Hôm nay,  

Tạp Ghi: Vẫn Còn Những Người Tử Tế

22/03/200900:00:00(Xem: 3195)

Tạp ghi: Vẫn Còn Những Người Tử Tế – Huy Phương

Hôm qua, trong một khu thương mãi đông người, lúc từ parking lái xe lùi lại, tôi nghe chiếc xe trước mặt đang bóp còi và người lái xe hình như đang nhắm vào tôi. Theo phản xạ tôi đạp thắng, và bực mình đưa hai cánh tay lên phác một cử chỉ khó chịu, có ý muốn bảo mình đã làm gì trái khiến cho tên kia phải nhấn còi. Nhưng chỉ mấy giây sau, tôi nhận ra phía bên kia một chiếc xe cũng đang lùi ra từ chỗ đậu, và nếu tôi không đạp thắng theo phản xạ vì tiếng còi kia thì hai xe đã đụng nhau từ phía sau. Người lái xe kia thấy sự việc và đã nhấn còi để giúp tôi, trong lúc tôi lại nghĩ xấu về y. Khi tôi biết hổ thẹn muốn làm một cử chỉ cám ơn  thì người kia đã lái xe đi mất rồi.
Cũng như cách đây khá lâu, một hôm trời đã tối, tôi đang hối hả lái xe về nhà, thì bên trái tôi, một chiếc xe do một phụ nữ Mỹ lái, chạy theo bên cạnh, bóp còi nhẹ nhiều lần. Tôi có ngay ý nghĩ là cô ta muốn qua mặt mình hay bất bình vì tôi chạy chậm, miệng định thốt ra một tiếng càu nhàu. Nhưng không, khi hai xe đi song song với nhau, nhìn sang, tôi thấy người đàn bà đang cố ra dấu cho biết là tôi quên bật đèn xe.
Trong khu chung cư này, một đêm tôi có việc phải về khuya, khi chuẩn bị tắt đèn lên giường thì có tiếng gõ cửa. Nhìn qua “lỗ nhìn” trên cửa, tôi bực mình thấy ông hàng xóm đang đứng “chần vần” trước cửa nhà, nghĩ bụng chắc lại than phiền điều gì đây. Nhưng không, khi mở cửa ra, ông hàng xóm nhỏ nhẹ báo cho tôi biết tôi đã quên tắt đèn cái xe cổ lổ của tôi. Thì ra ông cũng mới đi đâu về, đậu xe cạnh xe tôi trong “car port”, có nhã ý muốn nhắc tôi kẻo ngày mai lại đi kiếm người câu giây bình như mọi lần. Đúng là láng giềng khi “tối lửa tắt đèn có nhau”, vậy mà tôi cứ nghĩ xấu cho ông. Cũng có những lúc tôi quên đóng nắp bình xăng, quên tắt đèn sau khi đã vào parking hay để cửa thùng xe mở trong khi đang lái xe, trong tất cả trường hợp đó đều có người tốt bụng nhắc nhở cho tôi. Đó là những người qua đường không quen biết gì với tôi, có khi cũng chẳng phải là đồng bào của tôi.
Tôi biết, ở nhiều khu nhà sang trọng khác, có những người thường canh chừng cho nhau những lúc chủ không có nhà, chào hỏi nhau mỗi lúc gặp gỡ, nhưng đã không ngần ngại bốc điện thoại gọi cảnh sát mỗi khi có điều bất như ý như một buổi họp mặt bạn bè trễ trong đêm gây ồn ào hay là tiếng con chó sủa. Với bản tính “tự vệ”, nhiều người như một con nhím, luôn luôn xù lông bắn ra những mũi tên nhọn mỗi khi có vật lạ đến gần. Thường thì con người luôn luôn đề phòng những kẻ xấu quanh mình, nhưng thật ra, mọi người ai cũng có lòng tốt, muốn giúp người khác hơn là những gì nghĩ về họ.
Đã xẩy ra nhiều trường hợp gia đình được thân nhân bảo lãnh qua đây, nhường phòng cho ở, được lo từ chuyện giấy tờ, đưa đón, làm thủ tục xin số an sinh xã hội, thi bằng lái xe, đứng ra thuê nhà, chuyên chở đồ đạc giúp, nhưng chỉ cần, một hôm nào đó, chỉ vì một lời  nói, một cử chỉ sơ suất làm cho họ phật lòng, thì bao nhiêu điều giúp đỡ trong phút chốc tiêu tan, ơn nghĩa trở thành oán thù, có khi hai gia đình, vốn là anh em ruột thịt, không còn nhìn mặt nhau nữa. Có những người bạn thân thiết, chơi thân với nhau từ thuở nhỏ, nhưng trong một khoảnh khắc, họ trở thành những người xa lạ với nhau, thậm chí coi nhau như kẻ thù, vì một hai điều bất như ý về cử chỉ hay lời nói đụng chạm đến quyền lợi hay tự ái của nhau. Họ mau quên những điều tốt của bạn bè, thân bằng quyến thuộc, mà chỉ canh cánh bên lòng những điều bất như ý.


