Hôm nay,  

Sông Cạn, Núi Mòn

09/06/201100:00:00(Xem: 4658)
Sông Cạn, Núi Mòn

Bạn,
Theo báo Sài Gòn, vùng đại ngàn Tây Nguyên đang "kẹt" giữa 3 vấn đề lớn nhưng chưa có biện pháp giải quyết: Phá rừng, sông chết và thủy điện. Sông cạn, núi mòn (do mất rừng) là hình ảnh in đậm vào mắt các du khách trong hành trình xuôi theo những dòng sông Tây Nguyên. Báo SGGP ghi nhận về hiện trạng này qua bản tin như sau.
Rừng góp phần giữ ổn định nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ hạn hán cũng như lũ lụt. Rừng còn giúp cân bằng dòng chảy cố định cho các hệ sinh thái và các trung tâm đô thị. Còn nếu phá rừng sẽ làm biến đổi mạnh nguồn nước theo chiều hướng gia tăng lũ lụt trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô. Năm 2009, Tây Nguyên chứng kiến trận lũ lịch sử trên sông Sê San. Một phần của phố núi Kon Tum thơ mộng bên dòng Đắc Bla bỗng chốc tan hoang bởi dòng nước lũ. Năm 2011, khi mùa khô mới chớm vào cao điểm, cũng tại nơi đây đã có hàng trăm hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Mất rừng, đất không có sự che chở của cây nên bị bào mòn, rửa trôi mạnh khiến hàm lượng chất rắn trong nước gia tăng mạnh. Ở Tây Nguyên, mỗi năm nước mưa đưa xuống dòng chảy sông, suối 167 triệu tấn đất, trong đó hơn 3 triệu tấn hữu cơ và 0,2 triệu tấn đạm cùng hàng trăm ngàn tấn lân và kali, đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm cho nước mặt và nước ngầm.
Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực năm 1994, các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học đều liên tục cảnh báo tình trạng ô nhiễm các dòng sông Tây Nguyên. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm vẫn gia tăng. Ngoài "lâm tặc", khai thác khoáng sản trái phép, bàn tay con người còn gây ra những thay đổi rõ nhất cho các dòng sông trong xây dựng các công trình thủy điện.

Theo tiến sĩ Bảo Huy (Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường Đại học Tây Nguyên), việc xây dựng các công trình thủy điện thiếu quy hoạch, thậm chí "bùng nổ" thủy điện vừa và nhỏ trên đầu nguồn các lưu vực sông đã tàn phá mặt đệm, lớp phủ rừng. Xây dựng nhiều hồ đập thủy điện trên các dòng sông Tây Nguyên nhưng không tính đủ tác động môi trường đã dẫn đến biến dạng bất lợi về dòng chảy và thủy chế: mùa khô cần nước thì thủy điện tích nước gây hạn nặng, mùa mưa thủy điện xả lũ gây gia tăng lũ lụt cho hạ lưu. "Khi xây dựng các công trình thủy điện, chúng ta thiếu quy hoạch về lưu vực, dẫn đến các lưu vực ven sông bị tàn phá và không giữ được bề mặt thảm thực vật rừng. Một khi các thảm thực vật rừng ven sông mất đi sẽ không điều hòa được nguồn nước trên sông và hậu quả là lũ lụt, hạn hán...", ông Bảo Huy cảnh báo.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, trong khi đó, nhiều thủy điện như An Khê - Kanak và Thượng Kon Tum lại chuyển nước từ sông này sang sông khác để tiện cho việc phát điện nhưng không tính đến thiệt hại cho các vùng hạ lưu. Không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác sử dụng đất và tài nguyên nước trong các lưu vực sông, cũng như không ít cơ quan quản lý vô tình hay cố ý không nhận ra rằng, chẳng phải doanh nghiệp mà cộng đồng dân cư sống trong lưu vực mới chính là chủ nhân thực sự và lâu đời của dòng sông đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.