Hôm nay,  

Bốn Mươi Năm Nhớ Lại Một Phiên Toà: Vụ Án ‘đảng Nhân Dân Cách Mạng’ Ở Hải Phòng

28/09/200800:00:00(Xem: 13357)

Cũng là vì nước vì dân

Cũng là phải chịu muôn phần gian lao

Những tù rày ước, mai ao

Bốn mươi năm ấy biết bao thác ghềnh...

12/ 9/ 1967- 12/ 9/ 2007. Vâng! Bốn mươi năm thác ghềnh thật và cũng bốn mươi năm rồi đấy nhỉ, thực là.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

(Nợ nước chưa xong đầu đã bạc)

Đây là một phiên toà xử vụ án Đảng Nhân Dân Cách Mạng của toà án thành phố Hải Phòng.

Tuy đã bốn mươi năm  song  trí nhớ của tôi vẫn còn minh mẫn để nhớ lại một cách chính xác về toàn bộ diễn biến của phiên toà ngày ấy và hôm nay tôi viết ra đây hoàn toàn là sự thật, không có một điều gì thêm bớt hoặc cường điệu hoá. Bởi vì còn biên bản phiên toà (tôi kháng cáo bản án) vì vậy hồ sơ còn lưu giữ tại Pháp viện tối cao, hơn nữa trong bài này tôi chỉ nêu lên tranh luận một số điểm cơ bản của phiên toà. Còn tất nhiên vụ án như trên có nhiều tình tiết như toà hỏi về mục đích tôn chỉ, điều lệ cương lĩnh cờ đảng, sự hoạt  động, các cuộc họp có liên quan đến người này, người khác. Song với khuôn khổ có hạn không thể kể hết được.Thời kỳ ấy tôi dám đưa ra các quan điểm của mình tranh luận trước toà  đã là ghê gớm lắm rồi, chứ không như ngày nay có tiến bộ rất nhiều và việc làm của tôi cũng là chuyện tày đình, song bây giờ kể ra đây cũng là để ghi lại chuyện cũ.

Tôi bị bắt tối ngày 14/01/1966, tức là ngày 23 tháng chạp (tháng 12) âm lịch ngày Táo quân  chầu trời năm 1965 tại xã Năm Mẫu (trụ sở của liên đoàn Địa Chất II- Uông Bí - Quảng Ninh) giải  về Hải Phòng lúc 12 h đêm ngày 14 tháng giêng năm 1966, giam tại trại giam 175 Trần Phú,  nay là Nguyễn Đức Cảnh- Hải Phòng

Ngày hôm sau tôi nhận lệnh tạm giam 4 tháng với tội danh "tổ chức đảng phái phản động", hết 4 tháng tôi nhận tiếp lệnh thứ 2, và về sau là không có lệnh nữa. Sau  hơn 20 tháng giam giữ ngày 28 tháng 8 năm 1967 tôi nhận được bản cáo trạng cùng giấy báo ra toà  vào ngày 05 tháng 9 năm 1967. Đến ngày 05 tháng 9 Toà báo hoãn, trong thời gian hoãn tôi đã xin giấy và bút mực viết bản bào chữa dài 6 trang vở học sinh để tự bào chữa cho mình.

Sáng ngày 12 tháng 9 năm 1967 cửa phòng giam mở, quản giáo gọi tôi đi Toà, tôi  vội mặc quần áo theo quản giáo ra phòng thường trực,  ở đây tôi đã thấy các đảng viên của tôi mặc áo quần tù sọc đen trắng đứng đầy cả. Đến lượt tôi, trực ban công an là Nguyễn Văn Tô khi khám người tôi có thu giữ bản bào chữa, tôi nói là: "không có luật sư nào dám bào chữa cho tôi thì tôi phải tự bào chữa lấy chứ", nhưng trực ban nhất định không nghe và đem  quẳng vào  sọt rác. Về sau tôi được biết ông thiếu uý Nhiễu (công an) nhặt ở sọt rác ra xem có phàn nàn rằng: bản bào chữa của người ta như thế này  mà  đem vứt đi thật là phí. Bởi vì trình độ của ông Nhiễu là 10/10 và trung sỹ Tô chỉ có lớp 3. Đến phần mặc quần áo tôi nhất định không mặc quần áo tù đen trắng vì tôi cho rằng tôi  chưa có tội (nếu ngày đó mà còn có bức  ảnh ở toà thì thấy tôi  mặc chiếc áo sơ mi, quần âu) sau đó chúng tôi bị khoá tay và đẩy lên xe ô tô bịt kín.

