Hôm nay,  

Tâm Tình Mùa Bầu Cử 2010

04/11/201000:00:00(Xem: 7345)

Tâm Tình Mùa Bầu Cử 2010

Khi bài báo này đến tay quí độc giả, các công dân Mỹ đã hoặc đang chuẩn bị đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử Nov 2 2010. Mùa bầu cử kỳ này diễn ra giữa lúc nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu đi lên trở lại sau ba năm suy thoái nặng nề, tỉ lệ thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi. Ở Việt Nam, sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở Mỹ dành cho những nỗ lực đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền trong nước, bảo vệ tổ quốc trước hiểm họa Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu nào khả quan. Những nỗi ưu tư này của cộng đồng chúng ta chắc hẳn sẽ thể hiện phần nào qua sự lựa chọn các vị trí dân cử.
Phóng viên Việt Báo đã làm một cuộc phỏng vấn nhanh với một số cử tri gốc Việt ở trong khu vực Little Saigon (được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên), để nghe họ nói về một vài suy nghĩ riêng của mình trong mùa bầu cử 2010…
Anh Minh- chủ doanh nghiệp nhỏ:
Anh là người có khuynh hướng Cộng Hòa, nhưng anh đi bầu như một cử tri tự do. Thấy ai “coi được” là bầu cho người đó. Mà thế nào là “coi được”, thì anh lại dựa nhiều vào cảm tính, mặc dù anh là người có chính kiến rõ ràng. Chính vì thế mà anh tin rằng giới truyền thông ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử. Rất nhiều cử tri đi bầu dựa trên những kiến thức về ứng cử viên mình thu thập được chỉ qua báo chí, truyền hình ngay trước thời gian bầu cử. Kết quả bầu cử hoàn toàn còn có thể đảo ngược so với những thăm dò trước đó bởi những cử tri chỉ quyết định vào giờ chót.Những ứng cử viên ở Mỹ vì thế thường phải biết cách sử dụng phương tiện truyền thông cho hiệu quả. Mà truyền thông cũng chính là tiền bạc. Còn cử tri thì phải biết cách gạn lọc thông tin trước một rừng thông tin để biết thông tin nào là xác thực. Sống ở xứ tự do thông tin cũng có cái khó, nếu không tỉnh táo lựa chọn thì mình cũng bị… mù như ở xứ sở bị bưng bít thông tin như ở Việt Nam vậy!
Anh tin là lá phiếu của mình có trọng lượng thực sự, có ảnh hưởng đến đời sống của mình sau khi bầu cử. Nói xa xôi đến liên bang thì khó, chứ nói đến những vị trí dân cử cho địa phương, thành phố thì sẽ dễ hình dung hơn. Chỉ cần một nghị viên thành phố là người của cộng đồng mình, một chính sách có lợi cho các chủ tiệm, cho cộng đồng mình đang cư ngụ ở thành phố đó có thể được thông qua.
Anh Bình – kỹ sư ngành hàng không:
Anh là một người ủng hộ Cộng Hòa, nhưng đi bầu thì không nhất thiết chỉ bầu cho Cộng Hòa. Thí dụ kỳ này anh sẽ bỏ phiếu cho hầu hết các ứng cử viên Cộng Hòa, riêng  vị trí Dân Biểu Liên Bang anh sẽ bỏ cho bà Sanchez thay vì ông Trần Thái Văn. Lý do là bà này làm được nhiều việc cho cộng đồng trong 14 năm qua. Còn chuyện đối phó với chính quyền CSVN, dù cả hai đều chống cộng như nhau, anh nghĩ là một người Mỹ trắng như bà Sanchez sẽ có “trọng lượng” hơn đối với CSVN so với người Mỹ gốc Việt như ông Văn. Anh khá bi quan về tình hình Việt Nam, khi mà CSVN đã thủ tiêu tinh thần yêu nước trong hầu hết người dân Việt, thay vào đó người dân chỉ còn tin vào lý tưởng kiếm tiền và hưởng thụ. Nếu chính quyền Mỹ có tác động hỗ trợ các lực lượng dân chủ, buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi ngay bây giờ, thì có lẽ phải vài ba thế hệ nữa mới hy vọng thấy đất nước mình khá lên.


