Hôm nay,  

Đàn Bầu Của Việt Nam

28/11/199900:00:00(Xem: 6917)
Bạn thân,
Bạn xem truyền hình Hoa Kỳ, có lẽ đã nghe đủ thứ tiếng đàn của thế giới Tây Phương. Hôm nay, tôi muốn mời bạn nghe một bài nghiên cứu về đàn bầu để tin rằng nước mình vẫn có nhiều môn nghệ thuật độc đáo (nói nhỏ: để đừng tự ti). Trích đoạn bài viết như sau, theo báo trong nước.

Đàn bầu ai gẩy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.

Đàn bầu là một nhạc khí dân tộc cổ truyền độc đáo thuộc loại gẩy dây. Cấu trúc đàn bầu đơn giản nhưng âm thanh lại rất phong phú, giầu sức diễn tả nên dân ta rất yêu thích và được thế giới vô cùng khen ngợi.

Một trong những tính chất cơ bản rất đáng quí của đàn bầu là nó có mầu rất đẹp. Với tính chất riêng biệt của mình, đàn bầu có nhiều khả năng thể hiện những bản trữ tình, diễn tấu những bài bản hùng mạnh. Đàn được dùng để đệm cho hát, cho ngâm thơ, tham gia hoà tấu trong nhiều loại dàn nhạc cổ truyền cũng như dàn nhạc mới, một số trường hợp tham gia dàn nhạc nhỏ, hoà cùng với vài ba nhạc khí khác như nguyệt, tỳ, tam, nhị. Đàn bầu có khả năng thu hút và chinh phục thính giả hơn bất cứ nhạc khí dân tộc Việt Nam nào trong vai trò độc tấu của nó.

Đàn bầu có nhiều loại, như đàn bầu xẩm, đàn bầu hộp, đàn máng.
Đàn bầu cổ điển hình hộp dài. Đầu đàn hơi cao và thuôn hẹp hơn cuối đàn. Mặt đàn bằng gỗ ngô đồng hơi phồng lên. Chung quanh thành đàn đều làm bằng gỗ cứng. Đáy kín nhưng có khoét lỗ vuông ở cuối đàn, lấy chỗ mắc dây và thoát âm.

Một trục gỗ xuyên ngang hai bên thành đàn (ở phía cuối thân đàn) để mắc dây và lên dây. Phía đầu đàn, một cọc tre từ trên mặt đàn xuống đến đáy. Cọc tre này gọi là vòi đàn. Đầu vòi đàn nhỏ dần và uốn cong tròn về phía ngoài đầu đàn. Có người vót sừng trâu làm vòi đàn. Trước khi cắm vòi đàn vào mặt đàn, người ta đã cho nó xuyên ngang qua một vỏ quả bầu bằng nửa gáo dừa hoặc tiện bằng gỗ.

Dây đàn bằng kim khí mắc từ trục lên dây, chui qua một lỗ nhỏ ở cuối mặt đàn, kéo chếch lên, buộc vào vòi đàn, chỗ miệng loe của vỏ quả bầu khô.

Que gẩy là một bộ phận quan trọng, tuy nó chỉ là một cái que nhỏ (ngắn và nhỏ hơn chiếc đũa) đầu vót nhọn. Trước đây làm bằng giang, tre. Nay có người nghiên cứu thấy làm bằng song tốt hơn. Nếu que gẩy cứng quá khi gẩy hay bị vấp, mềm hay bị gẫy.

Bầu đàn chỉ có một dây (do đó còn có tên gọi là đàn độc huyền. Độc là một, huyền là dây).


Dây đàn bằng kim khí. Âm thanh phát ra là những âm bội trên dây đó. Nhạc công dùng tay phải cầm que gẩy, que gẩy đặt nằm trong lòng bàn tay với thế hơi chếch so với chiều ngang của dây đàn. Nhạc công gẩy trên dây vào những điểm gọi là điểm gẩy. Điểm gẩy này không quan trọng nên không cần cố định lắm. Điều quan trọng là khi gẩy đồng thời phải chạm nhẹ cạnh bàn tay vào những điểm nhất định trên dây đàn và nhấc tay ra ngay. Tiếng đàn ngân lên và âm đó là âm bội. Những điểm trên dây do chạm cạnh bàn tay vào đã phát ra những âm bội. Gọi là điểm nút. Ở mỗi điểm nút, khi nhạc công gảy có thể phát ra được một âm bội cố định, nhưng nếu nhạc công dùng tay trái uốn vòi đàn thì từ âm bội đó còn phát ra được một số âm cao hoặc thấp khác nữa. Vòi đàn uốn về phía tay phải làm chùng dây, sẽ được một số âm trầm hơn, vòi đàn uốn về phía tay trái làm căng dây sẽ có được một số âm cao hơn âm ở điểm nút.

Mầu âm đàn bầu rất đẹp vì âm thanh phát ra toàn là âm bội. Tiếng đàn lúc mềm mại, ngọt ngào như tiếng ru, lúc thánh thót, dịu dàng, lắng sâu vào tình cảm của con người như tiếng nói của trái tim, lúc trong sáng, bay bổng như thôi thúc,dục dã…

Tiếng đàn ấm, đầy đặn diễn tả tình cảm thương nhớ, trìu mến ở những âm trầm có thể nặng nề, u uất. Thường dùng để thể hiện tình cảm trong sáng vui tươi, chứa chan tin tưởng, có thể thương nhớ nhưng vẫn đầy nghị lực. Ở những âm cao nhất tiếng đàn đanh khô, ít vang diễn tả tình cảm căng thẳng, biểu hiện một tâm trạng đau xót hoặc sự đấu tranh gay gắt.

Có các ngón đàn như ngón vê (hất lên, gảy xuống), tạo âm bội thứ hai mà không cần gẩy, gẩy âm tự nhiên (không cần bội âm). Trong kỹ thuật diễn tấu hoàn toàn chỉ sử dụng âm bội, do đó âm sắc của đàn bầu đặc biệt êm dịu, tinh khiết. Kết hợp với khả năng luyến láy rất mềm mại nói trên, âm thanh đàn bầu vì vậy rất gần với giọng người. Đã có nhiều nghệ nhân đánh đàn bầu bắt chước đủ các loại giọng của người miền Bắc, miền Trung, miền Nam, giọng đàn ông, giọng đàn bà, lúc nói, ngâm... với sắc thái tình cảm khác nhau làm cho người nghe có thể hiểu được khá rõ ràng.

Bạn thân,
Rõ ràng là có những điều chúng ta chưa hiểu hết, mặc dù lòng chúng ta rất mực trân quý nghệ thuật quê nhà. Nơi xứ người, tôi tin rằng bạn sẽ có lúc ấm lòng khi nghe được tiếng đàn bầu một lúc nào đó... âm thanh của bao nhiêu là thế hệ sáng tạo...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.