Hôm nay,  

Vùng Lên Giữ Nhà

11/10/200700:00:00(Xem: 5566)

Người Đức có một chữ để nói về niềm vui của mình khi thấy người khác bị . Đó là "shadenfreude", một chữ về sau đã được Mỹ hoá, được dân Mỹ tự nhiên xài thoải mái. Khi thị trường gia cư Hoa Kỳ bị xút xến và tuột dốc từ năm ngoái, dân chúng Âu châu hỉ hả cười và cho rằng dân Mỹ bị vậy là đáng đời vì ưa xài sang quá khả năng của họ.

Nhưng, bà con Âu châu quên không ngó vô gáy của mình - chuyện hỏng dễ - nên không biết là thị trường gia cư của nhiều xứ Âu châu còn bốc dữ hơn thị trường Hoa Kỳ. Cái gì bốc lên quá lẹ thời cũng có lúc xẹp. Những người nướng bánh bông lan cho biết như vậy, nếu lỡ tay châm vô quá nhiều bột nổi.

Tuần qua, trong khi dân Mỹ ngáp ngáp về chuyện nhà đất thì tới lượt Âu châu thấy đèn đỏ chớp chớp: tiền vay mua nhà tăng vọt và giá nhà bắt đầu sụt nặng tại xứ Anh, Pháp, Ireland và Spain! Mà tình trạng ấy sẽ tiếp tục lây lan qua xứ khác, qua ngành khác.

Công ty tài trợ Halifax của Anh cho biết giá nhà trong tháng Chín đã sụt 0,6% so với tháng Tám, lần đầu tiên lại có một chuyện như vậy trong năm nay. Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ireland và công ty tài trợ địa ốc Permanent của Ireland thì cho hay là giá nhà đã giảm 1,9% trong tháng Tám so với năm ngoái, và giảm 0,3% so với tháng Bảy năm nay. Tình hình cũng tương tự như vậy tại Pháp và có thể còn nặng hơn tại xứ đấu bò Tây Ban Nha (Spain) vì trái bóng gia cư của xứ ấy đã bốc dữ dội so với trái bóng Hoa Kỳ.

Những người vừa du lịch Âu châu về đã phải nghiến răng vì tiền Âu châu lên giá làm du khách Mỹ thành nghèo đi. Nhưng tới nơi và tìm hiểu thị trường của họ, du khách Hoa Kỳ về nhà thấy mình vui hơn một chút: Âu châu cũng sẽ điên đầu về vụ nhà đất, và bệnh tình còn nặng hơn vì nạn sub-prime bên đó còn lớn hơn nhiều. Chẳng những không kiểm soát hay canh chừng, các chính quyền bên đó còn khuyến khích cho vay theo kiểu nâng đỡ ấy đặng ai ai cũng dễ có nhà.

Đó là chuyện shadenfreude. Vui với cái họa của người khác!

Nhưng còn cái hoạ của mình tại Hoa Kỳ thì thiệt ra vẫn chình ình ra đấy. Trong năm qua, số lượng nhà bị kéo (foreclosure) đã tăng gấp đôi, phần lớn là do lối tài trợ sub-prime rủi ro mà mắc giá. Trong tương lai, tình trạng ấy sẽ còn tiếp tục vì có tới hai triệu hồ sơ vay mượn kiểu này sẽ tới kỳ điều chỉnh lãi suất. Khi đi vay tiền, bà con được trẻ tiền lời rất mềm, rất nhẹ và chỉ điều chỉnh sau chừng 18 tháng. Kể từ hạn kỳ ấy, những bà con thường trả tiền nhà mỗi tháng chừng 1.200 Mỹ kim sẽ phải trả thêm từ 250 đến 300 đồng. Và bị đuối sức, trả trễ rồi trả hết nổi, và bị chủ nợ kéo mất nhà. Tiền nhà hàng tháng chừng 2.400 đồng có thể lên tới hay vượt qua 3.000 đồng!

Khi những chuyện buồn lòng như vậy xảy ra, người vô tâm hay thiếu lòng bác ái thời thấy là vui - vì mình không bị. Nhiều người khác thì ái ngại tìm hiểu và cố gắng giúp đỡ. Hoa Kỳ có tánh dễ thương như vậy nên mới có những cơ quan vô vụ lợi được thành lập để chỉ dẫn bà con bị sa cơ. Một trong các cơ quan ấy là National Foundation for Credti Councelling. Họ mới quảng bá một số thông tin giúp đỡ những người bị nguy cơ mất nhà. Bài viết này xin chia sẻ những thông tin ấy tới bà con.

