Hôm nay,  

Đi Tìm Chân Trời Mới

10/02/200100:00:00(Xem: 5315)

Nghe tin đài BBC phát thanh: Sàigòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, mọi
người tại miền Nam Việt Nam đều kinh hoàng, bối rối, lo lắng không yên. Một số
quân nhân nghe tin đã rút súng trường hoặc súng lục tự sát ngay trên hè phố
Sàigòn đông đảo người chạy loạn. Vài hôm sau lại có tin tướng Nguyễn Văn Phú
và tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, để giữ vẹn khí tiết, không hàng, không để
thân xác còn nguyên vẹn khi gặp kẻ thù.

Tại Nha Trang, gia đình chúng tôi cũng không tránh khỏi lo âu như những gia
đình khác. Hết vé máy bay, vài gia đình có tiền, thuê thuyền đưa cả gia đình
đi Sàigòn, thuyền đi dọc theo ven biển.

Riêng tôi, một công chức sắp về hưu, lúc này không có việc làm, lại càng lo
hơn nữa. Mấy năm trước đây tôi có nghiên cứu tử vi, bói bài, chỉ tay, hy vọng
có thể kiếm ăn chút ít tiêu vặt. Chợt loa phóng thanh Ty Thông Tin loan báo:
"Thanh niên có bổn phận đến các gia đình tịch thu mọi sách 'văn hóa đồi
trụy, mê tín, dị đoan'". Nhiều đoàn thanh niên trong thành phố Nha Trang bắt
đầu rủ nhau đi tịch thu các sách trên. Các tiệm cho thuê truyện chưởng của Kim
Dung... phải thuê xe ba gác làm nhiều chuyến đem hết loại sách trên đến Ty
Thông Tin ở đường Độc Lập. Gia đình chúng tôi cũng phải đưa hết sách tử vi,
bói bài, chỉ tay... cho thanh niên đem đến Ty Thông Tin.

Công việc dự định của tôi thế là tan ra mây khói, uất hận biết bao. Dự định
của chúng tôi đi khỏi Nha Trang manh nha từ đó. Nhưng tiền để dành trong khi
làm công chức chẳng có bao nhiêu, biết đi đâu bây giờ. Vợ tôi, tuy đã ngoài 52
tuổi, nhưng vẫn còn chịu khó và can đảm đành đem chút vốn nhỏ nhoi, mua vật
liệu, mỗi đêm thức dậy từ 2 giờ sáng làm bánh khúc để sáng sớm 5 giờ đem rổ
bánh khúc còn nóng ra đầu ngõ, gần đường cái, bán cho công nhân, phu xích lô,
ba gác ăn để đi làm. Trừ chi phí, mỗi ngày cũng còn đủ tiền mua gạo, và rau
dưa, tương cà sống qua ngày. Người con thứ hai là Ba Thìn, một sỹ quan quân
đội Việt Nam Cộng Hòa về thăm nhà trước đó hai ngày, bị kẹt, không về được
doanh trại, phải ở lại nhà.

Khi Ty Thông Tin thông cáo các sỹ quan phải đi học tập 15 ngày, mang theo gạo
và thực phẩm, liền cùng bạn bè lên đường đi Dục Mỹ học tập. Riêng tôi, công
chức hành chánh, cùng các bạn chỉ phải học tập ở trường học Phước Hải gần nhà
trong ba ngày thôi. Gia đình chúng tôi đang lo lắng cho Ba Thìn thì may quá
ngày thứ 16 Ba Thìn đã được về. Sau này chúng tôi mới biết là đợt học tập thứ
hai kéo dài hàng 5 hay 10 năm. Có người còn bị đưa ra Bắc học tập cải tạo mút
mùa lệ thủy. Có người ăn uống không đủ, có người bị quản giáo ở đó làm nhục,
hành hạ, đã tìm cái chết để khỏi khổ...

Mấy hôm sau thấy Ba Thìn không có việc làm, vài người quen trong khóm rỉ tai
cho biết, nếu Ba Thìn không chịu đi xa thành phố này, tìm việc làm, sẽ phải đi
lao động cưỡng bách. May quá có vài người quen giới thiệu, chúng tôi đành để
Ba Thìn đi làm Cầu Đường từ đây vào miền Nam. Trong khi đó con trai lớn chúng
tôi đang dạy học ở Sàigòn nhắn người quen ra xin lỗi cha mẹ là trong khi Nha
Trang thất thủ, không còn đi lại thông thương nữa, nên đã nhờ người dì chủ hôn
để cưới cô bạn học, lai Pháp. Vợ đương làm giấy tờ để cùng chồng được đi Pháp.

