Hôm nay,  

Ước Mơ Của Học Trò Nghèo

29/05/200100:00:00(Xem: 4658)
Bạn,
Theo các báo quốc nội, tại vùng ven Sài Gòn thì Nhà Bè là một trong 2 huyện nghèo nhất, chỉ sau Cần Giờ.. Đa số các xã thuộc huyện này khó có thể thoát nghèo bằng nông nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, nhiều gia đình nghèo đã tìm cách thoát nghèo bằng cách lo cho con đi học. Thế nhưng, hiện nay tại nhiều xã của huyện này có đến hàng trăm trẻ em có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều học sinh xuất sắc như những trường hợp sau đây xảy ra tại xã Kiến Phước theo ghi nhận của báo Người Lao Động.

Đến thăm ấp 4 của xã này, phóng viên báo NLĐ đã được nghe một giáo viên tên là Lê Thanh Hải kể lại trường hợp của một học sinh lớp 5 tên Nghĩa. Mới đây, khi được tin trò Nghĩa nghỉ học, thầy Hải đã gửi cho Nghĩa lá thư, trong đó có câu: Con đừng nghỉ học nữa, gần đến kỳ thi rồi, thầy và các bạn sẽ giúp con. Trò Nghĩa đã òa khóc khi đọc được những dòng chữ do chính tay thầy chủ nhiệm lớp gửi đến. Nghĩa đã nghỉ học 3 ngày. Mặc cho kỳ thi tiểu học đã gần kề, cậu học trò lớp 5 trường Phước Kiểng 2 này đành phải nghỉ học để không nhìn thấy cảnh mẹ vay nợ cho mình đi học.

Từ lộ chính của ấp 4, phóng viên báo Người Lao Động đi qua những con đê ngoằn ngoèo đến gần 7 cây số, đoạn đường mà sáng sáng trò Nghĩa phải thức dậy từ lúc còn tờ mờ để đến trường. Những ngày trời mưa, con đường bùn đất nhão nhoẹt này trở nên dài hun hút. Có hôm mưa to, để đến trường Nghĩa phải lộ bộ từng hai tiếng. Thầy Hải kể những hôm ấy, đến lớp, từ đầu đến chân em dính đầy đất sình nhưng khó khăn mấy Nghĩa cũng không bỏ học, không những siêng học em còn là một học sinh giỏi. Phóng viên báo NLĐ gặp Nghĩa tại nhà, khi em chuẩn bị cùng cha đi kéo lưới. Cậu bé đen thui và nhỏ thó so với những người bạn cùng trang lứa này thường bắt đầu một ngày của mình từ 4 giờ 30 sáng quần quật mò cua, bắt cá, phụ cha kéo lưới hay đi làm thuê, làm mướn. Cả nhà cùng làm việc nhưng không nuôi nổi 8 miệng ăn. Nước ròng còn kiếm được hai-ba chục ngàn, nước lớn cả nhà húp cháo. Chị Võ Thị Bờ, Mẹ Nghĩa, nói rằng chị thấy con ham học, bấm bụng mượn nợ cho con đến trường, nhưng đến bây giờ gia đình đã hết cách. Suốt cả một buổi nói chuyện, Nghĩa chỉ nói với chúng tôi đúng một câu: Con mơ ước được đi học.

Phóng viên báo NLĐ kể lại rằng không chỉ có em Nghĩa, mà còn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm khác như trường hợp em Bùi Văn Ba ở ấp 2, học sinh lớp 10, Trường Lê Thánh Tôn, cũng đối đầu với một khó khăn rất lớn khi đến tháng 6 này chương trình học bổng của một tổ chức từ thiện dành cho em kết thúc. Hay như trường hợp của em Vương Thị Cẩm Kiều, nhà ở ấp 3, cha mẹ em hàng ngày đi mua bán ve chai, nhiều lắm cũng chỉ được 20 ngàn đồng nuôi không nổi bốn miệng ăn, để Kiều được đi học, cuốn sổ nợ của gia đình ngày càng dày thêm. Học giỏi, chăm ngoan, có khiếu mỹ thuật. Kiều đã từng tự hào với những lời phê của giáo viên dành cho em, thế mà giờ đây, nguy cơ nghỉ học có thể xảy ra với em bất cứ lúc nào. Kiều nói với nhà báo: “Em rất sợ phải nghỉ học.”

Bạn
Phóng viên ghi nhận rằng cái ước mơ tưởng chừng rất nhỏ nhoi là được đến trường với bạn bè đồng trang lứa lại không hề đơn giản chút nào đối với nhiều học sinh xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Tại xã này, trẻ có nguy cơ bỏ học có đến hàng trăm em thuộc 426 gia đình nghèo. Chỉ tính riêng trong tháng 4 năm 2001, có đến 30 em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Một phụ nữ chuyên phụ trách giáo dục của xã cho biết nhiều trường hợp như em Nghĩa, em Kiều học rất giỏi nhưng đều phải bỏ ngang vì hoàn cảnh gia đình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.