Hôm nay,  

Đế Quốc Dân Chủ Lên Tiếng

22/01/200500:00:00(Xem: 5036)
Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Bush có ý nghĩa lịch sử… đáng sợ.
Bài diễn văn nhậm chức chỉ hai ngàn chữ sẽ làm tốn rất nhiều giấy mực của thế giới, nhưng không đáng gây ngạc nhiên nếu ta hiểu ra tâm tư ông Bush. Nó xác nhận sự hình thành của một đế quốc dân chủ, là điều ông Bush nhìn ra khá chậm từ vụ khủng bố 9-11, rồi đã báo hiệu từ cuối năm 2003.
Khi nhậm chức lần thứ nhất, vào Tháng Giêng năm 2001, Tổng thống George W. Bush chưa nắm vững hoặc chưa mấy quan tâm đến vấn đề quốc tế. Bài diễn văn kỳ đó chỉ có một câu ("chúng ta sẽ chống võ khí tàn sát") và một chữ liên hệ đến đối ngoại ("rao truyền dân chủ"). Ngoại giả, nội dung được tập trung vào vấn đề nội trị, vào những giá trị tinh thần của nước Mỹ.
Khi đó, Chiến tranh lạnh đã kết thúc được đúng 10 năm và Hoa Kỳ chưa nhìn thấy vai trò gì của một đệ nhất siêu cường trong một "trật tự mới" sắp gặp một chấn động mới. Khi đó, Hoa Kỳ nhìn vào trong để tìm ra một đường hướng phát triển có thể nói là bình thường, hay tầm thường.
Vụ khủng bố 9-11 là cơn chấn động ấy.
Bài diễn văn 20 Tháng Giêng 2005 của ông Bush hoàn toàn đảo ngược lập trường của năm 2001, vì được tập trung vào vấn đề đối ngoại, mà một khía cạnh rất lạ của đối ngoại: triệt để phát huy tự do trên toàn cầu vì nền tự do của Hoa Kỳ tùy thuộc vào đó. Qua hai ngàn chữ đọc trong 21 phút, ông Bush nói đến tự do (freedom hay liberty) tới hơn ba chục lần!
Trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Bush sẽ ra quân xây dựng dân chủ trên thế giới, cho thế giới. Vì quyền lợi chiến lược của mình, Hoa Kỳ đã thực sự trở thành đế quốc vì muốn áp đặt một trật tự mới cho thế giới, theo quan điểm của mình. Dù với thiện chí xây dựng dân chủ, phong cách đế quốc tất nhiên sẽ gặp phản ứng mạnh của các nước khác. Trong nội bộ, phong cách ấy cũng sẽ gây khó chịu cho đảng Dân chủ, xưa nay vốn thường đề cao việc phát huy dân chủ hay nhân quyền cho thế giới, từ Woodrow Wilson tới Kennedy hay Carter… Bài diễn văn nhuốm mùi Wilson làm đảng Dân chủ muốn phát điên: phe "tân bảo thủ" trong nội các Bush đang thắng thế và cướp sống chủ trương cố hữu của mình!
Tổng thống Bush thực ra đã khám phá ra sứ mệnh ấy từ hơn hai năm trước.
Cuối tháng 11 năm 2003, khi thăm viếng Anh quốc, ông đọc một bài diễn văn quan trọng tại dinh Whitehall trong đó ông nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng dân chủ trên thế giới sau khi tự phê bình là Tây phương - kể cả Hoa Kỳ - đã có những sai lầm khi tỏ vẻ khoan nhượng với các chế độ độc tài.

Bài diễn văn nói đến ba cột trụ của an ninh và hòa bình thế giới là 1) các định chế quốc tế phải dứt khoát đối đầu với các chế độ độc tài và các quốc gia bị khủng hoảng để bạo động và khủng bố khỏi lan truyền; 2) các nước có tự do phải dám đương đầu - kể cả bằng võ lực, như một giải pháp cuối cùng - với sự xâm lược của tội ác; và 3) các nước phải phát triển dân chủ và công bằng trên toàn cầu.
Khi đó, dư luận thế giới vẫn cho rằng ông Bush đang biện bạch cho chiến dịch Iraq mà không thấy là ông tiến xa hơn thế. Phát huy dân chủ là bảo vệ hòa bình cho thế giới. Ông tái xác nhận điều ấy trong bài diễn văn nhậm chức vừa qua. Và khẳng định thêm thiện chí dân chủ.
Vấn đề đáng chú ý hơn nữa là suốt bài diễn văn có ý nghĩa lịch sử này, Tổng thống Mỹ hoàn toàn không nói gì đến Iraq hay khủng bố. Không một chữ, một lời. Vì sao"
Hoặc là trong lễ nhậm chức, ông Bush đọc một bài diễn văn xách động vô nghĩa để lấy lòng thế giới, là giả thuyết khó tin vì Bush chưa bao giờ nổi tiếng ở thiện chí lấy lòng thế giới. Thấy điều gì cần thiết hay mình cho là đúng đắn là ông xăn tay áo thực hiện, bất kể tới phản ứng của dư luận. Và cuối cùng, ông tái đắc cử với một đa số vượt xa các tổng thống Dân chủ từ hai chục năm nay. Ông tự cho là mình được dân chúng (hay Thượng đế) ủy thác một sứ mệnh cao cả nên khỏi cần mầu mè với khẩu hiệu lớn lao không thực chất.
Giả thuyết thứ hai, bất ngờ hơn cả, có thể là chính quyền Bush tin rằng mối nguy khủng bố của al-Qaeda hay các lực lượng "Thánh Chiến" Hồi giáo đang thoái trào và không còn là một ưu tiên đáng quan tâm nữa. Nghĩa là sau khi rảnh tay đẩy lui khủng bố trong nhiệm kỳ đầu, qua nhiệm kỳ hai, ông Bush đặt nền móng cho một chiến lược lâu dài, sẽ thực hiện trong bốn năm tới, với ảnh hưởng sẽ kéo dài đến vài chục năm sau.
Chúng ta có thể tin được điều ấy chăng"
Nếu không, ta chỉ còn giải pháp là trở về bài diễn văn tại Whitehall năm 2003 để kết luận rằng Tổng thống Bush thành thực tin vào giá trị và sức mạnh của dân chủ, như một điều kiện đảm bảo hòa bình trên thế giới và an ninh cho Hoa Kỳ. Một chiến lược trường kỳ chống khủng bố, vượt qua những tính toán nhất thời cho hồ sơ Iraq.
Ngược lại, các nước khác lẫn các định chế quốc tế sẽ lập luận rằng Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Bush đã tìm ra một lý do biện minh cho đường lối đế quốc của mình, và việc phát huy dân chủ tại các nước nghèo chỉ là lý cớ.
Các chế độ độc tài có thể đồng ý với lập luận ấy, và cho rằng Bush là người đáng sợ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.