Hôm nay,  

Trang Văn Nghệ Á Châu: Lâm Chí Linh, Đệ Nhất Mỹ Nhân Đài Loan

15/09/200800:00:00(Xem: 3559)
LGT: Trong những thập niên gần đây, văn nghệ Á Châu ngày càng khởi sắc trên phương diện điện ảnh, thời trang, tài tử... với những đóng góp quan trọng của Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan... Nhiều bộ phim hay, nhiều tài tử nổi tiếng của Á Châu đã chinh phục con tim khối óc của hàng tỷ người không những tại Á Châu, mà còn cả các quốc gia tại các châu lục khác của thế giới. Để có thể cống hiến quý độc giả phần nào những sắc thái mới lạ, những đường nét quyến rũ, những hình ảnh độc đáo, của văn nghệ Á Châu, Sàigòn Times hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả các bài viết của Nhuỵ Nhã, một cây viết khả ái, dễ thương, có nhiều cơ duyên đặc biệt với nền văn hóa Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông....

*

Vào tháng 8 vừa qua, trong giới hâm mộ điện ảnh Á Châu chợt nổi lên những làn sóng xôn xao bàn tán về một bộ phim dã sử Trung Hoa với kinh phí thực hiện lên đến khoảng 81 triệu đô la và đã đạt mức doanh thu 44 triệu đô la chỉ sau một tháng được trình chiếu từ ngày 10/7 trên các màn ảnh Trung Quốc và Hồng Kông. Đó chính là bộ phim “Xích Bích” (Red Cliff) do đạo diễn Ngô Vũ Sâm thực hiện.

Xưa nay, mức độ thành công của một tác phẩm điện ảnh luôn tùy thuộc vào nội dung kịch bản, nghệ thuật dàn dựng bối cảnh và quan trọng nhất là tài năng diễn xuất trong vai chính của các diễn viên. Vì vậy, ngoài yếu tố quy tụ một dàn tài tử hùng hậu với sự góp mặt của những ngôi sao từng được ưu ái và tỏa sáng trên vòm trời phim ảnh Á Châu trước nay như: Kim Thành Vũ (tức nam tài tử Nhật Bản Kaneshiro Takeshi), Lương Triều Vỹ, Triệu Vy v.v..., “Xích Bích” còn giới thiệu đến khán giả một khuôn mặt lần đầu tiên bước vào thế giới màn ảnh lớn, được mệnh danh là “cơn sóng thần Đài Loan". Đó là nữ diễn viên kiêm người mẫu quảng cáo thời trang Lâm Chí Linh, trong vai người đẹp Tiểu Kiều, tức nữ vai chính của đại tác phẩm “Xích Bích".

Xuất thân trong một gia đình trí thức ở Đài Loan, Lâm Chí Linh mở mắt chào đời ngày 16/4/1974 tại thành phố Đài Bắc với tên gọi quen thuộc là "Tiểu Miêu", tức chú mèo nhỏ, do bản tính thường e dè, nhút nhát trước những người lạ từ thuở ấu niên. Ngay từ lúc 15 tuổi, cô nữ sinh "Tiểu Miêu" đã nổi tiếng với cặp chân thon dài cùng chiều cao nổi bật gần 1,70m nên nhanh chóng lọt vào tầm nhìn của các nhà quảng cáo thời trang Đài Bắc. Sau đó, cô xuất hiện trong một vài chương trình biểu diễn y phục thời trang và được đánh giá là có nhiều tiềm năng với các bản hợp đồng sẵn sàng đợi "Tiểu Miêu” đặt bút ký tên qua sự bảo chứng của gia đình. Nhưng Lâm Chí Linh đã quyết định sang Canada học tiếp bậc trung học và sau đó theo học ngành Kinh Tế tại trường đại học Toronto. Tuy sự lựa chọn ngành học là do ý kiến khuyến khích của thân phụ Chí Linh, nhưng vốn là người đam mê mỹ thuật nên cô cũng đã ghi danh học thêm ngành “Lịch Sử Mỹ Thuật Tây Phương".

Sau khi tốt nghiệp, Lâm Chí Linh có nguyện vọng xin làm việc tại viện bảo tàng Toronto nhưng bị từ chối vì nơi này không có quy chế nhận những nhân viên có bằng cấp cử nhân như cô. Lúc đó, Lâm Chí Linh hoàn toàn không có mộng tưởng trở về "Con đường xưa em đi, thời trang quá kiêu kỳ, có nhiều khi... hippy" để trở thành một trong những người mẫu lừng danh hàng đầu trong ngành quảng cáo thời trang Châu Á hoặc mang danh "Đệ Nhất Mỹ Nhân" của đảo quốc Đài Loan vốn đầy dẫy những cạnh tranh gay gắt giữa các bông hoa biết nói.

