Hôm nay,  

Tin Úc Đại Lợi - Phần I

04/11/200000:00:00(Xem: 3856)
ÚC DẪN ĐẦU VỀ SỐ HUY CHƯƠNG PARALYMPIC GAMES 2000

SYDNEY: Kết thúc 11 ngày thi đấu của Paralympic Games 2000, nước Úc đã dẫn đầu bảng thế giới với tổng số huy chương là 149, trong đó có 64 huy chương vàng, 38 huy chương bạc và 47 huy chương đồng. Quốc gia đứng hàng thứ hai trong bảng xếp hạng huy chương là Anh quốc với 41 vàng, 43 bạc và 38 đồng. Hoa kỳ đứng hạng năm với 36 huy chương vàng, 39 huy chương bạc và 34 huy chương đồng. Trong ngày thứ hai Sydney đã tổ chức đoàn chào đoàn vận động viên Paralympic Games 2000 của Úc trên đường George St. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt của dân chúng hai bên đường là một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức của những vận động viên paralympic tài năng và đầy nghị lực của Úc.

Với sự cố gắng của các vận động viên và của ban tổ chức thế vận, đoàn Úc đã lập được những thành công vĩ đại nhất trong tất cả các kỳ thi Paralympic từ trước đến nay. Số người theo dõi paralympic Sydney là 1.1 triệu người, gấp đôi số lượng người xem tại Paralympic Atlanta 1996. Trong thời gian diễn ra cuộc đua tài Paralympic 2000 có đến trên 3000 vận động viên quốc tế sống trong làng thế vận Sydney. Ngay sau khi bế mạc, hàng ngàn vận động viên đã ra sân bay chờ về nước khiến làng thế vận biến thành một thành phố chết. Tuy nhiên đã không hề xảy ra tình trạng ứ đọng tại phi trường vì số lượng vận động viên chỉ bằng 1/3 số vận động viên của thế vận hội Sydney 2000.

VẬN ĐỘNG TẨY CHAY XA LỘ M-4

SYDNEY: Sau khi công ty quản lý xa lộ M-4 quyết định tăng lệ phí lên 2.20 đô la, nhiều người lái xe hiện đang vận động giới tài xế tại Sydney tẩy chay xa lộ M-4. Cơ quan quản lý giao thông và đường xá tại NSW lo ngại rằng việc các tài xế Sydney tẩy chay xa lộ M-4 sẽ khiến cho những con đường huyết mạch khác sẽ bị kẹt xe nghiêm trọng. Dĩ nhiên sẽ có nhiều tài xế quyết định chọn đi những con đường khác để khỏi phải trả lệ phí 2.20 tăng 60 xu so với lệ phí 1.6 trước đây. Giới thương gia tại miền Tây Sydney đã chính thức gửi lời than phiền đến bộ trưởng giao thông Carl Scully cho rằng việc tăng lệ phí sẽ gây khó khăn cho 72 ngàn doanh nghiệp tiểu thương tại miền Tây Sydney.

Với mức tăng lệ phí như trên công ty quản lý xa lộ M-4 sẽ thu thêm được mỗi năm 15 triệu đô la. Tuy nhiên tài xế sử dụng xa lộ này có thể còn phải chịu trả thêm lệ phí tăng 50 xu nữa trước khi xa lộ này được bàn giao lại cho chính phủ tiểu bang vào năm 2010. Theo lãnh tụ đối lập tiểu bang bà Chikarovski thì chính phủ Bob Carr đã từng thất lời hứa việc bãi bỏ tiền lệ phí trên xa lộ M-3 nay lại chấp thuận việc tăng lệ phí trên xa lộ M-4, chứng tỏ chính phủ tiểu bang NSW chấp thuận cho các công ty quản lý xa lộ bóc lột tàn tệ những người lái xe ở miền Tây Sydney.

