Hít thở cũng là một khó khăn mới tại Sài Gòn… khi không khí bỗng nhiên ô nhiễm hơn.
Báo SGGP kể: Theo Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TP.SG, chất lượng không khí TP.SG đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học quốc gia TP.SG thì hoạt động giao thông phát thải các chất ô nhiễm cao nhất, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP.SG... Một trong những phát hiện mới của Viện Môi trường và Tài nguyên đó là phát thải từ hoạt động bến cảng tàu của TP.SG đóng góp một phần đáng kể vào vấn đề ô nhiễm không khí của TP.SG, cảng biển đóng góp vào 15% tổng phát thải SO2 của toàn TP.SG, 5% bụi...
Bản tin VnExpress kể về Sài Gòn: Bụi mịn không khí gây viêm nhiễm hô hấp… TP.SG đang có bụi mịn PM2.5 cao hơn 4 lần quy chuẩn quốc gia, tác hại đến đường hô hấp, hệ thống mạch máu toàn cơ thể. Theo AirVisual, những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP.SG ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam) - là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe của người dân...
Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi. Tiếp xúc lâu dài gây gia tăng viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh..
Báo Thanh Niên kể: Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.
Bản tin VOV kể chuyện Quảng Ninh: Đứt đường dây điện cao thế, 2 công nhân bị bỏng… Các lực lượng chức năng đã kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ của 2 công nhân bị bỏng.
Cuối giờ làm việc sáng 23/9, 2 công nhân đang thực hiện đổ bê tông ở công trình xây dựng tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ bị bỏng nặng do đường dây điện cao thế rơi trúng người.
Kênh 14 kể: Ít nhất 12 học sinh khối lớp 3 tại trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (quận 2, TP.SG) có biểu hiện đau bụng, nôn ói sau khi dùng bữa trưa tại trường. Chiều tối 23/9, đại diện Đội liên Quận 2-9-Thủ Đức cho biết đã tiếp nhận thông tin một số học sinh thuộc lớp 3 của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (quận 2, TP.SG) xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói sau bữa ăn.
TTXVN kể về sạt lở Long An: Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở bờ sông Cần Giuộc, với tổng chiều dài khoảng 2.400m, thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Theo đó, khu vực sạt lở gồm: Đoạn ấp 4, xã Long Hậu, từ cầu Rạch Dơi, dọc bờ sông Cần Giuộc hướng về xã Phước Lại (chiều dài khoảng 750m); đoạn thị trấn Cần Giuộc, từ rạch Trị Yên, dọc theo sông Cần Giuộc đến điểm cuối Km1 +650, tại hạ lưu bến phà Cần Giuộc (chiều dài khoảng 1.650m).
Báo Xây Dựng kể về sạt lở Sài Gòn: TP.SG có 19 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm… Trong số 37 vị trí sạt lở, có 18 vị trí nguy hiểm và 19 vị trí đặc biệt nguy hiểm, tập trung tại các quận 2, 8, 12, Bình Thạnh,… và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ…
Ngày 23/9, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.SG cho biết vừa phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải kiểm tra và phân loại mức độ sạt lở tại các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND TP.SG.
Báo Người Lao Động kể chuyện gỗ: Trong 5 tháng, có 49 dự án đầu tư vào ngành gỗ… Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm qua. Đặc biệt, 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ đầu tư hơn 60% trong tổng số dự án. Làn sóng chuyển dịch quá nhanh, quá nhiều đã khiến nhu cầu nhân công sản xuất gia tăng, kéo theo tình trạng khan hiếm lao động, giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng 10%-20% so với trước nhưng DN rất khó tuyển dụng.