Nhưng cuộc đời vốn thường không như mình nghĩ và thật đúng là:

"Xưa nay mang kiếp hồng nhan
Không làm người mẫu thời trang...uổng đời!
Duyên kia định phận tại Trời
Đèn màu sân khấu gọi mời giai nhân"

Với sắc đẹp lộng lẫy quyến rũ toát ra từ khuôn mặt xinh đẹp dịu dàng nhưng cũng không kém phần kiêu sa trang nhã cùng cặp chân có chiều dài lý tưởng 1,13m, Lâm Chí Linh đã đáp ứng thị hiếu của giới thưởng ngoạn, và sự xuất hiện của cô trên thị trường thời trang được xem như một khám phá độc đáo của những chuyên gia quảng cáo Đài Loan trong lĩnh vực phát hiện tài năng mới, khi cô chính thức bước vào ngành "người mẫu thời trang" với tính cách chuyên nghiệp ở lứa tuổi 28! Vào năm 2002, khi một tạp chí du lịch xuất bản tại Canada đăng hình bìa của Lâm Chí Linh được chuyển đến Đài Bắc thì lập tức có nhiều phản ứng trong giới truyền thông văn nghệ và dĩ nhiên giới hâm mộ cũng ngạc nhiên không ít. Qua đó, trong một phóng sự khá chi tiết về Lâm Chí Linh của tờ "Trân Châu" (Jing Chu), đã có đoạn thơ ví von:

“Bạch Ngọc Thiên Nga Phi Viễn Xứ
Lưu Thủy Hành Vân Lai Khứ Hồi"
(Thiên Nga Bạch Ngọc bay xa xứ
Nước chảy mây trôi quay bước về)

Hai câu thơ trên như một lời tiên đoán chính xác về sự nổi danh của “Bạch Ngọc Đài Loan” Lâm Chí Linh sau này tại quê nhà.

Ngược lại, kèm theo sự thành công cũng có nhiều lời dị nghị bàn tán như: “Tại sao Lâm Chí Linh không theo đuổi con đường người mẫu thời trang từ khi còn ở lứa tuổi 18, đôi mươi"”, hay “Đối với một phụ nữ có hai văn bằng cử nhân như Lâm Chí Linh, liệu cô có đứng vững trước những cơn lốc đào thải trong thời đại biến đổi nhanh chóng hiện nay của giới chân dài vốn bị nhiều tai tiếng thị phi không"”, hoặc nặng nề hơn: “Trở lại nghiệp vụ quảng cáo một cách dễ dàng như vậy, không biết Lâm Chí Linh có quan hệ... đặc biệt gì với các nhà doanh nghiệp quảng cáo hay không"” v.v... Trước những làn sóng đồn đãi này, Lâm Chí Linh luôn chọn cách hành xử đúng theo “công thức” của nhà vật lý học trứ danh nhất thế kỷ 20 Albert Einstein là “Thành Công = Im Lặng + Làm Việc”.

Từ đó, tiếng tăm của “Lâm cử nhân” nổi như cồn tại Đài Loan, dội ngược lên lục địa Trung Hoa và tràn sang thương trường Hồng Kồng. Hơn nữa, ngay cả hai quốc gia có nền văn hóa tiếp cận và rất nhạy bén trong lĩnh vực khai thác các trào lưu văn nghệ là Nhật Bản và Đại Hàn cũng đón nhận Lâm Chí Linh thật nồng nhiệt.

Xét về cách diễn xuất qua nhân dáng của Lâm Chí Linh, có lẽ khán giả sẽ đi đến kết luận là cô cũnh chỉ khá xuất sắc như bao nhiêu người mẫu khác trong giới “chân dài”, tuy nhiên không ai có thể phủ nhận nét đẹp đặc biệt của cô không chỉ riêng ở khuôn mặt hoặc những đường cong thu hút thị giác thẩm mỹ và càng không phải là những bước chân uyển chuyển khi gót ngọc dời bước, mà chính là sự tổng hợp trong cách nhìn nghệ thuật nơi một đóa “mẫu đơn" thông minh nhiều tài năng, dịu dàng qua cử chỉ, ngọt ngào qua lời nói mang chất giọng vừa thanh tao vừa nhỏ nhẹ nhu mỳ. Ngoài ra, với vũ khí “tam bảo” gồm ngực, eo, mông mang kích thước đạt quá tiêu chuẩn chọn lọc là 86, 69, 90, Lâm Chí Linh cũng đủ vượt qua những gì gọi là giới hạn của tuổi tác.

