Hôm nay,  

Bộ Phim Tài Liệu Về Thuyền Nhân Dành Cho Thế Hệ Tương Lai

05/05/200900:00:00(Xem: 6453)

BOLINAO 52- REMEMBRANCE, RECONCILIATION AND HEALING
BỘ PHIM TÀI LIỆU VỀ THUYỀN NHÂN DÀNH CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI

Anh Đức Nguyễn ( Film Maker) và chị Tùng trong buổi giới thiệu phim

 

 

 

 

 

 

 

Cháu Lâm trao tặng tấm bảng tri ơn cho Ông Corwin A Bell, cựu chỉ huy trưởng USS Morton


34 năm sau sự kiện 30-04-1975, nhà làm phim Đức Nguyễn cho ra mắt bộ phim tài liệu Bolinao 52- Nhớ, Hòa, Lành. Vào ngày 26-04-09 vừa qua, đòan làm phim tổ chức một buổi giới thiệu phim và gặp gỡ khán giả. Bộ phim kể lại một câu chuyện có thật của thuyền nhân Việt Nam. Thêm một câu chuyện nữa về đề tài bi thương này của dân tộc Việt. Dĩ nhiên rất nhiều người xem (trong đó có cả tôi) đã khóc trong khi xem phim. Tuy nhiên, gợi lại một quá khứ buồn không phải là mục đích chính của bộ phim tài liệu đáng xem này…
Câu chuyện trong phim được kể lại bởi chị Tùng, một trong những người còn sống sót của một chiếc ghe vượt biên, rời Việt Nam vào tháng 5-1988. Tổng cộng có 110 người trên tàu. 37 ngày lênh đênh trên biển. 20 tàu lớn từ chối vớt. Trong đó có chiến hạm USS Dubuque của hải quân Hoa Kỳ, ngừng lại cho lương thực nhưng không vớt. 52 người còn sống sót sau khi đã phải làm mọi thứ để sinh tồn, trong đó có cả việc phải ăn thịt những người đã chết.  Sau cùng họ được những ngư dân tốt bụng của một hòn đảo Phi Luật Tân có tên là Bolinao đem lên đảo cứu sống. Đó là lý do chiếc ghe này được đặt tên là Bolinao 52.
Bolinao 52, Nhớ…
Nhớ lại những điều mình muốn quên đã khó. Kể lại cho người khác nghe lại còn khó hơn. Anh Đức cho biết rất khó khăn mới thuyết phục được chị Tùng kể lại những gì đã xảy ra trên Bolinao 52.
Những ký ức nào đáng ghi lại" Có hai thằng bé là anh em ruột, nằm cạnh nhau đói lả. Đứa em cứ gặm tay anh mình. Thằng anh rụt tay lại vì đau, đứa em bảo rằng “…cho em ăn, em đói…”. Sau đó thì thằng em chết trước, thằng anh chết sau, đều vì đói…