Anh cho rằng những kỳ bầu cử giữa kỳ như năm nay là quan trọng, và kết quả của nó mình có thể thấy được ngay tại địa phương. Kỳ bầu cử thổng thống Mỹ coi lớn lao vậy, nhưng tác động của cử tri khó mà thấy được. Bởi vì nền kinh tế chính trị của nước Mỹ bị chi phối bởi những thế lực vô hình có quyền lực vô song. Chuyện Mỹ có tham gia một cuộc chiến hay không, có nên cân bằng cán cân công nợ quốc tế hay không… chắc không phải do tiếng nói của người dân rồi!
Bác M., hưu trí:
Năm nay bác đã lớn tuổi, nên không tự lái xe được, nên phải bầu phiến diện. Bác là người ủng hộ Cộng Hòa, nhưng đi bầu thì vẫn cân nhắc tùy ứng viên. Như trường hợp vị trí dân biểu liên bang, bác bỏ phiếu cho ông Trần Thái Văn. Nếu đứng ở góc độ có lợi cho nước Mỹ, thì bà Sanchez làm sẽ tốt hơn. Nhưng nếu đứng ở góc độ có lợi cho công việc đấu tranh cho tổ quốc Việt Nam, ông Văn sẽ làm tốt hơn. Một người gốc Việt dù sao cũng hiểu CSVN hơn, có những đồng cảm với người trong nước và với cộng đồng hơn, nên sẽ thường xuyên dành nhiều tâm huyết cho Việt Nam hơn, do đó sẽ bền bỉ hơn trong các nỗ lực đòi hỏi các chính sách đối đầu với CSVN.
Theo bác, khuynh hướng chung của người dân Mỹ trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ là bỏ phiếu cho đảng đối lập với tổng thống đương nhiệm. Một phần vì người dân thường ít khi hài lòng với hiện tại, nên thường không hài lòng với chính phủ đương nhiệm. Một phần vì họ muốn giảm bớt quyền lực của đảng đương quyền. Mùa bầu cử năm nay, nhiều người bất mãn với ông Obama khi thấy hai năm qua rồi mà nền kinh tế Mỹ còn bết bát quá.
Chị Hương – bác sỹ:
Hai năm trước chị đã bỏ phiếu cho ông Obama, nay chị tiếp tục bỏ phiếu cho Dân Chủ. Chị nghĩ rằng ông Obama cần có đủ sự hỗ trợ để tiếp tục những cải cách trong hai năm tới. Hai năm vừa qua là quá ngắn để có thể phục hồi được nền kinh tế Mỹ đã bị khủng hoảng toàn diện. Người Mỹ thường hay nói đến hai chữ “long term”, nhưng đôi khi hành xử theo kiểu “mì ăn liền”! Uống thuốc chữa bệnh nan y mà chỉ muốn có hiệu quả tức thì, bất kể đến tác dụng phụ. Nền kinh tế suy thoái nặng những lại muốn phục hồi trong hai năm. Vậy làm sao mà “long term” được! Hai năm tới, nếu phe Cộng Hòa thắng thế trong quốc hội, họ sẽ cản trở làm cho những kế hoạch dài hạn của ông Obama  khó mà thực hiện được. Mà hai năm thì cũng không giúp cho Cộng Hòa làm được điều gì mới mẻ. Có nghĩa là thay đổi lúc này thì 02 năm tới coi như vứt đi. Thôi thì hay nhất là để cho Dân Chủ tiếp tục kế hoạch của mình trong 02 năm nữa.
Chị đặc biệt mong muốn chương trình cải tổ y tế của ông Obama đi đến đích. Đã đến lúc nước Mỹ giàu có nhất thế giới cải thiện vị trí thứ 37 của mình trên hành tinh trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân mình. Là bác sĩ, chị là thành phần có thể bị thiệt thòi quyền lợi trong cuộc cải tổ. Nhưng đây là điều có lợi cho đa số người dân Mỹ, đặc biệt cho cộng đồng người Việt chúng ta, cho nên chị ủng hộ tối đa.
Nancy- sinh viên đại học:
Mẹ em ủng hộ Dân Chủ, ba em ủng hộ Cộng Hòa, còn em thì ủng hộ Dân Chủ. Là sinh viên, em chưa quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị. Tuy nhiên, những chính sách của Đảng Dân Chủ xem ra gần gũi với giới trẻ, dễ đồng cảm với em hơn so với Đảng Cộng Hòa. Do đó, em sẽ bầu cho phe Dân Chủ trong lần đi bầu đầu tiên của mình. Em cũng nghĩ là kỳ bầu cử giữa kỳ này có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng, đến địa phương của mình nhiều hơn là kỳ bầu cử tổng thống.
 Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.