Hôm nay,  

Hãy Nói, Hãy Viết...

14/06/200500:00:00(Xem: 5107)
Hãy hình dung rằng, trong khi Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đức Lương trải thảm đỏ đón Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton thì đột nhiên nhật báo Nhân Dân viết một bài bình luận, kể tội Clinton, đòi trừng phạt Clinton về đủ thứ tội phạm...

Chuyện như thế không bao giờ xảy ra tại Việt Nam cả, cho dù là với bất kỳ tờ báo nào, không riêng gì tờ Nhân Dân. Bởi vì với 600 tờ báo tại VN, thực ra chỉ có 1 ông Tổng Biên Tập, và ông này thì đối xử tàn bạo, cứng rắn với tất cả mọi người, bất kể có là cựu đàn anh như Võ Văn Kiệt, nghệ sĩ như Đơn Dương, yếu lòng như Yến Vy, hay can đảm như em Nguyễn Phi Thanh... Bởi vì ở quê nhà, không hề có chuyện tự do báo chí. Ngay cả khi nằm mơ, cũng không có.

Nhưng tại Hoa Kỳ thì khác. Trong khi TT Bush trải thảm đỏ đón Thủ Tướng Phan Văn Khải, thì vẫn có những tiếng nói khác đang vang lên từ nhiều hướng, hỏi tội ông Khải. Và đặc biệt, lần này tiếng nói chất vấn đó là xuất phát chính từ tuyến đầu truyền thông của ông Bush -- nhật báo Washington Times, hôm 12-6-2005, trong phần Commentary, có bài viết yêu cầu TT Bush phải hỏi tội ông Khải về mặt nhân quyền.

Bài này nhan đề “Vietnam: ‘Khi Nào Họ Mới Học Ra’"” Người viết là Michael Benge, người từng có 11 năm tại Việt Nam với tư cách viên chức ngoại giao, làm việc thân cận với người Thượng. Và sau này, ông vẫn làm việc chung với người Thượng tị nạn tại Hoa Kỳ và đại diện cho những người Thượng ở VN.
Chuyện viết bài kể tội ông Bush là chuyện bình thường. Chỉ bất thường là tờ Washington Times trước giờ vẫn là tuyến đầu Cộng Hòa, kịch liệt chủ chiến tại Iraq. Tờ này cũng tương đương như Đài FOX trên truyền hình, luôn luôn phỏng vấn các nhân vật diều hâu trong chính phủ Bush, gợi nhiều cơ hội để chọc quê Đảng Dân Chủ.

Vấn đề nơi đây là: Hoa Kỳ có tự do báo chí, và tờ báo ủng hộ Bush nhất tại thủ đô cũng là tờ báo đầu tiên chỉ trích Bush khi đón ông Khải mà “...chẳng bảo gì nhau.” Nơi đây, chúng ta tóm lược bài viết này, để Hà Nội hiểu rằng thế nào là quyền tự do báo chí, khi tờ báo thân tín nhất của Bush lại chỉ trích Bush. Bao giờ CSVN dám cho báo chí tự do như thế"

Benge lý luận rằng, VN mới đây vào bảng CPC (Các Nước Quan Ngại Đặc Biệt), trong hàng “Top 10” vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do của người dân. Thế nhưng Bộ Ngoại Giao Mỹ không trừng phạt, mà chỉ câu giờ. Đơn giản nhất là cấm cấp thông hành các cán bộ lớn, mà cũng không chịu. Thay vậy, Bộ Ngoại Giao Mỹ lại chơi trò “móc nối tình yêu” cho ông Bush gặp ông Khải tại Bạch Ốc ngày 21-6. Và người tự khoe nhiệm vụ phất cờ dân chủ toàn cầu là Bush sẽ bắt tay, bắt chân một lãnh tụ của một trong vài nước khủng long độc tài toàn trị cuối cùng của nhân loại.

Theo Benge, kiểu của CSVN vẫn thế, cứ kiểu từ xưa là vừa đánh vừa đàm để hưởng lợi. CSVN dụ các nhà ngoại giao Mỹ tin là CSVN sẽ nới lỏng tự do tôn giáo, nhân quyền. Thế là thả vài tù nhân lương tâm nổi tiếng, để về quản thúc tại gia 24 giờ và cấm tiếp cận truyền thông, kể cả Internet.

Được thả sau 26 năm tù, Thượng Tọa Thích Thiện Minh của GHPGVNTN phải nói là “thoát nhà tù nhỏ để vào ở nhà tù lớn.” Và Thượng Tọa ghi ra một loạt tên các nhà sư, linh mục, mục sư, tín đồ còn bị giam trong tù. May mà còn trí nhớ của Thượng Tọa. Ngoài này nhiều người quên rồi, huống gì là ông Bush chỉ được đọc những gì cố vấn đưa đọc.

Trong khi thương thuyết với Bộ Ngoại Giao Mỹ, CSVN bắt vào tù nhiều tù nhân lương tâm khác mà không ai biết, chỉ vì họ không bao nhiêu tiếng tăm. Trong đó có người lãnh án 15 tù vì “làm suy yếu an ninh quốc gia và phá hoại đoàn kết.” Thực tế họ là ai" Họ là người Thượng chạy trốn từ VN sang Cam Bốt, bị công an CSVN và Cam Bốt bắt và đưa về VN để truy tố.

