Hôm nay,  

Cách Mạng Văn Hóa

06/12/200500:00:00(Xem: 5516)
-Khoa đã du học được 4 năm tại Adelaide bên Úc. Anh là một trong những sinh viên Việt Nam hiếm hoi học về môn sư phạm tại đây. Được bạn bè giới thiệu, tôi gặp Khoa và chúng tôi đã có dịp hàn huyên với nhau về đủ mọi thứ, từ đời sống bên Úc, bên nhà cho đến việc học, việc làm.

Khi tôi hỏi những điều gì đáng nhớ nhất khi anh mới đặt chân tới đây thì câu trả lời của Khoa đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi chờ đợi anh sẽ nói nhiều về đất nước xa lạ này, về nỗi nhớ nhà của anh, hoặc Khoa sẽ nói cho tôi về đời sống kinh tế, về những khó khăn sinh ngữ hay trong việc học của anh.

Nhưng không, Khoa nói: "Chuyện đầu tiên đập vào mắt em là những người đi đường anh ạ, ai lại đi đường mà người ta cũng tuân theo đèn xanh đèn đỏ nữa chứ! Em cảm thấy hơi là lạ. Khi vượt qua đường, ai nấy nối đuôi nhau đi bên trái như xe ô tô vậy đó. Không thấy công an ngoài đường, nhưng tất cả toát ra một vẻ trật tự ngăn nắp không thể tưởng tượng nổi".

Khoa nói anh đã mất nhiều thời gian để làm quen với cái không khí mà mới đầu anh cảm thấy sao hơi lạnh lùng, thiếu đầm ấm này. Nhưng dần dà, anh tìm thấy trong không khí đó một cái gì gần gũi, bình đẳng, một cái gì thoải mái, tự do nhưng lại tự chế: "Phải nói thật, nó cũng có cái đáng yêu của nó chứ".

Đầu năm nay anh có về Việt Nam thăm gia đình. Anh chia sẻ: "Ở nước mình đi xe ngoài đường, ai nấy chạy mặc xác người khác. Mình bị ngưòi ta tông, nhiều khi còn bị mắng vào mặt nữa. Trước kia, em xem chuyện đó là bình thường, bây giờ về nhìn lại, em vẫn biết đó là quê hương của em nhưng em không hiểu thế nào là chuyện bình thường nữa".

Một điều nữa đã làm Khoa ngạc nhiên không ít: "Một hôm vào dịp cuối tuần em tới trường có buổi họp mặt. Ai lại trong phòng đầy bàn ghế và dụng cụ mắc tiền. Mỗi chiếc ghế chắc cũng cả trăm đô-la chưa kể máy rọi hình, cứ thế mà người để la liệt ra đó không ai kiểm soát cả. Thằng bạn em với em tính nhẩm chắc nguyên chỗ này hơn chục ngàn đô-la. Em chợt nghĩ nếu mình có chiếc xe tải hốt đi hết, thì bỗng nhiên em cảm thấy xấu hổ quá vì bạn học người Úc của em chúng cứ vô tư họp hành xong ra về. Mấy hôm sau, em tạt qua phòng đó, thấy cửa vẫn mở mà đồ đạc thì còn nguyên. Anh thấy có lạ không""

Tôi cũng phải nực cười với sự thành thật của Khoa. Nhưng tôi hỏi: "Khoa nghĩ vì lý do gì mà người ta không lấy đem đi"". Khoa trả lời nhanh nhẩu: "Vì họ tôn trọng anh ạ. Họ tôn trọng của công nên nước họ mới giàu". Có liên hệ gì tới chuyện đi đường hồi nẫy hay không" Khoa ngập ngừng xong nói: "Cũng đều là chuyện tôn trọng cả anh. Tôn trọng của thì mình giàu, tôn trọng người thì mình tự do".

Tôi hỏi Khoa về các giáo sư của anh. Khoa nói: "Họ thoải mái lắm anh ạ. Người Việt mình rất kính trọng thày giáo - một phong tục rất đẹp - nhưng nếu chẳng may mình gặp thày dốt mà mình cứ cúi lạy răm rắp nghe theo thì chỉ có chết mà thôi. Em học sư phạm em biết chứ, đâu phải cái gì mình cũng giỏi, điều gì mình cũng biết" Hôm nọ em có thắc mắc lên hỏi giảng sư. Trong đời em, đó là lần đầu tiên em dám hỏi thày mình một điều gì. Trước kia em sợ lắm, bây giờ nghĩ lại mới thấy là vô lý. Ông ấy thú thật với em rằng ông không biết câu trả lời, nhưng nếu em muốn biết thì gọi cho ông này này, là giảng sư tại một đại học khác. Em giật mình, lần đầu tiên có một người trong một địa vị quyền thế nói với em rằng ông ta cũng không khác gì em cả".

Khoa kể tiếp: "Còn vấn đề thái độ nữa anh ạ. Tại sao mình cứ phải khúm núm xin xỏ" Mình hay bảo người Việt mình sống có tình với nhau. Nhưng bỏ cái chuyện khúm núm xin xỏ đi thì càng có tình hơn nữa chứ có mất gì đâu" Điều cần là người trên không đối xử trịch thượng với ngưòi dưới nữa thì người dưới mới có gan ngẩng mặt lên. Tốt hơn hết là không còn chuyện trên dưới nữa"

Tôi mỉm cười với Khoa: "Có phải Khoa bảo chúng ta cần làm một cuộc cách mạng văn hoá không" Chúng ta cần thay đổi cách nhìn và cách cư xử với nhau, đó là cách mạng văn hoá chứ còn gì nữa""

Khoa liền đáp: "Đúng thế đấy anh, nhưng xin anh đừng gọi nó là cách mạng nhé. Người mình sợ cái chữ ấy lắm rồi".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.