Hôm nay,  

Chính Phủ Nói Gì Đi Chứ

06/04/200600:00:00(Xem: 5720)
- Vụ bê bối ở PMU 18 liên quan tới khá nhiều người trong bộ Giao thông Vận tải, và cho tới hôm nay, đã có một ông thứ trưởng bị đòi đến cơ quan điều tra đã thẩm vấn, cùng nhiều nhân vật cỡ lớn bị bắt tạm giam. Nhưng chưa thấy ông bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng như Chính phủ lên tiếng. Nếu phải ở một nước dân chủ thực sự, thì thường là bộ trưởng Giao thông Vận tải đã phải từ chức rồi, và Chính phủ cũng đã phải lên tiếng.

Nhưng ở nước ta thì im lặng là vàng. Hơn thế nữa, theo báo Thanh niên điện tử mà tôi đọc hôm nay, thì nhiều phóng viên các báo đài đã bị những tên côn đồ, chắc chắn là lâu la của những nhân vật bi bắt kia, hành hung một cách công khai!

Hóa ra những kẻ ngồi trong cơ quan nhà nước, PMU 18, không chỉ là những kẻ tham ô, thối nát, mà còn là những tên côn đồ! Chuyện này, các báo chí đã nói đền trước đấy rồi. Theo báo chí, đặc biệt là tờ An Ninh Thế giới, thì chính "Dũng lớn", "Dũng nhỏ" cũng đã từng dính líu tới những tay anh chị xã hội đen, vậy mà cũng leo lên được những chiếc ghế cao, để rộng tay ăn cắp của nhà nước tới mức quy mô rộng lớn không thể tưởng tượng nổi như thế. Ai là người đã giới thiệu, đẵ đặt ông Bùi Tiến Dũng"

Chẳng lẽ không phải ông thứ trưởng Việt Tiến, nếu không phải là ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải, hay ít ra, chắc chắn ông Bộ trưởng cũng đã ký tên bổ nhiệm ông Bùi Tiến Dũng và chức vụ Tông giám đốc PMU! Ngoài ra, những vị như đảng ủy trong Bộ, sao lại để sơ sót đến thế" Lý lịch của một người như Bùi Tiến Dũng, sao đến bây giờ mới bị phanh phui, không phải do những người có trách nhiệm trong đảng, mà lại do báo chí!

Thật không thể hiểu nổi! Và khi sự việc đến nông nỗi này, người dân không thể nào không tự hỏi tại sao vụ việc lại nổ ra lớn như vậy và đã kéo dài từ nhiều năm qua, nhưng tất cả mọi người, từ những người đứng đầu bộ Giáo thông Vận tải, cho tới Chính phủ, Quốc hội, chẳng một ai băn khoăn thắc mắc gì! Mà đâu có phải không có những bằng chứng sờ sờ ra đấy! Những đoạn đường, những cây cầu, rồi những cọc tiêu bằng cốt tre, đâu có phải chỉ mới đây người ta mới khám phá ra.

Chuyện ông Bùi Tiến Dũng đánh bạc với cá độ cả từng triệu đô la, thì chỉ đượcđược khám phá ra, nhưng chuyện ông ta kết bè kết đảng với người thân và bạn bè, mua nhà mua cửa cho gia đình, cho gái, mua xe để tặng hay cho mượn vô tư, sao qua mặt được cơ quan thanh tra của Đảng, của Chính phủ" Và nếu vậy, thì chính những cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không bảo vệ được sự trong sạch của Đảng và Nhà nước.

Điều còn đáng thắc mắc nữa, là nếu chẳng may nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước cũng ít nhiều nhem nhuốc như vậy, thì Đảng và Nhà nước tính sao đây" Và nếu vậy, thì đâu còn là uy tín của Đàng và Nhà nước" Tôi nói thế không quá lời đâu, vì trước vụ Bùi Tiến Dũng, đã có nhiều những vụ việc xảy ra trong các bộ ngành cơ quan khác, như Dầu Khí, Hải Quan, Xây Dựng, hay như vụ Nhà máy Dệt Nam Định vv., nhưng rồi mọi sự đã được che lấp một cách khéo léo, rồi chìm xuồng luôn. Cũng có một số người bị tử hình đấy, nhưng chưa có một cái đầu bự nào mất đi một sợi tóc! Người lớn thì có dù lớn giúp tìm được bãi đáp an toàn...