Khi thấy mình bị rủi ro mất nhà vì ngôi nhà bị tịch biên, nhiều người sợ hãi đến độ bị tê liệt và tự an ủi rằng thôi cũng là cái số. Nhưng, dân Mỹ không phản ứng theo kiểu đó. Họ khuyên chúng ta nên chủ động nhìn vô vấn đề và liên lạc với công ty tài trợ - chủ nợ của mình - để trình bày vấn đề và thỏa thuận về một lịch trình hoàn trái khác (payment schedule khác). Tuy nhiên, nếu mà mình trễ hạn trả nợ tới ba bốn kỳ (ba bốn tháng mà không trả nổi tiền nhà) thời công ty tài trợ sẽ khó chấp nhận một lịch trình trả nợ khác. Lúc ấy, mối lo bị foreclosure sẽ trở thành ác mộng thực tế, khi mình còn mở mắt.

Sau đây là một số lời khuyên mà bà con nên chú ý để khỏi lăn tới hố sâu foreclosure.

Trước hết, đừng thụ động sợ hãi, hãy vùng lên để giữ lại căn nhà! Tức là đối đầu với sóng gió từ khi nó mới manh nha. Mà mình là người biết rõ nhứt khi nào chuyện đó manh nha, vì là người ký chi phiếu trả tiền nhà hàng tháng!

Hãy thảo luận lại với chủ nợ về một kế hoạch khác để trả nợ lần hồi, kêu bằng repayment plan. hãy yêu cầu chủ nợ cho mình trả tiền nhà từng khoản nhỏ hơn và cộng vô tương lai những khoản trả trễ. Chủ nợ thiệt ra không muốn phải xiết nhà vì đó là mất khách và căn nhà bị kéo về sẽ còn gây lỗ lã cho họ khi họ phải bán đấu giá hay bán tháo để lấy lại vốn. Điều quan trọng là họ phải thấy mình có thực tâm muốn trả và sẽ trả. Nhưng đừng ép quá làm chi!

Thứ ba là nếu mình đang kẹt tiền nên trả trễ thì có thể xin yêu cầu trễ hạn trả nợ. Thời hạn ấy là vài tuần vài tháng, và có xác định hẳn hoi, đặng bà con thu vén chuyện chi tiêu và trở lại nhịp độ trả nợ cho đàng hoàng. Có điều là mình không nên quên rằng khi trễ hạn như vậy, mình sẽ phải trả lệ phí trễ hạn (late fee) hay các khoản tiền phạt khác. Cái xứ tự do này không có hiện tượng "tiền chùa" đâu. Họ không bấm nút đồng hồ để tính ngày sẽ kéo nhà, nhưng trong khi đồng hồ tích tắc nhảy, họ vẫn tính tiền trễ hạn đấy.

Thứ tư là nếu bà con đang có khó khăn vì mất việc làm hay mất một khoản lương bổng nên sẽ không trả được tiền nhà trong ít lâu - trong khi mình kiếm việc mới hay cầy thêm một job mới - thời công ty tài trợ có thể cho phép "đông lạnh" khoản nợ. Họ đồng ý cho mình miễn trả tiền nhà trong ít lâu cho tới khi tình hình khả quan hơn, từ đó mình mới lại tiếp tục trả tiền nhà theo nhịp độ đều đặn như trước. Khi đã vững chân hơn và trả nợ hàng tháng thì bà con sẽ phải trả khoản tiền nợ bị thiếu trong mấy tháng đông lạnh đó. Nên yêu cầu sẽ trả từng phần khoản thiếu nợ ấy, nếu không thì phải trả nguyên con là mình cũng ngộp luôn. Vừa có job mới mà cứ lo chuyện tiền nhà là có khi ảnh hưởng tới năng xuất công việc và đấy sẽ là mối nguy khác!

Thứ năm, nếu mình mất hẳn một khoản lương bổng - coi như vĩnh viễn - vì mất hẳn một job, lợi tức hàng tháng coi như sụt mất một góc, thời nên thảo luận với chủ nợ về toàn bộ khoản nợ này. Họ có thể giảm tiền lời, kéo dài thời hạn cho vay, hoặc đập khoản nợ trễ vô khoản vốn vay. Chuyện ấy không phải là không thể xảy ra vì chủ nợ cần nuôi cho con nợ sống hầu con nợ còn có thể nuôi họ về dài!

Nếu thấy những lời khuyên trên đây là hữu ích thời bà con có thể lên webiste của National Foundation of Credit Councelling để tham khảo: Housinghelpnow.org. Trên đó, mình còn có thể tìm ra những văn phòng địa phương của họ gần nơi bà con cư ngụ để tới hỏi ý kiến cho rõ ràng.

Các công ty tài trợ địa ốc mà thực tâm muốn giúp khách hàng thì cũng nên chú ý tới vấn đề này và quảng cáo cho dân chúng rõ những chương trình cứu giúp của họ. Đấy là cách hay nhất để giữ thân chủ cho lâu dài và điều đó có lợi hơn là chờ đợi kéo nhà của người ta! Shadenfreude là một tánh xấu. Và cực bất lợi trong kinh doanh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.