Thủ Tướng Phan Văn Khải bây giờ đã ra chỉ thị cho dễ dàng đăng ký các giáo hội, hội thánh. Nhưng các nhà thờ vẫn còn bị buộc phải đăng ký; tên của các tín đồ trong Hội Thánh phải trình lên nhà nước, và người không có tên không được dự thánh lễ đó; bài giảng phải trình trước để xin chấp thuận, và tu sĩ không được nói ngoài đề cương bài giảng đã trình; tất cả bài giảng phải bằng tiếng Việt và tất cả các mục sư phải là người Kinh, không cho xài tiếng sắc tộc và mục sư người Thượng; và không được truyền giáo. Theo Ủy Ban Quan Sát Nhân Quyền HRW, chính phủ CSVN xem hoạt động tôn giáo không giấy phép là hành vi có thề nổi loạn.

Mục tiêu đánh phá chính là người Tin Lành gốc thiểu số, tín đồ Mennonite, và thành viên GHPGVNTN. Thậm chí, công an chìm còn gài vào các giáo hội để theo dõi.

Thủ Tướng Khải mới 2 tháng rưỡi trước có chỉ thị cán bộ “phải bảo đảm cho mỗi công dân quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và cấm mọi nỗ lực cưỡng ép người dân theo đạo hay bỏ đạo.” Có gì mới trong đó không" Không. Điều đó viết trong Hiến Pháp CSVN từ lâu. Vậy mà đàn áp có ngưng không" Không hề. Ở miền Bắc và miền Trung, đàn áp vẫn thê thảm, vẫn sách nhiễu và đánh đập KyTô Hữu, tịch thu ruộng nếu họ không chịu bỏ đạo.

Mới đây ở Buôn Ale A ở tỉnh Đắc Lắc, một mục sư bị buộc ký tờ khai rằng người Thượng đang vui hưởng tự do tôn giáo sau khi ông suýt chết vì bị treo lên cao trong cuộc tra tấn nhằm đè bẹp sức kháng cự của ông.

Không có tổ chức độc lập nào được phép vào các vùng đang bị đàn áp dữ dội nhất. Thêm nữa, các gia đình người Thượng Ky Tô Hữu trốn khỏi VN sau cuộc biểu tình năm 2001 và đã định cư ở Mỹ vẫn không được phép bảo lãnh thân nhân để gia đình đoàn tụ -- một sự kiện thấy rõ là vi phạm Tu Chính Jackson/Vanik trong đó cấm Hoa Kỳ buôn bán giao thương với các nước không cho tự do di trú.

Trong bài diễn văn nhậm chức thứ nhì, TT Bush cam kết, “Tất cả những ai sống dưới các chế độ độc tài và tuyệt vọng có thể biết rằng: Hoa Kỳ sẽ không bỏ lơ việc các bạn bị áp bức, cũng không tha lỗ cho bọn độc tài đang áp bức các bạn.”

Trong buổi họp ngày 21-6 với ông Khải, ông Bush nên định ra tiêu chuẩn và thời biểu để chứng tỏ rằng CSVN chịu cải thiện nhân quyền và tự do tôn giáo. Phải nói với Khải là, không đạt tiêu chuẩn đó, Mỹ sẽ chận bớt giao thương và sẽ không giúp gia nhập WTO. Nếu không làm thế, Bush đã thất hứa và cho thấy Mỹ chỉ là cọp giấy khi thương thuyết với CSVN.

Bài viết như thế, đăng trên báo “phe ta Cộng Hòa diều hâu” như thế đã cho thấy không phải “phe ta” ai cũng sẵn sàng để cho ông Bush nín thở qua sông khi họp với Khải.
Trong cương vị của người gốc Việt, chúng ta thấy rằng nhu cầu đưa VN vào WTO cực kỳ quý giá, vì lỡ cơ hội này chỉ làm lợi thêm cho phe thân Tàu ở Hà Nội thêm thời gian nữa. Nhưng cũng không thể về hùa với sứ quán CSVN để nhắm mắt khi các giá trị dân chủ, nhân quyền bị trấn áp. Từng người một, các trí thức và sinh viên VN tại Mỹ, hãy nên viết email gửi cho các báo Mỹ địa phương để lên tiếng. Hãy tạo thành một dư luận. Hãy bày tỏ ý kiến riêng của mình.

Đây sẽ là mặt trận truyền thông trên báo Mỹ: tất cả những người hoạt động dân chủ, các trí thức và sinh viên gốc Việt khi viết bài gửi cho các báo Mỹ, hoặc trong hình thức tiểu luận ngắn cỡ 1/4 trang báo lớn, hoặc trong hình thức thư độc giả ngắn hơn, nhớ ghi rõ tên, địa chỉ, số phone cho tòa soạn báo Mỹ kiểm chứng. Hãy nêu rõ rằng Mỹ cần giúp VN hội nhập với thế giới nhưng cũng cần áp lực VN hướng về dân chủ và tôn trọng nhân quyền ra sao. Cứ viết vài ngàn bài hay thư như thế, thì các báo Mỹ sẽ in ít nhất 10 hay 20 bài hoặc thư, là thành công về dư luận rồi.

Hãy nhớ rằng 80 triệu đồng bào trong nước đang mong đợi người hải ngoại cùng góp sức đẩy chế độ này về hướng dân chủ. Nếu dịp này chúng ta mà ngồi yên thì sau này nói làm sao với bằng hữu trong nước, nói làm sao với các thế hệ sau.

Chuyến đi của ông Khải là chuyến đi lịch sử, và trong đó từng người một hãy dự phần theo cách riêng của mình. Không chỉ để lương tâm an ổn, mà còn thực sự có thể cứu được mạng người -- có những người, như chị Hồng Liên, người bị công an đánh bể quai hàm và mất trí nhớ, chỉ cần bị tra tấn thêm một ngày nữa là có thể sẽ chết hoặc tàn phế suốt đời.

Hãy nói, hãy viết, vã hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho đồng bào quê nhà.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.