Báo Tuổi Trẻ kể chuyện nghiên cứu cũng có khi dỏm: Bỏ công nghiên cứu nhiều tháng, có khi gần cả năm, nhưng cuối cùng kết quả lại trái với lý thuyết, không ít sinh viên 'bí đường' đã tự mình 'chế' nội dung báo cáo sao cho đẹp nhất thay vì sử dụng số liệu thực tiễn.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên trưởng khoa kỹ thuật ôtô Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.SG), việc sinh viên "vẽ" số liệu cho hợp lý thuyết khi thực hành thường xảy ra nhưng nhiều giảng viên thông cảm bỏ qua vì điều kiện thực hiện thí nghiệm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo ông Mai, nguyên nhân chính là do trang thiết bị nghiên cứu ở VN còn khá đơn sơ, đặc biệt những bộ dành cho sinh viên hay học sinh, dẫn tới nhiều sai số lớn trong các thí nghiệm phức tạp.
Lao Động Trẻ kể: Ngày 21.9, Khu chợ dưới lòng đất đầu tiên ở TP.SG đã được bổ sung hàng trăm mặt hàng và món ăn Châu Á và chính thức đổi tên thành Central Market để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm và thưởng thức ẩm thực của người dân thành phố và khách du lịch quốc tế.
Tổng diện tích tầng hầm Central Market là 11.000 m2, trong đó dành riêng hơn 4.000 m2 làm bãi đậu xe nên sức chứa khoảng 150 xe ô tô và 600 xe máy. Trong đó, khu Asiana Food Town có diện tích 1.500m2 , tái hiện lại không gian văn hóa ẩm thực giúp thực khách trải nghiệm hết tinh hoa ẩm thực Á – Âu được chế biến bởi chính đầu bếp đến từ quốc gia đó, đặc biệt là món ăn ba miền Việt Nam với gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản…
Báo Dân Trí kể: Tình trạng này xảy ra tại khu vực ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.SG. Theo phản ánh của người dân tại đây, từ khi có nước máy thì họ không dám dùng ăn uống mà chỉ dùng để tưới cây, rửa xe… vì nước quá bẩn. Người dân sống tại đây cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhất là sau mỗi lần cúp nước. Lúc đó, nước máy thường bị đục, ngả màu cánh gián.
VietnamNet kể: Lượng khách Trung Quốc đến các điểm du lịch châu Á đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Theo như số liệu vừa được công bố tại Thái Lan, lượt khách Trung Quốc đến quốc gia này đã giảm 4,73% vào trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường khách sạn ghi nhận mức giảm 3% tổng lượt khách Trung Quốc và 10% hệ số doanh thu trên phòng trong nửa đầu năm 2019.
PetroTimes kể: Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.SG, bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới tuổi 40.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5 - 7 năm người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế. Theo nghiên cứu mới nhất năm 2019 đăng trên Tạp chí Lancet Neurology, trên thế giới có khoảng 6,1 triệu người mắc bệnh Parkinson. Việt Nam hiện có khoảng 85.000 người mắc bệnh này.
Báo Cung Cầu kể: Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất cảng thủy sản sang các thị trường chủ đạo đa số bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; xuất cảng sang Mỹ - thị trường tiêu thụ thủy sản hàng đầu của Việt Nam giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 955,1 triệu USD, chiếm 17,4% trong tổng kim ngạch xuất cảng thủy sản của cả nước;
Xuất cảng sang thị trường EU cũng giảm 12%; đạt 846,81 triệu USD, chiếm 15,4%; xuất cảng sang Hàn Quốc giảm 6,3%, đạt 504,91 triệu USD, chiếm 9,2%; xuất cảng thủy sản sang Khu vực Đông Nam Á giảm 0,7%, đạt 430,17 triệu USD, chiếm 7,8% trong tổng kim ngạch xuất cảng thủy sản của cả nước.
Kênh 14 kể: 7 sinh viên biến làng trồng rau củ thành làng bích họa đầu tiên của Hà Nội… Bằng chất liệu dân sinh quen thuộc, nhóm bạn trẻ đã biến Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) thành làng bích họa đầu tiên, tràn đầy màu sắc của Hà Nội. Từ sạp hàng đến luống rau, quả bí,... đều lần lượt xuất hiện vô cùng ấn tượng trên những bức tường vốn cũ kĩ trước đó.