Hôm nay,  

Nghề Xe Ôm

02/04/200000:00:00(Xem: 6317)
Bạn thân,
Chưa bao giờ kỹ nghệ xe ôm bùng nổ như hiện nay. Đó là cách giải quyết thất nghiệp tiện nhất, mặc dù không phải dễ kiếm tiền nhất. Báo Tiền Phong tường trình về nghề xe ôm tóm lược như sau.

Người lái xe ôm là bạn học của tôi. Ngày xưa anh học cũng khá, tốt nghiệp trường tài chính. Ra trường anh xin được công tác ngay tại thành phố làm kế toán một nhà máy chuyên sản xuất đá hoa. Hồi đó anh là người rất may mắn, bởi lớp sinh viên không có bậc cha mẹ làm to quen biết rộng thì lần lượt nhận quyết định đi khắp miền đất nước. Thế nhưng cuộc đời ai học được chữ ngờ!... Anh đi làm bao nhiêu năm mới lên được chức phó phòng tài vụ. Cái nhà máy sản xuất gạch với những cái máy cổ lỗ sĩ không cạnh tranh được với những dây chuyền ngoại nhập... Kéo theo làm ăn thua lỗ đành giải thể. Lên quan thì chậm mà “ra đường thì nhanh”. Và thế là anh được về “một cục”. Các bạn bè thời cùng học với anh, sau bằng ấy thời gian lưu lạc khắp miền đất nước nay hình như góp mặt đủ tại thành phố. Nhiều người cũng có chức quyền. Nhưng cũng không xin nổi cho anh một chân bàn giấy, hay một công việc thích hợp.

Vợ anh là cô giáo dạy nhạc họa nên không thể dạy thêm được. Thế là anh tự kiếm việc làm. Anh đã làm qua các nghề như bơm bật lửa ga, thợ cắt tóc và cuối cùng là anh xe ôm. Anh hành nghề này tới nay là bốn năm…

Trong các loại nghề có lẽ nghề xe ôm là đa thành phần nhất. Từ anh trí thức, bộ đội xuất ngũ cho đến người vừa hết hạn tù... Chỉ cần có một cái xe tàng cỡ từ năm đến bảy triệu đồng là hành nghề được rồi. Thậm chí không rành đường thành phố cũng được. Bởi khách đi xe sẽ chỉ đường cho anh.

Trước đây xe ôm ở TP Sài Gòn chỉ có loáng thoáng nhưng từ năm 1991 do mở cửa nên nghề xe ôm phát triển rầm rộ. Bất cứ du khách nào đi bộ vãn cảnh thành phố chỉ cần đi khoảng 500 mét là chắc chắn có vài anh xe ôm lượn vè vè theo mời chào. Khách mà trông xịn một chút thì khổ đó bởi mấy xe ôm bám kỹ lắm. Có lần mấy vị Việt kiều đi dạo bị ba anh xe ôm bám theo phải chạy vào đứng cạnh anh cảnh sát giao thông để tránh nạn. Dễ hiểu thôi bởi người nhiều việc ít, không bám theo không có việc làm.

Dăm năm về trước thu nhập của anh xe ôm khá cao. Mỗi ngày trung bình có thể kiếm được 70 ngàn. Ngày tết thì có thể hơn... Còn bây giờ thì chỉ khoảng 30 ngàn. Và cái nghề này giống như nghề đi câu vậy. Có ngày vác giỏ về không cũng là chuyện thường tình…

Cách đây hai năm kế nhà tôi có một cặp vợ chồng mới sinh con. Cả hai người đều làm chung một xí nghiệp. Vợ là thợ may công nghiệp, chồng làm bộ phận kiểm đếm. Đứa con được bốn tháng thì chị vợ phải đi làm. Thế là ông chồng điện về quê gọi cậu em đang làm ruộng ở Thanh Hoá vào bế cháu. Chàng trai hai mươi lăm tuổi khá đẹp trai to con vào làm nghề giữ trẻ cho anh chị. Tôi để ý thấy chàng trai bế cháu khéo ra phết, cho cháu ăn bột, giặt tã đi chợ... Ông anh hứa sau một năm cháu cứng cáp gửi nhà trẻ được sẽ cho cậu em tiền tàu và một triệu đồng. Và một năm trôi qua, đứa cháu đã lớn, chàng trai nhất định không về quê nữa. Chàng vay tiền mua một cái xe tàng tàng làm nghề xe ôm.

Thanh niên nông thôn mặt mũi sáng sủa hiền lành lắm khách ra phết. Mấy người trong khu bận đi làm việc tin tưởng giao cho chàng làm nghề đưa đón trẻ đi học. Được một năm chàng sang nhà xin từ chối nói rằng mới xin được việc khác ngon hơn. Hỏi chị vợ em chồng làm nghề gì thì chị cười kể chuyện:

“Một buổi chiều chú đang đứng ở bưu điện thành phố đón khách. Bỗng có một cô gái khá xinh đẹp đi tới. Như thường lệ chàng trai cất tiếng mời. Cô gái nhìn chàng trai cất tiếng:
- Anh cho tôi ra chợ Lớn.
Chàng xe ôm lễ phép:
- Cô cho tôi xin mười ngàn"
Cô gái cười:
- Bộ anh tưởng tui kẹo lắm sao mà phải ra giá trước.

Biết gặp được khách xịn chàng trai lập tức nổ máy chở khách đi. Đi được nửa đường thì cô gái bảo anh xe ôm dừng lại vào quán uống nước. Do đọc báo công an nhiều nên chàng tuy vào nhưng tỏ ra rất cảnh giác không chịu nhấp dù chỉ một giọt cà phê. Cô gái biết ý lên tiếng:
- Đừng sợ, tôi mời anh vào đây để mời anh một hợp đồng làm ăn mới. Tối tối anh đến nhà chở tôi đến các vũ trường tôi sẽ trả anh 50 ngàn cả đi và về.