Hay là chuyện chị Tùng phải nhường hết phần nước của mình cho Lâm, đứa con trai đi cùng với mình. Lâm hỏi mẹ: “…vậy mẹ uống gì"”. Chị Tùng bảo: “Con tiểu ra hứng lại để mẹ uống…”. Nhưng rồi cũng chỉ uống được một lần. Chị bảo khó uống lắm! Không biết Lâm có bao giờ dám kể lại câu chuyện về tình mẫu tử này cho bạn bè ở Mỹ của mình biết hay không...
Hay là lúc anh Minh, người trên tàu xẻ thịt người chết ra chia cho những người sống. anh Xuân, anh ruột của chị Tùng cùng đi trên ghe, bắt chị phải ăn. Chị Tùng không muốn. Anh  bảo chị tát nước, nên phải ăn cho có sức. Chị Tùng bảo “…vậy thì  tui không tát nước nữa…”. Anh Xuân dọa nếu chị không ăn, chị sẽ chết, người khác sẽ ăn thịt chị! Rốt cuộc rồi chị phải ráng nuốt. Sau này, có người biết chuyện, hỏi chị có ngon không. Chị nói trong nước mắt, lúc đó nuốt trọng, đâu có cảm giác gì mà nói chuyện ngon dở…
Những chuyện như vậy xảy ra vào cuối thế kỷ 20, đầy văn minh của nhân loại…
Bolinao 52-  Hòa…
Chị Tùng được sang định cư và nay đã có cuộc sống ổn định ở Mỹ. Cháu Lâm nay đã lớn, hiện là sĩ quan Marine của quân đội Hoa Kỳ. Chị có hai điều ước nguyện muốn làm trong đời. Một là trở về Bolinao, ghé thăm và cám ơn những người tốt bụng đã cứu vớt mình ngày xưa. Hai là gặp lại những người trên chiến hạm USS Dubuque, hỏi xem tại sao nỡ nhẫn tâm bỏ rơi mình. Nếu họ chịu vớt thì sự tình đâu đến nỗi…
Đoàn làm phim cùng chị Tùng thực hiện cả hai điều ước.
Chị trở về Bolinao, nhớ lại con đường nhỏ mình đã được dìu từ ghe lên trạm xá để cấp cứu hồi sinh. Chị nhận ra ngôi chợ làng. Chị đến đúng trạm xá, nhận ra một vài người y tá cũ đã chăm sóc cho những người sống sót của Bolinao 52. Chị gặp lại gia đình ngư dân đã đưa chị vào bờ. Những con người tốt bụng này vẫn nghèo, lam lũ như 20 năm trước. Họ nhận ra chị, mừng cho chị bây giờ đã đổi đời, chắc chắn là có cuộc sống khá giả hơn họ nhiều. Chị gởi cho họ chút tiền để làm quà. Của ít lòng nhiều, theo cách nói nhân nghĩa của người Việt mình…
Chị ra biển, cúng vong cho 58 người đã chết trên Bolinao 52. Bàn thờ là mâm nhang đèn, hoa trái đặt trên chiếc bè gỗ thả trôi trên sóng biển Bolinao. Chị tâm niệm mỗi người có một  số phần. Chị may mắn hơn họ, nên mới có ngày hôm nay. Chị mong cho những linh hồn này chóng siêu thóat.


