Hôm nay,  

Chỉ Muốn Ở Lại Làng

11/08/199900:00:00(Xem: 6249)
Bạn,
Làng SOS Sài Gòn tại quận Gò Vấp là một những địa điểm nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang tại Việt Nam do các tổ chức xã hội quốc tế tài trợ. Hiện làng này có 155 thiếu nhi được chăm sóc bởi 20 phụ nữ trong vai trò mẹ nuôi. Theo nội quy của làng, đến tuổi 18, nếu không bị khuyết tật, các em sẽ được rời làng để hội nhập với cuộc sống bên ngoài. Thế nhưng, trong một cuộc hội thảo mới đây về chương trình nuôi dạy trẻ tại các làng SOS, ban giám đốc và các bà mẹ nuôi của làng này đã cho biết là hầu hết các em chỉ muốn ỡ mãi trong làng để được bảo đảm về cuộc sống. Thông tin này được báo Sài Gòn ghi nhận qua trích đoạn sau đây:
20 bà mẹ và nhiều nhà nghiên cứu phải ngồi lại họp nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp. Các em có ăn, có mặc nhưng không có tương lai! Ngôi nhà số 19 thuộc Làng SOS tại quận Gò Vấp- Sài Gòn mang tên Sao Mai. Đặt tên này, chị Lăng Thị Hường đã 10 năm nay làm mẹ của 8 đứa con trong làng, mơ ước: Những đứa trẻ con mình từng chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi sẽ tìm thấy ánh sáng cuộc sống và tương lai. Chẳng phải riêng chị, 20 bà mẹ của 155 cháu đang được nuôi dưỡng tại đây đều chung một mong muốn như vậy. Thế nhưng, sự cố gắng hết mình của các bà mẹ, của làng vẫn chưa đủ sức làm thay đổi nếp nghĩ của trẻ.

Hầu như tất cả các ý kiến tại hội thảo khoa học “Tìm giải pháp giúp cho thanh niên Làng SOS hòa nhập xã hội và tự lập cuộc sống bản thân” được tổ chức vào sáng 20-7-99 tại làng SOS Sài Gòn đều có chung một nhận xét: Các em sống quá ỷ lại. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, nhân viên giáo dục của Làng SOS, cho biết: “Trẻ được đón về làng với nhiều nguồn gốc khác nhau: có trẻ là con vô thừa nhận, có trẻ do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mồ côi cha mẹ, bơ vơ không nơi nương tựa, hoàn cảnh đáng thương, đáng được chăm sóc chu đáo. Nhưng qua nuôi dưỡng, phần lớn trẻ đều ỷ lại, thiếu ý thức lao động, thiếu tinh thần tự lập, không muốn đi vào con đường mưu sinh lập nghiệp mà chỉ thích kéo dài cuộc sống dựa dẫm vào làng”. Lý giải điều này, trong các tham luận, mọi người đã chỉ rất rõ nguyên nhân: Chính môi trường bao cấp hoàn toàn, không có quy chế cụ thể về việc hòa nhập vào xã hội khi trẻ đã lớn dễ tạo nên tư tưởng buông xuôi, chờ đợi. Chị Nguyễn Thị Hà ở nhà số 7 tâm sự: Suốt 10 năm nay tôi làm mẹ của 10 đứa con không chỉ bằng tình thương mà là trách nhiệm. Quản lý các cháu đủ lứa tuổi, đủ hoàn cảnh quả không phải chuyện giản đơn. Lại còn lo các cháu học hành, ứng xử... nhiều khi cay đắng lắm.
Nhiều cháu có ý thức vươn lên, muốn đi học và phấn đấu để có tương lai cho mình nhưng có cháu đủ điều kiện mà vẫn chỉ học “tà tà”, cứ nghĩ ra trường hay không cũng vẫn có người lo nên rất khó trong dạy dỗ, thuyết phục. Áo, cái nôi của Làng SOS, cũng bó tay Chia sẻ với những điều này, chị Nguyễn Ngọc Châu ở nhà số 14 Làng SOS bày tỏ: Mặc dù mẹ con gắn bó, chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn cảm thấy một “khoảng cách vô hình” trong mối quan hệ, nhưng các cháu sẽ không nói ra, dẫn đến sự thụ động, thiếu tự tin. Ngoài ra, môi trường giao tiếp của các cháu cũng rất hạn chế, việc sinh hoạt và học tập đều gói gọn trong làng. Còn nếu muốn mở rộng hơn, chúng tôi cũng không dám vì không thể theo sát để quản lý được.
Bạn,
Phát biểu tại cuộc hội thảo này, ông Nguyễn Văn Trừng, giám đốc Làng trẻ em SOS Sài Gòn đã tâm tình: Chúng tôi mong muốn với trách nhiệm làm cha, làm mẹ, các em sẽ chọn được con đường vào đời phù hợp nhất, trở thành công dân hữu ích cho xã hội, xây dựng được mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng làm được hay không, cuối cùng là do chính các em!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.