Cũng như đã có bao nhiêu lời oán trách, khinh bỉ khi chúng ta nói đến đồng minh lớn nhất của miền Nam Việt Nam là nước Mỹ. “Nước Mỹ đã tháo chạy”, “nước Mỹ đã phản bội”, “đồng minh như thế đó thì đâu cần đến kẻ thù”, những người chửi Mỹ hăng hái nhất chính là những người đã chịu ơn nước Mỹ, không khác gì những Tướng Lãnh đã giết một Tổng Thống mà họ đã chịu ơn như câu chuyện của ba mươi lăm năm về trước. Trong một chủ trương nào đó của những người lãnh đạo nước Mỹ và cả thế cờ của thế giới, miền Nam phải mất vào tay Cộng Sản, tội lỗi này chúng ta thường oán hận và đổ lên đầu nước Mỹ, mà quên nghĩ đến tội lỗi của mình: “tôi làm tôi mất nước”.(*) Nhưng chúng ta làm sao khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến 58,929 binh sĩ Mỹ đã bỏ mình (gồm có 11,465 thiếu niên Mỹ dưới tuổi thành niên) và hơn 300,000 người đã bị thương trong cuộc chiến này và hiện nay nhiều người còn mang thương tật thể xác và thương tổn về tâm lý. Hơn 1 triệu người Việt đã đến Mỹ bằng những con đường khác nhau và được nhân dân Mỹ giang tay và mở tấm lòng đón nhận trong những ngày đầu chân ướt chân ráo đến đây, trong đó có hơn 300,000 cựu tù nhân đã bị giam cầm trong các trại “cải tạo” cùng với gia đình đã được định cư tại Mỹ. Cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Mỹ chưa bao giờ có ý định ngồi lại với nhau để có một ngày tri ân nước Mỹ. Đã vậy lại còn thường dùng chính đồng tiền đóng thuế của dân Mỹ để “tiếp máu” cho một chế độ mà từ đó mình không sống nổi phải bỏ ra đi. Nếu cần chửi Mỹ thì bạn tôi luôn luôn đi hàng đầu. Để giải thích cho sự hiện diện của mình tại đất nước này, người này nói: “Người Mỹ có trách nhiệm phải mang tôi đến đây!”
Trong cuộc sống có khi chúng ta ngồi trách móc hết người này đến người nọ, bạn bè không nhờ cậy được, thân bằng quyến thuộc vô tâm, vợ con không hết lòng, rút cuộc thu rút lại trong vỏ kén, vò võ sống một mình. Khi đã như vậy, thì mình cũng chẳng tử tế với ai, nói gì chuyện giúp đỡ hay cảm thông với người khác. Khi một người đã nghĩ ai cũng đối xử không tốt với mình thì làm sao mình tốt với người khác được. Tôi biết  nhiều người sống nhờ vả rất nhiều người nhưng luôn luôn than trách không ai giúp đỡ mình, cuối cũng đã để lộ ra cái bản chất của người vô ơn.
Chúng ta còn nhớ chuyện cách đây một vài năm một người đàn ông bị lên cơn đau tim đột ngột, không kiểm soát được chiếc xe đang lái trên một đoạn đường xa lộ đông xe rất nguy hiểm, một phụ nữ đang lái xe gần đó đã bỏ xe mình, tìm cách chạy bộ theo chiếc xe kia để giúp cho người lái xe đang lâm nguy dừng xe lại an toàn. Bạn cứ tin tôi đi, sáng nay bạn lái xe ra đường, nếu có chuyện gì xẩy ra, sẽ có rất nhiều người giúp bạn mà không hề có sự đắn đo, suy nghĩ, kể cả chuyện họ có thể hy sinh mạng sống. Đó có thể là một người da đen, một “thằng” Mễ - như giọng nói khinh miệt của bạn, một người da trắng qua đường hay một người cảnh sát. Chung quanh bạn là những người tốt bụng, họ vui lòng giúp bạn nếu cần, nhất là trong lúc gặp nguy hiểm. Bạn không bao giờ cô đơn đâu, và tôi nghĩ cuộc đời này cũng đẹp đẽ, đáng sống lắm chứ"
 (*) Chữ của nhà văn Lê Văn Phúc- Virginia

Xin tìm đọc “NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI”, tuyển tập tạp ghi thứ 4 của Huy Phương. Xin gọi số (949) 654-7715 nếu bạn muốn sách có chữ ký tác gỉa và gởi tận nhà.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.