Vào năm 2004, Lâm Chí Linh trở về cố quốc và ghi dấu nhiều thành tích chói sáng như:

- Trở thành điểm thu hút của các chương thương hiệu quảng cáo trong lĩnh vực xe hơi, đồng hồ, máy ảnh Digital, đồ diện gia dụng, mỹ phẩm v.v... với mức thu nhập tăng lên gấp bội.

- Từ năm 2004 đến năm 2007 được Bộ Trưởng Bộ Lãnh Thổ & Giao Thông Nhật Bản là ông Kitagawa Kazuo ủy nhiệm chức vụ “Đại Sứ Thân Thiện Đài Loan” để quảng cáo cho ngành du lịch Nhật Bản qua chương trình “Visit Japan Campaign”.

- Năm 2005, ký hợp đồng cùng “Oscar Promotion Co, ltd”, một đại công ty của Nhật Bản nổi tiếng về nghiệp vụ đào tạo, lăng xê các tài năng trẻ trong giới điện ảnh, ca nhạc, thời trang v.v...với những kế hoạch tăng cường hoạt động nghệ thuật tại Nhật Bản.

- Năm 2005, được tuyển chọn làm người giới thiệu chính cho buổi lễ trao tặng giải thưởng điện ảnh danh tiếng nhất Đài Loan là giải “Kim Mã” lần thứ 42. Trước đó, cô cũng đã xuất hiện với tư cách người mẫu phát giải thưởng vào năm 2004, tức giải Kim Mã lần thứ 41.

- Năm 2006, đứng đầu danh sách tuyển chọn với tỷ lệ 38% trong cuộc thăm dò ý kiến dành cho giới “Saralyman” tức những người đàn ông làm việc văn phòng, qua câu hỏi “Bạn muốn cùng với người bạn gái nào trải qua những giờ phút thân yêu lãng mạn nhất trong ngày Valentine’s Day"”.

- Năm 2007, đứng nhất về mức thu nhập trong năm theo bảng thống kê của giới truyền thông Đài Loan qua danh sách những người mẫu cùng thời. Và được chọn là “Mỹ Nhân Số Một” của Đài Loan.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2006, người đẹp họ Lâm bất chợt tuyên bố tạm ngưng nghiệp vụ để “xả hơi” trong một thời gian dài. Và cho đến tháng 5 cùng năm, giới truyền thông Đài Loan mới bắt được tin tức là lúc đó Lâm Chí Linh đang ở tận xứ Cộng Hòa Nam Phi để hoạt động thiện nguyện cho các tổ chức NGO nhằm giúp đỡ và chăm sóc cho các trẻ em bị nhiễm chứng bệnh AIDS.

Sau khi thành danh tại Đài Loan cho đến nay, Lân Chí Linh luôn là đích nhắm của những tạp chí và giới văn nghệ Đài Bắc vì cho dù đã bước qua ngưỡng cửa 30, cô vẫn chưa đeo nhẫn cưới. Đồng thời, những nguồn tin thêu dệt về các mối tình “bên lề” của cô lại càng trở nên ăn khách hơn. Một trong những “Thiên Tình Sử Ngoại Truyện” của Lâm Chí Linh được nhắc nhở nhiều nhất là mối quan hệ của cô cùng Ngôn Thừa Húc, thành viên trong nhóm nhạc “F4” thuộc dạng “idol” rất được ái mộ tại thị trường âm nhạc thanh thiếu niên Châu Á. Nhóm “F4” gồm 4 thành viên đều là vai chính trong bộ phim tập TV Serie “Lưu Tinh Hoa Viên” được phỏng theo cốt truyện hoạt họa “Hana Yori Dango” nổi danh của Nhật Bản. Kế đến là “chuyện tình” giữa cô và Tôn Chấn Hoa, một nam đồng nghiệp trong ngành người mẫu. Vụ scandal càng trở nên sôi nổi hơn sau tai nạn ngã ngựa của Lâm Chí Linh khi thu hình tại thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh ở Trung Quốc. Lúc đó, Lâm Chí Linh phải trở về Đài Loan để điều trị tại bệnh viện Đại Học Y Khoa Đài Bắc và Tôn Chính Hoa có ghé thăm cô. Nhưng ngay sau đó, bệnh tình của cô lại trở nên trầm trọng hơn, nên lập tức các phóng viên đều đổ xô về bệnh viện để săn tin. Từ đó, có nhiều lời đồn là giữa hai họ Tôn, Lâm bị sứt mẻ tình cảm do Lâm Chí Linh phải giải phẫu vì chấn thương và khó có thể tiếp tục nghề người mẫu quảng cáo.

