Hôm nay,  

Giải Đáp Tâm Tình/bạn Không Chỉ Một Mình: Ghét Thằng ‘cục Dzàng’...

27/06/200900:00:00(Xem: 13427)
Giải Đáp Tâm Tình/Bạn Không Chỉ Một Mình: ghét thằng ‘cục dzàng’...
Ngọc Anh
 Trong đời sống tình cảm, đời sống gia đình, khi nào bạn "đụng" phải chuyện không vui hay rắc rối, hay muốn tâm sự hoặc chia xẻ kinh nghiệm, xin hãy nhớ là bạn không chỉ một mình. Trang Gia Đình/Chàng & Nàng sẳn sàng lắng nghe tâm sự của bạn, góp ý với bạn, giúp cho bạn tự giúp mình (help you to help yourself).
***
Ba má có con trai, em bị ra "rìa."
Bài viết tặng cô năm Sira.
Nhà tôi có đông chị em, tất cả 7 con gái mà chỉ có một con trai .
Ngày còn nhỏ, khi em trai chưa chào đời, mấy chị em cũng được ba má cưng chìu lắm.
Chị Hai dữ thấy mồ, lúc nào không có má ở nhà thì chị Hai trở thành… má.
Chị còn có quyền cầm cây roi mây dứ dứ mỗi khi mấy em lì lợm không nghe lời. Nhưng thường thì chị Hai nói chuyện ngọt lừ như mía lùi .
Khi chị Hai gọi: "Cưng ơi cưng, lấy dùm chị cái nầy đi , rồi chị thương …thương".
Trời ui, chị kéo chữ thương dài mấy thước ta lận. Vậy là chị kế tôi với tôi tranh nhau làm. Chị ba tôi chắc khôn hơn tụi tôi, nên ít khi nào thấy chị nhúc nhít để được chị hai "thương." Cho tới khi má tôi có bầu, tôi cũng vừa lên ba tuổi, bụ bẫm dễ thương lắm, và luôn tin ba thương tôi nhất nhà. Mấy dì tôi qua chơi, cười cười nói "má sắp có em bé con năm ra rìa rồi".
Tôi không hiểu chữ ra rìa là gì, tôi còn nhỏ quá, chỉ ưa chạy loanh quanh chơi giỡn.
Gần ngày má bể bầu, tôi càng thấy má bực bội, ít ôm hun hít tôi như trước và thường xuyên gắt gỏng la rầy.
Tôi tủi thân, nghĩ, chắc "ra rìa" là như vậy.
Hôm má tôi đau bụng, ba tôi cuống quít xách giỏ quần áo, chở má đi nhà thương.
Nhà còn lại chị hai, chị ba, chị tư với tôi và má bảy là em của má chạy qua coi chừng tụi tôi.
Má bảy thương tôi lắm, chắc vì lúc đó tôi nhỏ nhứt.
Má ưa kêu tôi lại, tươi cười, dạy tôi, lúc đó bập bẹ nói chuyện. Cái nầy là cái gì " má Bảy chỉ ngay vô trán tôi, rồi má cười hin hít, dạy tôi trả lời ' cái nầy là trán dồ ".
Rồi má Bảy chỉ cái mũi tôi, hỏi , cái nầy là cái gì "
Má Bảy dạy tôi trả lời "cái mũi xẹp".
Có hai câu đó thôi mà má cứ bắt tôi nói đi nói lại cho tới khi thuộc lòng. Những ngày sau đó, mỗi lần má Bảy qua trông coi tụi tôi lúc má tôi còn trong nhà thương với em bé tôi đã trả lời nhuần nhuyển:
- Cái nầy là cái gì "
- Cái chán dồ.
- Cái nầy là cái gì "
- Cái mũi nhẹp  … con chán dồ lỗ mũi nhẹp.
Mỗi lần trả lời xong bằng giọng nói ngọng của con nít 3 tuổi là má Bảy cười ngặt nghẻo ôm tôi vô lòng hun hít. Người Má bảy thơm phứt mùi dầu dừa.
Có lần má Bảy xỉ tay lên trán tôi, rồi nói "có em bé rồi, con bị ra rìa rồi. "
Tôi giận lẩy, bỏ chạy trốn trong cánh cửa, cứ ấm ức bị "ra rìa" . Má bảy phải kéo tôi ra, rồi ôm tôi hun hít dụ cho tôi cười.

