Hôm nay,  

Kịch Chiến Tại Khe Sanh 3/68 Giữa Liên Quân Việt-mỹ & Csbv

15/10/199900:00:00(Xem: 6633)
Như chúng tôi đã trình bày trong số trước, vào tháng 2/1968, Cộng quân đã gia tăng áp lực tại phòng tuyến Khe Sanh bằng các đợt pháo kích liên tục vào các vị trí trọng điểm. Để có thể tiến sâu vào căn cứ, CSBV đã cho đào sâu giao thông hào vào sát vòng đai phòng ngự của quân trú phòng. Mỗi buổi sáng, các trung đội, phân đội tiền sát ở các vị trí tiền đồn đã phát hiện thêm các địa đạo chạy ngoằn ngoèo như con rắn nhắm thẳng các chiến hào của lực lượng phòng thủ mà tiến tới, quân trú phòng dự đoán rằng Cộng quân đào địa đạo ngay phía dưới căn cứ và sẽ dùng chiến thuật độn thổ khi quân ngoài vòng rào tiến vào căn cứ. Một số cấp chỉ huy nhận định rằng nếu Cộng quân tiến hành chiến thuật như thế thì mọi nỗ lực của đối phương xem như đã bị thất bại vì quân trú phòng đã sẵn sàng đối phó và sẽ đánh bại địch quân.

* Những trận lớn tháng 3/1968:
Sau những trận chiến giằng co vào những ngày cuối tháng 2/1968. Đến đầu tháng 3/1968, Cộng quân mở cuộc tấn công mới vào phòng tuyến của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân. Trước khi sử dụng bộ binh mở các đợt xung phong, Cộng quân đã sử dụng tối đa hỏa lực pháo binh bắn tới tấp vào các vị trí của Biệt Động Quân. Từ các vị trí phòng thủ liên hoàn, các trung đội, đại đội trong phạm vi trách nhiệm đã chận đứng các đợt tấn công của đối phương, đồng thời lực lượng pháo binh tại căn cứ đã kịp thời phản pháo để chế ngự hỏa lực của địch quân.

Sau trận tấn công vào đầu tháng 3, Cộng quân tiếp tục mở các đợt tấn kích và pháo kích vào căn cứ Khe Sanh, diễn biến một số trận được ghi nhận như sau:
- Ngày 6 tháng 3/1968, Cộng quân pháo kích hỏa tập vào phi đạo, một vận tải cơ của Không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi ở phía đông phi đạo, 43 quân nhân TQLC, 4 quân nhân phi hành đoàn và 1 quân nhân thuộc quân chủng Hải quân của Hoa Kỳ đi trong chuyến bay đã bị tử thương (theo tổ chức của quân đội Hoa Kỳ, trong quân chủng Hải quân cũng có các đơn vị Không quân).
Để giải tỏa áp lực CQ, và để chủ động chiến trường, ngày 8 tháng 3/1968, tiểu đoàn 37 BĐQ đã mở một cuộc hành quân ở ngoài vòng đai phi đạo. Khi một đại đội của tiểu đoàn rời khỏi tuyến phòng thủ không xa để hành quân tảo thanh thì đụng độ ngay với Cộng quân. Giao tranh đã diễn ra ác liệt khi Cộng quân cố phá vỡ đội hình của đại đội BĐQ, nhưng các đợt xung phong của CQ đã bị Biệt động quân đẩy lùi, 26 Cộng quân bị hạ sát tại ngay phía đông sân bay.
- Ngày 23 tháng 3/1968, Công quân lại mở nhiều đợt hỏa kích bằng pháo vào căn cứ với 1,101 quả pháo bắn vào các vị trí trung tâm. Pháo binh trong căn cứ đã phản pháo mạnh mẽ vào các mục tiêu được ghi nhận là có các cụm pháo CQ tập trung.
Một ngày sau đó, chỉ huy trưởng căn cứ Khe Sanh đã tung tiểu đoàn 1/9 Không kỵ Hoa Kỳ hành quân tuần tiễu trong khu trách nhiệm. đơn vị này đã hạ sát 31 Cộng quân thuộc 1 đơn vị chính quy từ Bắc vào. Ngày 25 tháng 3/1968, tiểu đoàn 1/9 lại mở một cuộc hành quân quanh căn cứ để giải tỏa áp lực của Cộng quân.
- Ngày 30 tháng 3/1968, đại đội B tiểu đoàn 1/26 TQLC đã đụng độ ác liệt với 1 đơn vị chính quy của Cộng quân, CQ mở nhiều đợt xung phong tiến sát đến sát chiến hào của đại đội. Pháo binh và Không quân đã yểm trợ mạnh mẽ giúp đại đội này giữ được vị trí, kết quả có 115 Cộng quân bị hạ sát trong tấn công này.