Ba Thìn cùng bạn bè làm đợt cầu đường đến tỉnh Cà Mâu (cầu Láng Trâm) thì bạn
bè ở lâu tại đó giới thiệu một cô gái làm thợ may tại địa phương, nhan sắc mặn
mà, mong cho Ba Thìn được kết duyên cùng nàng. Ba Thìn có chút tiền để dành
liền đi xe đò ra Nha Trang xin cha mẹ vào Cà Mâu hỏi vợ cho mình. Vì không
biết rõ đường đi nước bước ra sao, cũng chưa bao giờ đi hỏi vợ cho con, nên
tôi rủ em trai chúng tôi ở Sàigòn, một cựu công chức, thường hay đi công tác
đến tỉnh Cần Thơ, gần Cà Mâu - để cùng đi thăm nhà gái ra sao. Đến nơi hỏi
thăm mới biết cha mẹ cô gái khá giả, có hai chiếc tàu đánh cá, một chiếc bán
đi, một chiếc để cho con trai lớn vượt biên sang Mỹ. Ngày đem lễ hỏi cũng là
ngày cưới, tôi phải nhờ em trai tôi đại diện, vì quá xa lại không sẵn tiền đi
lại chi phí xe đò. Đám cưới gặp trục trặc nhỏ trước ngày đó vì nghe đâu cô
dâu, không được cha hỏi ý kiến, đã hờn duyên tủi phận, tính bỏ nhà đi, họ hàng
nhà gái phải khuyên giải mãi mới thôi.

Cha mẹ vợ Thìn rất thương con rể và con gái, nên cất nhà cho ở riêng, gần đó
có vườn rộng trồng rau và các thứ hoa mầu phụ để sinh sống. Khi vợ Ba Thìn
sanh đứa con đầu lòng được một năm thì bố vợ Ba Thìn cho mượn vài cây vàng
(trả sau) để đi vượt biên cùng chú vợ và em bên vợ. Chuyến vượt biên may mắn
thành công, vợ chồng Ba Thìn và con trai đầu lòng cùng một số họ hàng bên vợ
được định cư tại Nam Úc, thuộc thủ phủ Adelaide. Ba Thìn đi hái trái cây, vợ
làm nghề may tại nhà một thời gian, có tiền liền gởi tiếp tế một ít cho chúng
tôi. Em trai tôi ở Sàigòn vay mượn bạn bè, cho con vượt biên, định cư tại tiểu
bang Queensland, thủ phủ Brisbane. Vợ chồng em trai tôi cùng đứa con trai út
sắp được đi Brisbane, liền viết giấy cho tôi vào Sàigòn, thúc đẩy tôi viết thư
cho Ba Thìn bảo lãnh cho chúng tôi và hai đứa em út trên 30 tuổi.

Một hôm cháu ngoại chúng tôi, trước kia đi du học bên Tây Đức, nay cùng vợ Đức
và hai đứa con ra Nha Trang thăm chúng tôi, đi xe hơi cỡ trung có tài xế theo
cùng mấy cô em. Hàng xóm và khóm cứ tưởng đó là con trai chúng tôi có vợ Pháp
ra thăm. Cháu ngoại cố nhiên là tiếp tế một ít cho có. Nhân dịp đó chúng tôi mời
tất cả lại ăn sáng và đặt loại bánh ngọt hạng sang để thết đãi họ. Họ ở tại
khách sạn Hải Yến đường biển Nha Trang, có đủ tiện nghi.

Lúc này cuộc sống của chúng tôi đã tạm ổn. Vợ tôi đi bán gạo lẻ tại chợ Hôm ở
gần nhà, con gái đầu lòng của chúng tôi được "lưu dung" đi dậy học lại ở
trường Phước Hải gần nhà. Sau đó đến lượt Hai Sửu, con trai lớn của chúng tôi
có giấy đi Pháp cùng vợ và hai con còn nhỏ. Chúng tôi đi xe đò vào Sàigòn đưa
tiễn, cùng họ hàng ra phi trường Tân Sơn Nhất. Hai tuần sau, Hai Sửu viết thư
về, khen các món ngon trên phi cơ, ăn không hết, lại có cả cà phê sữa, các món


tráng miệng, nghĩ đến các bữa ăn đạm bạc ở nhà mà thương cho cha mẹ và các em.
Cuối cùng Hai Sửu viết đã được định cư ở Marseille, một cửa bể của Pháp - có
lâu đài IF là nơi giam giữ trên mười năm/nhân vật Monte Cristo (bá tước Kích
Tôn Sơn) của nhà văn nổi tiếng Alexandre Dumas.

