Hôm nay,  

Ông Bụt Của Trẻ Nghèo

29/11/200300:00:00(Xem: 5121)
Bạn,
Cổ tích thường kể rằng, khi người tốt đứng trước tận cùng bất hạnh thì có ông Bụt xuất hiện để giúp họ vượt qua như một vị cứu tinh. Song, ông Bụt chỉ là giấc mơ, là nỗi khát vọng về sức mạnh và lòng nhân ái của người xưa. Còn những ông già được nhắc đến trong lá thư này đã đưa bao nhiêu trẻ em nghèo cơ nhỡ tại huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn, đến trường để trở thành những cử nhân, những nhà giáo, những kỹ sư là điều có thật. Báo Người Lao Đông ghi nhận về những ông Bụt của trẻ nghèo qua đoạn ký sự như sau.
Cách đây hơn 10 năm, tình cờ trong một quán cóc nằm ven Quốc lộ 1A thuộc xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn, có năm ông già trong khi trà dư tửu hậu đã kết tình bằng hữu chi giao với ước nguyện chung là đi hành hiệp giúp cho trẻ em nghèo thất học. Ban đầu, nhiều người cho rằng đó chỉ là những ý tưởng dở hơi nảy sinh trong sự hưng phấn của những cuộc trà dư tửu hậu. Nhưng không ngờ sau đó nhóm Bằng hữu ra đời và hoạt động xuyên suốt 10 năm qua. Bây giờ thì thành viên của nhóm Bằng hữu đã lên đến con số hàng trăm và họ đã viết nên những trang cổ tích kỳ diệu giữa đời thường.
Phóng viên hỏi chú Trương Văn Quan một trong năm ông Bụt đầu tiên khai sinh ra nhóm và cũng là người đã từng trực tiếp dạy cho trên 100 em học sinh nghèo ở phường An Phú Đông, quận 12 vì sao các chú, các bác lại có một ý tưởng hành hiệp khá lãng mạn này" Chú Quan bảo, bản thân chú đã từng trải qua bao thăng trầm cuộc sống, việc học cũng nhiều lần suýt dở dang nên không muốn lớp trẻ bây giờ chỉ vì nghèo mà phải thất học. Trong ký ức của ông Bụt này vẫn còn in đậm những tháng ngày tuổi thơ phải đi phụ bán quán cơm ở đầu con hẻm lầy lội gần nhà tại quận Bình Thạnh sau giờ cắp sách đến trường, lắm bữa nhịn ăn, bụng đói meo đến lớp vì nhà chẳng còn tiền. Thế hệ mình đã khổ, đừng để tụi trẻ bây giờ phải khổ như mình, chú Quan tâm sự như vậy.

Năm ông Bụt là năm cảnh đời, năm công việc mưu sinh thường nhật khác nhau nhưng đều có chung một quá khứ như nhau, đó là những tháng ngày tuổi trẻ đầy biến động và khát vọng được ăn học đến nơi đến chốn nhưng phải dở dang vì thời cuộc, hoàn cảnh. Họ gặp nhau khi mái tóc đã điểm hoa râm, cuộc sống tương đối ổn định, con cái rưởng thành và cùng đồng cảm, thắp sáng một ước mơ lãng mạn giúp đời.
Bạn,
Báo NLĐ viết tiếp: phần lớn trẻ ban ngày đều phải đi hái hoa lài thuê, mò cua bắt ốc, bán vé số, bán báo dạo... Cuộc sống gia đình các em bấp bênh, đứa thiếu cha, đứa thiếu mẹ. Ông Hồng kể: Để tụi nhỏ chịu đến lớp, học hành đàng hoàng không đơn giản đâu, hằng đêm chúng tôi phải tới từng nhà tiếp cận, gần gũi các cháu. Không những đóng vai thầy mà đôi khi mình phải đóng cả vai cha, vai chú để lo cho các cháu.... Người dân ở các phường An Phú Đông, Tân Thới Hiệp còn kể mãi với nhau chuyện những ông già trưa trưa nấu cơm cho mấy đứa trẻ nghèo trong xóm tụ về ăn. Đêm đêm dưới ánh trăng, mấy chục đứa trẻ ngồi quây quần bên các thầy giáo già để nghe kể chuyện cổ tích... Ban đầu nhiều người cho là chuyện lạ, có kẻ lại bảo mấy ông già làm chuyện... dở hơi. Sau nhiều người hiểu ra, tự nguyện góp gạo giúp các ông Bụt lo bữa ăn cho các em. Vậy là số thành viên nhóm Bằng hữu cứ tăng dần lên cùng số trẻ em nghèo được chăm lo, giúp đỡ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.