Nơi xử chúng tôi chính là trụ sở của Toà án Hải Phòng, nằm ở số 41 Trần Phú. Toà án này trước đây là của thực dân Pháp để lại với kiểu kiến trúc mái bát úp tường nửa mộc, nửa chính trông rất đẹp. Khi chúng tôi đến  thì Toà đã đông nghịt người. Cảnh sát  áp giải chúng tôi vào phòng cách ly mở khoá tay sau đó dẫn ra các ghế ngồi  dành cho bị cáo, kể cả khi ra trước vành móng ngựa cũng không bị khoá tay như bây giờ. Tôi nhìn xuống thì tất cả các hàng ghế dành cho các đại biểu đã ngồi hết còn nhân dân thì đứng hết vòng ngoài.

Phiên toà đại hình nhưng không có loa  phóng thanh, không có luật sư, không có phóng viên báo chí hoặc thông tin đại chúng nào hết.

8h kém 15', Toà rung chuông tất cả các quan toà, thư ký hội thẩm uỷ viên công tố, lục  tục  kéo ra và ai ngồi vào vị trí người đó. Đúng 8h  phiên toà khai mạc, Chánh án nhắc mọi người đứng dậy và công bố giới thiệu phiên toà với các thành phần.

1. Đoàn Như Khuê - Phó chánh án Hải Phòng ngồi  ghế Chánh án

2. Lê Xuân Phùng- Bí thư thành uỷ Đảng Xã Hội- Giám đốc Sở giáo dục Hải Phòng ngồi ghế Hội thẩm (vì trước tôi là giáo viên)

3. Nguyễn Anh Đề- Bí thư thành đoàn thanh niên lao động Việt Nam, ngồi ghế Hội thẩm (vì tôi còn là thanh niên)

4. Thư ký phiên toà (tôi không nhớ tên)

5. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố Nhà nước - Cử nhân luật Lại Vũ Phùng- Phó viện trưởng viện kiểm sát Hải Phòng.

Sau phần thủ tục, các cử toạ  ngồi xuống và lần lượt từng bị cáo một được gọi ra trước vành móng ngựa . Tôi được gọi ra đầu tiên và các đảng viên của tôi lần lượt ra đứng hai bên  và đằng sau tôi Chánh án đề nghị viện kiểm sát đọc cáo trạng truy tố tôi và các Đảng viên với tội danh "Tổ chức đảng phái phản động" danh nghĩa "Đảng nhân dân cách mạng".

Mở đầu cáo trạng viết: Nguyễn Văn Tính là một thanh niên sống trong gia đình nghèo, Tính tự học đến  lớp 10/10 và thi đỗ. Đọc đến đoạn này các cử toạ đều xôn xao cả lên, họ xì xào ca ngợi.

Tiếp theo là nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Nguyễn Văn Tính đã sáng lập ra Đảng nhân dân cách mạng với tuyên ngôn, cương lĩnh điều lệ và cờ đảng, sau đó Tính đi tuyên truyền vận động Nguyễn Văn Đồn, Nguyễn  Văn Sử, Nguyễn Văn Vinh ở xã Đông Phương, và Phạm Văn Trà  ở xã Đại Hợp, đều thuộc huyện Kiến Thuỵ, và thành lập Đảng ở nhà Nguyễn Văn Sử  ngày 1/9/1964. Sau đó đến Lương Văn Tình , Phạm Văn Quang ở xã  Đại Đồng, Nguyễn Văn Phong, Phạm Văn Dấu  ở xã Đông Phương với mục đích đánh đổ chế độ Miền Bắc đi theo con đường xã hội dân chủ mô hình như Tito, tổng thống Nam Tư lúc đó.