Sau khi được phỏng vấn ở Sàigòn, do phái đoàn Úc đến, vợ chồng tôi được đi Úc,
còn hai con tạm về, chờ đợi. Khi chụp quang tuyến X, phổi tôi có vết nhám đen
nhỏ, phải ở lại hàng ngày để khám lại, cho uống thuốc tại chỗ. Sau ba ngày,
may quá, phổi tôi không sao, nên được về Nha Trang chờ.

Ngày 22 tháng 2 năm 1992, tại Sàigòn, chúng tôi lặng lẽ cùng vài người thân ra
phi trường Tân Sơn Nhất lên máy bay đi Thái Lan, nghỉ vài giờ, sau đó đi
Singapore, cô tiếp viên hàng không hơi bực mình vì không ai biết tiếng Anh,
sau thấy tôi biết tiếng Pháp, cô ta hiểu tiếng Pháp nên nhờ tôi chỉ cần hướng
dẫn nhóm người đi Úc theo cô ta lên phi cơ Quantas đi Úc. Lần đầu tôi thấy
chiếc phi cơ có vẽ hình Đại thử (kăng ga ru) mà cảm động, muốn rơi nước mắt.
Trên máy bay đi về Melbourne, tôi biết chút ít tiếng Anh nên cũng dễ chịu khi
đi đường. Tới phi trường Melbourne rộng bao la, tôi mới thấy phi trường Tân
Sơn Nhất thật nhỏ bé mà thương cho đồng bào Việt Nam. Bạn đồng hành chỉ cho
tôi lấy xe trolley, xếp hành lý lên xe, đẩy ra hải quan rồi ra chỗ vợ chồng Ba
Thìn, cùng các con và họ hàng bên nhà vợ đang chờ đợi, chụp ảnh lia lịa để làm
kỷ niệm. Tuy là mùa hè ở đây, nhưng gió lạnh như mùa thu ở Nha Trang, chúng
tôi cảm thấy lạnh, mới lấy áo len mặc thêm vào.

Trên xe Toyota Hiace hạng trung, Ba Thìn mới cho chúng tôi biết là gia đình
con chúng tôi từ Adelaide dọn nhà về đây vì nghề thợ may ở đây phát đạt hơn.
Gia đình đông con lại thường phải chở quần áo may sẵn đi giao trả cho người
ta, nên phải mua lại xe loại trung này, chở được 12 người, lại có nhiều chỗ để
chở quần áo. Tôi thầm nghĩ đây là đất Úc, như đã tả trong phim "Những con chim
ẩn mình chờ chết" của một nữ văn sĩ Úc lấy bối cảnh tiểu bang NSW, nơi có
những trại nuôi cừu rất rộng ở miền quê. Đến mùa đông nhiều toán thợ cầm tông
đơ điện cắt lông cừu hình như xuất cảng sang Trung quốc để làm len sợi. Nơi
đây cũng có nạn cháy rừng hại người hại của.

Xe hơi chạy bên trái, lúc đầu cứ tưởng xe sau đâm phải xe trước vì ngược chiều
- nhưng rồi lại thoát qua.

Nghỉ ngơi rồi, chúng tôi được ăn bữa cơm đầu tiên tại Melbourne, có táo tây,
nho xanh tráng miệng là những thứ hiếm có tại Việt Nam.

