Hôm nay,  

Khi Nào Kinh Tế Hoa Kỳ Ổn Định Trở Lại?

23/10/200800:00:00(Xem: 15561)

(LGT: Tác giả John Phan là chuyên gia tài chánh, Senior Real Estate Instructor, Certified International Property Specialist, Realty Investment Association of California's Commitee Member and Speaker.)

Các chuyên gia kinh tế thuộc trường phái “ly nước đã cạn một nửa” đang tụng kinh gõ mõ, mặc áo tang chuẩn bị đóng nắp quan tài cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ dựa vào các yếu tố chính sau đây:

- Chỉ trong thời gian vài tuần qua, kinh tế Hoa Kỳ đã yếu đi thấy rõ. Căn bệnh thập tử nhất sinh nay trở nặng thêm. Văn Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia sắp chính thức tuyên bố nền kinh tế Hoa Kỳ đã vào giai đoạn trì trệ (thực tế Văn Phòng biết khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu từ năm 2007). Khi Văn Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia tường trình bản báo cáo kinh tế, mọi người sẽ thấy vào cuối năm 2007 đã có dấu hiệu khủng hoảng kinh tế rõ ràng: Mức phát triển tổng sản lượng quốc gia giãm 0.2%. Tháng Chín năm 2008, Văn Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia ước đoán tổng sản lượng quốc gia sẽ sụt điểm âm đến -3%, con số tồi tệ nhất từ năm 1982.

- Thống kê do Trưởng Kinh Tế Gia David Rosenberg của đại công ty Merrill Lynch từ năm 2007 đã tiên đoán chắc chắn vào năm 2008, xác suất kinh tế khủng hoảng là 100%. Lời tiên đoán này dựa trên phân tích dữ liệu từ yield curve và corporate spread do chính quyền liên bang cung cấp. Cũng cần nói thêm là dữ liệu từ yield curve và corporate spread đã tiên đoán chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ vào năm 1990-1991 và năm 2001.

- Thống kê (cũng lại thống kê!) cho thấy khủng hoảng kinh tế có khả năng kéo dài và ảnh hưởng của việc này sẽ còn ghê gớm hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1903 vì sẽ làm cho kinh tế thế giới khủng hoảng theo.

- Thống kê (trời ạ!) cũng nhận định rằng Trung Cộng nhiều năm liên tiếp đã có nền kinh tế phát triển trên 10 phần trăm mỗi năm đa số nhờ vào cán cân mậu dịch không thăng bằng với Hoa Kỳ (hiện tại kinh tế Trung Cộng đã xuống dưới mức 10 phần trăm); nếu kinh tế Hoa Kỳ lụn bại thì dân chúng Hoa Kỳ sẽ mua ăn tiêu dè sẻn, mua ít hàng (Trung Cộng) đi; sức phát triển của nền kinh Trung Cộng chỉ cần giảm một nửa là Trung Cộng có đại loạn. Biết đâu tên du côn Trung Cộng (Cộng nào mà không du côn") sẽ bất chấp mọi thứ kể cả luật lệ quốc tế, dùng sức mạnh quân sự xâm lăng các quốc gia lân cận để có chỗ xả xú bắp.

Các chuyên gia kinh tế thuộc trường phái “ly nước còn đầy một nửa” đã lạc quan nhận định rằng con đường kinh tế gập ghềnh đã bớt nhiều hố sâu khá lớn, có còn chăng là năm ba trăm ổ gà nằm rãi rác đây đó. Cái xe kinh tế có thể long bánh sứt ngàm, nhưng xe còn chạy được và nhất là người lái (chính phủ Hoa Kỳ) còn vững, xe không đến nổi lạc tay nhào xuống vực thẳm. Họ đưa ra một số dữ kiện như sau để chứng minh:

- Ngay sau khi chính phủ Bush thuyết phục được Quốc Hội chi ra 200 tỷ Mỹ Kim cứu nguy thị trường địa ốc sau đó thêm 700 tỷ cứu nguy kinh tế Hoa Kỳ, thì lòng dân có dao động, tâm lý bị khủng hoảng (đọc thêm bài đã viết về kinh tế Hoa Kỳ và tình hình tài chánh) khiến thị trường chứng khoán bị vạ lây, tụt điểm quá xá trời đất. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, chính quyền các cường quốc về kinh tế khác như Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ... hầu như đã cùng lúc áp dụng nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường kinh tế của nước mình VÀ thị trường kinh tế chung của thế giới (chỉ trừ Trung Cộng – có lẽ vì dốt kinh tế nhiều hơn vì thù “đế quốc” – đã ngầm ra chỉ thị cho các nhà băng lớn không được cho nhà băng Hoa Kỳ vay tiền. Tin này xì ra, thị trường chứng khoán Hồng Kông tuột dốc cái ào, nhà cầm quyền Trung Cộng quýnh lên, vừa chối – nghề của các chàng khối Cộng – vừa công khai khuyến khích nhà băng Trung Cộng “chơi” với nhà băng “đế quốc”)