Cách thực hiện là: Tuyên truyền vận động quần chúng để gây cơ sở  thành lập chi bộ ở các nơi, tổ chức bí mật cho vững chắc, chờ khi nhân dân giác ngộ thời cơ chín mùi sẽ khởi nghĩa, xã nào cướp chính quyền xã đó, huỵên nào cướp chính quyền huyện đó. Sau đó dùng lực lượng quần chúng nhân dân nhất tề kéo về thành phố Hải Phòng bao vây sở  Công an, bao vây doanh trại quân đội, chiếm  đài phát thanh, kêu gọi hạm đội 7 của Mỹ vào cảng Hải Phòng (vì hạm đội 7 của Mỹ cách bờ biển Đồ Sơn có 50  hải lý) để nhận viện trợ vũ khí, lương thực v.v... tiến tới thành lập Mặt trận  dân tộc giải phóng  miền Bắc...

Cáo trạng đọc xong thì các đảng viên của tôi trở về ghế ngồi, còn tôi đứng lại để toà thẩm vấn.

Chánh án hỏi lý lịch:

- Anh Tính, anh cho biết anh họ gì, tên gì"

- Trả lời: Thưa toà, tôi họ Nguyễn, còn tên thì toà vừa gọi.

- Hỏi: Anh sinh quán và trú quán"

- Trả lời: Thôn Đại Trà, xã Đông Phương huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Trú quán Liên đoàn địa chất II, Uông Bí, Quảng Ninh.

Hỏi: Anh bao nhiêu  tuổi"

Trả lời:  sinh năm 1942 đến nay vừa tròn 25 tuổi.

Hỏi: Ngày anh thành lập đảng anh bao nhiêu tuổi"

Trả lời: tôi 22 tuổi (01 tháng 9 năm 1964)

Hỏi: Cha anh tên gì"

Trả lời: Nguyễn Văn...

Hỏi: Mẹ "

Trả lời: Hoàng Thị....

Hỏi: Cha mẹ anh còn sống hay chết "

Trả lời: Tôi không biết

Phiên toà lúc này tình hình đã thấy hơi  căng song chánh án vẫn nhã nhặn:

Cha mẹ anh mà anh lại không biết  còn sống hay chết"

Trả lời: Khi còn ở ngoài xã hội thì cha mẹ tôi còn sống, gần hai năm nay tôi ở trong trại giam không nhận được  một tin tức gì về cha mẹ tôi cho  nên tôi không biết cha mẹ tôi còn sống hay chết (gần hai năm mà tôi bị cắt tiếp tế tới 18 tháng, không nhận được một cái gì)

Thẩm vấn lý lịch xong Chánh án hỏi: Anh Tính, anh cho biết động cơ nào anh làm chính trị

Trước vành móng ngựa tôi hai tay chắp sau lưng đầu ngẩng cao dõng dạc tuyên bố: Xuất phát từ nhân dân đói khổ tôi làm chính trị.

Lời lẽ tôi đanh thép khiến hội trường như vỡ tung ra, nhân dân đẩy ngã cả cảnh sát  bảo vệ để xô vào xem mặt tôi. Tôi còn nghe thấy ai đó nói: Xứng đáng là đầu vụ như thế mới là thủ lĩnh chứ.

Chánh án phải kêu gọi trật tự. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố Nhà nước sững người lại, và sau một phút trấn tĩnh, cử nhân luật Lại Vũ Phùng đứng dậy bỏ cặp kính trắng xuống, ông Phùng nói:

Thưa toà án và các vị đại biểu. Hôm  nay toà án nhân dân thành phố Hải Phòng mở  phiên toà xét xử công khai Nguyễn Văn Tính và đồng bọn, nếu vào thành phần khác, giai cấp khác, chúng tôi sẽ rút ngắn phiên toà song thành phần này chúng tôi sẽ kéo dài , ngày hôm nay không  xong thì ngày mai tiếp, ngày mai không xong thì ngày kia. Mục đích nhằm đánh đổ toàn bộ quan điểm  và lý luận  của Tính trước toà án này. Không những làm cho Tính thấy mà còn cho các đại biểu ngồi  dưới kia thấy được đường lối của  Đảng và Nhà nước trong bước đường tiến lên CNXH vậy toà cho phép bị cáo cứ cãi.

Phần tranh cãi.

Về dân cày (nông dân)

Tôi cho rằng phải giải tán ngay hợp tác xã nông nghiệp  trả lại ruộng đất cho nông dân như trước năm 1960 để dẫn chứng, tôi hỏi Toà: Người nông dân ăn mấy bữa" Toà không trả lời.

