Hôm nay,  

Bầu Cử Đức: Đại Liên Minh Đại (tê) Bại

11/10/200500:00:00(Xem: 24054)
- Cử tri Đức đã đẩy chính trường Đức vào thế ‘đại liên minh’ giữa hai đảng lớn. Một sự tê liệt lớn và không thể kéo dài.
Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã lập mưu cao là tự bất tín nhiệm nội các của mình để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 18 tháng Chín vừa qua. Cử tri bèn oái oăm đáp lễ bằng cách cho ông về vườn. Nhưng, lá phiếu của họ cũng khiến chính trị Đức lâm vòng bế tắc, với một chính phủ liên hiệp giữa hai đảng lớn, một thế liên minh giữa nước và lửa.
Sau cuộc bầu cử chính và một cuộc bầu cử nhỏ tại Dresde, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU đã chiếm được đa số vỏn vẹn có ba ghế, dù có liên minh với một đảng nhỏ và gần với quan điểm của mình là đảng Tự do Dân chủ thì cũng không đủ đa số cầm quyền. Đảng Dân chủ Xã hội SPD của ông Schroeder cũng không khá hơn, vì nếu có liên minh với đảng Xanh (bảo vệ môi sinh) thì vẫn không được đa số. Cuối cùng, sau nhiều ngày thương thảo và bẻ tay nhau, ngày mùng 10 vừa qua hai đảng lớn đã phải lập thế "đại liên minh" với nhau.
Theo thỏa thuận rất gay go, CDU sẽ giữ sáu bộ, nhưng đồng thời giữ ghế Thủ tướng và nâng vị trí Đổng lý Văn phòng Thủ tướng lên cấp Bộ trưởng. Sáu bộ ấy là Quốc phòng, Nội vụ, Kinh tế, Nông nghiệp, Gia đình, và Giáo dục. Bên kia, đảng SPD sẽ chỉ định người giữ tám bộ là Ngoại giao, Tài chánh, Lao động, Tư pháp, Y tế, Giao thông, Môi trường, và Phát triển. Thủ tướng Gerhard Schroeder sẽ về vườn, lãnh tụ đảng CDU là bà Angela Merkel sẽ là tân Thủ tướng. Thành phần nhân sự của nội các liên hiệp này đang được đôi bên quyết định tiếp và sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào tháng tới.
Tuy nhiên, người ta không tin rằng chính phủ liên hiệp này sẽ tồn tại được lâu và từ nay đến đó, nước Đức sẽ bị tê liệt.
Lý do là trách nhiệm chòng chéo giữa hai đảng có quá nhiều dị biệt về lập trường.
Trước hết, về đối ngoại, Thủ tướng CDU sẽ gặp khó khăn với Ngọai trưởng SPD. Đảng CDU vốn thuộc xu hướng trung hữu, lại do bà Merkel lãnh đạo. Như nhiều người Đông Đức, bà nghĩ rằng phần đất miền Đông được giải phóng khỏi ách cộng sản là nhờ Hoa Kỳ. Bà có lập trường thân Mỹ, công khai ủng hộ việc Mỹ tham chiến tại Iraq và rất nghi kỵ Liên bang Nga. Ngược lại, đảng SDP thuộc cánh tả, ông Schroeder là người phản chiến và chống Mỹ từ thời còn trẻ, lại tái đắc cử nhờ lập luận chống Mỹ. Nhiều người Đức thuộc cánh tả tại miền Tây còn coi Mỹ là cường quốc đã chiếm đóng nước Đức trong suốt 45 năm sau Thế chiến thứ hai!

Sau khi thống nhất, nước Đức mới bắt đầu có một nền ngoại giao đích thực và bộ ngoại giao mới chỉ bắt đầu phát triển từ hơn mười năm nay. Bây giờ, hệ thống ngoại giao ấy lại có hai cái đầu đối nghịch ngay từ căn bản, giữa Thủ tướng và Ngoại trưởng. Liên hiệp Âu châu, Liên bang Nga và Hoa Kỳ sẽ xử lý ra sao với nước Đức trong hoàn cảnh ấy"
Nước Pháp đã tự loại khỏi vòng ảnh hưởng khi dân Pháp bỏ phiếu chống Hiến pháp mới (ngày 29 tháng Năm), nay nội các của Tổng thống Chirac đang chứng kiến cuộc chạy đua giữa Thủ tướng de Villepin và Tổng trưởng nội vụ Sarkozy cho kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2007 này. Trong khung cảnh ấy, việc ngoại giao Đức bị tê liệt là cơ hội tốt cho nước Anh, đang làm Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu châu, nhưng không thể khai thông được những ách tắc và khủng hoảng của cơ chế Âu châu.
Mặt khác, hai đảng CDU và SPD có thể lại đồng ý với nhau nhiều hơn về lãnh vực kinh tế và nhu cầu cải cách cơ chế, nhưng với đảng CDU nắm bộ Kinh tế và đảng SPD nắm bộ Tài chánh, Lao động và Y tế, làm sao cụ thể tiến hành việc cải cách trong chi tiết" Bất cứ một quyết định gì, vốn dĩ đã khó từ căn bản, người ta lại thấy hai đảng phải thương thảo mặc cả với nhau. Làm sao kéo nền kinh tế ra khỏi ách tắc"
Đã thế, hai đảng này còn kỵ nhau như nước với lửa và trong tiến trình thương thảo gay go ấy sẽ khó tránh được hiện tượng tiết lộ tin tức ra ngoài để tác động vào dư luận, rồi dùng sức ép của dư luận quần chúng đánh ngược vào trong chính quyền. Loan to là vì vậy,
Ba lý do ấy, đối ngoại, cải cách và tiết lộ, khiến cho việc liên hiệp này sẽ mở ra một chuỗi dài sóng gió.
Nhìn xa hơn một chút, người ta còn thấy là đa số trong đảng CDU đều muốn cải cách ra khỏi chế độ bao cấp trong khi đảng SPD vẫn còn một thành phần thiên tả, thậm chí cực tả, rất đông, kiểu Oscar Lafontaine. Thành phần này cho là đảng đang bán hồn cho quỷ khi liên minh với CDU và tiến hành những việc cải cách trái ngược với ý thức hệ của đảng. Về dài, SPD có thể vỡ làm hai, càng liên minh với CDU càng chóng vỡ.
Cho nên trong một vài năm tới, nước Đức trở thành một cường quốc… có rất nhiều tiếng nói mà không đáng kể, và khủng hoảng sẽ còn bùng nổ. Cử tri Đức quả là đã có những quyết định oái oăm!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.