Trước những lời bàn tán và đôi khi phải trực diện với nhiều câu hỏi khiếm nhã soi mói vào đời tư của mình, Lâm Chí Linh vẫn ứng xử nhỏ nhẹ, ôn tồn trả lời rõ ràng minh bạch. Vì vậy, cho đến nay người ta chỉ nghe nói về một Lâm Chí Linh nổi tiếng chứ chưa từng nghe Lâm Chí Linh nổi... nóng bao giờ.

Cuối năm 2006, đột nhiên nhà đạo diễn lừng danh Ngô Vũ Sâm tuyên bố quyết định chọn Lâm Chí Linh đóng vai Tiểu Kiều, một nữ nhân vật chính trong bộ phim vĩ đại “Xích Bích” của ông, chẳng khác nào tung ra một quả bom gây chấn động giới minh tinh tài tử lẫn khán giả yêu chuông bộ môn nghệ thuật thứ 7! Bởi lẽ, ai cũng biết Lâm Chí Linh tuy nhiều lần diễn xuất trước ống kính để thu hình quảng cáo nhưng cô chưa từng trải qua một lớp huấn luyện hoặc đào tạo để đóng các vai diễn trong phim ảnh. Và dư luận có sửng sốt ngạc nhiên thì là chuyện của dư luận còn ông Ngô Vũ... Xâm mình lại là chuyện của ông.

Với danh tính bằng Anh ngữ là John Woo, ông Ngô Vũ Sâm được xem là một nhà đạo diễn người Hoa đầu tiên tạo được bước thành công tại kinh độ điện ảnh thế giới Hollywood. Tên tuổi của John Woo gắn liền với các bộ phim nổi tiếng như “Face/Off”, “Mission Impossible 2”. Trước đó, ông cũng từng được đề cập đến như là một hiện tượng khi tung ra tác phẩm “Broken Arrow” dựa theo kịch bản của Graham Yost, quy tụ sự góp mặt của hai nam tài tử gạo cội Hollywood thuộc thể loại phim “action” là John Travolta và Chritian Slater.

Trở lại phim “Xích Bích” thì đây là bộ phim dựa theo bối cảnh lịch sử Trung Hoa vào thời Đông Hán năm 208 (tức năm Kiến An thứ 3 dưới triều vua Hán Văn Đế) trong thế tương tranh của cuộc chiến giữa liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị với Tào Tháo, để hình thành thế trận chia 3 thiên hạ gồm Bắc Ngụy, Đông Ngô và Tây Thục tức 3 thế lực chi phối cục diện Trung Nguyên. Trong thế tương tranh đó, Xích Bích là địa danh ghi dấu trận thủy chiến ác liệt nhất trong bộ truyện mang giá trị cao về văn học lẫn lịch sử là “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, một trong “Tứ Đại Kỳ Thư” (hay còn gọi là Tứ Đại Tài Tử Thư) của nền văn học cổ đại Trung Hoa gồm “Thủy Hử” của Thi Nại Am, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung”, “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ấn và “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần.

Qua ngòi bút tài hoa dựa theo các chi tiết lịch sử nhưng cũng pha trộn khá nhiều nét hư cấu nhân vật để tăng thêm phần đặc sắc hào hứng cho bộ truyện, La QuánTrung đã cống hiến cho độc giả những tình tiết ly kỳ về trận chiến Xích Bích. Bắt nguồn từ tham vọng thống nhất Trung Nguyên của Tào Tháo mượn danh chính thống triều đình nhà Hán đem quân dẹp loạn trong kế hoạch “Đông hòa Tôn Quyền, Tây đánh Lưu Bị” nên Phàn Thành là vùng đất tạm nương náu của Lưu Bị bị tấn công đầu tiên. Trước binh lực hùng mạnh của quân Tào, Lưu Bị đành phải cùng gia quyến bỏ chạy nhưng cũng không thoát được trận phục kích đẫm máu tại dốc Trường Bản. Lúc này Lưu Bị lâm cảnh binh yếu thế cô nên quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng bày mưu liên kết cùng thế lực Đông Ngô với lý do 80 vạn quân Tào cũng đang bắt đầu dòm ngó vùng đất này. Qua tài nghệ thuyết khách hùng hồn, Khổng Minh đã thu phục được đám quan lại chủ hòa đất Giang Đông và nhất là đã khích được lòng tự ái của đô đốc Chu Du, khi phao tin mục đích chính của Tào Tháo đánh Đông Ngô chỉ vì muốn bắt “Song Đại Mỹ Nhân” của Giang Đông đem về lầu Đồng Tước thưởng ngoạn! Song Đại Mỹ Nhân gồm Đại Kiều là phu nhân của Tôn Sách (anh Tôn Quyền) và Tiểu Kiều là ái thê của Chu Du. Vốn là một võ tướng tài năng thao lược và rất sở trường về thủy chiến, nhưng Chu Du lại mang tính khí hẹp hòi luôn tỵ hiềm trước tài năng và công lao của Khổng Minh nên sau khi Tôn Quyền đồng ý liên hợp cùng Lưu Bị qua kế sách dùng “hỏa công” của Khổng Minh và Chu Du khiến Tào Tháo bị thảm bại tan tành tại trận Xích Bích, Chu Du càng thêm uất ức rồi sinh bệnh và thổ huyết từ trần. Độc đáo hơn là trước khi lìa đời, Chu Du còn thốt lên một câu để đời: “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng"”