Tôi nói: phải ăn ba bữa. Thực tế là sáng ra đồng cuốc ruộng ngừơi nông dân phải ăn thật no kèm theo mo cơm nắm cùng con cá khô hoặc muối vừng và tích nước. Cuốc đến 11h 30' người nông dân lên bờ ăn cơm nghỉ đến 1h cuốc tiếp. Về nhà ăn bữa cơm cuối ngày. Thử hỏi ba bữa cơm đó mất bao nhiêu gạo" Phải mất 1kg thế  mà hợp tác xã nông nghiệp chỉ cho ăn 10 đến 12 ký thóc 1 tháng, người nông dân sống thế nào"! Ta làm con tính từ thóc ra gạo là 70%, vậy một tháng 1 người chỉ được ăn từ 7  đến 9 kg gạo như thế chỉ có hai bữa cháo chứ không có cơm , hơn nữa cấm chợ ngăn sông  không cho buôn bán một thứ gì, Toà không nhìn thấy dân ư, khắp các chợ búa chốn nông thôn đói lắm, người nào người ấy xanh xao ốm yếu.

Phần này Toà và viện Kiểm sát ngồi yên, sau này ông cụ Vè bố anh Vinh , đảng viên của tôi có nói khi tôi ra tù: ông cãi như máy quan Toà cứng họng không trả lời được. Một nhân chứng nữa  là vợ anh  Nguyễn Văn Đồn, hiện nay còn  sống. Khi tôi ra tù anh Đồn vẫn chưa được tha, tôi có đến thăm, chị nói: trước đây cũng giận chú lắm, vì chú đưa chồng tôi vào vòng tù tội, nhưng khi nghe chú cải ở phiên toà thì tôi hiểu được việc của chồng tôi và chú làm.

Về tự do dân chủ và nhân quyền.

Tôi nói: Việt Nam dân chủ cộng hoà - độc lập tự do hạnh phúc, các chữ ấy đều ở chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ở miền Bắc nước ta có độc lập nhưng không có tự do , mà không có tự do thì làm gì có hạnh phúc"

Tôi đang định dẫn chứng để chứng minh thì đại diện viện kiểm  sát ngắt lời, ông Phùng nói: thưa toà án và các vị đại biểu, Tính nói đúng, có độc lập thì mới có tự do, có tự do thì mới có hạnh phúc, song tự do của nhân dân ta ngày nay là tự do có tổ chức, tự do yêu nước chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ chứ không có kiểu tự do như của anh ta: tự do đĩ điếm, tự do nói bừa, tự do nghiện hút, tự do vô tổ chức để dẫn đến lật đổ chính quyền mà chúng ta đã đổ bao xương máu để bảo vệ nó. Chúng ta không thể chấp nhận cái kiểu tự do tư sản như tên Tính  nghĩ được...

Về mục tiêu xoá bỏ mậu dịch quốc doanh , xoá đi bế quan toả cảng

Tôi cho rằng phải cho dân mở rộng thị trường buôn bán,  mở rộng thương cảng với các nước thì ta mới tạo  nên sự cạnh tranh và đem về lợi  cho ngân sách. Tôi nói: miền Bắc hiện nay là sống nhờ viện trợ của  nước ngoài, chứ nếu không có viện trợ ấy thì  nhân dân điêu đứng đến đâu" Phần này Toà không cho nói tiếp.

Xoá nhòa giai cấp để đi đến cho Nhà nước toàn dân.

Tôi cho rằng hiện nay không còn đấu tranh giai cấp nữa mà phải sử  dụng tất cả những tài năng để xây dựng đất nước đưa xã hội tiến lên, các cơ quan Nhà nước phải có tầng lớp trí thức nắm quyền chứ không còn phân biệt giai  cấp nào được nắm quyền, vì vậy phải là một nhà nước toàn dân (điều đó đúng với những quan điểm của các nhà hoạt động dân chủ sau này)

Đại diện viện kiểm sát ông Lại Vũ Phùng nói: Chúng ta xây dựng một chính quyền vô sản thì chúng ta  phải luôn  luôn đấu tránh giai cấp chứ  chúng ta không được thủ tiêu nó, nếu thủ tiêu đấu tranh giai cấp là chúng ta buông lỏng chuyên chính vô sản, và càng không thể như kiểu Tính nói để rồi bọn phản động lăm le ngóc đầu dậy, bọn địa chủ tư sản chúng lại có cơ hoành hành. Vậy chúng ta không bao giờ buông lỏng đấu tranh giai cấp mà luận điểm của Tính là luận điểm của bọn Xét lại, muốn thủ tiêu Chủ nghĩa xã hội, thành lập theo kiểu của chúng.