NGƯ DÂN THOÁT CHẾT SAU KHI BỊ CÁ MẬP TẤN CÔNG

QUEENSLAND: Một ngư dân tên là Paul Kelly 32 tuổi đã bơi bốn tiếng đồng hồ liên tục cho khi đến bờ an toàn, sau khi chiếc thuyền của anh đã bị một con cá mập khổng lồ tấn công. Được biết đây là vụ cá mập tấn công lần thứ ba trong vòng hai tuần qua. Paul Kelly đang cắm neo thả lưới ngoài khơi vùng biển Moreton Bay của Queensland vào lúc 10 giờ tối thì thình lình một con cá mập trắng khổng lồ xuất hiện và tấn công vào chiếc thuyền dài 4.2 mét của anh khiến nó bị lật. Sau một lúc bám vào chiếc thuyền đang bị chìm, anh Paul Kelly quyết định rằng anh phải bơi vào bờ. Là một ngư dân đi biển kinh nghiệm và là một tay bơi cự phách, ngư dân Paul Kelly đã bơi liên tục bốn tiếng đồng hồ cho đến khi anh vào bờ biển Wellington Point lúc 2 giờ sáng hôm sau.

Cảnh sát tìm thấy anh Paul uớt như chuột và lạnh cóng đang tìm cách gọi điện thoại về nhà cho vợ là Michelle. Nhiều tiếng đồng hồ sau chiếc thuyền của anh cũng bị sóng đánh dạt vào bờ. Cách đây hai tuần một con cá mập dài 5 mét đã tấn công vào một chiếc thuyền đánh cá ở Mooloolaba, ngậm vào miệng nguyên cả chiếc động cơ. Một tuần sau một con cá mập dài 5 mét khác cũng đâm sầm vào mạn thuyền một chiếc tàu cá khác ,cũng ở trong khu vực nói trên. Theo ngư dân kinh nghiệm là Ken Brown thì chính con cá mập trắng dài 5 mét nói trên là thủ phạm những vụ tấn công vừa qua. Tại những vùng ngư dân hay đánh cá thường có cá mập vì cá mập cũng đến để ăn những con cá nhỏ khác đang quy tụ lại gần luới của các ngư phủ.

XẾP HỎA XA NSW BỊ CÁCH CHỨC

SYDNEY: Giám đốc hỏa xa NSW là Simon Lane đã bị bộ trưởng giao thông Carl Scully cách chức hồi tuần rồi để mở đầu cho việc chấn chỉnh hệ thống hỏa xa tiểu bang. Việc cách chức này coi như không thể tránh khỏi được sau khi ông Ron Christie được chỉ định vào chức vụ tổng điều phối viên hỏa xa vào tháng sáu vừa qua. Từ lúc đó giám đốc Simon Lane coi như đã bị cho ra rìa và chỉ ngồi chơi xơi nước chờ ngày chính thức nhận quyết định về hưu. Được biết ông Simon và vợ mới trở thành công dân Úc trong vài tháng gần đây. Ông ta cho biết rất thất vọng với quyết định sa thải mình, tuy nhiên sẽ đi nghỉ mát một thời gian trước khi quay về và tìm một công việc khác.

Theo bộ trưởng Scully thì ông Ron Christie sẽ trở thành giám đốc điều hành xử lý thường vụ tạm thời hệ thống hỏa xa NSW. Ông Simon Lane với số lương 334,616 đô la mỗi năm đã được bổ nhiệm vào chức vụ xếp hỏa xa NSW sau một quá trình làm việc xuất sắc trong ngành quản lý giao thông tại Anh và Úc. Đúng ra còn hai năm nữa mới hết hợp đồng năm năm, nhưng ngày chính thức rời khỏi chức vụ nói trên của ông ta đã được bộ trưởng Carl Scully quy định sẵn. Duới thời Simon Lane quản lý hệ thống hỏa xa NSW được coi là hoạt động tồi tệ chưa từng thấy. Thời khóa biểu chạy tàu luôn luôn bị trễ, tàu thường xuyên bị trật đường rầy, tài xế vượt đèn đỏ khiến xảy ra tai nạn chết người và tàu của NSW luôn bẩn thỉu như chuồng lợn.