* Câu chuyện ở đồi 881 Nam:
Trong suốt tháng Hai và tháng Ba, một trong những tiền cứ bị Cộng quân pháo kích và tấn công nhiều nhất là đồi 881 Nam. Sau này, đại úy Jack A. Brage, chỉ huy đại đội TQLC phòng thủ tại đây đã kể lại với đại tướng Westmoreland rằng: Các binh sĩ trên đồi này thường gây sự chú ý cho địch quân vì sáng nào cũng làm lễ thượng kỳ và thổi kèn báo hiệu thay phiên trực, còn quân CSBV thường quan sát thấy là cờ rách bươm vì vết đạn, nhưng khi nghe binh sĩ TQLC thổi kèn thì biết rằng quân trú phòng vẫn còn sức để chiến đấu và vẫn hiên ngang đứng vững. Lúc ấy Cộng quân trả lễ bằng cách pháo kích và bắn súng cối vào đồi, nhưng dù cố gắng gây áp lực bao nhiêu, Cộng quân cũng không ngăn được nếp sinh hoạt hàng ngày này.
Khi báo chí loan tin rằng lá cờ Hoa Kỳ tại đồi 881 Nam đã bị các mảnh đạn làm rách từng miếng nhỏ làm cho tơi tả, từ ngày đó, trong những lá thư từ Hoa Kỳ gửi đến chiến trường Khe Sanh đều có quốc kỳ Hoa Kỳ kèm theo, tổng cộng có tất cả 52 lá cờ.

* Từ chiến dịch Scotland đến chiến dịch Pegasus và trận Khe Sanh:


Trước khi trận chiến Khe Sanh bùng nổ vào ngày 21/1/1968, bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đã cho mở chiến dịch Scotland với lực lượng chính là các đơn vị thuộc lực lượng 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cùng với sự phối hợp hỏa lực của Không quân và Pháo binh Hoa Kỳ. Mục đích của chiến dịch này là nhằm ngăn chận và hạn chế tầm hoạt động của CQtại khu vực biên giới Việt Lào và quanh căn cứ Khe Sanh. Chiến dịch này được khai diễn vào ngày 1/11/1967. Đến ngày 31/3/1968, bộ tư lịnh Quân đội Mỹ tại VNcông bố kết thúc chiến dịch Scotland với thống kê chiến trận như sau: 1,602 Cộng quân bị bỏ xác trong các cuộc giao tranh, phía TQLC Hoa Kỳ có 205 quân nhân tử trận. Ngày 1/4/1968, Liên quân Việt Mỹ cho khai diễn chiến dịch Pegasus với nhiều đơn vị bộ chiến và thiết kỵ để nối tiếp chiến dịch Scotland nhằm giải tỏa áp lực của CQ quanh Khe Sanh.
Hai ngày sau khi chiến dịch Pegasus khai diễn, ngày 3/4/1968, lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ được điều động để mở tấn công lực lượng CQ đang bố phòng gần bãi đáp Tom và Wharton nằm quanh Khe Sanh. (Chi tiết về sự tham chiến của lữ đoàn này tại mặt trận Khe Sanh trong tháng 4/1968 đã được trình bày trong loạt bài viết về Sư đoàn 1 Không Kỵ).

