹ khiến khu vực này vẫn còn hụt mất 900 ngàn thùng một ngày thì vùng đất Rita sẽ đổ bộ lại lọc đến 26% lượng xăng dầu toàn quốc. Vì vậy, người ta vẫn phải dè chừng mức tàn phá của Rita trên kỹ nghệ xăng dầu, chưa nói gì đến các dàn khoan nằm ngoài khơi của Vịnh Mexico.
Và điều chưa ai biết là trong đợt tung hoành này, chưa chắc là Rita sẽ lại tha New Orleans và tiểu bang Louisiana!
Trong cảnh màn trời chiếu đất và tát nước ngoài đường, nếu dân chúng New Orleans lại bị bão rớt từ Rita thì tình hình quả là không vui.
Nói chi đến chuyện đê điều.
Sau trận Katrina, giới chức chuyên môn (Công binh và Trung tâm Giông bão của Đại học Louisiana State University) mới khám phá ra mấy điều đáng sợ sau đây:
Đầu tiên, các con đê của New Orleans bị vỡ sau khi Katrina đã qua, chứ không bị tàn phá trực tiếp vì sức gió và nước mưa. Thứ nữa, các con đê này mới chỉ được vá tạm chứ chưa hoàn toàn xây lại để chống nổi một trận bão khác. Thứ ba, New Orleans bị trấn nước không vì mực nước dâng cao hơn mặt đê mà vì những yếu kém ngay trong kiến trúc - thiết kế dở và xây dựng kém. Nếu Rita lại viếng thăm New Orleans lần nữa với gió to nước mạnh thì tình hình quả là nguy kịch.
Chúng ta còn vài ngày để kiểm nghiệm xem sức người có khả năng chống đỡ ra sao. Houston sẽ không để xảy ra thảm kịch lầm than nheo nhóc như New Orleans, mong vậy. Nhưng hóa đơn kinh tế vẫn là đáng kể, và giá xăng sẽ lại là mối lo của nhiều gia đình.
Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.