MỘT BẢN ÁN THIÊN VỊ KHIẾN DƯ LUẬN BẤT MÃN

SYDNEY: Giám đốc công tố viện tiểu bang NSW quyết định sẽ kháng cáo bản án của một nữ chánh án Sydney, không chịu thu bằng một thiếu niên đã lái xe với tốc độ 203 cây số một giờ trên xa lộ F-3. Giám đốc Nicholas Cowdery sẽ kháng cáo án lệnh của chánh án Jane Mottley sau khi bà này chỉ tuyên bố phạt thiếu niên Tony Faber Castell 12 tháng theo dõi hành vi. Được biết tay thanh niên nhà giàu này thú nhận rằng anh ta đã lái chiếc BMW của ông bố chạy trên xa lộ F-3 đến trên 200 cây số giờ. Trong khi đó tay thanh niên 17 tuổi này chỉ có bằng P và mức độ cây số quy định cho tài xế chuyên nghiệp trên xa lộ F-3 là không quá 120 cây số giờ.

Theo đúng luật hiện hành thì tội của tay thanh niên nói trên phải bị phạt 2000 đô la, tù giam chín tháng và thu bằng trong ba năm. Quyết định nói trên của chánh án Jane Mottley đã được bộ tư pháp ra lệnh xem xét lại và cảnh sát đã quyết định kháng án. Tay thanh niên nói trên thuộc về một dòng họ sản xuất bút chì danh tiếng tại Đức có nguồn gốc đến thế kỷ thứ 9. Trước đó nhiều nhân vật quyền thế và nổi tiếng tại Sydney cũng đã được các vị chánh án các tòa dành cho những bản án khoan hồng.Những bản án này đã làm dư luận bất mãn vì cho rằng tòa án thiên vị những người có quyền thế trong khi xử thẳng tay với thành phần dân nghèo,thấp cổ bé miệng.

BÍ MẬT VỀ VIỆC CẤT GIỮ CƠ PHẬN TRẺ EM

VICTORIA: Từ trước đến nay các bệnh viện tại Melbourne vẫn thường bí mật giữ lại nhiều cơ phận của các trẻ em tử vong trong bệnh viện và không hề thông báo cho gia đình biết. Vì thế nhiều bậc cha mẹ khi an táng con em mình đã không biết là thi hài bị thiếu đi nhiều bộ phận bên trong. Sau khi thú nhận những hành động trái pháp luật này,các bệnh viện tại Melbourne vừa qua đã tuyên bố họ sẽ xem xét lại tiến trình mổ khám nghiệm tử thi. Bộ trưởng tế tiểu bang là John Thwaites cũng đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra để bảo đảm rằng thân nhân của người chết đã được thông báo đầy đủ trước khi ký giấy đồng ý cho bệnh viện tiến hành mổ khám nghiệm tử thi.

Sự việc bùng nổ sau khi tại Anh hàng ngàn thân nhân đã phát hiện rằng thi hài của người chết đã được chôn cất thiếu nhiều bộ phận. Những bộ phận này đã được các bệnh viện giữ lại làm tài liệu nghiên cứu y học, mà không hề được phép của thân nhân các người quá cố. Theo nhiều nhân viên của các bệnh viện thì khi ký giấy chấp nhận mổ tử thi, nhiều thân nhân không hiểu rằng bệnh viện có thể được quyền giữ lại nhiều bộ phận của người chết để nghiên cứu. Nhiều bậc cha mẹ có con chết trong bệnh viện hiện nay đã liên hệ với các bệnh viện để đòi được biết là con cái của họ khi chết có được chôn toàn vẹn cơ thể hay không. Nếu các bệnh viện còn giữ lại cơ phận nào thì phải trả lại cho thân nhân để chôn cất kèm theo lời xin lỗi.

PHỤ NỮ CÓ THỂ NGHỈ HỘ SẢN CÓ LƯƠNG

CANBERRA: Theo một đề nghị mới của công đoàn lao động Úc thì hơn bốn triệu phụ nữ Úc đang làm việc, có thể được trả lương trong thời gian nghỉ việc để sinh con. Theo đề nghị này thì các phụ nữ nghỉ sinh con phải được hưởng ít nhất 2/3 số lương và không bị mất việc dù họ đang làm việc toàn thời, bán thời hay công nhật. Kèm theo đề nghị này là những đòi hỏi giới chủ nhân khi đuổi việc một phụ nữ nào phải chứng minh rõ ràng rằng sự đuổi việc đó hoàn toàn không liên quan đến việc có thai hay nghỉ hộ sản của các nữ công nhân hay nữ nhân viên. Công đoàn liên bang Úc cho biết đề nghị trên là một phần của các vận động quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và yêu cầu chính phủ liên bang phải quy định thành luật hẳn hoi.