Cuộc tấn công do lữ đoàn 2 Không kỵ mở màn cho các cuộc tấn công kế tiếp của Liên quân Việt Mỹ tại mặt trận Khe Sanh từ ngày 4 đến ngày 15/4/1968 với diễn tiến như sau:
- Ngày 4/4/1968, Thiết đoàn 1/5 Thiết kỵ Hoa Kỳ đã kịch chiến với 1 trung đoàn Cộng quân gần căn cứ. Từ những cụm điểm hỏa lực đặt tại những vị trí được che giấu, Cộng quân sử dụng tối đa súng cộng đồng và súng cối bắn hỏa tập sau đó bộ binh Cộng quân tràn lên, nhưng đã bị hỏa lực mạnh của thiết đoàn này chận đứng.
- Ngày 5/4/1968, CQ mở đợt tấn công vào vị trí phòng thủ của tiểu đoàn 1/9 Không kỵ Hoa Kỳ nhưng đã bị đẩy lùi, 122 Cộng quân bị bỏ xác tại trận địa. Cùng ngày đó, Lữ đoàn 1 đổ bộ vào một vị trí gần phòng tuyến Khe Sanh và tổ chức hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân ở khu vực này.
- Ngày 6/4/1968, bộ Chỉ huy Liên quân Việt Mỹ tại căn cứ Khe Sanh đã điều động 3 tiểu đoàn gồm: tiểu đoàn 1/9 Không kỵ, tiểu đoàn 2 và 3 trung đoàn 26 TQLC tổ chức hành quân đẩy lùi Cộng quân ra khỏi trận địa. Theo phân nhiệm, tiểu đoàn 1/9 bắt đầu tấn công lên lên đồi 689. Tiểu đoàn 2 và 3/26 hành quân ngược lên hướng Bắc căn cứ để truy quét và tấn kích CQ. Trong cuộc hành quân này, riêng đại đội G tiểu đoàn 2 trung đoàn 2/26 đã hạ sát 48 CQ thuộc 1 đơn vị chính quy CSBV.
Cũng vào ngày 6/4, bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH đã điều động một thành phần Nhảy Dù tăng viện cho cuộc hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân tại Khe Sanh. Tại bải đáp Snake gần Khe Sanh, tiểu đoàn 3 Nhảy Dù VNCH đã đụng độ 1 tiểu đoàn CQ, hạ sát 78 CQ.
- Ngày 8/4/1968, thiết đoàn 2/7 tăng viện vào chiến trường Khe Sanh và đã tiếp giáp được với cánh quân của trung đoàn 26 TQLC, cuộc bắt tay giữa hai đơn vị nói trên đã đánh dấu cho cuộc hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân trên toàn khu vực ở phòng tuyến Khe Sanh.
- Ngày 10 tháng 4/1968, một tiểu đoàn Công binh Hoa Kỳ với sự yểm trợ của lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ bắt đầu khai thông quốc lộ 9 từ Đông Hà lên đến Khe Sanh. Đoạn đường khó khăn nhất là từ Cam Lộ đến gần Khe Sanh.
- Ngày 14/4/1968, tiểu đoàn 3/26 TQLC tấn công đồi Bắc ở Khe Sanh, đụng độ lớn với 1 đơn vị Cộng quân. Tiểu đoàn TQLC Mỹ có 6 quân nhân bị tử trận nhưng đã gây tổn thất nặng cho địch quân, 106 quân CSBV bị hạ sát tại chỗ. - Ngày 15/4/1968, cuộc hành quân Pegasus chấm dứt, Cộng quân đã bị đẩy lùi ra khỏi nhiều vị trí quanh căn cứ Khe Sanh. Cũng cần ghi nhận rằng Tiểu đoàn 37 BĐQ, sau hơn hai tháng tử chiến tại mặt trận Khe Sanh, được về nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ ở gần thành phố Đà Nẵng. Cũng vào ngày nói trên, Liên quân Việt Mỹ mở chiến dịch Scotland 2 để truy kích tàn quân địch ở gần Khe Sanh và để bảo vệ cho các đơn vị của trung đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ rút về Đông Hà và Cam Lộ trong ngày 18 tháng 4/1968. (Soạn theo tài liệu của trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, hồi ký của đại tướng Westmoreland (nhà xuất bản Thế giới), bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí, một số bài viết trong tạp chí KBC...)

Kỳ sau: Những trận đánh ác liệt tại Khe Sanh trong chiến dịch Scotland 2.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.