Hôm nay,  

Thời Hậu Thủy Môn

09/06/200500:00:00(Xem: 4976)
Hơn 30 năm đã trôi qua, một quá khứ dài. Nhưng đột nhiên nó hiện hình trở lại khi một ông già hom hem 91 tuổi cười vẫy tay nói một câu trên TV: “Tôi chính là người họ gọi là Deep Throat”. Báo chí Mỹ làm ồn ào và dư luận thế giới nhớ lại vụ Watergate năm 1974, vụ xì-căng-đan và khủng hoảng Hiến pháp lớn nhất của lịch sử hiện đại Mỹ làm Tổng Thống Nixon mất chức. Vai trò của truyền thông Mỹ nổi bật trong vụ này. Sự việc bắt đầu vào tháng 5-1972, 5 người bị bắt vì nửa đêm xâm nhập tòa nhà Watergate, trụ sở của đảng Dân Chủ, sửa máy nghe lén để do thám những cuộc họp riêng của đảng này. Dân Chủ lúc đó ở tư thế một đảng thiểu số đối lập, Nixon là người của đảng Cộng Hòa.

Năm người đó chỉ là tay sai không đáng kể, đã bị án tù. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là bàn tay nào đã điều động họ. Ngay từ đầu đã có sự nghi ngờ bàn tay đó nằm ở Bạch Cung, nhưng đến tháng 8 Nixon chính thức loan báo sau cuộc điều tra không có ai ở Bạch Cung dính líu đến vụ này. Vào thời điểm đó, nhiều ký giả và cả Quốc hội Mỹ đều làm ngơ hay cho rằng vụ xâm nhập Watergate không có gì quan trọng. Chỉ có hai phóng viên trẻ của tờ Washington Post là Bob Woodward và Carl Berstein, nhờ có một nguồn tin mật riêng đã quyết định mở cuộc điều tra cho tới cùng và liên tục loan ra những tiến triển mới. Nguồn tin do Bob tiếp xúc, sau đó chia sẻ với Carl và cả hai đều cùng có lời nguyền quyết không tiết lộ tên tuổi để bảo vệ nguồn tin. Ở Mỹ ký giả có quyền giữ kín nguồn tin, đây là một khía cạnh của Đệ nhất Tu chính án, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hai phóng viên đặt cho nguồn tin của họ một bí danh là “Deep Throat” y hệt như các tiểu thuyết gián điệp kỳ tình. Đến khi nó trở thành hấp dẫn với những chi tiết gây chấn động, họ được độc giả và làng báo tặng cho danh hiệu “Woodstein” là tên ghép của hai người.

Woodstein đã tưởng chỉ sau khi Deep Throat chết mới giải được lời nguyền, không ngờ tuần qua chính nguồn tin mật năm xưa đã tự xuất đầu lộ diện. Đó là W. Mark Felt, vào thời điểm 1972 là viên chức cao cấp hàng số 2 của FBI. Felt đã tiết lộ Bạch Cung lúc đó đang bao che bọn xâm nhập, có nghĩa là bàn tay điều động nằm tại đó. Đây là một hành động phạm pháp. Tháng 2 năm 1973, Thượng viện lập Ủy ban điều tra về ban vận động tranh cử Tổng Thống. Tháng 4 năm 1973, Bạch Cung ra tuyên bố nói TT Nixon không hề hay biết trước vụ Watergate. Một tuần sau, một số viên chức cao cấp Bạch Cung xin từ chức. Đây là những Lê Lai liều mình cứu Chúa, nhưng đã muộn. Đến tháng 4 năm 1974, Công tố Đặc biệt đòi được Bạch Cung phải giao nạp 64 cuốn băng thu thanh những buổi đàm đạo của Nixon với các phụ tá, kể cả một cuốn có đoạn mất tiếng nói 18 phút, sau cũng được bổ túc bằng văn bản chép lại. Đây là chứng cớ rành rành, chẳng những Nixon biết trước vụ xâm nhập mà còn cố ý cản trở cuộc điều tra tư pháp về vụ này. Ngày 9-8-1974 Nixon đã phải từ chức Tổng Thống.