Thế là chàng y hẹn. Chỉ có điều là khi chàng đến nhà, nàng bắt cất chiếc xe ôm và thay bằng chiếc Dream để chở nàng đi. Tới nơi chàng ngồi uống cà phê và chờ nàng ngoài cổng. Có lần chàng hỏi tại sao không biết nhà cửa mà dám giao cho cả một chiếc Dream" Cô khách hàng xinh đẹp tựa đầu vào chàng xe ôm thẽ thọt:
- Trước khi thuê anh, em đã bí mật quan sát anh mấy lần rồi hiểu không!
Sau lần đó nàng giao cả chiếc xe cho chàng sử dụng”.

Phải nói rằng anh xe ôm đã mất ngay hình bóng chàng vú em của ngày hôm qua. Thay vào đó là một người lịch sự trông rất trí thức. Vài tháng sau, anh chàng ở đâu không rõ. Nhưng thỉnh thoảng họ có chở nhau đến thăm nhà anh chị. Trông họ cứ như một cặp tình nhân con nhà giầu.
Cùng nghe chuyện này có một ông khách của tôi là nhà thơ cao tuổi. Nghe xong ông trầm ngâm:
- Đó cô thấy không. Ngay một cô gái hư cũng hướng tới tình yêu trong sạch. Tình yêu là thiêng liêng lắm!

Người bình thường bảo chàng dại dột thế nào cũng sa bẫy ả đó. Mấy gã đàn ông tuổi sương sương đã có vợ có con tặc lưỡi suýt xoa muốn bỏ nghề đi làm xe ôm. Một ông hàng xóm bình luận: “Đừng mơ! Trong nền kinh tế thị trường đàn ông đẹp trai nó có cái giá của nó. Quá xấu trai đi làm nghề xe ôm thì đến khi bạc tóc cũng không có vận may như vậy”.

Có một chuyện lạ là trong các khu lao động tỷ lệ đàn ông thất nghiệp ngồi nhà nội trợ lại cao hơn phụ nữ. Phải chăng đàn ông thiếu sự nhẫn nhịn nên không có việc làm... Và thế là sau nhiều lần tìm việc không ra cách đơn giản nhất là đi làm anh xe ôm. Trừ loại xe ôm chở đào đến các vũ trường thì xe ôm chia ra làm hai loại: chuyên nghiệp và nghiệp dư. Loại nghiệp dư là những người đàn ông có công việc không đều. Lúc nào rỗi việc hoặc không có việc mới đi ra đâu đó để kiếm khách. Những người chuyên nghiệp thường ra bến xe, nhà ga đón khách. Ở đây đông khách hơn nhưng thường cũng vẫn phải nộp tiền mãi lộ.

Một lái xe ôm ở bến xe Miền Đông kể chuyện. Tháng nào anh cũng phải nộp cho bọn đầu gấu ở đây 100 ngàn thì mới yên thân với nó. Cao điểm vào những tháng ngày tết có khi phải tới 300 ngàn. Không nộp thì chỉ có cách bán xới đi nơi khác.

Một số lái xe ôm khác thì đi lòng vòng trong thành phố hoặc đến một con hẻm nào đó đứng chờ khách. Họ thường có một lượng thường xuyên là các bà già đi chợ, những em nhỏ đi học, hay chở thuê mối hàng cho mấy bà bán hàng ở chợ.

Bạn thân,
Đoạn kết bài báo ghi thêm mặt trái đầy nước mắt của nghề như sau: “Xe ôm cũng là một nghề nguy hiểm. Nếu đoạn đường vắng chỉ cần một mũi dao dí vào lưng, thậm chí một khẩu súng thì hầu như bất kỳ một người lái xe ôm nào cũng đành chịu thúc thủ. Nhiều người lái xe ôm bị đánh tử thương hoặc bị giết cướp xe. Đời xe ôm quả thật đầy nắng mưa lênh đênh và nhiều bất trắc.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Địa cầu ngày càng nóng hơn, biến đổi khí hậu (BĐKH) gay gắt hơn, biển ngày càng dân cao hơn, nhiều vùng ven biển Việt Nam đang sạt lở tới mức báo động, diện tích nông nghiệp ở nhiều vùng đồng bằng bị biển xâm thực và ngập mặn nhiều hơn…
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng chậm lại trong năm 2019, nhưng vẫn là mức tăng nhanh nhất khu vực.
Du khách tới Sài Gòn tăng đều… Tiền thu nhờ du lịch tăng đều…
Du học sinh không muốn về lại Việt Nam… Không ai muốn về cả.
Hít thở cũng là một khó khăn mới tại Sài Gòn… khi không khí bỗng nhiên ô nhiễm hơn.
Giảm giờ làm có nên không? Hầu hết người lao động đều muốn giảm bớt giờ làm việc…
Ngang ngược là kiểu Trung Quốc truyền thống… Hung hăng để chiếm đất, chiếm biển… May mắn thời này còn quốc tế.
Lại mưa lụt Đồng Nai… nơi trước giờ mưa thuận gió hòa so với các tỉnh Miền Trung…
Đòi nợ bằng bạo lực là một hiện tượng đáng sợ tại nhiều thành phố lớn. Đòi nợ thuê là một dịch vụ gây kinh hoàng…
Gần đây, thấy có người gọi Việt Nam là “xứ Đông Lào”… chữ này thoạt nghe hơi khó hiểu, nhưng nghĩ một chặp mới hiểu ra, rằng VN là đất nước phía Đông nước Lào, cũng một dạng chậm tiến y hệt như “chính chủ nước Lào”…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.