Hôm nay,  

Làng Cổ Dưới Chân Núi

13/07/200600:00:00(Xem: 1744)

Bạn,

Theo báo quốc nội, tại miền Trung, dưới chân núi Dâu thuộc xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi có một ngôi làng cổ mang tên Thiên Xuân. Đây được xem là ngôi làng cổ nhất hiện nay vừa được các nhà khảo cổ học tìm thấy. Thượng tuần tháng 7 vừa qua, một nhóm khảo cổ của tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đo đạc và khảo cứu một số hiện vật trong ngôi làng, bước đầu đã có những thông số tin về ngôi làng cổ hiếm hoi  này.

Tổng quát về làng cổ này, báo Bình Định cho biết: chu vi của làng gần 1km vuông, bên ngoài có cổng làng, được đánh dấu qua những bậc tam cấp bằng đá còn sót lại, đường vào làng được trồng chè tàu, vẫn còn khá nhiều. Bên trong ngôi làng hiện vẫn còn các ô được chia nhỏ vuông vắn, có thể đây là khuôn viên của từng gia đình với diện tích 200 mét vuông/nhà, được phân định bằng những kè đá, sắp xếp khá ngay ngắn. Rất nhiều loại cây vườn vẫn còn nguyên như khế, mít, dây trầu, đặc biệt là lá lốt rất nhiều. Trong làng hiện vẫn còn một giếng nước, thành giếng được xây bằng đá. Toàn bộ ngôi làng này được vây bọc bởi một hệ thống thành (không có hào) bằng đá rất vững chãi. Quan sát kỹ, nhóm khảo cổ không phát hiện ra bất cứ một loại vôi vữa nào gắn kết giữa các tảng đá mà người ta chỉ chồng đá lên nhau, móc xích mấu của các tảng đá lại, tạo thành một khối rất vững chắc.

Báo Bình Định mô tả rằng bên ngoài thành, dưới chân núi Dâu, còn sót lại dấu vết của một đền thờ, dân ở đây gọi là "dinh Bà", còn theo một nhà khảo cổ thì đó là nơi thờ thần núi-một tập quán của người Việt cổ ở khu vực miền Trung, nhất là những làng ở gần núi cao như làng Thiên Xuân này. Ngôi miếu chỉ còn sót lại phần nền và một tảng đá, rộng khoảng 1 mét vuông, được mài nhẵn phần mặt, dùng làm nơi đặt lễ vật mỗi khi làng cúng tế. Làng dựa vào núi Dâu, nơi bắt nguồn vô số những khe suối. Hiện các dòng suối này đều cạn nước, song dấu vết về sự can thiệp của bàn tay dân làng thì rất rõ. Đường từ làng dẫn lên suối trên 1 km được kè bằng đá rất công phu. Hiện vẫn chưa xác định một cách chắc chắn về tuổi thọ của làng vì các nhà khảo cổ còn phải tiến hành đào thám sát để tìm hiện vật như các loại gốm thì mới biết. Tuy nhiên, theo một nhà khảo cổ thì ngôi làng có chừng 400-600 năm tuổi, có thể là sự kế thừa từ những chủ nhân người Chăm. Quan sát dọc theo các suối cạn dẫn từ chân núi Dâu về làng thì thấy cả một sự chăm chút rất công phu của bàn tay con người. Lòng các con suối dài hơn 1km này đều được xếp bằng đá cuội rất ngay ngắn và đẹp mắt-một sự kỳ công hiếm thấy ở các làng cổ người Việt. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì chỉ có người Chăm mới có hệ thống dẫn thủy độc đáo như thế, vừa chống xói lở, vừa "lọc" được tạp chất của nước qua lớp đá này.

Bạn,

Cũng theo báo Bình Định, tồn tại hàng trăm năm giữa lưng chừng núi, đột nhiên sau năm 1945, lần lượt những gia đình  dân xuống núi sau một trận dịch lớn. Một cư dân 75 tuổi, dân làng Thiên Xuân chính gốc nói: "Đời ông cố tôi kể rằng lũy làng được xây lâu lắm rồi nhưng mãi đến sau 1945, dân làng mới xuống định cư như ngày nay."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.