Giới chức công đoàn Úc cho hay họ đang nghiên cứu các hình thức nghỉ hộ sản có lương của các nước ngoài,để đề nghị một mô hình thích hợp cho nước Úc. Tuy nhiên vấn đề chưa rõ ràng là ai sẽ là người chi tiền cho thời gian nghỉ hộ sản nói trên của các phụ nữ sinh con, chính phủ, công ty nay là cả chính phủ lẫn công ty cùng kết hợp để chi trả tiền nghỉ hộ sản nói trên. Cũng theo ý kiến của công đoàn Úc thì chức năng cao cả của phụ nữ là sinh con đẻ cái, và vì thế việc ở nhà nghỉ hộ sản sinh con là một quyền chính đáng và họ không thể bị đối xử kỳ thị được. Xã hội phải chia xẻ một phần trách nhiệm với các phụ nữ khi họ sinh con và nuôi con. Hiện nay không có luật lệ nào quy định rằng phụ nữ sinh con sẽ có lương hay sau khi sinh con sẽ được bảo đảm quay trở lại làm việc như cũ. Nhiều phụ nữ cho rằng sinh con có nghĩa là mất việc,và vì thế đã không muốn có con sau khi lập gia đình.

CẢNH SÁT TIỂU BANG THÀNH KIẾN TRONG KHI BẮT NGƯỜI

BRISBANE: Con trai của một viên chức cố vấn thổ dân cao cấp của chính phủ tiểu bang, đã bị cảnh sát dùng súng uy hiếp bắt còng tay vì cho rằng chiếc máy Walkman của anh ta là một khẩu súng! Thanh niên Kargun Fogarty 19 tuổi đã bị buộc nằm úp mặt xuống đất, còng tay và sau đó dẫn về đồn cảnh sát để lục xét khắp thân thể. Sau khi biết rằng chiếc máy Walkman nhất định không phải là khẩu súng, các viên cảnh sát nói trên đã tha cho anh thanh niên ra đi không hề xin lỗi lời nào. Thậm chí khi nhận ra đó chỉ là chiếc máy Walkman cảnh sát còn cho rằng anh Kargun đã ăn cắp chiếc máy từ một nơi nào đó. Anh Kargun là con trai của bà Cheryl Buchanan, phó chủ tịch của hội đồng tư vấn về thổ dân cho thủ hiến Peter Beattie. Anh này còn là cháu của nghệ sĩ thổ dân Daniel Yock, người đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ vào năm 1993.

Bạn của Kargun là Shay Ross Miller cũng bị bắt nằm sấp xuống đường,còng tay và dắt về đồn lục soát. Theo bà Buchanan thì cảnh sát Brisbane có thái độ kỳ thị chủng tộc trong khi thi hành phận sự. Những hành động quá đáng nói trên của cảnh sát chứng tỏ rằng họ nhắm vào các đối tượng thổ dân. Theo bà Buchanan thì đây không phải là lần đầu tiên con trai bà bị cảnh sát đối xử thô bạo mà không có tội tình gì cả. Lý do chính khiến cảnh sát chú ý anh ta chỉ vì anh Kargun có nước da đen, to con. Bản thân Kargun là một nghệ sĩ múa thổ dân và anh ta cho biết đã từng đi biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới mà chưa có nơi nào anh ta bị đối xử thô bạo như tại ngay trên đất nước của mình. Cảnh sát Brisbane biện minh rằng có người báo cáo rằng Kargun đang mang theo một khẩu súng trong người khiến họ buộc phải hành động như trên.