Chị và cháu Lâm sang tận Nhật để gặp Bill Cloonan, một sĩ quan hải quân của USS Dubuque, đã từng đứng trên boong tàu Dubuque bất lực nhìn những người bơi từ Bolinao 52 sang tàu mình và chết đuối. Thật là tội nghiệp, đã 20 năm rồi mà thỉnh thỏang ông vẫn nằm mơ thấy cảnh những người chết đuối này. Ong và nhiều thủy thủ của Dubuque bị lương tâm cắn rứt suốt bao nhiêu năm qua, vì đã không dám cãi lệnh thuyền trưởng cứu vớt những người bị nạn. Ong cũng muốn gặp lại những người sống sót của Bolinao 52 để nói một lời xin lỗi. Hai bên gặp nhau, cũng không cầm được nước mắt. Người này xin lỗi, người kia nhận lời. Điều quan trọng là họ đã xả được những khúc mắc giữ trong lòng đã quá lâu.
Buổi giới thiệu phim cũng là dịp để vinh danh Ong Corwin A Bell, cựu chỉ huy trưởng của chiến hạm USS Morton. Ngược với Dubuque,  ông đã ra lệnh cứu vớt nhiều người vượt biên trong thập niên 80. Chính chị Tùng và cháu Lâm- trong quân phục Marine- đã trao tặng tấm bảng tri ơn cho ông Corwin. Theo ông Corwin, những quyết định liên quan đến những người vượt biên vào thời điểm đó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố chính trị, quan hệ quốc tế… Ong rất hãnh diện là mình đã có cơ hội giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam, nhưng cũng xin thông cảm với những quyết định khó khăn như trường hợp USS Dubuque và Bolinao 52. Tình người trong một thế giới loạn ly đôi khi không thể đến với những người vượt biển xấu số.
Bolinao 52- Lành
Thổ lộ ra được những điều chất chứa trong lòng là một hình thức chữa lành bệnh tâm lý. Đó là trường hợp của ông Bill Cloonan. Chị Tùng cũng vậy. Tuy nhiên, gặp chị và cháu Lâm trong buổi giới thiệu phim, tôi tin là vết thương của họ đã lành từ trước. Chị đã có một cuộc sống an bình ở Mỹ. Cháu Lâm trưởng thành, nhìn mạnh mẽ trong bộ quân phục. Chị kể lại câu chuyện Bolinao 52 bằng một giọng Nam mộc mạc, chân tình. Có xúc động, nhưng không hề oán trách. Mà biết trách ai cho đúng" Mỗi người có một số phần, như chị đã nói. Tin vào số phần, thì cũng sẽ tin vào luật nhân quả. Trả nghiệp xong, những người tốt rồi cũng sẽ có được hạnh phúc trong đời.
Hy vọng những người còn sống sót của Bolinao 52 nay đang sống rải rác khắp nơi, cùng những thuyền nhân có hòan cảnh bi thương tương tự, rồi cũng tìm ra cách để chữa lành vết thương cho mình…
Bolinao 52 – Hướng về tương lai
Bộ phim Bolinao 52 xứng đáng là một thông điệp của những người tị nạn dành cho thế hệ trẻ, dành cho tương lai. Thông điệp này không riêng của người Việt mà là của chung cho những người tị nạn khắp nơi trên thế giới. Một đặc điểm quan trọng là bộ phim không mang màu sắc chính trị. Nó đi thẳng vào vấn đề nhân bản. Nó trở thành vấn đề chung của lương tâm nhân lọai.
Gặp anh Đức và Bác Sĩ Nguyễn Mai Phương- vợ của anh kiêm phụ tá sản xuất của bộ phim- tôi cũng cảm nhận được tấm lòng của họ khi thực hiện bộ phim. Những người làm phim không muốn khơi dậy lòng óan trách. Họ muốn bộ phim được phổ biến cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ và hải ngoại với tính cách giáo dục. Các em cần biết vì sao các em có mặt ở đây. Các em cần biết cha mẹ các em đã hy sinh đến mức nào để các em có được ngày hôm nay. Để biết quí với những gì mình đang có. Để thấy mình có trách nhiệm trong việc đừng để những thảm cảnh như vậy xảy ra nữa cho dân tộc Việt và cho cả nhân lọai nói chung. Mỗi cá nhân, gia đình người Việt ở Mỹ có thể hỗ trợ cho mục đích này bằng cách yêu cầu các thư viện của trường học, ở địa phương nơi mình ở lưu trữ DVD của bộ phim này. Những ai đang tham gia trong ngành giáo dục nên tìm cách đưa bộ phim thành đề tài thảo luận của các em học sinh, sinh viên, đặc biệt là các em thuộc các sắc tộc mới nhập cư vào nước Mỹ.
Bộ phim dự định sẽ được trình chiếu nhiều nơi trên thế giới, để tạo thành một diễn đàn nhắc nhở thế giới về khó khăn của những người dân tị nạn.
Và sau cùng, bộ phim phải được đưa về Việt Nam. Tôi tin chắc rằng không có mấy người còn ở lại trong nước có thể hình dung ra hết hòan cảnh của những thuyền nhân Việt Nam 30 năm trước. Người dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên xem cuốn phim này với tinh thần tha thứ, hàn gắn của chị Tùng, của anh Đức, chị Mai Phương. Tôi nhắc lại một lần nữa, bộ phim không kêu gọi lòng oán giận. Chỉ là sự can đảm nhìn vào sự thật trong quá khứ, để nó không bao giờ xảy ra trong tương lai cho dân tộc của mình nữa.
Đòan Hưng
Mọi chi tiết liên quan đến bộ phim xin liên lạc về:
Duc Nguyen, Film Director
 info@rhimp.com
www.bolinao52.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.