Ba đem má từ nhà thương về. Tôi thấy ba lăng xăng lít xít ôm ấp "cục dzàng" mới , tại nó là con trai, khác với bốn chị em tôi. Ba hết còn bồng tôi nữa, má thì tối ngày lo cho cục dzàng của ba. Không ai còn để ý tới con nhỏ bụ bẫm tóc bum bê với hai con mắt tròn vo đen như hai hột nhản mà ai cũng khen nữa .
Tôi lủi thủi góc nhà, ngoài sân, buồn xo.
Trong lòng tôi dậy lên cơn ghen tức. Tôi cảm thấy ghét thằng "cục dzàng" đó thậm tệ.
Cục dzàng tối ngày cứ oe oe trong buồng với má, tôi muốn nhéo nó vài cái.
Ba đi làm về là vô buồng thăm "cục dzàng" . Tôi cảm thấy ấm ức vì bị bỏ rơi nên kiếm cái gì đó để tỏ bày ý phản kháng ba và má.
Ban đêm, ba nằm trong giường, tôi nằm sát vách, tôi nhét một chân xuống vách tường, rồi chờ khi ba vừa lim dim ngủ, tôi la toáng lên "chuột cắn con …" làm ba và má đều giật mình .
Ba vội kéo chân tôi lên , thấy đâu có con chuột nào cắn, ba lại lầu bầu " thôi ngủ đi con".
Ba ngáy khò khò ngay sau đó, còn tôi nằm ấm ức . Buổi chiều sau khi cả nhà ăn cơm xong, ba má ưa dẫn tụi tôi đi bộ một vòng hóng mát, có khi thẳng luôn tới bến tàu.
Dọc đường đi, mấy tháng trước đây thôi, ba luôn bồng tôi. Từ ngày có thằng "cục dzàng" ba chỉ bồng nó . Đi bộ được một lúc là tôi nằm vạ ngay giữa đường" con mõi chưn rồi ba", thì ba mới chịu giao thằng cục dzàng" đó qua cho má, cúi xuống bồng tôi. Tôi sướng quá cười toe. Cách nằm vạ nầy tôi làm hoài để được ba bồng.  Tôi bắt đầu nhè từ đó.
Ghét cái thằng quỉ đó thì ghét, mà khi dòm nó tôi cũng cảm thấy thương, vì nó nhỏ xíu hà, chọc chọc cái chân hồng hồng là nó há miệng cười, thấy thương nên tôi bớt ghét.
Khi tới tuổi đi học, nó hỏng chịu vô lớp, bắt tôi phải ngồi với nó. Tôi đi ra là nó la làng đòi theo nên tôi phải ngồi lại. Cô giáo nói tôi cao quá, phải ngồi cuối lớp.
Tôi nói "thôi để chị dzià nghen" thì thằng quỉ sống ré lên khóc, nên tôi đành phải xuống ghế chót ngồi cho nó nín khóc.
Trời đất ơi, tôi phải đi học lớp chót với nó như vậy cả tháng trời mới dứt được. Vậy mà được ba má khen tôi thương em.
Thương em thì thương, nhưng sao ba má tôi không công bình chút nào hết .
Khi ba cho tôi hai đồng, thì ba cho nó 4 đồng, tôi thấy, phân bì, thì ba cho tôi thêm một đồng, lại nhét thêm cho nó một đồng nữa, kẻo nó khóc. Sau đó tôi còn có thêm ba đứa em gái nữa, trước sau gì thằng đó cũng là "cục dzàng" duy nhất của ba má.
Từ nhỏ tới lớn, ba má đã bất công với mấy chị em tôi vì cái thằng "cục dzàng" đó.
Vậy mà sau nầy lớn lên, có vợ có chồng, mỗi mỗi chuyện gì xãy ra cho thằng quỉ, nó cũng chạy tới cầu cứu tôi, nên tôi vẫn thương nó nhất nhà và nhớ lại bao nhiêu cảm giác ganh tị ghét bỏ nó khi mình bị "ra rìa" mà mắc cở quá.
Bạn có nghĩ vậy không, khi con bạn ganh ghét đứa em, chính vì mặc cảm bị ra rìa nầy. Bạn hãy gần gủi với các con như cũ, đừng bỏ quên đứa nào hết, nghe bạn.
Ngọc Anh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.