Thế nhưng, theo ông Ngô Vũ Sâm thì phim “Xích Bích” chỉ dựa theo những tài liệu ghi trong quyển sử “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ chứ không dùng “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, nên có sự thay đổi về một số nhân vật trong sự suy diễn của khán giả vốn đã quen thuộc với tình tiết cũ từ trước đến nay. Và đây chỉ mới là phần 1 của tác phẩm lịch sử vĩ đại này, phần 2 dự định sẽ ra mắt khán giả vào đầu năm 2009.

Khi được hỏi vì sao lại chọn Lâm Chí Linh đóng vai chính, ông Ngô Vũ Sâm cho biết: “Quyết định chọn Lâm Chí Linh trong vài Tiểu Kiều quả là một sự mạo hiểm của tôi. Nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ là mình phải biết tại sao mình mạo hiểm! Đối với tôi, Chu Du là một bậc anh hùng tuy không hưởng thọ tuổi trời. Và bên cạnh anh hùng chắc chắn phải có một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Người đó chính là Tiểu Kiều. Theo tôi, Lâm Chí Linh rất xứng đáng trong nét đẹp đằm thắm của Tiểu Kiều, hơn nữa lại có lòng từ nhân đúng như tài liệu đã ghi. Qua báo chí, tôi cũng biết cô Lâm từng có những hoạt động từ thiện tại Châu Phi nên tôi tin rằng lòng từ tâm này sẽ là một yếu tố quan trọng nhất để Lâm Chí Linh làm sống lại nữ giai nhân Tiểu Kiều trong lòng khán giả”.

Ngược lại, trả lời trong một cuộc phỏng vấn của báo “Trân Châu”, Lâm Chí Linh đã trình bày cảm nghĩ về vai Tiểu Kiều: "Tôi từng được nghe nhiều ý kiến cho rằng một người 33 tuổi như tôi lại đóng vai 16 tuổi của Tiểu Kiều thì e rằng khó thành công! Tôi đồng ý với nhận xét này. Xưa kia khi con người bước vào tuổi 40 đã chuẩn bị cho phần cuối cuộc đời, vì vậy mới có câu “Thất Thập Cổ Lai Hy”. Nhưng ngày nay dù đã hơn “tứ tuần” người ta vẫn thấy bình thường nhờ biết giữ gìn sức khoẻ điều độ và nhất là “ở đời muôn sự tại tâm”. Tôi đã dùng một trái tim biết thông cảm và thương yêu mọi người để diễn vai này".

Vì đa số những đoạn phân cảnh nói về Tiểu Kiều trong phần 1 đều được quay trong nội thất nên có lẽ khán giả sẽ cảm nhận được một Tiểu Kiều đoan trang hiền thục, nết na thùy mị. Nhưng qua phần 2, khán giả sẽ được chứng kiến một Tiểu Kiều cứng rắn kiên cường hơn trong cảnh binh đao chiến loạn.

Ngoài tài nghệ diễn xuất và sở hữu một sắc đẹp trời ban, Lâm Chí Linh còn có nhiều năng khiếu về nghệ thuật và ngôn ngữ. Có lẽ hình ảnh của cô sẽ còn tồn tại trong lòng giới ái mộ thêm một thời gian dài, vì hiện nay trong giới người mẫu tại Đài Loan chỉ có một Lâm Chí Linh nói thông thạo Anh ngữ, Nhật ngữ, tiếng Bắc Kinh và tiếng Quan Thoại cộng với 2 văn bằng cử nhân!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.