Địa cầu ngày càng nóng hơn, biến đổi khí hậu (BĐKH) gay gắt hơn, biển ngày càng dân cao hơn, nhiều vùng ven biển Việt Nam đang sạt lở tới mức báo động, diện tích nông nghiệp ở nhiều vùng đồng bằng bị biển xâm thực và ngập mặn nhiều hơn…
Tạp Chí Tài Chính có bài viết “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới kinh tế nông nghiệp Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Lan - Khoa Biển và hải đảo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ghi nhận:
“Các tác động của BĐKH như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, cụ thể:
Thứ nhất, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…”
Trong khi đó, chính dân mình cũng hại dân mình. Báo Thanh Niên kể về: Vấn nạn khai thác cát trên sông Mê Kông… Hoạt động khai thác cát ồ ạt trên sông Mê Kông, nhất là ở Campuchia, dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài và đe dọa đời sống người dân.
Trong báo cáo gần đây, cơ quan Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cảnh báo hoạt động khai thác cát hợp pháp lẫn bất hợp pháp đang làm xói mòn vùng châu thổ, bờ biển khắp thế giới, từ Campuchia cho đến Colombia. Hoạt động này đang hủy hoại môi trường, đe dọa sinh kế của nhiều người dân, trong khi quy định pháp luật chưa bắt kịp nhu cầu về cát xây dựng, theo UNEP. Cụ thể, sông Mê Kông đang đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm các đập thủy điện và khai thác cát do nhu cầu đô thị hóa ở Đông Nam Á, trong đó Campuchia xuất khẩu nhiều cát nhất.
Báo Nông Nghiệp VN kể chuyện tỉnh Tuyên Quang: Chòng chành bên miệng Hà bá… Một khúc sông Lô dài 2km tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có tới 3 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Vì thế, người dân nơm nớp lo bờ xôi ruộng mật có thể bị Hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Tại biên bản làm việc ngày 19/8/2019, thành phần gồm cán bộ Phòng TN- MT huyện Hàm Yên, cán bộ xã Thái Hòa, trưởng thôn Soi Long đã xác nhận, căn cứ hiện trạng sử dụng đất của các hộ có đất ven sông Lô đoạn thôn Soi Long bị sạt lở, nhân dân trong thôn kiến nghị kiểm kê, xác định thiệt hại.
Theo đó có 58 hộ dân có đất đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, với hơn 1.200m2. Nhiều hộ bị sạt lở lớn, như gia đình bà Đỗ Thị Bích 120m2; gia đình ông Trần Văn Lực 66m2; gia đình ông Nguyễn Thế Trị 90m2…
VTV kể chuyện miền Tây: Tình trạng tại Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường. Nhà cửa, đất đai, tài sản bỗng cuốn trôi sông. Hàng chục ngàn hộ dân loay hoay tìm sinh kế. Niềm vui sản vật dồi dào khi lũ về đã không còn trọn vẹn, vì cùng với đó, là những điểm sạt lở liên tục xuất hiện. Điển hình là An Giang, một tỉnh đầu nguồn, chỉ trong 4 ngày, từ 15 - 18/9, đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng ở TP Long Xuyên và huyện Chợ Mới. Khó khăn lớn nhất hiện nay là không có nơi để di dời dân vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Đến giữa tháng 9/2019, tỉnh An Giang đã 3 lần công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông. Toàn tỉnh hiện có 51 đoạn sạt lở, trong đó hơn 5.300 hộ dân cần di dời khẩn cấp. Trong đó, huyện Chợ Mới khi có đến 44km bờ sông bị sạt lở với 700 hộ dân cần bố trí nơi tái định cư.