Tôi định tranh luận nhưng toà không cho phép.

Về tội bán nước

Cáo trạng viện  kiểm sát buộc tội tôi là: Sau khi cướp chính quyền Hải Phòng , Tính kêu gọi hạm đội 7 của Mỹ vào cảng Hải Phòng để nhận viện trợ.

Tôi cho rằng: đã từng là giáo viên đứng trên bục giảng về 4.000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam chống xâm lược thì không bao giờ rước voi dầy mả tổ, nhưng bước đường đi nó phải là như thế. Dù luật hình của các  ông có xử bắn tôi đi chăng nữa thì trước sau tôi cũng không nhận làm tay sai cho xâm lược, tôi thử hỏi các ngài quan Toà rằng: Nếu sau khi tôi thành công việc cướp chính quyền, đầu tiên tôi phải có vũ khí, tiền bạc, lương thực v.v... Vậy tôi lấy  ở đâu, tôi đi ký với Liên Xô, với Trung Quốc, bạn của các ông hay sao" Rõ ràng tôi phải đi tìm Hoa Kỳ để nhận viện trợ và sự hỗ trợ của họ. Lênin còn cắt ba tỉnh miền Đông nhường cho Đức, chủ tịch Hồ Chí Minh còn ký cho Pháp  vào Đông Dương, đấy có phải là những hành động bán nước" Còn chúng tôi chỉ có nhận viện trợ của Hoa Kỳ chứ chúng tôi có cho quân đội Hoa Kỳ vào đâu.

Đại diện viện kiểm sát:

Anh Tính! Anh hãy quay mặt lại cho các đại biểu ngồi dưới kia thấy cái mặt non choẹt, búng ra sữa của anh mà dám làm cái việc tày đình, âm mưu lật đổ chính quyền  dân chủ nhân dân, và còn dâng chế độ ta cho Mỹ. Anh Tính, anh còn ngây thơ về chính trị lắm, không bao giờ một con cáo già như đế quốc Mỹ cho anh viện trợ mà  lại không đẩy anh đi vào quỹ đạo của cái gậy và củ cà rốt. Anh nói anh chỉ nhận viên trợ của Mỹ chứ không cho Mỹ vào, thực chất là che đậy âm mưu bán nước của anh mà Mỹ biến anh thành tay sai như Ngô Đình Diệm mà thôi.

Sau một ngày thẩm vấn, cũng lạ thay cho sức khoẻ của tôi, vì tôi ra Toà chỉ còn bộ xương, trong nhà tù tôi đã tuyệt thực, nhịn ăn ba ngày để phản đối. Có ghi trong cáo trạng: hơn 20  tháng giam giữ tôi bị cắt tiếp tế tới 18 tháng liên tục phải ăn cơm bi, nằm xà lim  với 3  lạng gạo mục một ngày.

Mỗi bữa cơm nắm lại, tròn như viên bi vì vậy tù nhân gọi là cơm bi, thức ăn chỉ có vài chục ngọn rau muống già nấu  muối, cơ  thể tôi suy nhược, song điều gì đã làm cho tôi đứng vứng suốt một ngày thẩm vấn tranh luận người tôi cứ nóng ran như có sinh  khí vô hình nào  đó.

