Hôm nay,  

Hoa Kỳ Và Bốn Phe Iraq

27/12/200400:00:00(Xem: 4767)
Còn hơn một tháng nữa Iraq sẽ có bầu cử, nên Hoa Kỳ cần điểm mặt bốn phe tham chiến, ba phe chống Mỹ, một phe dân chủ.
Truyền thông Hoa Kỳ thường nói gọn là phe nổi loạn đã đặt bom chỗ này hoặc tấn công chỗ kia nên dư luận Mỹ khó nhìn ra lẽ thắng bại hay thịnh suy của kế hoạch Iraq. Khi kiểm điểm tình hình cuối năm, có lẽ ta cần trước tiên kiểm điểm cục diện Iraq.
Xứ này có ba sắc tộc chính, đông nhất vì chiếm tới 60% dân số là người Shia, theo cùng hệ phái tôn giáo với dân Iran, với chủ trương thần quyền, là tôn giáo lãnh đạo; kế tiếp là người Sunni, sắc tộc của chính quyền Saddam Hussein và đảng Baath, có chủ trương thế quyền thay (đảng chứ không phải tôn giáo mới có quyền lãnh đạo); sau cùng là dân Kurd, nạn nhân của cả hai sắc tộc kia, và là đồng minh chung thủy nhất của Mỹ - cho đến nay.
Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ và cầm tù cách đây một năm, người ta cho rằng các lực lượng võ trang của đảng Baath đã nổi lên đánh Mỹ, phần nào để trả thù cho Saddam, trong vùng sinh sống của dân Sunni (“Tam giác Sunni” là Baghdad – Tikrit – Al Ramadi). Sự thật nó lại phức tạp hơn vậy.
Hoa Kỳ đang phải đối phó với ba phe phiến loạn
Phe thứ nhất là các lực lượng phiến loạn hoạt động trong khu vực Sunni, với sắc dân Sunni là đa số nhưng không duy nhất vì còn có cả nhiều nhóm Shia và Kurd. Đây là lực lượng do tổ chức Baath và tàn dư của quân đội Saddam Hussein là nòng cốt và chủ yếu dùng phương pháp quân sự với võ khí dồi dào do chế độ Saddam để lại. Phe này chống Mỹ không để khôi phục chế độ Saddam và còn thất vọng về khả năng chống cự của Saddam. Nhân vật này sống chết ra sao họ bất cần. Họ đấu tranh vì chủ nghĩa quốc gia dân tộc, một ý niệm mơ hồ nhưng thành cụ thể khi được xác định là “chống Mỹ và tay sai”. Họ sẽ còn tấn công mạnh để phá vỡ cuộc bầu cử.
Phe thứ hai là các hệ phái Shiite của người Shia. Cuộc bầu cử đang đem lại hy vọng lập ra một chính quyền liên hiệp giữa ba sắc dân Shia, Sunni và Kurd với vai trò chủ động của dân Shia. Những vụ bạo động có võ trang của lực lượng Mehdi dưới sự lãnh đạo của Giáo sĩ Muqtada al-Sadr thực chất là tranh chấp chính trị giữa al-Sadr với Đại giáo chủ al Sistani để giành quyền lãnh đạo phong trào Shiite và qua đó lãnh đạo Iraq trong tương lai. Khi thành phố An Najaf bị Mỹ tấn công, lực lượng Mehdi bị tan rã và bầu cử có hy vọng thành hình nhờ lập truờng khôn khéo của al-Sistani. Họ muốn có bầu cử để qua đó có cơ hội lãnh đạo Iraq, rồi trả thù tộc Sunni. Họ muốn có một xứ Iraq mạnh, theo giáo quyền Hồi giáo do họ lãnh đạo, và được Iran yểm trợ.
Phe thứ ba là các tổ chức ngụy danh Thánh chiến Jihad, thực chất là các nhóm khủng bố nằm dưới sư chỉ huy của Abu Musab al-Zarqawi. Cán bộ và đặc công của họ có thể xâm nhập từ bên ngoài lãnh thổ, hoặc được al-Zarqawi tuyển mộ. Mục tiêu của họ không phải cải cách mà là cách mạng đạo Hồi để lập ra một chế độ thần quyền tại Iraq và trên toàn thế giới. Tên tuổi quá nổi và đòn phép chặt đầu con tin quá độc của al-Zarqawi khiến ông ta trở thành một đối thủ chính trị của Osama bin Laden trong phong trào Hồi giáo cực đoan toàn cầu. Tại Iraq, sau vụ càn quét Fallujah, phe Thánh chiến này gặp thoái trào và việc kết hợp hoạt động với al-Qaeda có thành hay không, ta chưa thể biết, cũng như chưa biết về khả năng thoát xác hay thoát chết của al-Zarqawi.

