Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Ngô Văn Sở

21/09/201511:05:00(Xem: 3970)
NGÔ VĂN SỞ 
(? – 1795)
                        
Ngô Văn Sở còn tên là Ngô Hồng Chấn, Ngô Văn Tàng; quê huyện Tây Sơn, Bình Định. Năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghĩa, ông đã tham gia với Tây Sơn từ lúc khởi binh.
Năm 1775, ông cùng Nguyễn Huệ đã đánh tan hơn 2 vạn quân của chúa Nguyễn, do tướng Tống Phúc Hiệp trấn giữ tại Phú Yên. Năm 1787, ông được cử làm Tham tán quân vụ cùng Vũ Văn Nhậm trấn thủ Bắc Hà. Năm 1788, Bắc Bình Vương nghe tin Vũ Văn Nhậm làm phản, Vương ra Bắc Hà, bắt giết Vũ Văn Nhậm xong, cử ông làm Đại Tư Mã trấn thủ Thăng Long cùng Tả thị lang Bộ lại Ngô Thì Nhậm.
Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh. Nhà Thanh (Tàu) cử Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị thống lãnh trên 20 vạn quân Tàu tiến qua nước ta. Ngô Văn Sở hợp các tướng để tìm kế sách chống đỡ. Nguyễn Văn Dụng nói: “Khi xưa quân Minh sang nước ta có bọn Hoàng Phúc, Mộc Thạnh, Liễu Thăng, đều là tướng hiệt kiệt của Tàu, bấy giờ Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, thế lực còn yếu nên dùng mưu, lúc mai phục, khi đánh úp. Lấy ít đánh nhiều. Vây Vương Thông bến Đông Độ, giết Liễu Thăng ở núi Mã Yên, võ công tuyệt lạ, ngàn thuở được khen. Nay quân Thanh ở xa đến đây, ta lấy khoẻ đánh mệt, phục trước các nơi xung yếu, cho quân núp sẵn để chờ, cứ làm theo kế này làm gì không thắng (Hoàng Lê Nhất Thống Chí: HLNTC, tr. 351-352)”.
Ngô Thì Nhậm nghe vậy thì phân tích: “Không phải thế, ông chỉ biết một mà không biết hai. Việc thiên hạ tình tuy giống nhau, mà thế lại khác nhau, sự đắc thất do đó cũng khác hẳn. Xưa kia nước ta bị Tàu đô hộ, quân Tàu tàn bạo, người cả nước ai cũng muốn đuổi chúng đi. Cho nên Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng thì xa gần hưởng ứng, hào kiệt theo về như mây tụ. Mỗi khi đánh nhau với giặc, dân mình lo quân ta bất lợi, mỗi khi nghe tin thắng trận ai nấy đều vui. Lòng người như thế nên hễ chỗ nào có quân mình mai phục, thì dân giữ kín không cho giặc biết. Nên thắng được giặc là vậy. Ngày nay, bề tôi nhà Lê đâu đâu cũng có, nghe quân Thanh qua, họ luôn ngóng trông. Quân ta mai phục ở đâu, quân số bao nhiêu, địa thế ra sao,
họ sẽ báo cho
giặc biết trước. Quân cơ đã bị lộ, tự nhiên ta bị bất lợi, ấy là tự mình hãm mình vào chỗ chết (HLNTC)”. Phan Văn Lân: “Tôi xin lãnh 1000 quân đến sông Như Nguyệt, ngăn giặc”, nhưng giặc đông như kiến, quân của Phan Văn Lân bị bại.
Ngô Thì Nhậm đắn đo, rồi thẳng thắn nói: “Chỉ còn cách, sớm truyền thuỷ quân chở lương đầy các thuyền, giương buồm ra biển, đến Biện Sơn tạm chờ. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, lui về giữ Tam Điệp. Hai mặt thuỷ bộ liên lạc với nhau giữ chỗ hiểm yếu, rồi cho người về bẩm Chúa công”. Ngô Văn Sở cho rút quân về núi Tam Điệp, để giặc tự kiêu căng, ta dễ tiêu diệt.
Khi Vua Quang Trung dẫn quân đến núi Tam Điệp (Ninh Bình giáp ranh Thanh Hóa). Tư mã Sở ra đón, xin chịu tội đã rút quân khi giặc đến Thăng Long. Vua nói: “Rút quân theo kế của Ngô Thì Nhậm là đúng, không có tội”. Ngô Văn Sở theo vua Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà giải phóng Thăng Long.
Sau khi đánh tan tác quân Thanh, ông được vua Quang Trung phong tước Ích Quốc công và cho Trấn thủ Bắc Hà. Tháng Giêng năm 1790, Phạm Công Trị (giả vương) giả Vua Quang Trung, Ngô Văn Sở cùng đi sứ sang nhà Thanh.
Năm 1792, Vua Quang Trung băng hà, Cảnh Thịnh nối ngôi, thăng ông chức Đại đổng lý, tước Quận công, tiếp tục trấn thủ Bắc Hà. Vua còn nhỏ tuổi nên Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền.
Năm 1795, Đại đô đốc Võ Văn Dũng dùng kế bắt Thái sư Tuyên và con là Bùi Đắc Trụ rồi làm chiếu chỉ giả triệu Ngô Văn Sở về Phú Xuân vì nghi Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Thái sư Tuyên. Cả ba bị nhốt vào cũi sắt, đem dìm xuống sông Hương cho đến chết?!.
Lưu ýXin đừng lẫn Ngô Văn Sở (trùng tên) từng theo quân Tây Sơn làm đến chức Đô úy, sau đầu hàng Nguyễn Ánh, năm Kỷ Mùi (1799) theo Võ Tánh trấn giữ thành Bình Định.
Cảm mộ: Ngô Văn Sở
Ngô Văn Sở, dũng tướng Tây Sơn!
Chiến trận hiểm nguy, vẹn sắt son!
Chính sự nghi ngờ, gây lủng củng
Đớn đau dìm nước, gẫm hàm oan?!
Nguyễn Lộc Yên 
.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.