Bạn,
Theo báo Sài Gòn, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có một vùng trũng ở huyện Hải Lăng, được gọi là "Càng". Khi mưa to, gió lớn đổ về, cả vùng Càng bị chìm sâu trong nước; người già, trẻ nhỏ nháo nhào chạy lũ, trai tráng "đu bám" với lũ để hành nghề đánh cá mưu sinh...
Hơn 1 tháng qua, người dân ở khu vực này, vốn đã nghèo lại càng cơ cực hơn khi phải gánh 5 cơn bão và đại hồng thủy xảy ra liên tiếp. Báo SGGP ghi nhận tình cảnh khốn khổ của cư dân vùng Càng qua đoạn ký sự như sau.
Theo Ủy ban xã Hải Thọ, vùng Càng là tên gọi chung cho 7 thôn, nằm ở đôi bờ dòng Ô Giang, là vùng đất trũng thấp hơn mắt nước biển 0.7m. Vùng Càng mùa này như ốc đảo nằm lênh đênh giữa biển nước, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Lũ đổ về làm nước sông Ô Giang đục ngầu, không uống được; hàng ngàn con người buộc phải bơi thuyền đi gần 10km vào trung tâm xã mới mua được nước sạch về dùng.
Không riêng gì Càng Cây Da, 6 Càng còn lại cũng có chung cùng cảnh ngộ. Theo tài liệu thống kê từ Trung tâm y tế Hải Lăng, hơn 80% phụ nữ vùng Càng mắc bệnh phụ khoa, trẻ em thị bị bệnh ghẻ lở... do ngâm mình lâu trong dòng nước bạc. Chuyện ăn ở đi lại đã khó khăn, chuyện học hành của con nhỏ lại càng gian truân. Đường đến trường thì lầy lội đất bùn, lớp học tuềnh toàng, đã thế còn thiếu lớp học.
"Vùng Càng hiện có 8 lớp học ghép với 120 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 3, lớp 4 lớp 5 ngồi chung một lớp. Con chữ đến được với học sinh vùng Càng cũng bấp bênh, đến bây giờ ở Càng chưa có em nào vào đại học, cao đẳng, số vào được cấp 3 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay...", một viên chức phòng giáo dục Hải Lăng cho biết.
Tại vùng Càng, phóng viên chứng kiến ở xa xa, giữa dòng nước lũ, có nhiều đôi vợ chồng đang tẩn mẩn buông lưới, thấp thỏm ngồi chênh vênh trên chiếc thuyền trong màn mưa bạc xám. "Vùng Càng năm nào cũng xảy ra cảnh thương tâm, vợ mất chồng, con mất bố, mẹ già lại mất con... Nhưng biết làm sao được! Nghề cá mùa nước bạc đúng là có bạc, nhưng mà bạc lắm!", một viên chức xã Hải Thọ than thở.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, mùa mưa lũ, hay còn gọi là mùa nước bạc, đổ về vào đầu tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 hàng năm. Ở các địa phương khác, lũ về rồi rút nhanh, nhưng vùng Càng thì ngập sâu kéo dài. Ruộng đồng mênh mông là nước, hàng ngàn con người đội mưa, gió lớn bơi thuyền đi thả lưới bắt cá, bắt tôm thấp thỏm lo âu, vui buồn bám sống chung qua mùa lũ.