Phe thứ tư tại Iraq là Chính quyền Lâm thời Iraq, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Allawi. Ông muốn có bầu cử ngày 30 tháng Giêng này và muốn trở thành người lãnh đạo chính thức của Iraq. Phe này gồm cả ba sắc tộc nhưng có chung một lập trường là cộng tác với Mỹ để xây dựng một xứ Iraq ra khỏi vòng hắc ám của Saddam lẫn khủng bố Jihad. Họ mà không thuyết phục được người dân và nhất là thang niên Iraq thì lực luợng võ trang của họ không thể ổn định nổi xứ sở và Iraq sẽ còn nằm dưới sự cai trị của Hoa Kỳ.
Bốn phe này có vài điểm tương đồng nhưng rất nhiều dị biệt. Tương đồng là ghét Saddam, muốn Mỹ rút và muốn lực lượng của mình sẽ giữ vị trí then chốt tại Iraq. Dị biệt là về phương pháp và mục tiêu. Ban đầu, Hoa Kỳ tưởng là Saddam còn ảnh hưởng và phương tiện chỉ huy sự chống đối. Dư luận Mỹ cũng nghĩ vậy. Sau khi Saddam bị bắt, không một lực lượng nào lại đề cao ông ta và thực ra chẳng ai muốn chết vì Saddam.
Lực lượng gọi là quốc gia dân tộc do sắc tộc Sunni giữ vai chủ động đang là nhóm phiến loạn hung hãn nhất, có lối tấn công mang đặc tính quân sự nhất. Họ muốn Mỹ rút và phá hoại bầu cử vì chi rằng đó là một giải pháp của Mỹ, coi chính quyền Allawi là tay sai. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chống Mỹ của họ dễ huy động dân chúng, nhưng bên trong, các lãnh tụ có thể mưu cầu những mục đích riêng, kể cả tiền tài và quyền lực.
Lực lượng Shiite là thành phần có nhiều tiềm lực nhất vì dân Shia đông người nhất mà lại được Iran ngầm yểm trợ phía sau. Họ tin vào quyền lãnh đạo của Hồi giáo và muốn trở thành lực lượng thống trị Iraq sau này. Họ vừa cộng tác với giải pháp bầu cử vừa muốn chống bầu cử nếu thấy kết quả không hợp với mục tiêu. Cho đến nay, họ đã ngưng phá hoại bầu cử, nhưng al Sadr và các lãnh tụ khác có khi sẽ đổi ý nếu thấy là họ chỉ là một trong ba thành phần liên hiệp cầm quyền sau này. Nói cách khác, họ còn có thể phá rối.
Lực lượng Thánh chiến là nhóm có ít ảnh hưởng và khả năng hơn cả. Họ có mục tiêu tôn giáo rõ rệt là đưa Hồi giáo lên thành quốc giáo. Y như lực lượng Shia, họ thấy Saddam Hussein cũng đáng ghét như George W. Bush vì muốn cai trị Iraq bằng một đảng chính trị và đã từng hợp tác với Hoa Kỳ (để tấn công Iran ngày xưa).
Lực lượng “thân Mỹ” là nhóm có thế mạnh nhất trong hiện tại, nhưng chưa chắc đã tồn tại hoặc thống nhất nếu Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ và triệt thoái khỏi Iraq.
Cả bốn phe này đều có một mục tiêu tương tự như Hoa Kỳ: muốn Mỹ rút khỏi Iraq. Hoa Kỳ không mong gì hơn. Nhưng, từ nay đến đó, phải có bầu cử đã và từ nay đến ngày bầu cử, phe nào cũng muốn chiếm thế mạnh để thống trị Iraq sau khi Mỹ rút. Vì một số tuơng đồng, các phe này có thể hợp tác với nhau trong từng giai đoạn và nghiệp vụ ở cấp chiến thuật, thực chất thì vẫn coi nhau là kẻ thù.
Vì vậy, từ nay đến bầu cử, bạo động còn xảy ra, và sẽ còn tiếp tục sau bầu cử, cho đến khi chính quyền mới có đủ thực lực bảo vệ an ninh để Hoa Kỳ triệt thoái một cách êm ả. Khi đó là bao giờ thì không ai biết được, nhưng không thể là vài tháng hay một năm. Và vì vậy, cho đến năm tới, sau khi có bầu cử, ta vẫn tin là bạo động còn xảy ra, với cường độ sút giảm dần trên đại thể, nhưng vẫn có những đột biến chết người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.