Hôm nay,  

Về Quyền Lập Hội

12/05/201300:00:00(Xem: 9649)
Trong hoàn cảnh hiện nay, quyền lập hội không được nhà nước CSVN tôn trọng, tuy rằng Hiến pháp công nhận quyền này. Lý do vì chế độ hiện hành là độc đảng toàn trị, và không hề muốn có một sức mạnh nào khác.

Cho nên, ngay cả tất cả những tổ chức từ thiện hay ngay cả tổ chức gọi là ngoài chính phủ (NGO) tại Việt Nam cũng vẫn phải nằm trong một chiếc dù quyền lực nào đó của chính phủ.

Thí dụ, Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Giảm Nghèo là dưới chiếc dù quyền lực của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, và rồi Hội LHPN là thuộc Mặt Trận Tổ Quốc.

Như thế, trên nguyên tắc, không thể nào thành lập một hội tại Việt Nam theo quy định bình thường.

Đó là lý do Luật sư Nguyễn Văn Đài nghĩ ra việc lập hội ở cõi trên, cụ thể là trong không gian ảo của Internet. Đó là Hội Anh Em Dân Chủ.

Bản tin RFA ghi nhận hôm 7-5-2013:

“Một số người tham gia đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam vừa thành lập một tổ chức có tên Hội Anh em Dân chủ. Đây là nhóm tận dụng không gian mạng và những công cụ truyền thông xã hội để sinh hoạt cho mục đích chung là cổ xúy dân chủ- nhân quyền trong nước.

Trong những ngày gần đây, những facebookers có liên hệ với những thành phần đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam thấy xuất hiện trên trang facebook một huy hiệu tròn với những cánh cuộn màu xanh với dòng chữ vòng quanh là Hội Anh em Dân chủ.

Một trong những người tham gia sáng lập tổ chức này là luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị tù vì những hoạt động đấu tranh của ông trước đây...”

RFA ghi lời của Luật sư Nguyễn Văn Đài:

"Về mặt pháp lý, điều 69 Hiến pháp cho phép người dân được thành lập hội; rồi luật về hội năm 1957, Nghị định 45 năm 2010 hướng dẫn về việc thành lập hội. Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, cũng như các trang mạng xã hội cho phép người dân ở khắp nơi trên thế giới có thể liên kết với nhau một cách chặt chẽ mà không phải nhất thiết gặp mặt hay có trụ sở chính thức...

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, Hội Anh Em Dân chủ sau khi ra đời tính đến lúc này sau hơn chục ngày thành lập, số hội viên đã lên đến chừng 70...”

Từ hơn nửa thế kỷ trước, ông Hồ Chí Minh trong cương vị Chủ Tịch Quốc Hội Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký Sắc lệnh 102/SL-L004 ngày 20-5-1957 để quy định về Quyền Lập Hội.

Trong đó có vài điểm đặc biệt:

“Điều 7.

Người nào xâm phạm đến quyền lập hội hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước toà án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.

Điều 8.

Người nào lợi dụng quyền lập hội để hoạt động nguy hại đến lợi ích nước nhà, lợi ích nhân dân như là chống pháp luật, chống lại chế độ, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, chia rẽ dân tộc, hại đến thuần phong mỹ tục, phá hoại sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc, phá tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tuyên truyền chiến tranh, sẽ bị truy tố trước toà án và xử phạt theo luật pháp hiện hành, hội có thể bị giải tán và tài sản của hội có thể bị tịch thu...”(hết trích)

Như thế, nếu cán bộ tỉnh thành nào ngăn cản Quyền lập hội, cán bộ đó có thể bị truy tố và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.

Ngược lại, nếu các hội (như Hội Anh Em Dân Chủ) mà để bị quy chụp là “nguy hại” để sẽ bị giải tán và tịch biên tài sản hội.


Tuy nhiên, trong văn bản khác, do ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 21-4-2010, nội dung là “Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội,” trong đó quy định địa bàn hoạt động của hội:

“ Điều 2. Hội

1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).

3. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:

a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);

d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã)...”(hết trích)

Như thế, Hội Anh Em Dân Chủ là nằm ngoài tầm với của Nghị định này, vì lãnh thổ hoạt động không phảỉ là tỉnh, thành, huyện hay xã gì hết... mà là một cõi Internet, một cõi mà ông Nguyễn Tấn Dũng năm 2010 vẫn chưa đưa vào quy định này.

Câu hỏi nơi đây là: CSVN có để yên cho Hội Anh Em Dân Chủ hoạt động hay không? Hay sẽ là kiếm cớ như thường lệ trước giờ, thí dụ như quy chụp “phát tán tài liệu phản động,” hay tương tự?

Trong một bản văn tựa đề “Thực Thi Quyền Lập Hội” đăng ở mạng Boxitvn, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã viết lãnh thổ hoạt động cõi trên:

“Công nghệ thông tin sẽ giúp cho các thành viên có mối liên hệ và liên kết chặt chẽ trong mọi công việc. Từ việc trao đổi thông tin cho đến công tác huấn luyện. Tìm hiểu và kết nạp thành viên mới...

Tóm lại, trước khi đi đến việc thành lập một tổ chức chính trị có văn phòng, trụ sở tại Việt Nam. những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở trong và ngoài nước cần phải liên kết với nhau để hình thành nên các hội đoàn, các tổ chức chính trị trên không gian mạng.

Trong hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội, hoạt động chính trị… cá nhân, tổ chức nào sử dụng hiệu quả những tiện ích mà công nghệ thông tin đem lại thì sẽ nắm được nhiều cơ hội thành công.”(hết trích)

Thực tế, không cần tới việc lập hội chính thức, nhiều trang web dân chủ đã trở thành một hội đoàn kiểu mới, nơi nhiêù người cùng chí hướng, cùng ước mơ đã tới để tụ hội viết, đọc, bình luận... Thí dụ như trang BoxitVN ở http://boxitvn.blogspot.com/ hay trang Đàn Chim Việt, và vân vân.

Nhưng tới Hội Anh Em Dân Chủ là một bước nhảy mới, một bước phóng tới xa hơn vì có thể sẽ thiết lập một cơ chế điều hành (dù là bí mật, hay công khai), hay đưa ra các hoạt động có tính tổ chức.

Bước nhày mới này của các nhà hoạt động dân chủ có thể đi xa được tới đâu, và CSVN sẽ đối phó ra sao? Đó là những gì cần quan sát vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.