Báo Lao Động cũng báo động về Miền Tây: Sạt lở bủa vây, chiều dài sạt lở đã lên đến gần 800km… Hiện toàn vùng ĐBSCL có 526 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó có 57 điểm đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở diễn ra với tần suất ngày càng cao, và gần như trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả mùa khô.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng gia tăng, các điểm sạt lở nhiều hơn các điểm bồi. Nguyên nhân chính là phù sa đi tới vùng ĐBSCL càng ngày càng bị suy giảm do các đập thuỷ điện ngăn chặn dòng nước, tương lai các nước xây thêm các đập thuỷ điện khác vùng ĐBSCL càng bị tổn thương hơn nữa.
Số liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế cho biết, so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Về cát, sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn một hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL nữa.
Báo Đầu Tư kể chuyện sạt lở Cà Mau: Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện trên 28.400 km bảo vệ bờ biển Đông và bờ biển Tây. Hiện tại, cả bờ biển Tây và bờ biển Đông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Riêng bờ biển Đông đang bị sạt lở mạnh, mỗi năm ăn sâu vào đất liền từ 30 – 50 m, có những điểm đặc biệt nghiêm trọng mất từ 80 – 100 m/năm.
Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đã rà soát và ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông ở 08 điểm đặc biệt nghiêm trọng, với tổng chiều dài trên 26.700 km. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở này với số tiền trên 947 tỷ đồng.
Báo Dân Việt kể chuyện Kon Tum: Đường gần 500 tỷ mới bàn giao đã sạt lở, lầy lội… Tỉnh lộ 674 qua huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) dài 36 km, tổng vốn đầu tư hơn 482 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã liên tiếp sạt lở, lầy lội hàng chục điểm, khiến giao thông tắc nghẽn.
Tỉnh lộ 674 là tuyến đường huyết mạch nối từ xã Sa Sơn đến xã biên giới Mô Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có tổng vốn đầu tư hơn 482 tỷ đồng do UBND Sa Thầy làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty TNHH Tuấn Dũng thi công.
Báo Tổ Quốc kể chuyện Nghệ An sạt lở: Kênh tưới tiêu Châu Bình nằm trong dự án hồ chứa nước Bản Mồng có tổng vốn đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng (năm 2016). Tuy nhiên, sau 5 năm thi công kênh tưới tiêu vẫn chưa hoàn thành sạt lở nghiêm trọng, đất đá bồi lấp, các hạng mục hư hỏng nặng.
Dự án kênh tưới tiêu Châu Bình nằm trong một phần dự án hồ chứa nước Bản Mồng, phục vụ các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ (Nghệ An) do Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) thi công. Đây là hạng mục dài gần 10km, nhưng trong quá trình thi công có nhiều đoạn bị sạt lở, bồi lấp kéo dài trên 2km.
VnExpress kể về nhiều con sông: Từ năm 2017 đến nay, hơn 180 km bờ sông Thạch Hãn, Hiếu, Vĩnh Định, Bến Hải... đã sạt lở, nhiều đoạn sâu vào 10 mét, đe doạ cuốn trôi đường liên xã, nhà dân...
...bờ sông Thạch Hãn qua hai thôn Đâu Kênh và Đại Lộc (xã Triệu Long) bị sạt lở gần 1,4 km. Nước cuốn phăng bờ tre hàng chục năm tuổi ra giữa sông, tiến sát vào đường liên xã. Người dân phải dùng cọc tre để gia cố tạm, chăng dây cảnh báo. Điểm sạt lở này còn đe doạ cầu Đại Lộc, là tuyến đường quan trọng nối nhiều xã vùng đông huyện Triệu Phong với TP Đông Hà.
Kênh Thời Tiết kể chuyện Bến Tre: tỉnh Bến Tre có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000 mét bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Đó là xói lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) chiều dài 1.200mét; xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) chiều dài 1.500mét; xói lở bờ biển khu vực xã Thừa Đức (huyện Bình Đại) chiều dài 3.000 mét; và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (TP.Bến Tre) với chiều dài 1.200mét.
Để thực hiện tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và TP Bến Tre khẩn trương vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực này.