Tôi mong rằng Chính phủ hiện nay phải giải quyết triệt để vụ án Bùi Tiến Dũng trước khi mãn nhiệm kỳ. Không nên để cho những can phạm lọt lưới, cho dù những kẻ đó ở cấp bậc nào, như Đảng và Nhà nước đã nhiều lần hứa với nhân dân. Không nên nhân cơ hội Chính phủ chấm dứt nhiệm kỳ mà phủi luôn trách nhiệm, khiến những con sâu mọt tìm được ổ kén chui vào.

Vì thế Đại hội X càng phải là đại hội chỉnh đốn, đổi mới thực sự đến nơi đến chốn, chứ không thể chỉ để vẽ vời, hô khẩu hiệu. Nếu không, tôi e sẽ còn những vụ việc tệ hại hơn cả PMU 18 có thể xảy ra. Đổi mới đây không chỉ đổi mới cho có hình thức, mà tận căn cơ. Nhiều người đã nói công khai về yêu cầu đổi mối chính trị, mà trước hết là thực thi dân chủ, trả lại cho dân quyền làm chủ thựcv sự mà Đảng và Nhà nước vẫn hô to thành khẩu hiệu từ bao nhiêu năm qua! Muốn thế thì phải đổi mới cơ chế, chính sách, đổi mới nhân sự. Nhưng trước hết và quan trọng nhất là đổi mới chính trị, làm thế nào để tránh khỏi tình trạng vừa đá banh vừa thổi còi như hiện nay, và đáng buồn hơn nữa, trên sân thực ra chỉ có một đội banh, còn đối thủ thực ra cũng chỉ là đội nhà mặc áo khác đưa ra cho đội chính thức tập rượt mà thôi!

Chúng ta cần phải xác định lại cho rõ, ai, cơ quan nào nắm giữ quyền lực cao nhất của Nhà nước" Có đúng là Quốc hội hay Bộ Chính trị" Có thế mới quy trách nhiệm rõ ràng được. Nếu Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thì Quốc hội phải có quyền và có trách nhiệm đối với Chính phủ, do đó phải bãi nhiệm những người tham ô, hối lộ, lạm quyền vv., thậm chí bãi nhiệm cả Chính phủ, chứ không để ngồi yên cho đến hết nhiệm kỳ!

Ngoài ra, thực thi dân chủ còn là phải làm thế nào để mọi người dân đều có quyền tham gia vào công việc điều hành đất nước, trực tiếp hay gián tiếp. Theo tôi nghĩ, độc đảng không cứ phải là độc quyền! Độc đảng vẫn có thể đi đôi với việc chia sẻ quyền hành với những người ngoài đảng, nhất là trong những phạm vi chuyên môn, đòi hỏi "chuyên" hơn là "hồng". Ở những nước phương Tây, nhiều Đảng cầm quyền không ngại chia sẻ quyền hành với những đảng khác, hay những cá nhân độc lập, và có những ông tổng thống bắt buộc phải chọn một ông thủ tướng đảng đối lập, vậy mà họ vẫn cùng nhau điều hành suôn sẻ công việc của đất nước họ, có sao đâu!

Do đó, vấn đề là phải "dân sự hoá" chứ không phải "đảng hoá", nghĩa là càng ít để chính trị xen vào những công tác chuyên môn. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhưng không nên làm lấy tất cả một mình. Đặc biệt là trong công tác thanh tra và trong phạm vi tư pháp. Bao lâu chưa có những cơ quan thanh tra độc lập, và bao lâu Tư pháp còn lệ thuộc vào chính trị, vào Hành pháp, vào Đảng, thì khó có thể tránh khỏi tình trạng vừa đá banh vừa thổi còi, và xử phạt thiên vị.

Thiện Cẩm OP

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.