Hôm nay,  

Vẽ Bậy Vào Di Tích, Thói Xấu Của Một Số Người Việt

12/02/201700:00:00(Xem: 3649)
SAIGON -- Bấy lâu nay, nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh văn hóa trong nước đã luôn chịu đựng một hành vi rất phản cảm của một số du khách người Việt, đó là vẽ, viết bậy lên mặt tường, vách đá, bộ phận chính của những di vật… Đáng nói hơn, mặc cho sự hiện diện những bảng qui định ngăn cấm hành vi này, những người này vẫn lén lút, thậm chí có khi công khai, làm theo thói quen khó bỏ của họ, theo VnExpress.

Như tại Sài Gòn, một kiến trúc tôn giáo nổi tiếng cả thế giới là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do không có hàng rào bảo vệ mà nhiều năm qua đã phải chịu tình trạng bị viết, vẽ bậy lên tường. Nhìn từ xa, công trình 140 năm tuổi này vẫn uy nghi, tráng lệ nhưng khi đến gần, ai cũng nhận ra trên các mặt vách tường là hàng nghìn nét chữ, hình vẽ vô nghĩa được viết bằng bút xóa, khó tẩy rửa.

blank
Vách nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bị viết, vẽ bậy.

Theo VnExpress, ở một thắng cảnh tôn giáo khác là chùa Thiên Mụ (Huế), quả Đại hồng chung cũng bị vấy bẩn bởi nhiều người mê tín hay suy nghĩ nông cạn, đã cho rằng mong muốn điều gì cứ ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước ấy sẽ thành sự thật. Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định của nhà chùa, biến mặt bên trong Đại hồng chung như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu. Cân nói thêm đây là quả chuông đúc bằng đồng cao 240 cm, đường kính miệng 140 cm, nặng gần 2 tấn. Năm 2013, Đại hồng chungđã được công nhận bảo vật quốc gia.

Tại cố đô Huế, một bảo vật khác cũng bị khách tham quan viết, vẽ bậy lên là quả chuông của Nhà Thái học, tọa lạc trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguyện xin đỗ đạt, thành công trong công việc là các nguyện ước phổ biến nhất được ghi trên quả chuông đồng này. Tuy nhiên, nguyên ước hẳn là chính đáng nhưng những dòng chữ thể hiện các nguyện ước ấy khi được ghi khắc không đúng chỗ lại gây phản cảm và ảnh hưởng đến công việc bảo tồn di tích. Cần biết chuông Nhà Thái Học được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất, có trọng lượng gần 2 tấn, cao 2m34, đường kính đáy là 1m28.

Dù đã có cắm bảng ghi rõ qui định ngăn cấm, cây đa di sản hơn 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn phải chịu hằn trên thân những "vết thương” do một số khách tham quan khắc tên họ hay lời tỏ tình, VnExpress ghi nhận. Cây đa này nằm ở phía đông bán đảo Sơn Trà (thuộc khu bảo tồn 63), có tán cây rộng, chu vi thân 10m, 26 rễ phụ bám sâu xuống đất, tạo cảnh quan rất kỳ vĩ, được công nhận là cây di sản vào tháng 6/2014.

VnExpress còn báo động thêm về tình trạng ngày càng xấu đi ở những tòa tháp Chàm cổ, nằm rải rác ở các tỉnh Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận... Ở Việt Nam, loại tháp cổ xưa này còn lại không nhiều, vốn là các công trình mang giá trị lớn về điêu khắc, văn hóa, lịch sử, được xây dựng từ thế kỷ 9 đến 13. Qua thời gian, nhiều tòa tháp đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng thay vì chỉ nhìn ngắm, một số du khách lại khắc, vẽ bậy lên tháp, thậm chí, leo trèo cả vào nơi có biển cấm để chụp ảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.