Mark Felt tức Deep Throat có thù gì mà làm Nixon mất chức Tổng Thống" Có lẽ không có thù oán gì riêng tư, nhưng với tư cách một nhân viên cao cấp của FBI, Felt thấy bất bình về những hành động lạm quyền của một số người ở Bạch Cung. Nhưng không ngờ cái xẩy nẩy cái ung, chỉ một hành động sơ xẩy của mấy tên tay sai lén vào Watergate đã đưa đến cái ung độc làm Tổng Thống bay chức. Tội của Nixon có gì ghê gớm" Cố nhiên ông đã nói dối với dân. Nhưng thử hỏi có ông chính khách nào không biết nói dối. Nếu đã không có tài nói dối, ra làm chính trị làm chi cho khổ. Vụ bê bối của Nixon không do Deep Throat gây ra mà do chính Nixon tự tạo. Đó là hành động cản trở công lý. Tội này, cấp bực càng cao, hình phạt càng nặng. Ủy ban Tư pháp Hạ Viện còn buộc tội Nixon lạm dụng quyền hành và vi phạm lời thề khi đặt tay lên cuốn Thánh kinh để tuyên thệ tựu chức. Nếu Nixon không chịu từ chức, Quốc hội sẽ lập phiên họp đàn hạch để biểu quyết truất phế.

Ở Việt Nam vào năm 1972, tôi cũng như các nhà báo khác đều đặc biệt theo dõi vụ Watergate mà tôi thích dịch là “Thủy Môn”. Đến giữa năm 1974, tôi đã viết “Nixon cuỡi trên lưng Cọp” trong một bài thời cuộc. Dân Việt Nam không lạ gì Richard Nixon. Ông đã thắng cử Tổng Thống cuối năm 1968, giữa lúc phong trào phản chiến biểu tình dữ dội chống TT Lyndon Johnson (Dân Chủ). Nixon chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh” để đem quân Mỹ về nước. Nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ về các nhân vật và chính trường Mỹ. Cuối năm 1972, khi có tin Nixon thắng nhiệm kỳ II, các phóng viên ngoại quốc nói ở dinh Độc lập lúc đó sâm banh nổ bôm bốp để ăn mừng. Năm 1972 ký Hiệp định Paris, Nixon đã biết chế độ Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn sống thêm hai năm nữa.

Hãy để cho quá khứ qua đi. Ai cũng thích nói như vậy miễn là có lợi cho họ. Nhưng tha thứ không phải là quên, quá khứ chỉ là những kinh nghiệm. Nhớ lại quá khứ để học chớ không phải để hận thù cấu xé lẫn nhau. Cặp Woodward và Bernstein là tấm gương sáng về trung thực, cương nghị và can trường của người làm báo. Nhưng hai phóng viên đó không thể thành công nếu không có một Tổng thư ký Tòa soạn như Benjamin C. Bradley. Và cũng không thể nào quên bà Katharine Graham, một nữ lưu anh kiệt của nghề làm báo. Xuất thân từ một cô thày cò của Tòa soạn, bà đã thay cha làm chủ nhiệm tờ Washington Post và can đảm nhất quyết phanh phui ra sự thật, không chịu lùi bước trước áp lực.

Một quá khứ đã qua. Bây giờ không còn là chuyện của Nixon với tội bao che lạm quyền. Bây giờ là thời của đam mê với những cám dỗ mới về quyền lực, nằm giữa một sự bùng nổ khủng khiếp của truyền thông qua TV, e-mail, chat-room, Blog với Internet phủ kín bầu trời, trong khi cell phone, video game nở rộ như hoa xuân chui vào phòng khách, phòng ngủ của các gia đình, phòng học, phòng chơi của giới trẻ. Liệu có ai chịu nhìn rõ bối cảnh mới của thời hậu Thủy môn hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.