- Ngay cả khi con số ước tính tổng sản lượng quốc gia của Văn Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia (điểm âm -3%) là con số chính xác, nguyên nhân là vì cơn bệnh tạm thời “thiếu tiền gây nên thiếu vốn - credit crunch” (không có đồng ra đồng vào nên cỗ máy kinh tế trì trệ); nhưng tình trạng thiếu tiền đã được giải tỏa. Ví dụ rõ ràng thứ nhất là nhà băng Hoa Kỳ LẦN ĐẦU TIÊN cho nhà băng Châu Âu vay tiền, vì chính quyền Châu Âu đã đứng ra bảo đảm cho các món nợ, nhà băng Hoa Kỳ cảm thấy yên tâm. Số tiền chỉ vài chục tỉ nhưng là dấu hiệu cho thấy cỗ máy kinh tế đã có dầu bơm trơn. Điều này chứng minh nguyên nhân chủ yếu khiến tổng sản lượng quốc gia bị giảm -3% là cơn bệnh tạm thời “thiếu tiền gây nên thiếu vốn”, khiến kinh tế bị trì trệ chứ không phải những nguyên nhân căn bản gây ra khủng hoảng kinh tế (những nguyên nhân căn bản gây khủng hoảng kinh tế là thuế lên cao, bệnh thiếu tiền mãn tính, chủ nghĩa bảo vệ quyền lợi quốc gia, chính sách bất lợi cho công việc làm ăn buôn bán...). Ví dụ rõ ràng thứ hai là chỉ số TED spread - chỉ số so sánh 3 tháng T-Bill với 3 tháng LIBOR – đã thu hẹp lại (khoảng cách giữa hai số này càng lớn, nguy cơ khủng hoảng kinh tế càng cao). Thống kê cho thấy tổng sản lượng quốc gia sẽ tăng ít ra 3% trong hai quý cuối năm 2009 (hmmm... dùng cùng dữ liệu do chính quyền cung cấp, nhưng cách diễn giải và tiên đoán của phe bi quan và lạc quan hoàn toàn trái ngược).

- Công thức đoán kinh tế phát triển hay suy sụp là MV=PQ. MV (Money Velocity) là mức độ tiền chuyển tay trong ngành kinh tế; khi mức độ tiền chuyển tay không thay đổi nhiều, thì chúng ta có thể tiên đoán khá chính xác con số của tổng sản lượng quốc gia tính luôn lạm phát (PQ). Mức độ tiền chuyển tay trong tháng 9 năm 2008 TẠM THỜI xuống rất thấp là vì trong cùng thời gian Lehman Brothers tuyên bố sập tiệm, quỹ đầu tư money market fund thua lỗ lớn, nhà băng xiết chặt hầu bao, điểm credit spread quá lớn. Nay mọi chuyện đã trở lại bình thường, chính quyền đã bơm tiền vào thị trường giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn, và chính quyền chủ trương quyết tâm không để nhà băng lâm vào tình trạng phá sản nữa. Công thức MV=PQ cho thấy kinh tế sẽ lại tiếp tục phát triển, mặc dầu chậm chạp.

Ai đúng, ai sai" Mời bạn góp ý với chúng tôi tại thuvientoancau@gmail.com

Giải thích thêm về TED Spread: Sự khác biệt giữa phân lời nhà băng cho nhà băng mượn và T-Bills. TED là chữ viết tắt của T-Bill và ED; ED là ticker symbol cho hợp đồng mua tiền Châu Âu trong tương lai (Eurodollar futures contract). Khác biệt này được tính bằng basis point spread (bps). Thông thường TED Spread là 10 đến 50 bps (hay 0,1% đến .5%).  Con số khác biệt càng cao thì kinh tế càng có nguy cơ đi xuống, gây khủng hoảng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.