NỮ QUÂN NHÂN MẤT TÍCH TRƯỚC ĐÁM CƯỚI

QUEENSLAND: Một nữ quân nhân thuộc quân đội Úc đã mất tích hai ngày sau khi cô ta dự định tổ chức đám cưới vào tháng 12 sắp đến. Cả gia đình của nữ hạ sĩ Jody Kleiner đều bàng hoàng trước việc cô gái đã biến mất như tàng hình giữa một đám đông trên phi trường Brisbane. Được biết hạ sĩ Kleiner đang trên đường trở về với vị hôn phu và hai đứa con nhỏ tại vùng Townsville sau năm tuần đóng quân tại căn cứ quân sự Cabarlah ở gần Toowoomba. Cô ta đến phi trường Brisbane để lên chuyến bay Qantas lúc 5.30 chiều tuy nhiên đã không thấy xuất hiện trước cổng lên máy bay và chiếc máy bay đã cất cánh lúc 8 giờ tối. Trước đó nữ hạ sĩ này đã xuất trình vé và gửi hành lý trong đó có một chiếc áo đầm cho con gái và một món đồ chơi cho con trai.

Vị hôn phu của cô hạ sĩ cho biết cùng ngày hôm đó anh ta đã gọi điện thoại cho người yêu và cô ta cho biết chuyến bay bị trễ, và thấy vợ tương lai rất vui vẻ. Theo anh Kleiner thì anh và cô hạ sĩ quyết định chính thức thành hôn vào ngày 22.12 sắp đến sau sáu năm chung sống và đã có hai mặt con. Cảnh sát Brisbane cho hay từ khi biến mất đến nay trương mục ngân hàng của viên nữ hạ sĩ chưa từng được sử dụng và thời gian gần đây cô ta cũng chẳng rút ra bất cứ số tiền lớn nào. Trong các máy thu hình tại phi trường cũng không hề thấy sự xuất hiện của cô hạ sĩ và cảnh sát hiện đang lo lắng cho sự an nguy của cô gái. Gia đình của cô gái từ Victoria đã bay đến Brisbane để gặp các thám tử phụ trách điều tra vụ mất tích đáng ngờ này.

VẬN ĐỘNG BIỂU TÌNH CHỐNG GIÁ XĂNG TĂNG CAO

NAM ÚC: Hơn 40 ngàn dân chúng tại Nam Úc sẽ tham gia cuộc vận động đòi chính phủ liên bang phải cắt giảm thuế xăng dầu. Cuộc vận động này do hội mua bán xe hơi và hội nông dân tại Nam Úc tổ chức. Cuộc vận động này được biết sẽ lan ra khắp các tiểu bang khác. Các lời kêu gọi đã được phát đi trên đài phát thanh kêu gọi mọi người có xe hãy tham gia cuộc vận động chống lại giá xăng dầu quá cao do chính phủ liên bang không chịu cắt giảm thuế. Hiện nay mỗi ngày có 7000 thư phản đối đã được các người tham dự ký gửi về cho ủy ban tổ chức cuộc vận động. Những thư này sẽ được gửi đến cho các dân biểu và nghị sĩ quốc hội liên bang. Mục đích của cuộc vận động này là yêu cầu chính phủ liên bang hãy ngưng việc tăng đánh thuế xăng dầu được áp dụng vào tháng hai sang năm.

Hiện tại phe đối lập tại Nam Úc đã ủng hộ cuộc vận động nói trên. Những người tổ chức cuộc vận động thuộc hội nông dân và hội mua bán xe hơi cho biết họ đã gửi những lá thư phản đối lên thủ tướng John Howard và gửi thư thỉnh nguyện lên lãnh tụ đối lập liên bang.Nếu kế hoạch đánh thuế vẫn được duy trì thì từ tháng hai xăng sẽ tăng thêm 2 xu mỗi lít và chính phủ sẽ thu thêm được 700 triệu tiền thuế xăng dầu. Lãnh tụ đối lập tiểu bang là Mike Rann yêu cầu thủ hiến Nam Úc John Olsen hãy làm theo các thủ hiến tiểu bang khác là chống lại việc tăng thuế xăng dầu. Theo phát ngôn viên của thủ hiến Nam Úc thì thủ hiến Olsen cuộc vận động nói trên và cho biết ông sẽ nêu vấn đề với chính phủ liên bang.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.