Dọc theo những làng biển ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung hay ở các khu bãi biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu, du khách thường chứng kiến những phận người lầm lũi hướng dần ra biển với chiếc cào trên tay. Họ cào nghêu sò để kiếm sống qua ngày. Họ là ngư dân hạng ba. Ngư dân hạng nhất thì có tàu lớn ra xa bờ, hạng hai có tàu nhỏ đánh cá quanh quẩn và hạng thứ ba chỉ có mỗi bàn tay là dân cào. Qua lá thư này, mời bạn nghe câu chuyện về những ngư dân hạng ba tại bãi biển Bình Châu thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu qua đoạn ghi chép sau đây của một phóng viên báo Tuổi Trẻ.
Ở đây dân địa phương nhiều và dân tứ xứ cũng lắm. Tất cả đều giống nhau là ai cũng một tay cầm cái cào răng sát cán gỗ, một tay cầm chiếc mủng kiếm sống qua ngày. Nơi dân cào làm việc thường là những bãi cát sát triền biển có độ nước sâu khoảng 0.5-1 mét. Nước càng trong cát càng trắng thì các loại chang chang càng nhiều. Họ thường xuyên phải di chuyển các lượt cào liên tục rất nhanh chóng làm cạn kiệt tất cả. Một dân cào kể rằng nếu tính chiều dài người cào làm việc cần mẫn thì có lẽ không dưới 20 km/ngày. Một lượt cào chủ kéo dài khoảng 10-20 mét, nhưng mỗi ngày họ thực hiện cả ngàn lượt như vậy. Cào cát khô trên bờ đã mệt, khi xuống nước cào càng nặng hơn. Ngay cả thanh niên khỏe mạnh làm nghề này cũng chỉ duy trì được sự tập trung và sức khỏe trong khoảng 4-5 giờ đầu, về sau công việc hầu như trôi theo quán tính cố sức và đó chính là nguyên nhân của hầu hết tai nạn xảy ra. Riêng người già, phụ nữ và trẻ em hiếm khi cào nổi 8 giờ/ngày dù có cố gắng đến đâu. Nhiều nhà không có việc làm đã kéo cả gia đình ra bãi biển. Trai tráng khỏe mạnh lo việc cào, còn người yếu sức thì nấu cơm, luộc các thứ cào được để bán dạo cho khách.
Báo TT ghi nhận gần đây dân cào càng lúc càng xuất hiện nhiều ở bãi biển. Mỗi người một hoàn cảnh, một con đường dẫn đến bãi biển này, nhưng tất cả đều xoay quanh chuyện nghèo và cũng chính vì nghèo mà cuộc sống hiện tại của đời cào trên các bãi biển đã khó khăn lại càng mong manh, bọt bèo hơn. Một phụ nữ tên là Trần Thị Gái, bị răng cào cứa vào chân, quê tận miệt Cà Mau phiêu dạt lên đây. Ngồi ôm vết thương vẫn còn rỉ máu, chị kể: Cơn bão khủng khiếp hồi năm 1997 dìm chết chồng con. Một mình ở quê không chịu nổi vì cứ ra vô lại nhớ chồng con, nên cuối cùng chị phải dứt áo lên đây. Cái nghề vá lưới thời buổi đi biển lỗ lã lại lắm người làm này không đủ nuôi thân khiến chị phải cầm cào ra bãi những ngày thất nghiệp. Mới hai tháng mà đã ba lần bị răng cào dập vô chân. Hồi trước chị còn thuê nhà ở. Bây giờ chị cắm chòi ở luôn bên bãi biển với bạn cào. Ngày qua ngày cuộc sống của họ cứ âm thầm trôi đi trên bãi biển với cái chòi nilông vuông vức 6 mét vuông với tài sản không cần giữ gìn là hai cái nồi bắc trên mấy cục gạch và vài manh áo cũ.
Bạn,
Cũng theo báo TT, cả một ngày lầm lũi cực nhọc những gia đình ngư dân hạng 3 chỉ lượm lặt được một mớ nghêu sò vặt vãnh đựng trong mấy cái mủng cũ kỷ để bán xôn. Gặp khách du lịch tò mò, họ bán có giá khoảng 2 ngàn đồng đến 3 ngàn đồng/kg. Còn bình thường chỉ 500-1,000 đồng, thậm chí 200-300 đồng cho những người mua về để cho heo ăn. Mỗi ngày người khỏe lắm kiếm được mươi ký, còn phụ nữ, người già, trẻ em yếu sức chỉ 5-7 kg là cùng. Vì nghèo khó, họ phải lang thang kiếm sống, nhưng cố gập lưng suốt ngày ở dọc bờ biển, họ vẫn không thoát ra được khó khăn, đói nghèo.