Một đứa cháu trai đưa tôi đi bộ lại siêu thị gần nhà mua thêm so co la, pho
mát, bánh sang-uych về ăn thêm. Tuần sau Ba Thìn đưa chúng tôi đến đường
Sydney Road có trường AMES (Adult Migrant Education School) để học Anh văn.
Sau khi phỏng vấn tôi được học lớp trên vì có biết ít tiếng Anh, còn nhà tôi
kém hơn, học lớp dưới. Tại đây tôi được dịp học với người sắc tộc Ý, Hy
Lạp và Irac. Họ khá hơn tôi trong cách nói, nhưng viết kém hơn về chính tả và
văn phạm, có lẽ vì tôi đã học qua tiếng Anh ít lâu tại Nha Trang vào buổi tối,
lại chịu khó đọc sách song ngữ Việt Anh thêm. Nhờ có anh bạn đồng hương trong
lớp hướng dẫn, nên chúng tôi dần dần biết chọn số xe điện đi khu Richmond và
Footscray (bằng xe lửa). Mỗi tuần chúng tôi bắt buộc phải đến hai khu trên để
mua báo Việt ngữ, xá xíu, thịt quay hay vịt quay cùng gạo và các loại hoa quả.

Sau hơn một năm, mãn khóa tại trường AMES chúng tôi lại có dịp đến cộng đồng
người Việt Tự Do Victoria ở Footscray học bổ túc Anh văn với hai giáo viên
người Mỹ, biết và nói sõi tiếng Việt. Họ là những người có đạo Tin Lành, thiện
nguyện sang Úc dậy học trong thời gian 2 năm, thay phiên nhau dậy học tại đây.
Chúng tôi được dịp làm quen với nhân viên người Việt tại cộng đồng này. Họ giúp
đồng bào khai thuế, lập tờ khai của Bộ An Sinh Xã Hội, giải thích những gì
đồng bào không hiểu trong xã hội Úc. Họ rất niềm nở, giúp đỡ hết mình đồng bào
Việt. Chủ tịch cộng đồng được bầu hai năm một lần. Cộng Đồng thường tổ chức
chợ Tết để người Úc làm quen với người Việt, các món ăn Việt...

Năm ngoái, Cộng Đồng được nâng đỡ để in hàng tuần tờ báo "Tiếng nói Người Việt
Tự Do" (Việt Voice), phát không, để thông tin và giới thiệu văn hóa cổ truyền
của Việt Nam. Có lẽ dân số đông người Việt ở Melbourne trên 40 ngàn người, nên
đồng bào làm đủ nghề lao động, như may tại nhà, một nghề mà trước 1975 vào tay
người Trung Hoa. Nghề trí thức có các luật sư, bác sĩ, nha sĩ, địa ốc... Xa
quê hương, người Việt ở đây có người thành công, vốn khoảng triệu Úc kim, với
các cửa hàng thực phẩm Á châu nhỏ hơn một chút với các siêu thị của người Úc.
Xem mục rao vặt các báo Việt mới hiểu tiệm làm bánh mì cũng khá phát đạt vì có
đến 10 tiệm sang lại, để làm nghề khác nhàn hơn và có đến 30 tiệm bánh mì cần
phụ nhân công và cô bán hàng. Tiệm phở có đến hai chi nhánh, tiệm thuốc tây
cũng có đến hai chi nhánh có thể họ cũng làm ăn phát đạt mới nuôi nổi nhân
viên khá đông.

Cách đây vài năm nếu các bạn xem tivi chắc không quên những phim Mỹ được chiếu
lại như phim "Vũ điệu trong bóng mờ" (Valse dans l'ombre) với Robert Taylor và
nữ minh tinh Thụy Điển Vivian Leigh. Cô này cũng đóng với Clark Gable trong
"Cuốn theo chiều gió". Trong các thư viện các bạn được chứng kiến bao nhiêu
sách truyện của các sắc tộc như Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ai Cập, Nam
Dương... Trong các đài phát thanh cũng vậy, nước Úc quả là một nước đa văn hóa,
đa nguyên...

Bây giờ đang là giữa mùa xuân, muôn hoa nở rộ, cây lá xanh tươi, nếu bạn có
thì giờ cùng tôi dạo qua khu Nam Brunswich sẽ thấy lác đác ở các vườn hoa
trước cửa vài nhà, các hoa hình như mâm xôi, hoa Trà như Kim Dung đã tả trong
các tiểu thuyết của ông, hoa Mãn đình hồng, Trúc đào ở miền Nam Việt Nam và
hoa đào phơn phớt hồng, khi các mỹ nhân đứng cạnh đó, các bạn thử so sánh xem
đôi má của mỹ nhân có hồng hơn cánh hoa đào kia trên cây không" Gặp gió lay,
hoa như mỉm cười với bạn vậy.

Giữa xuân năm Canh Thìn (2000)

Minh Châu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.