Hôm nay,  

Nữ Quyền, Nữ Cước

08/07/199900:00:00(Xem: 6656)
Phong trào tranh đấu cho nữ quyền đã khởi sự trước phong trào nhân quyền, nhưng vụ các bà đòi quyền chỉ xẩy ra lẻ tẻ ở vài nơi, không nối kết được thành một phong trào quốc tế rầm rộ. Phong trào đòi nữ quyền mạnh nhất diễn ra ở phương Tây, nhưng mãi đến thập niên 20 các bà ở Hoa Kỳ mới được chính thức đi bầu.
Đến khi bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế được công bố ở Paris năm 1948, người ta mặc nhiên hiểu nhân quyền là quyền con người kể cả nam nữ. Chỉ khổ nỗi khi nam nữ bị gói chung vào một bịch như vậy, người ta vẫn hay quên cái quyền của các bà so với các ông, hay dù có thấy cũng cho là chuyện vặt. Đó là vì chính thể dễ thay đổi còn về văn hóa hay phong tục tập quán thì khó. Lịch sử loài người từ thời tiền sử vẫn là lịch sử của người đàn ông chớ không phải đàn bà. Người đàn ông là cái nóc của gia đình, người bảo vệ gia đình và cũng là người lãnh đạo vợ con đi tìm cái sống, Nề nếp đó trong suốt 10,000 năm hay hơn vẫn không hề thay đổi, vì bản chất cố hữu ông Trời đã tạo ra loài người: phái nam hình vóc lớn hơn phái nữ và cũng mạnh hơn về thể lực.
Thế nhưng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng kỹ nghệ đã bùng nổ. Vai trò bắp thịt của người đàn ông bị dồn xuống hàng thứ yếu, thay thế cho các ông là những cái máy. Và nếu sức mạnh là máy móc thì xin thưa rằng chính bàn tay các bà cũng vận dụng được nó chớ chẳng cần đến các ông. Phong trào đòi hỏi nữ quyền bùng nổ bên trời Tây là như vậy. Còn ở bên Á thì sao" Điều đáng buồn là ở các nước Á châu bị ảnh hưởng bởi văn hóa Nho giáo, quyền của phụ nữ đã bị dứt khoát hủy bỏ từ ngàn xưa. Phụ nữ bị bỏ vào trong ba cái luới (cương, như ngựa bị đóng yên cương) gọi là Tam Cương: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nghĩa là ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng và chồng chết theo con. Ba cái đi theo đực rựa như vậy còn gì là tự do và bình đẳng. Bởi vậy ở Việt Nam các bà thời xưa đã phải than một câu: Thân em phận gái chữ “tòng”, nghĩa là các bà chỉ có việc nghe theo các ông chớ không được tự ý quyết định, vì Thánh Hiền bảo thế.
Nay tôi muốn đưa vấn đề vào thẳng đất nước gốc gác của Nho giáo mà nói chuyện. Ở bên Trung Quốc nhân quyền còn bị vi phạm nói chi đến nữ quyền. Bởi vậy dưới chế độ Cộng sản hiện nay, phụ nữ nông thôn tự sát nhiều nhất thế giới. Tôi lấy tựa bài này là Nữ quyền Nữ cước nên có thể bị hiểu lầm là nói đến chuyện đấm đá (quyền cước) của các bà. Sự thật chữ quyền đồng âm còn có nghĩa là quyền hạn quyền lợi. Tôi đã ghi thêm chữ “cước” vì tôi muốn nói đến hai chân của các bà vào lúc sắp diễn ra trận chung kết giữa hai đội banh nữ Mỹ-Hoa để tranh giải Vô địch Nữ Túc cầu Thế giới. Ai có thể thắng" Tôi chỉ có thể nói Mỹ sẽ gập một trận đầu rất gay go vì địch thủ có đội hình đẹp, chuyển banh trúng, và phòng thủ rất kiên.

Chuyện được thua không thành vấn đề, tôi chỉ muốn nói đến một vài chuyện bên lề. Các cô, các bà trong phái đoàn túc cầu Trung Quốc đã được dịp đi thăm nhiều nơi trên nước Mỹ, được tiếp đón rất niềm nỡ, gập bạn bè thân hữu, đi mua sắm tíu tít. Hôm họ đến San Jose tôi đã thấy họ, và tôi nghĩ mọi hàng rào ngôn ngữ, mọi bức trường thành ghê gớm nhất cũng phải sụp đổ. Họ qua đây là theo đuổi một ước mơ: quyết chiếm cho bằng được giải Vô địch Nữ Túc cầu Thế giới 1999. Nhưng tôi nghĩ ước mơ của họ còn rộng lớn hơn nữa. Đó là ước mơ có một sân chơi bình đẳng, bên sân của anh không được lớn hơn bên sân của tôi và đã chơi với nhau là phải có kỷ luật, có trọng tài độc lập chớ không có kiểu anh vừa đá banh vừa thổi còi.
Phụ nữ Trung Quốc có thể làm được gì" Hãy nhìn qua một lãnh vực khác: truyền thông. Người Trung Hoa không thể nhìn thấy cái cảnh khổ đau của phụ nữ vì họ đã quá quen và vì văn hóa cổ truyển bảo họ cuộc đời là như vậy. Nhưng có một người nhìn rõ hơn họ nhiều. Đó là nữ văn hào Mỹ Pearl Buck, người đã từng sống trên đất nước Trung Hoa trong 38 năm, từ lúc bà còn nhỏ theo cha mẹ là các nhà Truyền giáo Tin Lành cho đến những năm loan li vào cuối thập niên 40. Người Việt chúng ta đã làm quen với các cuốn tiểu thuyết của bà về Trung Hoa như “Đất Lành”, “Gió Đông Gió Tây”...Hollywood cũng đã có hai cuốn phim dựa trên tiểu thuyết của bà, nhưng tất cả các vai chính đều do các diễn viên Mỹ đóng và do Mỹ dàn cảnh.
Như một sự trùng hợp tình cờ, khi giải Nữ Túc Cầu Thế giới vừa bắt đầu, nữ diễn viên gạo cội của Trung Quốc Luo Yan đã khởi sự cho quay một cuốn phim ở Tô Châu dựa theo một cuốn tiểu thuết của Pearl Buck “Pavilion of Women” (Nữ Nhân Các). Việc thực hiện cuốn phim này có những khó khăn kỹ thuật. Chuyện phim phải viết bằng chữ Hán cho các diễn viên Trung Quốc, trong khi tiểu thuyết của bà Buck viết bằng tiếng Anh. Các nhà viết chuyện phim Trung Quốc lắc đầu, vì họ không quán triệt được những ý tứ sâu sắc của tiếng Anh. Còn các nhà viết chuyện phim Hollywood cũng nhào ra vì không thể nào viết một kịch bản về Trung Hoa mà chẳng hiểu gì về Trung Hoa.
Luo Yan đã phải hợp tác với một người Mỹ để trở thành đồng tác giả kịch bản, cô cũng là nhà sản xuất và thủ vai chính trong phim là bà Wu. Cuốn phim nói lên sự giằng co xẩy ra trong tâm hồn một phụ nữ đã 40 tuổi, giữa văn hóa truyền thống và ước mơ mở rộng chân trời kiến thức của mình.
Tôi nghĩ khi các bà còn bộ giò còn cái mồm, phe đực rựa dám mất ngôi “chúa” trong nhà. Thể thao chân và cái mồm loa có lẽ còn giỏi hơn chính trị rất nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.