Hôm nay,  

Công Nhân Ở Khu Mỏ

01/11/199900:00:00(Xem: 6066)
Bạn,
Tại Việt Nam phần lớn các khu mỏ đều tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam. Do các nhà máy khai thác khoáng sản tại Việt Nam đều thiếu các trang thiết bị an toàn lao động và bảo đảm sức khỏe cho công nhân, nên tại nhiều khu mỏ, số công nhân bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh do nghề nghiệp gây ra chiếm từ 25% đến 50%. Đối với công nhân mỏ than và mỏ đá, đa số đều mắc bệnh bụi phổi, ngoài da, riêng ở mỏ đá, công nhân còn bị thêm bệnh điếc. Theo thông tin trong nước, mới đây, khi các chuyên viên tiến hành điều tra trong số hơn 200 công nhân ở mỏ đá Kiện Khê (Hà Nam) người ta phát hiện thấy có 25% mắc bệnh đường hô hấp ở các mức độ khác nhau. Do bị bệnh tật, hầu hết các mỏ, công nhân nam đến tuổi 55 và nữ - tuổi 50 đều phải chuyển sang công tác khác hoặc phải nghỉ vì sức khoẻ suy kiệt. Ngoài sự nhiễm bệnh do môi trường lao động, công nhân còn có nỗi lo về tai nạn lao động xảy ra thường xuyên như ghi nhận sau đây của báo VN.
Đáng quan ngại hơn là những vụ tai nạn lao động. Thật khó tưởng tượng được rằng chỉ trong vòng 4 tháng ở khu khai thác đá Kiện Khê (Hà Nam) đã có 20 người chết do tai nạn lao động. Riêng tại khu Núi Bùi - Thanh Sơn, với diện tích chưa đầy 1km vuông, trong 9 tháng, 97 đã có 4 người chết do đá lở, đá lăn từ trên vách núi xuống đè vào người. Những vụ tai nạn xảy ra trong ngành đá thường rất thương tâm: Người bị đá đè chết không toàn thây, người bị bắn xuống núi. Đây thực sự là một báo động đỏ.

Nguyên nhân thứ nhất là thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều nơi vẫn dùng máy móc của những năm 60. Một số cơ sở liên doanh với nước ngoài (như của Cty Nam Bình, Cty đá Việt - Nhật, Cty VLGT 2 ở Ninh Bình...) do làm ăn thua lỗ đã phải nhường chỗ cho các thiết bị thủ công, mini cơ động hơn, nhưng cũng lạc hậu và thiếu an toàn hơn, nhất là ở các khâu như bắn mìn, khoan lỗ.
Tại các công trường đá, có tới 50% số công nhân làm việc cho các cai bưởng tư nhân, hoặc tư nhân núp dưới bóng Nhà nước. Ví dụ ở núi Bùi (Hà Nam), bên cạnh 3 doanh nghiệp nhà nước với khoảng 300 công nhân thì cũng có hơn 100 cơ sở tư nhân với 500 công nhân. Họ là những nông dân, phụ nữ, học sinh đi làm việc trong lúc nông nhàn. Họ chưa hề có hiểu biết gì về công nghệ khai thác, về Luật Lao động cũng như quy định về an toàn lao động. Trang bị An toàn lao động (ATLĐ) ngay trong các DNNN cũng rất ít ỏi, còn trong các cơ sở tư nhân lại càng hầu như không có. Hệ thống kiểm tra ATLĐ không được chú ý thường xuyên. Khi có TNLĐ xảy ra, họ chỉ còn biết trông chờ vào lòng hảo tâm của các cai bưởng.

Bạn,
Cũng theo báo trong nước, một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là vấn đề tổ chức về sản xuất đá. Rất nhiều cơ sở chui. Người lao động ở đây tất nhiên không được ký hợp đồng lao động. Còn trong các công ty quốc doanh CSVN đang khá phổ biến tình trạng khoán trắng sản phẩm cho công nhân. Ban giám đốc và các phòng ban chuyên môn hầu như không lo đến kế hoạch sản xuất, mà chỉ cần tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cấp phát bảo hộ lao động, chăm sóc y tế, khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân đều chỉ được làm chiếu lệ. Cuối cùng tất cả tai họa đều đè nặng trên cơ thể người công nhân mỏ vốn đã lầm than từ khi mới vào nghề!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.