Sáng hôm sau 13 tháng 9 năm 1967, buổi sáng Toà thẩm vấn các đảng viên của tôi, buổi chiều đại diện viện kiểm sát đọc bản  luận tội và đề nghị án

Kết tội

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố Nhà nước, cử nhân luật  Lại Vũ Phùng nói : Thưa Toà án và các vị đại biểu, tất cả những điểm thẩm vấn trước Toà từ hôm qua đến hôm  nay với bị cáo Nguyễn Văn Tính cùng đồng bọn không phải thực tế xã hội ngày  nay,  là không có những điều  Tính và đồng bọn nêu ra: Nào là HTX nông nghiệp, nào là mậu dịch quốc doanh phải xếp hàng rồng rắn, nào là chế độ tem phiếu phân phối... nhưng trên bước đường tiến lên chủ nghĩa xã hội nhất định phải gian nan vì vậy chúng ta phải thắt lưng buộc bụng để rồi "tam niên khổ ải, vạn đại  hạnh phúc", hơn nữa chúng ta  đang  dốc toàn lực vào công cuộc giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước, vì vậy ngày nay chúng ta còn gặp nhiều khó  khăn, những khó khăn đó không phải chỉ có Nguyễn Văn Tính  đã đề cập đến, nhân dân ta kể cả cán bộ đảng viên cũng có kêu ca phàn nàn khó chịu, đó là  mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà Nguyễn Văn Tính đứng đây cùng đồng bọn đều xuất thân từ thành phần giai cấp, nhưng Nguyễn Văn Tính đã biến từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trở thành mâu thuẫn địch - ta, và y đã trở thành tên phản cách mạng hết sức nguy  hiểm.

Tội bán nước: 

Ông Lại Vũ Phùng nói: Suốt từ hôm qua cho đến hôm nay Tính vẫn khăng khăng kiên định không nhận tội làm  tay sai bán nước cho xâm lược, xét cho đến cùng đây cũng  không phải là tính chất ngoan cố của Tính. Đại diện viện  kiểm sát  đề nghị xử tội từ 7 đến 8 năm tù giam và phải cho một thời gian quản chế lâu dài với 5 năm mất quyền công dân.

Cuối cùng toà  tuyên án tôi 7 năm, và 5 năm mất quyền công dân, bị quản chế ở địa phương (vì  chưa  có vũ trang). Thực chất án tuyên là thế, song hết án có về hay không mới là quan trọng. Bởi vì tù chính trị ngày ấy cứ khi nào ở ngoài yên mới được về, có người án 3 năm mà ở tới 8 năm như anh Phạm Văn Đồn, anh Nguyễn Văn Đồn  bị 5 năm mà ở tới 8 năm, tôi thuộc diện may là hết án thì cũng vừa đúng Hiệp định Paris về Việt Nam (26/01/1973) nên bị quá án 15 ngày.

Sau phiên toà ngày ấy chỉ để lại trong tâm khảm những đại biểu và nhân dân dự phiên toà, còn công luận  và  thế giới cũng chẳng ai biết đến chúng tôi .

Việc nước xưa nay có bại, thành

Những toan dựng nước cứu muôn dân

Trời chẳng chiều người cũng khó phần

Sóng rộng giang Đông khôn trở gót

Gió to Xích Bích khéo thiêu quân

(Nguyễn Sư Hồi)

Và vào  tháng 10 ngày 10 năm 1967 tôi bị khoá tay đưa ra khỏi trại giam Trần Phú để đẩy lên chiếc xe ôtô đã bịt kín đỗ ngay tại cổng  trại (đường phố Hải Phòng vào buổi chiều ngày đó vắng tanh, không một bóng người vì đang bị máy bay Hoa kỳ bắn phá ác liệt) để đi thụ án trên trại giam TW. Tay bị xích nhưng tôi vẫn giơ cao chúc  các ông Yến, ông Chương, ông Nhiễu , bà Phong, những sỹ quan công an có lòng nhân từ với tù nhân  rồi ứng khẩu đọc mấy câu:

 Nghĩ mình ngoài nhục, trong vinh

Biết bao nhiêu dặm trường đình sẽ đi

Gian lao nào có xá chi

Một lòng một dạ quyết vì nhân dân

Và rồi tôi đã đi gần hết các trại giam ở Miền Bắc: Tân Lập (Phú Thọ), An Thịnh (Tuyên Quang), Vĩnh Quang (Vĩnh Yên), Phong Quang (Lao Cai). Những nhà tù trong thời kỳ ấy là vô cùng khủng khiếp.

Hải Phòng, ngày 05 tháng 9 năm 2007

Nguyễn Văn Tính

tổ 2 , cụm dân cư số 1, phường Lãm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng,

Số ĐT: 0984414479

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.